Quyết định xử phạt Công ty cổ phần Tài chính và Bất động sản Vincon 14 triệu đồng vì vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp đối với Công ty cổ phần Vincom đã được Thanh tra Bộ Khoa học Công nghệ (KHCN) ký ngày 9-12-2010. Bốn ngày sau, theo kết quả giám định, Viện Khoa học (sở hữu trí tuệ) SHTT cho rằng dấu hiệu Vincon “tương tự đến mức có thể gây nhầm lẫn” với dấu hiệu Vincom đã được bảo hộ. Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa đủ chứng minh Vincon xâm phạm quyền SHTT về nhãn hiệu của Vincom.
Ngày 23-12-2010, Vincom đã khởi kiện Vincon vi phạm quyền SHTT về nhãn hiệu và tên thương mại của mình. Theo Vincom, chính sự tương tự giữa hai nhãn hiệu đã khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì những nhầm lẫn, vạ lây từ những rắc rối không hay trong nội bộ Vincon. Tất cả đang chờ phán quyết của tòa án.
Giống và tương tự
Viện trưởng Viện Khoa học SHTT Phạm Đình Chướng nói với TBKTSG rằng kết quả giám định dựa trên sự so sánh cấu trúc hai nhãn hiệu, gồm ký tự, cách phát âm, cách trình bày, ý nghĩa và sản phẩm dịch vụ, trên cơ sở có đặc điểm tác động đến nhận thức của người tiêu dùng về nhãn hiệu. Hai dấu hiệu Vincon và Vincom là tương tự nhau, và mức tương tự rất cao, chỉ khác nhau ký tự M và N, mà hai ký tự này cũng chỉ hơn kém nhau một nét.
Bản giám định này có thể được sử dụng trong phiên tòa sắp tới. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để kết luận liệu Vincon có xâm phạm quyền của Vincom hay không thì cần phải xét đến nhiều yếu tố khác.
Theo nhận định của một luật sư, dẫu đã được đánh giá là có “khả năng tương tự đến mức gây nhầm lẫn”, thì cũng cần cân nhắc đến yếu tố người tiêu dùng của hai nhãn hiệu này có nhẫm lẫn hay không. Bởi dù cùng kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, nhưng sản phẩm của hai công ty ở hai phân khúc thị trường khác nhau.
Sản phẩm của bên đi kiện là văn phòng cho thuê, căn hộ cao cấp, còn bên bị kiện là sản phẩm nhà ở xã hội. Vấn đề quan trọng là ở chỗ, khách hàng của loại sản phẩm này sẽ rất đắn đo, cân nhắc cẩn thận trước khi quyết định mua những sản phẩm có giá trị lớn như thế. Điều này khiến khả năng gây nhầm lẫn giữa hai nhãn hiệu giảm rất nhiều.
Năm 2007, Vincon đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp phép đăng ký kinh doanh. Như vậy việc xuất hiện và sử dụng tên Vincon, về mặt nguyên tắc, trong trường hợp đó là hợp pháp. Việc đặt tên lúc đó theo Nghị định 88/2006, vốn quy định trường hợp trùng tên là khi tên của doanh nghiệp đăng ký được viết và đọc bằng tiếng Việt hoàn toàn giống với tên của doanh nghiệp đã đăng ký. Tên được coi là gây nhầm lẫn khi tên tiếng Việt của doanh nghiệp đăng ký đọc giống như tên doanh nghiệp đã đăng ký.
Trong khi đó việc đặt tên của doanh nghiệp hiện nay lại theo Nghị định 43/2010, quy định trước khi đăng ký đặt tên, doanh nghiệp phải tham khảo tên của các doanh nghiệp đang hoạt động để tránh trùng và không gây nhầm lẫn, xâm phạm sở hữu công nghiệp.
Theo Tiến sĩ Trần Lê Hồng, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Cục SHTT, Vincom nộp đơn xin bảo hộ nhãn hiệu của mình ngày 26-1-2005, được cấp bằng vào ngày 26-6-2008. Theo luật, Vincom được bảo hộ tính từ thời điểm nộp đơn, tức năm 2005.
Đến đây, phát sinh trường hợp: Vincom có chữ Vincom với danh nghĩa tên của công ty, tức tên thương mại, có trước và nhãn hiệu Vincom đến năm 2008 mới được cấp bằng bảo hộ. Tên thương mại của Vincon xuất hiện năm 2007, trước thời hạn Vincom được cấp bằng, nhưng sau thời hạn được bảo hộ. Như vậy, Vincon cũng có thể vô tình khi đăng ký tên mình, và được cấp phép hoàn toàn hợp pháp, vì thế việc ra một quyết định hành chính xử phạt doanh nghiệp liệu có thỏa đáng?
Cách ứng xử mới
Trao đổi với PV, nhiều chuyên gia cho rằng việc xử phạt hành chính đối với Vincon là không thỏa đáng, bởi lẽ đây không chỉ là lỗi của doanh nghiệp, mà của cả cơ quan cấp phép. Do vậy, trong trường hợp vi phạm các quy định mới, có thể bắt buộc doanh nghiệp đổi tên, trên cơ sở thỏa thuận, chứ không phải bằng một quyết định xử phạt vì doanh nghiệp đã đăng ký và được cấp phép hợp pháp.
Khi Hà Tây nhập vào Hà Nội, có đến 600 doanh nghiệp trùng tên. Trong trường hợp đó, theo quy định mới, doanh nghiệp đăng ký sau sẽ phải đổi tên, và không thể phạt doanh nghiệp trong trường hợp này.
Việc Vincon có xâm phạm quyền của Vincom hay không, còn phải chờ sự phán quyết của tòa án, bởi những thương thảo bất thành. Đây sẽ là một quyết định quan trọng trong bối cảnh những vi phạm về SHTT vẫn rất phổ biến tại Việt Nam. Đây cũng là dịp để doanh nghiệp xem lại mình và có cách ứng xử mới với vấn đề SHTT.
Phân xử ở tòa là một việc cực chẳng đã, vì tốn kém chi phí, thời gian, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Chính vì thế, theo các chuyên gia, ngoài việc tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ và dấu hiệu riêng, doanh nghiệp cũng cần chú ý đến việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, sở hữu công nghiệp, hoặc đăng ký quyền tác giả để bảo vệ thương hiệu. Quá trình đó, không chỉ từ giai đoạn khởi nghiệp, mà còn phải thực hiện liên tục trong quá trình phát triển, cũng như phải có tầm nhìn xa hơn là các thị trường tiềm năng ở nước ngoài.
Những trường hợp trùng tên gây nhầm lẫn
- Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Sản xuất Nhựa ống Bình Minh và Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh. Cả hai đều được cấp phép hợp pháp trong cùng một ngành hàng là sản xuất ống nhựa và phụ kiện, ở cùng một khu vực. Thanh tra Sở Khoa học Công nghệ TPHCM cho rằng Nhựa ống Bình Minh vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ về đặt tên thương mại, còn Sở Kế hoạch và Đầu tư thì cho rằng họ làm đúng quy định, và Nhựa ống Bình Minh không vi phạm gì trong việc đặt tên, không phải sửa tên.
- Mùa tuyển sinh mới đây, Đại học Đông Á Đà Nẵng đã khiếu nại trường Đại học Công nghệ Đông Á, tỉnh Bắc Ninh, vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ. Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định đình chỉ việc tuyển sinh cao đẳng và đại học của trường đại học ở Bắc Ninh, thì trường Đông Á ở Đà Nẵng cũng bị vạ lây, vì nhiều người nhầm tưởng cả hai là một.
- Hãng luật WINCO đã đăng ký bảo hộ tên WIN và WINCO, nhưng một hãng luật khác, cùng chung một tòa nhà, lại sử dụng tên WINLAW. Sau đó hãng này đã phải chấp nhận đổi tên thương mại của mình.
- Việc tập đoàn Megastar trong công nghiệp và xây dựng trùng tên Megastar trong lĩnh vực kinh doanh phim ảnh. Incomex của Công ty cổ phần Xây dựng Sông Hồng ở Hà Nội và Incomex Saigon của Công ty cổ phần tập đoàn Đầu tư Xuất nhập khẩu tổng hợp Sài Gòn, hay hàng loạt doanh nghiệp trùng tên khác, nhất là ở các địa phương, vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Những cái tên đó, theo các chuyên gia, trong tương lai sẽ còn phát sinh nhiều rắc rối. |