MỘT SỐ GIẢI PHÁP KÍCH CẦU NHẰM CHỐNG SUY GIẢM VÀ ỔN ĐỊNH VĨ MÔ NỀN KINH TẾ

Trong năm 2008, với việc thực hiện có kết quả 8 nhóm giải pháp của Chính phủ, lạm phát đã được kiềm chế, kinh tế vĩ mô cơ bản giữ được ổn định, an sinh xã hội được bảo đảm, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,23%. Đạt được kết quả trên là do có chủ trương đúng đắn của Đảng, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự giám sát có hiệu quả của Quốc hội, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Từ tháng 10-2008 đến nay, tình hình kinh tế thế giới diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động trực tiếp đến kinh tế nước ta, làm cho sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu giảm sút, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm và đời sống nhân dân. Trước tình hình khủng hoảng tài chính thế giới, Chính phủ xác định phải tập trung điều hành thực hiện mục tiêu tổng quát và các giải pháp của kế hoạch năm 2009 mà Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ tư đã thông qua, trong đó nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách là phải tập trung mọi nỗ lực để chủ động ngăn chặn suy giảm kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, kích cầu đầu tư và tiêu dùng, bảo đảm an sinh xã hội, phấn đấu thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2009. Để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách nói trên, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11-12-2008 về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội với 5 nhóm giải pháp chủ yếu: (1) Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu; (2) Thực hiện các biện pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng; (3) Chính sách tài chính và tiền tệ; (4) Bảo đảm an sinh xã hội; (5) Tăng cường công tác điều hành, tổ chức thực hiện chính sách. Để triển khai thực hiện nhanh, kịp thời, đồng bộ và có hiệu quả các nhóm giải pháp trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 12/2009/QĐ-TTg ngày 19-01-2009 phân công cụ thể từng nội dung công việc cho các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Mặc dù trong thời gian ngắn nhưng các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước đã khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP của Chính phủ theo từng nội dung công việc được phân công tại Quyết định số 12/2009/QĐ-TTg ngày 19-01-2009. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện ngay chủ trương, nhiệm vụ, các giải pháp nêu trong Nghị quyết và có chương trình hành động thiết thực để đạt được những kết quả cụ thể. Tình hình triển khai thực hiện các giải pháp chống suy giảm và ổn định vĩ mô nền kinh tế 1- Về chính sách tài chính tiền tệ Chính phủ đã cho phép giảm, giãn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của quý IV năm 2008 và số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2009 để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, gia công, chế biến nông, lâm, thuỷ sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử. Đây là khối doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động và chịu nhiều ảnh hưởng từ cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Tạm hoàn 90% số thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với hàng hóa thực xuất khẩu trong trường hợp doanh nghiệp chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng; giãn thời gian ân hạn nộp thuế nhập khẩu, cải cách thủ tục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu và tỷ lệ phế liệu, phế phẩm không phải chịu thuế nhập khẩu trong gia công hàng hóa xuất khẩu, nhập nguyên liệu sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Mặc dù những chính sách này không trực tiếp giải quyết được vấn đề cơ bản của doanh nghiệp là đầu ra cho sản phẩm, nhưng đây vẫn là một chính sách được cộng đồng doanh nghiệp hoan nghênh vì doanh nghiệp giảm được thời gian và chi phí.
Kích cầu phải lấy hiệu quả kinh tế – xã hội làm thước đo. Cơ chế hỗ trợ lãi suất do Thủ tướng Chính phủ ban hành là giải pháp kích cầu phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế và được triển khai kịp thời, có tác dụng thiết thực thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động và được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của toàn xã hội.
Để góp phần bảo đảm nguồn nguyên liệu cho sản xuất trong nước, hạn chế xuất khẩu tài nguyên, khoảng sản chưa qua chế biến, chúng ta đã điều chỉnh tăng thuế xuất khẩu của một số mặt hàng khoáng sản như cát, đá (từ 12% lên 17%); một số loại khoáng sản (điều chỉnh tăng từ 0% lên 10% do thực hiện Biểu khung mới); than củi và gỗ nguyên liệu (từ 0% lên 10%); kim cương, đá quý, bạc. Để hỗ trợ sản xuất trong nước, chúng ta đã điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu đối với phôi thép từ 2% lên 5%; thép xây dựng từ 8% lên 12%; điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu đối với một số nhóm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất như nguyên liệu để sản xuất thuốc kháng sinh; 8 nhóm xơ, sợi tổng hợp; một số loại linh kiện, phụ tùng điện tử; nguyên liệu nhựa, nguyên vật liệu xây dựng… đồng thời thực hiện điều chỉnh giảm thuế đối với 8 nhóm thuốc chữa bệnh để góp phần bình ổn thị trường, giảm giá thuốc (từ các mức 2%, 5% và 8% xuống 0%). Về chính sách tiền tệ, đã điều chỉnh tăng tỷ giá USD/VND và hạ lãi suất cơ bản. Đây là những chính sách cần thiết để góp phần vừa giảm chi phí vay vốn cho doanh nghiệp vừa giúp cải thiện cán cân ngoại thương. Đồng thời, cũng có chính sách hỗ trợ lãi suất 4% đối với doanh nghiệp cho đến hết năm 2009. Bản chất của việc bù 4% lãi suất là sử dụng công cụ tài khóa để thực hiện chính sách tiền tệ. Số tiền bù chênh lệch lãi suất được lấy từ ngân sách, được Ngân hàng Nhà nước triển khai thông qua hệ thống ngân hàng thương mại. Trong chính sách này, ngân hàng thương mại đóng vai trò trung gian giữa Ngân hàng Nhà nước và doanh nghiệp để thực hiện việc hỗ trợ lãi suất. Chủ động xử lý các tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đối với hoạt động kinh doanh, thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng cường huy động vốn, mở rộng tín dụng có hiệu quả và phù hợp với quy định của pháp luật, áp dụng lãi suất cho vay hợp lý trong điều kiện sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vốn vay, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay và không phạt quá hạn theo cơ chế hiện hành; tăng cường kiểm tra, kiểm toán nội bộ, thực hiện các biện pháp phòng ngừa rủi ro. Yêu cầu các ngân hàng thương mại nhà nước xem xét, chủ động giảm lãi suất cho vay các khoản nợ được ký kết trước đây xuống mức lãi suất cho vay hiện hành để thúc đẩy cạnh tranh, giảm lãi suất cho vay; phối hợp với Hiệp hội ngân hàng để chỉ đạo, khuyến khích các ngân hàng thương mại thực hiện các giải pháp tăng cường huy động vốn, mở rộng tín dụng có hiệu quả và phù hợp với quy định của pháp luật, giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
Kích cầu phải có trọng tâm, trọng điểm, cần được triển khai đồng bộ trên 2 giác độ sản xuất và tiêu dùng. Ở nước ta vai trò của sản xuất và tiêu dùng trong cơ cấu GDP rất quan trọng, do vậy muốn tăng trưởng kinh tế bền vững phải coi trọng đến cả hai mặt sản xuất và tiêu dùng.
Nhìn chung, phản hồi của các bộ, ngành và địa phương, doanh nghiệp và người dân cho thấy, cơ chế hỗ trợ lãi suất do Thủ tướng Chính phủ ban hành là giải pháp kích cầu phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế và được triển khai kịp thời, có tác động thiết thực đối với các tổ chức và cá nhân để khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh và tạo việc làm cho người lao động; đồng thời, cũng hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại khắc phục khó khăn, giữ được an toàn hoạt động kinh doanh; cơ chế này nhận được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi trong xã hội. Cơ chế hỗ trợ lãi suất được ban hành và phổ biến một cách công khai, rõ ràng, minh bạch và có tính giám sát cao đối với các ngân hàng thương mại thực hiện và đối tượng thụ hưởng là tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất, kinh doanh; các ngân hàng thương mại đã khẩn trương thực hiện bằng việc ban hành cơ chế nghiệp vụ, làm tốt công tác thông tin truyền thông đối với khách hàng vay. Theo số liệu đăng ký kế hoạch giải ngân vốn vay được hỗ trợ lãi suất trong tháng 2 và tháng 3-2009 của các ngân hàng thương mại khoảng 400.000 tỉ đồng, sẽ tăng lên trong các tháng tiếp theo, cơ bản là phù hợp với dự kiến về số dư nợ vay được hỗ trợ lãi suất. Theo thông tin ban đầu của các ngân hàng thương mại, đã giải ngân và hỗ trợ lãi suất cho khoảng 5% – 10% số vốn đăng ký. 2 – Về kích cầu đầu tư Chính phủ đã thực hiện các chính sách thúc đẩy đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách tập trung, vốn trái phiếu chính phủ, vốn tín dụng ưu đãi và vốn của doanh nghiệp,… Thủ tướng Chính phủ đã cho phép hoãn thu hồi 3.383,7 tỉ đồng vốn ngân sách đã ứng các năm trước (theo Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 20-2-2009). Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện việc rà soát các công trình, dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2009, 2010, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng 3-2009 cho phép ứng vốn để triển khai thực hiện nhằm đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành công trình đưa vào sử dụng. Tập trung một khối lượng lớn trái phiếu chính phủ để đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế,… Thủ tướng Chính phủ đã cho phép tiếp tục thực hiện 7.700 tỉ đồng vốn trái phiếu chính phủ chưa thực hiện hết năm 2008; ủy quyền cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo vốn trái phiếu chính phủ năm 2009 là 36.000 tỉ đồng cho các bộ, ngành và địa phương; tổng hợp báo cáo trình Quốc hội xin phát hành thêm trong năm 2009 khoảng 11.500 tỉ – 20.000 tỉ đồng; đồng thời đã phát hành trái phiếu chính phủ bằng ngoại tệ đợt 1 là 300 triệu USD trên thị trường vốn trong nước. Đi đôi với việc thực hiện các chính sách kích cầu đầu tư, chúng ta đang thực hiện việc rà soát lại các vướng mắc, khó khăn đối với các nhà đầu tư nước ngoài để kiến nghị các cơ quan có chức năng giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. 3 – Về kích cầu tiêu dùng Nhằm kích thích tăng trưởng, phòng ngừa suy giảm kinh tế, Chính phủ đã sử dụng cả chính sách tài khóa và tiền tệ. Trong phạm vi của chính sách tài khóa, kích thích tiêu dùng nội địa là một biện pháp quan trọng hàng đầu. Điều này sẽ giải tỏa trực tiếp khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay, đó là sự sụt giảm nhu cầu của thị trường xuất khẩu. Phát triển thị trường nội địa là một giải pháp được nhiều quốc gia trên thế giới lựa chọn trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay. Để tăng sức mua trong nước, Chính phủ đã quyết định giảm 50% thuế VAT đối với 19 nhóm mặt hàng và hoãn thu thuế thu nhập cá nhân trong 5 tháng đầu năm 2009. Tiếp tục giữ ổn định giá bán xăng, cước vận chuyển hành khách bằng xe buýt, hàng không, nước sạch cho sinh hoạt, điều chỉnh giảm giá dầu đi-e-zel 1.000đ/l (ngày 09-2-2009 giảm 500đ/l; ngày 19-3-2009 giảm 500đ/l, giá dầu đi-e-zel hiện nay còn 10.000đ/l). Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Đề án phát triển hệ thống phân phối các mặt hàng trọng yếu, dự kiến sẽ được phê duyệt trong quý I-2009. 4 – Về công tác bảo đảm an sinh xã hội Chính phủ đã hỗ trợ các địa phương và người dân bị thiệt hại do lũ lụt: cấp không thu tiền 275 tấn lúa giống dự trữ quốc gia để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ; xuất cấp tiếp không thu tiền 20.350 tấn gạo dự trữ quốc gia, trị giá khoảng 173 tỉ đồng, hỗ trợ các địa phương để cứu đói cho dân và bảo đảm an sinh xã hội trong dịp Tết Nguyên đán; tổ chức mua bổ sung 100.000 tấn gạo trị giá khoảng 880 tỉ đồng để tăng thêm dự trữ quốc gia về lương thực. Các bộ, ngành đang khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ, đề án được giao tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27-12-2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo. Thủ tướng Chính phủ cho phép tạm ứng 25 tỉ đồng cho một huyện để triển khai thực hiện chương trình. **** Nhờ việc triển khai nhanh, quyết liệt trong việc thực hiện các giải pháp cấp bách trong Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP của Chính phủ, nhìn chung tình hình kinh tế – xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2009 có dấu hiệu chuyển biến theo chiều hướng tích cực: Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tăng trưởng kinh tế được duy trì(1); cán cân thanh toán cân đối; cán cân thương mại có xuất siêu(2); điều hành lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phù hợp, giữ được an toàn hệ thống ngân hàng; lạm phát tiếp tục được kiềm chế(3); nông nghiệp phát triển thuận lợi cả về trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản; giá trị sản xuất công nghiệp của một số ngành chủ yếu đã tăng lên(4). Nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội được tăng cường. Nhân dân đón Tết Nguyên đán Kỷ Sửu tươi vui, đầm ấm, tiết kiệm; đồng tình ủng hộ các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ. Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27-12-2008 về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững tại 61 huyện nghèo đang triển khai tích cực. Các nhiệm vụ cần tập trung giải quyết trong thời gian tới Mặc dù tình hình kinh tế – xã hội Quý I -2009 có dấu hiệu tích cực, nhưng nhìn chung nền kinh tế nước ta vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức: Sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh gia súc, gia cầm; thu hút và giải ngân vốn đầu tư nước ngoài tăng chậm; thu ngân sách thấp hơn so với cùng kỳ; xuất khẩu và tiêu thụ sản phẩm ở thị trường nội địa gặp nhiều khó khăn; giải quyết việc làm đang là vấn đề nhức nhối hiện nay,… Dự báo cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu còn diễn biến theo chiều hướng xấu. Tình hình kinh tế đất nước đến hết năm 2009 sẽ còn tiếp tục khó khăn. Tình hình trên đòi hỏi chúng ta phải kiên trì mục tiêu, chỉ đạo quyết liệt ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và kinh doanh, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển,… Các giải pháp trọng tâm là: Một là, thực hiện tốt gói kích cầu đầu tư và tiêu dùng của Chính phủ để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, duy trì nền kinh tế phát triển ổn định. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện để tránh tình trạng chi sai mục tiêu, đối tượng sử dụng; gây lãng phí các nguồn lực. Thực hiện tốt gói kích cầu đầu tư và tiêu dùng của Chính phủ để thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển ổn định. Tăng cường kiểm tra giám sát chặt chẽ việc thực hiện để tránh chi sai mục tiêu, đối tượng sử dụng, gây lãng phí nguồn lực. Đối với nước ta là một nước nông nghiệp, cần coi trọng ưu tiên cho khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, khu vực kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hai là, tập trung chỉ đạo tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu, khẩn trương ban hành chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ xuất khẩu; kiểm soát chặt chẽ nhập siêu, có chính sách phù hợp để khuyến khích sản xuất và tiêu dùng hàng trong nước. Ba là, đẩy mạnh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư, đặc biệt chú trọng việc thực hiện và giải ngân các nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, ODA, FDI. Bốn là, điều hành chính sách tỷ giá ngoại tệ linh hoạt, hiệu quả nhằm thúc đẩy xuất khẩu và kiềm chế nhập nhẩu; bảo đảm cân đối cung cầu ngoại tệ. Năm là, kiểm soát chặt chẽ tình hình giá cả thị trường; ngăn chặn tình trạng tăng giá dây chuyền ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân. Sáu là, thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình trong và ngoài nước, kịp thời có những đánh giá và dự báo chính xác tình hình trong và ngoài nước để có những bước đi thích hợp, điều chỉnh hệ thống chính sách phù hợp với tình hình cụ thể. Bảy là, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, chủ động thông tin cả về thuận lợi và khó khăn, thách thức mà nền kinh tế đang phải đối mặt nhằm tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong việc vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay./.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I đạt 3,1%. Trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy ở hơn 170 nước chỉ có 12 nước tăng trưởng dương; và Việt Nam với 3,1% trong quý 1/2009 là mức tăng trưởng khá cao Quý I/2009 kim ngạch xuất khẩu đạt 13,5 tỉ USD, nhập khẩu đạt 11,8 tỉ USD, xuất siêu gần 1,7 tỉ USD Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 giảm (0,17%) so với tháng 2, tính chung 3 tháng đầu năm nay chỉ tăng 1,32% so với tháng 12/2008 Khai thác dầu thô tăng 16,9% so với cùng kỳ 2008, xi-măng tăng 10%,…  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật