Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) được gần hai năm cũng là lúc cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ toàn cầu diễn ra buộc các nhà nghiên cứu phải xem xét đến các vấn đề về thể chế. Nhiều nhà nghiên cứu chiến lược đặt vấn đề về sự cần thiết phải đổi mới nhận thức và điều kiện phát triển trong tình hình mới.
Khi đánh giá về cuộc khủng hoảng hiện nay ở Mỹ và các nước phương Tây, U-ma Hây-kiu (Umair Haque), nhà nghiên cứu chiến lược của Mỹ, đã đề cập tới những thay đổi mang tính thể chế. Ông viết: “Mặc dù đó là một khoảng thời gian kinh hoàng, chán nản và đầy thất vọng – người ta vẫn có thể tìm thấy một tia hy vọng trong cơn khủng hoảng, đó là: nó phụ thuộc vào việc chúng ta tái hình dung, thay đổi quan niệm, và tái sáng tạo chúng…”
(1).
Nguyên nhân của khủng hoảng bắt nguồn từ những đầu cơ bong bóng vào thị trường nhà, đất ở Mỹ, nhưng gốc rễ của nó chính là sự bất ổn của các thể chế tài chính – tiền tệ của tư bản chủ nghĩa. Các chương trình tái đầu tư, điều chỉnh tái cơ cấu đã được Mỹ và các nước châu Âu đề ra với những nguồn tiền khổng lồ từ ngân sách nhằm ổn định lại thị trường tài chính thế giới, như Quốc hội Mỹ thông qua giải pháp 700 tỉ USD, Cộng hòa Liên bang Đức chi 600 tỉ ơ-rô. Nhiều nước cũng đang kêu gọi sự giúp đỡ khẩn cấp của các định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).
1. Những thuận lợi và thách thức đối với các nước đang phát triển sau khi gia nhập WTO và trong bối cảnh thế giới năm 2008
Mặc dù quá trình quốc tế hoá, toàn cầu hoá kinh tế thế giới đang diễn ra hết sức mạnh mẽ, tự do hoá thương mại, tự do hoá tài chính dường như đang tạo ra những cơ hội đầu tư, sản xuất và xuất khẩu to lớn, song các nước đang phát triển không dễ gì đạt được sự phát triển theo cơ cấu kinh tế mà họ mong muốn.
Ngoài các yếu tố về chính trị, khoa học, kỹ thuật, theo chúng tôi, về khía cạnh kinh tế, một trong những điểm khác căn bản của môi trường quốc tế hiện nay là các thể chế kinh tế quốc tế đã được hoàn thiện và các nước phát triển có khả năng áp đặt các điều kiện “chơi” đối với các nước đang phát triển. Thực chất của vấn đề toàn cầu hoá, tự do hoá các nền kinh tế là thúc đẩy các nền kinh tế phải mở cửa, tham gia vào tự do hoá thương mại, đầu tư và thúc đẩy tự do cạnh tranh quốc tế. Các thể chế trong khuôn khổ của là một ví dụ. Sự áp đặt các điều khoản tự do về thương mại, thúc đẩy giao lưu hàng hoá theo hướng có lợi cho các nước phát triển không chỉ thể hiện qua các hàng rào kỹ thuật, các điều kiện về thanh toán quốc tế, mà còn thể hiện ngay trong cùng một sân chơi giữa các nước đều là thành viên của WTO. Những yêu cầu đặt ra đối với các nước gia nhập WTO sau càng lớn hơn lên và sẽ ngày càng làm bất lợi cho những nước tham gia sau nữa.
Các tổ chức tài chính quốc tế cũng đã hoàn thiện các chương trình, điều kiện về tín dụng cho các nước đang phát triển nhằm khuyến khích sự đầu tư phát triển sản xuất ở những nền kinh tế mà cơ cấu sản xuất, cơ cấu xuất khẩu vốn rất giống nhau. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ thì những khuôn khổ cho vay này đang dẫn các nước nhận tín dụng đến những cuộc cạnh tranh lẫn nhau quyết liệt hơn, trên bình diện rộng lớn hơn, vượt ra ngoài nền kinh tế của mỗi nước. Đó là một thị trường quốc tế rộng lớn đã được các nước phát triển kiểm soát thông qua các thể chế quốc tế, từ tín dụng đầu tư, đến sản xuất, thương mại quốc tế và thanh khoản. Đấy là chưa kể đến hàng hoá, máy móc của các nước phát triển, do sự áp đặt bởi các thể chế kinh tế của họ đã khiến cho giá cả của chúng khi được nhập khẩu vào các nước đang phát triển cũng tăng lên, như là một sự vô hình, không dễ tính ra được.
Sự thành công của các thể chế kinh tế quốc tế hiện nay thể hiện ở chỗ, nó làm cho mô hình phát triển dựa vào các lợi thế tương đối là sức lao động rẻ, dư thừa, nguồn nguyên nhiên liệu phong phú, cho tới nay đã không mang lại kết quả như mong muốn cho các nước đang phát triển. Ngược lại, sự phát triển dựa trên chính những lợi thế của các nước đang phát triển về sức lao động rẻ như phát triển ngành hàng dệt may, giầy dép, hàng nông – lâm – thủy sản, gia công lắp ráp máy móc và khai thác nguyên liệu thô xuất khẩu đang bị mất dần sức cạnh tranh do các cơ chế mà các nước phát triển áp đặt, và vì vậy, đang ngày càng làm cho họ bị nghèo đi, bị cạn kiệt dần nguồn nguyên – nhiên liệu.
Dù thế nào đi chăng nữa, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay đã cho chúng ta cơ hội nhìn nhận tỉnh táo hơn về con đường phát triển kinh tế của mình. Trong bối cảnh này, một xu thế nữa cũng đang được các nước đang phát triển đẩy mạnh thực hiện, đó là chuyển trọng tâm sang vấn đề tự do hoá mậu dịch, và coi đây như là một cứu cánh cho sự phát triển bền vững. Do vậy, đã xuất hiện khuynh hướng nhiều nước tích cực gia nhập WTO, đồng thời đẩy mạnh ký kết các hiệp ước mậu dịch tự do song phương cũng như thúc đẩy thương mại, đầu tư trong phạm vi khu vực, nhằm làm giảm thiểu các bất lợi và thiệt hại do khủng hoảng tài chính toàn cầu dẫn đến.
Tuy nhiên, cần nhận thấy rằng, xu hướng tự do hoá mậu dịch hiện nay chú trọng nhiều đến việc mở cửa thị trường lẫn nhau giữa các nước trong khi không đặt ưu tiên phát triển đúng mức. Nguyên tắc đồng thuận Oa-xinh-tơn sau khi bị chỉ trích nặng nề đã được mở rộng thêm một số điểm mới, ngoài những nguyên tắc về tự do hoá và tư nhân hoá ban đầu, như yêu cầu về điều tiết và kiểm soát tài chính, cải cách tư pháp và hành chính cũng như mạng lưới an sinh xã hội. Tuy nhiên, những cải cách này đều dựa trên những quan niệm Âu – Mỹ về tính bền vững của thể chế và nhu cầu hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Trong khi đó, để các nước đang phát triển có thể điều chỉnh cơ cấu thành công và phát triển bền vững, điều cần thiết nhất vẫn phải là đặt trọng tâm vào việc xây dựng và củng cố các thể chế trong nước cũng như những chiến lược đầu tư phù hợp với yêu cầu của từng nước.
Hơn nữa, những luật lệ của WTO như chống phá giá, các biện pháp về trợ cấp và trả đũa, về đầu tư liên quan đến thương mại trong nông nghiệp và hàng dệt, về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại (TRIPS) chủ yếu phản ánh lợi ích của các nhóm quyền lợi có thế lực tại các nước tư bản phát triển mà không hề liên quan gì đến các mục tiêu phát triển bền vững của các nước đang phát triển. Do vậy, các nước đang phát triển gia nhập tổ chức này cần phải tính toán kỹ để có thể tranh thủ tối đa các thuận lợi và cũng không thể không tính đến những khó khăn, thách thức mà các thể chế này một khi được áp đặt vào điều kiện cụ thể của từng nước vốn đang gặp vô vàn bất lợi khi tham gia sâu vào toàn cầu hóa.
Những khó khăn, thách thức đó ngày càng lớn đối với các nước đang phát triển, nhất là trong cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay. Chẳng hạn, trong năm 2008, sau 2 năm gia nhập WTO, nền kinh tế Việt Nam đã gặp biết bao khó khăn do những bất ổn từ bên ngoài mang vào: sự dao động bất thường về giá cả của hàng loạt mặt hàng xuất khẩu và phải nhập khẩu; áp lực từ các nguồn vốn bên ngoài rất lớn đối với ổn định vĩ mô trong điều kiện các thể chế quản lý về tài chính vốn đã yếu kém, nay càng trở lên trầm trọng,… Bên cạnh những mất mát do sự dao động quá bất thường về giá cả – giữa giá nguyên, nhiên liệu và giá sản phẩm công nghiệp mà các nước đang phát triển phải nhập khẩu, giờ đây các nước này cũng phải gánh thêm những tổn thất về lạm phát, khủng hoảng tài chính từ các nước phát triển xuất khẩu ra bên ngoài. Những cạm bẫy vô hình này đang làm kiệt quệ mọi nguồn lực mà các nước đang phát triển đã nỗ lực lâu nay: tập trung thu hút đầu tư và hướng mạnh vào xuất khẩu; tiếp tục phát triển dựa trên tăng trưởng chủ yếu từ các khu vực kinh tế này, bất chấp tài nguyên thiên nhiên, đất đai, nguồn nước ngày càng cạn kiệt và ô nhiễm.
Vấn đề đặt ra ở đây là, sự nhận diện kỹ, thấu đáo các vấn đề của quá trình phát triển, chấp nhận thách thức và khả năng có thể tranh thủ được các tiềm năng của môi trường quốc tế hoá về kinh tế hiện nay cho sự phát triển của mỗi nước.
2- Lựa chọn hướng phát triển
Khi xem xét lại lịch sử phát triển thần kỳ của một số nước công nghiệp mới ở Đông Á, người ta có thể đặt ra câu hỏi : Thực chất sự thành công của họ có khác nhiều so với những gì được ca ngợi bấy lâu nay? Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân dẫn đến thành công đó phải kể đến môi trường quốc tế trong giai đoạn mà các nước này tiến hành công nghiệp hoá. Theo một số nhà nghiên cứu, quá trình công nghiệp hoá ở Hàn Quốc, Đài Loan, Xin-ga-po, Hồng Công (Trung Quốc) diễn ra trong bối cảnh thị trường quốc tế đang mở rộng và các nước phát triển đã dành ưu tiên rất lớn về thị trường, về vốn đầu tư, mà những ưu tiên đó, các nước phát triển theo mô hình này ở giai đoạn sau không thể có được; và một số nước phát triển còn khuyến khích, mời chào các nước này tham gia tích cực vào các chiến lược phát triển về kinh tế, quân sự của họ, nhất là của Hoa Kỳ (trong thời kỳ chiến tranh lạnh). Một nguyên nhân khác, quan trọng hơn, là các nước này đã xác lập được cơ cấu kinh tế khôn ngoan, phù hợp với môi trường kinh tế quốc tế trong từng giai đoạn phát triển. Đầu tiên là cơ cấu kinh tế thay thế nhập khẩu, rồi mới nhanh chóng chuyển sang đẩy mạnh xuất khẩu khi thấy môi trường quốc tế thuận lợi cho xuất khẩu hơn
(2).
Việc xác lập các nguồn lực có hạn cho phát triển không thể chỉ dựa trên các lợi thế tương đối, trong khi môi trường quốc tế đã thay đối căn bản như ngày nay. Dựa trên những thuận lợi và khó khăn của môi trường phát triển hiện nay cũng như những phân tích về mô hình phát triển trên cơ sở bài học của một số nước Đông Nam Á bị khủng hoảng tài chính những năm 1997, phải chăng, để tạo được một cơ cấu kinh tế cho phát triển bền vững, các nước đang phát triển cần phải tiến tới sự linh hoạt và năng động hơn trong chiến lược phát triển. Trong bối cảnh hiện nay, sự điều chỉnh một cách nhuần nhuyễn hơn, uyển chuyển hơn giữa hai con đường: công nghiệp hoá bằng thay thế nhập khẩu và phát triển với xuất khẩu làm động lực. Con đường "trung đạo" đó, khi được cụ thể hoá, phải là một chiến lược điều chỉnh cơ cấu, trong đó có sự kết hợp hài hoà hai hướng điều chỉnh là chính sách vĩ mô và xây dựng đồng bộ các thể chế. Sự đổi mới trong các chính sách thuế, trong quản lý tài chính công và phân bổ ngân sách nhà nước sẽ tác động rất lớn tới hiệu quả của các chính sách tài khoá. Ngược lại, các thể chế thị trường được xác lập và vận hành đồng bộ sẽ giúp thực hiện đạt các mục tiêu của chính sách kinh tế. Chính những thể chế này có thể sẽ giúp các nước đang phát triển giảm thiểu được những mất cân đối khi nền kinh tế bị thúc đẩy bởi đầu tư và tăng trưởng thái quá, hoặc tránh được các cú sốc từ bên ngoài.
Rõ ràng là, môi trường quốc tế hiện nay có nhiều thách thức hơn đối với các nước đang phát triển so với thời kỳ trước. Để có thể phát triển bền vững, vấn đề mấu chốt vẫn là phát huy nội lực theo hướng xây dựng và đổi mới những thể chế kinh tế trong nước để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức của thời kỳ hội nhập. Không nên đặt ưu tiên quá cao cho quá trình hội nhập kinh tế, mà bỏ quên những nhu cầu phát triển trong nước, bởi vì suy cho cùng, hội nhập kinh tế là kết quả của quá trình tăng trưởng nhiều hơn là ngược lại
(3). Do vậy, yêu cầu cao đối với những nhà hoạch định chính sách của các nước đang phát triển trong môi trường quốc tế hiện nay vẫn là xây dựng một chiến lược phát triển trong nước dựa trên những nhu cầu đổi mới về các chính sách và thể chế lập pháp, tư pháp nội tại trong mỗi quốc gia, nhằm tạo môi trường tốt nhất cho đầu tư phát triển và phát huy được cao nhất sức sáng tạo của mỗi quốc gia trong quá trình tham gia toàn cầu hoá hiện nay./.
(1) U-ma Hây-kiu là Giám đốc của Havas Media Lap, một nhà tư vấn chiến lược mới chuyên tư vấn cho các nhà đầu tư, các doanh nhân và các công ty. Trước khi thành lập Havas, U-ma đã sáng lập ra Bubblegeneration (Thế hệ bong bóng) – một trung tâm chuyên tư vấn cách thiết lập chương trình nghị sự giúp hình thành nên các chiến lược của các nhà đầu tư, các doanh nhân, và các công ty blue-chip trên khắp các ngành công nghiệp truyền thông và tiêu dùng.
(2) Xem thêm: Trương Công Hùng: Chuyển đổi kinh tế ở Việt Nam: chính sách đổi mới, thành công và thách thức, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học tổng hợp Humboldt-zu Berlin, 1996.
(3) Xem: Dani Rodrik: Quản lý thương mại toàn cầu với ưu tiên thích đáng cho phát triển, UNDP, tháng 10-2001. Trong bài viết này, Rodrik đã đưa ra ví dụ về trường hợp phát triển của Việt Nam và Ha-i-ti mà theo ông, mặc dù còn nhiều biện pháp bảo hộ mậu dịch, Việt Nam đã thực hiện hội nhập tốt hơn, do có tốc độ tăng trưởng cao hơn.
Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central Fied , Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"