Về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hộivà dự toán ngân sách Nhà nước năm 2006

  • Bài viết
  • 07 tháng 8, 2010
  • 440 lượt xem
  • 0 bình luận
Về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hộivà dự toán ngân sách Nhà nước năm 2006

   

UỶ BAN NHÂN DÂN

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ

____________

Số: 12/2005/CT-UBND

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

_________________

Việt Trì, ngày 7 tháng 7 năm 2005

CHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH PHÚ THỌ

_____________________

Về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2006

Sáu tháng đầu năm 2005, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển và đạt được kết quả khá trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong sản xuất nông lâm nghiệp, thu hút vốn đầu tư, hoạt động sự nghiệp văn hoá - xã hội…; công tác xây dựng chính quyền, cải cách hành chính có chuyển biến, công tác xoá đói giảm nghèo có tiến bộ, đời sống dân cư ổn định. Song, kinh tế - xã hội của tỉnh còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trước những diễn biến thất thường của thời tiết, tác động của tiến trình hội nhập kinh tế thế giới và những thiếu sót chủ quan trong quá trình tổ chức thực hiện…;

Từ những kết quả đạt được, những thuận lợi và khó khăn nêu trên, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị tăng cường chỉ đạo thực hiện đạt và vượt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2005; đồng thời triển khai xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2006, theo mục tiêu, nhiệm vụ và tiến độ như sau:

I - MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

CỦA KẾ HOẠCH NĂM 2006

1. Mục tiêu:

Năm 2006 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006 - 2010), có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tạo đà tăng trưởng cao và bền vững cho cả giai đoạn 5 năm 2006 - 2010. Vì vậy, mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2006 đặt ra là:

- Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2005, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế, xoá đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

- Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển; đẩy mạnh tiến độ đầu tư các kết cấu hạ tầng trọng điểm. Thu hút mạnh các nguồn vốn đầu tư từ khu vực dân doanh và vốn đầu tư nước ngoài; tạo thuận lợi để các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế phát triển, đầu tư sản xuất kinh doanh.

- Đẩy mạnh xã hội hoá đối với các hoạt động dịch vụ, các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, văn hoá, thể thao; tăng cường nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, hoạt động bảo vệ môi trường…; xây dựng và củng cố kết cấu hạ tầng xã hội bền vững, tạo bước chuyển mới trong việc nâng cao mức sống nhân dân, giải quyết có hiệu quả những vấn đề về việc làm, xoá đói giảm nghèo, phòng chống HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội.

- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp. Phát huy dân chủ cơ sở, tăng cường đối thoại giữa chính quyền với cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân.

2. Nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch Nhà nước năm 2006.

a) Phát huy các lợi thế, tập trung đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng trên 10%.

Tiếp tục duy trì tốc độ tăng của sản xuất công nghiệp ở mức cao (trên 17%); coi trọng phát triển các sản phẩm có khối lượng lớn, công nghệ cao, nhanh tạo nguồn thu cho ngân sách, nhất là các dự án sản xuất xi măng, bia, rượu, cồn, chè, giấy, chế biến khoáng sản, sản xuất đồ gỗ…; đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, đáp ứng tốt yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Phát triển mạnh các ngành dịch vụ có lợi thế, nhất là du lịch, vận tải, xuất nhập khẩu…; triển khai thực hiện đề án xây dựng thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội - hướng về cội nguồn, trung tâm kinh tế, thương mại, vận tải, xuất nhập khẩu hàng hoá, tín dụng, ngân hàng, khoa học công nghệ, y tế, giáo dục, văn hoá, thể thao của vùng. Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, thu hút đầu tư xây dựng nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch của tỉnh. Năm 2006, phải có ít nhất 02 tuyến du lịch để thu hút khách du lịch vào tỉnh.

Khai thác thế mạnh trong nông lâm nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo các vùng chuyên canh sản xuất hàng hoá; chú trọng phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, phát triển lâm nghiệpv.v…; triển khai có hiệu quả các mô hình về phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, về liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

b) Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mũi nhọn đột phát về đầu tư kết cấu hạ tầng và cải cách hành chính. Trọng tâm là thu hút vốn đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng trọng điểm về giao thông, điện, nông nghiệp nông thôn, hạ tầng du lịch, các cụm, khu công nghiệp; giải quyết các thủ tục hành chính, đất đai, mặt bằng… nhằm huy động tối đa vốn đầu tư của dân cư (trong và ngoài tỉnh), vốn đầu tư nước ngoài vào sản xuất kinh doanh.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý, công tác chỉ đạo, điều hành trong tất cả các khâu, các hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp; đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ. Thực hiện triệt để việc tách quản lý hành chính Nhà nước với quản lý sản xuất kinh doanh và quản lý hoạt động của đơn vị sự nghiệp dịch vụ công…

c) Nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế đối ngoại, tích cực tìm kiếm thêm các thị trường đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư từ các dự án trực tiếp nước ngoài; tranh thủ sự ủng hộ của các Bộ, ngành, các tổ chức trong và ngoài nước để tăng các dự án vốn ODA và các nguồn vốn khác. Nghiên cứu, tìm nguồn đảm bảo vốn đối ứng theo cam kết để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

d) Khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế trang trại, kinh tế hộ, kinh tế hợp tác. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động, sản xuất kinh doanh. Tiếp tục củng cố quan hệ sản xuất ở nông thôn, khuyến khích phát triển các mô hình hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, chuyển đổi ngành nghề ở địa bàn nông thôn, miền núi.

đ) Tăng cường các biện pháp nhằm đảm bảo nguồn thu ở mức cao nhất, để chi cho các hoạt động kinh tế - xã hội. Cơ cấu lại dự toán chi nhằm chi hợp lý, tiết kiệm, tăng chi cho đầu tư phát triển và thực hiện cải cách tiền lương; bảo đảm chi sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp văn hoá - xã hội, khoa học công nghệ, thực hiện nhiệm vụ an ninh quốc phòng và các nhiệm vụ đột xuất khác.

e) Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, giáo dục - đào tạo, sự nghiệp y tế, văn hoá thông tin, thể dục thể thao, phát thanh truyền hình; tăng cường công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất kinh doanh. Tiếp tục thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hoá" gắn với phòng chống các tệ nạn xã hội.

g) Giải quyết kịp thời các vấn đề xã hội bức xúc, trọng tâm là việc làm cho người lao động; thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống các loại tội phạm như ma tuý, mại dâm, tai nạn giao thông. Tiếp tục thực hiện tốt chương trình xoá đói giảm nghèo, nâng cao mức sống dân cư.

h) Tăng cường củng cố tiềm lực quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội phát triển.

3. Nhiệm vụ xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước năm 2006.

Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện NSĐP năm 2005 và giai đoạn 2001 - 2005; nguồn thu, nhiệm vụ chi đã được phân cấp ổn định, các cấp ngân sách tổ chức xây dựng dự toán ngân sách năm 2006, giai đoạn 2006 - 2010 theo những nội dung chủ yếu sau:

a) Dự toán thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn phải được xây dựng trên cơ sở dự báo tăng trưởng kinh tế, khả năng biến động của thị trường, phù hợp với khả năng tăng trưởng và sinh lời của từng ngành, từng lĩnh vực, các cơ sở kinh tế, từng khoản thu để tính đúng, tính đủ, khai thác triệt để các khoản thu theo quy định của các Luật thuế, chế độ thu hiện hành; đồng thời có tác dụng khuyến khích sản xuất phát triển; nhất là các đơn vị đầu tư dây truyền sản xuất mới, các đơn vị hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, vận tải hàng hoá, XDCB, khai thác chế biến khoáng sản, các đại lý bán ô tô, xe máy…; thực hiện có hiệu quả các biện pháp tăng cường quản lý thu, chống thất thu, chống gian lận thương mại, kinh doanh trốn thuế. Phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2006, giai đoạn 2006 - 2010 (không kể thu tiền sử dụng đất) tăng tối thiểu từ 11 - 15% so với thực hiện năm 2005.

b) Căn cứ vào nguồn ngân sách từng cấp được hưởng theo tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu, phân chia giữa các cấp ngân sách và số bổ sung cân đối từ ngân sách cấp trên được ổn định hàng năm do HĐND quyết định. Trong thời kỳ ổn định ngân sách (2004 - 2006) trên cơ sở Luật NSNN và các chế độ chính sách, định mức chi hiện hành, xây dựng dự toán chi NSĐP năm 2006, giai đoạn 2006 - 2010 phải được cụ thể đối với từng lĩnh vực với nhu cầu chi hợp lý, tiết kiệm và đảm bảo thứ tự ưu tiên:

* Đối với chi đầu tư phát triển:

- Bố trí để thực hiện đầu tư những dự án, công trình trọng điểm, các dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như: chuyển đổi cơ cấu kinh tế phát triển giống cây trồng, vật nuôi, hạ tầng làng nghề, xúc tiến thương mại, du lịch, mở rộng thị trường xuất khẩu; chú trọng thực hiện nhiệm vụ xoá đói, giảm nghèo, tạo việc làm cho người lao động…

- Bố trí đảm bảo vốn đối ứng cho các dự án ODA, vốn của các Bộ, ngành, vốn của các chương trình mục tiêu, hỗ trợ có mục tiêu và các nguồn vốn khác trên địa bàn theo tiến độ đã thoả thuận và thực hiện theo phân cấp bố trí vốn đối ứng đã giao cho các cấp ngân sách.

- Chủ động bố trí trong dự toán chi đầu tư XDCB tập trung nguồn để hoàn trả các khoản vay NSTW, Quỹ hỗ trợ phát triển, vốn tạm ứng Kho bạc và các khoản vay khác đến hạn phải trả theo quy định tại khoản 3, điều 8 Luật NSNN, bao gồm cả nợ vay NSTW trả sinh hoạt phí xã, phường, thị trấn từ năm 1998 và kinh phí chia tách huyện (Tam Nông và Thanh Thuỷ).

- Bố trí dự toán chi từ nguồn thu tiền sử dụng đất đảm bảo xử lý các khoản nợ XDCB (các công trình hoàn thành chưa bố trí nguồn), nợ ngân sách xã và các khoản nợ khác.

Chỉ lập dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản đối với các công trình xây dựng cơ bản đã đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện bố trí vốn theo chế độ quy định. Các công trình chưa thật cần thiết, cấp bách thì chưa bố trí vốn đầu tư.

* Đối với chi thường xuyên:

- Bố trí kinh phí chi đảm bảo cho các sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, văn hoá - xã hội, thể dục thể thao, đảm bảo an ninh quốc phòng, quản lý hành chính Nhà nước, Đảng, đoàn thể…; trên cơ sở chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện những chế độ, chính sách đã được ban hành, những nhiệm vụ quan trọng đã được giao cho từng ngành, từng lĩnh vực.

- Kiên quyết cắt giảm các khoản chi không cần thiết, lãng phí; tập trung chỉ đạo thu hồi các khoản tạm ứng từ năm 2005 trở về trước, để bù đắp các khoản chi chưa có nguồn từ năm 2004 chuyển sang và trả nợ các khoản vay đến hạn.

- Bố trí ngân sách và huy động các nguồn tài chính thực hiện cải cách tiền lương trên cơ sở tiếp tục thực hiện các biện pháp tạo nguồn thu được để lại theo chế độ (tối thiểu 40%, riêng ngành y tế tối thiểu 35% từ tiền thuốc, maú, dịch truyền, hoá chất, vật tư y tế); tiết kiệm 10% chi thường xuyên (không kể tiền lương và các khoản có tính chất lương); NSĐP sử dụng tối thiểu 50% nguồn tăng thu hàng năm so với dự toán Chính phủ và HĐND tỉnh giao. Đối với năm 2006 sử dụng tối thiểu 50% nguồn tăng thu năm 2005 và dự toán thu năm 2006 so với dự toán năm 2005, không kể thu tiền sử dụng đất để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương. Sau khi sử dụng các nguồn trên mà còn thiếu thì ngân sách cấp tỉnh hỗ trợ đảm bảo nguồn để thực hiện cải cách tiền lương theo chế độ.

- Bố trí dự phòng NSĐP, bổ sung Quỹ dự trữ tài chính (ngân sách tỉnh) theo quy định của Luật NSNN để chủ động ứng phó với thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh và xử lý những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách phát sinh ngoài dự toán ở địa phương.

II - TIẾN ĐỘ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

VÀ PHÂN CÔNG THỰC HIỆN

 

1. Tiến độ xây dựng kế hoạch:

- Trong tháng 7/2005 Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tổ chức hướng dẫn lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2006 cho các sở, ban, ngành, các huyện, thành, thị để làm căn cứ xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách.

- Trước ngày 15/7/2005 các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thàn, thị gửi báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước về Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để tổng hợp trình UBND tỉnh, Thường trực Tỉnh uỷ và báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính. Việc tổng hợp báo cáo phải xong trước ngày 20/7/2005.

Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình 135, chương trình phòng chống tội phạm, phòng chống ma tuý, dự án trồng 5 triệu ha rừng và các chương trình, dự án, đề án các cấp, các ngành có liên quan phải đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 2001 - 2005, đề xuất những chương trình, dự án, đề án tiếp tục thực hiện gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét, kiến nghị với các Bộ, ngành Trung ương. Việc tổng hợp, đánh giá phải được tiến hành đồng thời và gửi cùng với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2006.

2. Phân công thực hiện:

- Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hướng dẫn các sở, ban, ngành, các huyện, thành, thị về xây dựng kế hoạch của ngành, của huyện. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tổng hợp và xây dựng kế hoạch kinh tế - xã hội của tỉnh; dự kiến kế hoạch và phương án phân bổ vốn đầu tư phát triển. Làm việc với các sở, ngành, các huyện, thành, thị về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư và các chương trình mục tiêu.

- Sở Tài chính hướng dẫn và làm việc với các cấp, các ngành, các đơn vị dự toán đánh giá tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2005; kế hoạch thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2006; đồng thời xây dựng khái toán ngân sách và thông báo số kiểm tra về dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2006 và giai đoạn 2006 - 2010 cho các cấp, các ngành. Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ngành có liên quan xây dựng và tổng hợp kế hoạch thu, chi ngân sách theo Luật ngân sách Nhà nước.

- Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị căn cứ Chỉ thị này và nội dung hướng dẫn của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, chức năng, nhiệm vụ được giao, xây dựng kế hoạch và lập dự toán thu, chi ngân sách năm 2006 thuộc lĩnh vực được phân công; đề xuất các giải pháp, các cơ chế, chính sách, chế độ mới hoặc kiến nghị sửa đổi bổ sung, báo cáo UBND tỉnh, đồng gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để tổng hợp.

Để nâng cao chất lượng và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, trong quá trình xây dựng kế hoạch cần tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan nghiên cứu, các tầng lớp xã hội, cộng đồng dân cư, các tổ chức kinh tế, các nhà đầu tư, doanh nghiệp và gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính theo quy định.

Yêu cầu Giám đốc các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong tỉnh tổ chức thực hiện nghiêm túc chỉ thị này.

 

 

TM.UỶ BAN NHÂN DÂN

CHỦ TỊCH

(Đã ký)

 

 

Ngô Đức Vượng


Hiện thuộc tính văn bản

  Tệp đính kèm
CT12UB.DOC

Tư vấn thuế - Kế toán - Báo cáo thuế - Luatthue.Info

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :