HỆ THỐNG NGÂN HÀNG VIỆT NAM NĂM 2009 VÀ NHỮNG BÀI TOÁN ĐẶT RA CHO NĂM 2010

THS. TRỊNH THANH HUYỀN Năm 2009 đang dần khép lại, nhưng dường như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vẫn chưa có điểm dừng, vì thế, những khó khăn kinh tế đối với các nước nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn còn đó. Ngày 7/12/2009, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke cũng thừa nhận tuy nền kinh tế đầu tầu thế giới không bị rơi vào cuộc suy thoái kép nhưng vẫn còn quá sớm để khẳng định nền kinh tế Mỹ đã phục hồi lâu dài. Khu vực đồng Euro cũng đã có những dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn chưa đủ để Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thay đổi mức lãi suất chủ chốt 1% của mình. Sự chững lại của đất nước “mặt trời mọc” do đồng Yên mạnh và giá tiêu dùng liên tục sụt giảm buộc Nhật Bản phải thông qua gói kích thích kinh tế lên tới 24.400 tỷ yên (khoảng 274 tỷ USD) hôm 8/12/2009 vừa qua. Đó là với phần còn lại của thế giới, còn với Việt Nam, có thể khẳng định, đà suy giảm đã được ngăn chặn và sự phát triển đã bắt đầu trở lại. Đến thời điểm hiện nay, tới 18/25 chỉ tiêu đặt ra cho năm 2009 đã đạt và vượt; tốc độ tăng GDP của 11 tháng/2009 đạt trên 5% (tốc độ tăng GDP 3 quý đầu năm 2009 lần lượt đạt 3,1%, 4,5% và 5,8%); tăng trưởng tín dụng trên 30%, bội chi ngân sách khoảng 6,9%, an sinh xã hội được đảm bảo. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 11 tháng mới chỉ ở mức 5,07%. Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng với tổng giá trị vốn hóa thị trường tính đến 30/11/2009 lên tới 669.000 tỷ đồng, tương đương với 55% GDP năm 2008, tăng gần gấp 3 lần so với mức 225.934 tỷ đồng cuối năm 2008. Chỉ số Vn-Index đã tăng từ 235,5 điểm (tháng 2/2009) lên 570 điểm vào tháng 8/2009, và đạt đỉnh vào phiên ngày 23/10/2009 với 633,21 điểm. Song, xem xét một cách toàn diện thì kinh tế – tài chính Việt Nam vẫn còn dấu hiệu bất ổn. Tuy TTCK đã khởi sắc, song vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mà điển hình là tình trạng thăng giáng quá thất thường trong những phiên đầu tháng 12 khiến các mốc kháng cự liên tục bị phá vỡ (ngày 11/12/2009, Vn-Index đã xuống dưới mức 450 điểm). Diễn biến giá vàng và ngoại tệ làm “đứng tim” không ít nhà đầu tư với những cuộc “nhảy múa” ngoài sức tưởng tượng.   Thặng dư thương mại của Việt Nam tuy có đạt được ở thời gian đầu năm, song chủ yếu là do sự sụt giảm mạnh của nhập khẩu khi nhu cầu nội địa suy giảm nên sau khi nhu cầu nội địa phục hồi, cán cân thương mại của Việt Nam lại trở lại tình trạng thâm hụt. Tín dụng đã có dấu hiệu tăng trưởng nóng, tỷ giá hối đoái trên thị trường luôn kịch trần, sức ép lạm phát giai đoạn hậu khủng hoảng buộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải đưa ra một số động thái kiểm soát tín dụng tiêu dùng, chứng khoán, cũng như giảm tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung và dài hạn đối với từng tổ chức tín dụng[1] để một mặt giúp các tổ chức tín dụng đảm bảo an toàn thanh khoản, mặt khác phát đi tín hiệu kiềm chế tốc độ tăng trưởng nóng của nền kinh tế. Hệ thống ngân hàng Việt Nam năm 2009 Năm 2009 tuy không dồn dập với những sự kiện bất thường như năm trước nhưng cũng là một năm kinh doanh không dễ dàng đối với các doanh nghiệp nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng, đặc biệt là trong những tháng đầu năm. Nhưng nhờ các chính sách kích cầu của Chính phủ, sự điều hành tỉnh táo và thận trọng của NHNN Việt Nam cộng với những nỗ lực tự thân của các ngân hàng cũng như các doanh nghiệp nên từ quý II/2009, sự khó khăn đã được giảm đáng kể và hệ thống ngân hàng đã trải qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu một cách khá êm đẹp. Mặc dù lãi suất cơ bản năm 2009 không biến động nhiều như năm 2008 nhưng lại được giữ khá lâu ở mức 7% (xem sơ đồ 1) khiến cho hoạt động ngân hàng có nhiều lúc trở nên khó khăn khi lãi suất cho vay bị khống chế ở mức trần 10,5% còn lãi suất huy động thì đã lên tới 9,99%, nhưng hệ thống ngân hàng vẫn cố gắng phát huy tốt nhất vai trò của mình là kênh truyền dẫn vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là dòng vốn hỗ trợ lãi suất của Chính phủ. Đó thực sự là một nỗ lực không thể phủ nhận của hệ thống Ngân hàng Việt Nam. Sơ đồ 1: Lãi suất chủ đạo của NHNN Việt Nam năm 2008 và 2009 clip_image002 Nguồn: số liệu công bố của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Gần cuối năm 2008, ngành tài chính ngân hàng phải đón nhận tin rất xấu từ cơn bão tài chính khởi nguồn ở Mỹ và khi cơn bão tài chính toàn cầu thổi qua và đánh sụp không ít các ngân hàng quy mô lớn và vững mạnh vào loại bậc nhất của các nền kinh tế công nghiệp phát triển ở Tây Âu và Bắc Mỹ, không ít người đã lo ngại cho hệ thống ngân hàng của chúng ta. Nhưng điều may mắn là chúng ta chỉ nằm ở vùng “ngoại vi” của cơn bão nên không phải chịu sự tàn phá trực tiếp của nó. Không những thế, chính nhờ sự xuất hiện của “cơn bão” và nhìn thấy sự đổ vỡ của ngành ngân hàng tại Mỹ, các ngân hàng Việt Nam đã kịp thời suy xét và nhìn nhận lại cách làm ăn của mình. Bước vào năm 2009 với biết bao gánh nặng đối với hệ thống Ngân hàng Việt Nam. Gánh nặng từ cuộc khủng hoảng bên ngoài, gánh nặng từ trách nhiệm mà Chính phủ đặt lên vai với vai trò làm kênh dẫn xuất các chính sách tài khoá, tiền tệ phục vụ tăng trưởng kinh tế, ưu tiên hàng đầu của Nhà nước trong bối cảnh suy thoái chung toàn cầu. Điều này đặt ra nhiều cơ hội, nhưng sẽ có rủi ro nếu các ngân hàng thương mại (NHTM) không có một quy trình kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng. Nhận thức được những khó khăn này, rất nhiều ngân hàng đã thận trọng hơn với các khoản cho vay, tìm mọi cách giảm rủi ro trong quá trình cho vay; đề phòng và miễn dịch với các dự án đầu tư hay cho vay mà ở đó các khoản nợ xấu, khó đòi là cao; tập trung vào các khoản mục sinh lợi tốt, khả năng hoàn vốn cao và có sự phát triển trong tương lai. Đồng thời, chủ động chuyển hướng sang các dịch vụ ngân hàng bán lẻ và dịch vụ phi tín dụng. Vì vậy, có không ít ngân hàng thuộc nhóm các ngân hàng lớn trong khối cổ phần đã có tỷ trọng nguồn thu phi tín dụng khá cao. Tỷ trọng đó tại ACB hay Techcombank hiện ở khoảng 50%, tại Sacombank khoảng 40%. Cũng nhờ thế, đến giữa năm 2009, hệ thống Ngân hàng Việt Nam đã dần đi vào hoạt động ổn định. Tính chung cả hệ thống, tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 11/2009 là khoảng 34%[2] trong khi năm 2008, con số này chỉ ở mức 21-22%. Tuy con số này được đánh giá là quá nóng nhưng nếu nhìn từ khía cạnh tích cực, có thể thấy rằng đây là một dấu hiệu của sự phục hồi kinh tế. Tổng dư nợ tín dụng tăng lên cũng có nghĩa là nhu cầu vốn của nền kinh tế vẫn còn và cũng có nghĩa là các doanh nghiệp vẫn còn “sống” và đang trong quá trình “hồi phục” – một dấu hiệu rất đáng mừng cho thấy nền kinh tế đã qua giai đoạn khủng hoảng. Hơn nữa, không thể phủ nhận nỗ lực của hệ thống ngân hàng khi nợ xấu toàn hệ thống hiện đã giảm đáng kể so với thời điểm cuối năm 2008, đầu năm 2009. Tất nhiên, một phần không nhỏ là nhờ gói hỗ trợ lãi suất kích cầu, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiếp tục kế hoạch kinh doanh để thu hồi vốn trả nợ vay ngân hàng nhưng một phần nữa chính là những nỗ lực của bản thân các ngân hàng. Hiện tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank là 3% (con số này thời điểm đầu năm là gần 4%), của Eximbank chỉ còn trên 2% so với mức 4,71% cuối năm 2008 và 6% thời điểm đầu năm 2009. Các ngân hàng khác như ACB, Sacombank cũng có tỷ lệ nợ xấu ở mức rất thấp (đều dưới 1%)[3]. Theo đánh giá của ông Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, “với tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống khoảng 2,46%, không có vấn đề gì đáng lo ngại về sức khoẻ của hệ thống ngân hàng”. Thực tế cho thấy, cho đến hết tháng 11/2009 vừa qua, không ít ngân hàng đã có những kết quả kinh doanh hết sức khả quan. Trong số các NHTM cổ phần, có nhiều ngân hàng đã có lợi nhuận dự kiến vượt 2.000 tỷ đồng như Vietcombank, VietinBank, ACB và Techcombank; nhóm các ngân hàng có lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng gồm: Sacombank, Eximbank, Ngân hàng Quân đội; nhóm các ngân hàng có lợi nhuận dưới 1.000 tỷ đồng gồm: Ngân hàng Hàng Hải, Ngân hàng cổ phần Sài Gòn, Ngân hàng Quốc tế, Ngân hàng Đông Á, Ngân hàng Liên Việt… (xem thêm bảng 1). Tất nhiên, những khó khăn của năm 2008 cũng khiến các ngân hàng dè chừng hơn trong việc đưa ra các mục tiêu cho năm 2009 nên thường họ chỉ đưa ra mục tiêu vừa phải, và tập trung vào việc củng cố hoạt động để phát triển vững chắc hơn. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của năm 2009 dự kiến đạt 19%, tăng so với năm 2007 là 17,8% và vượt xa con số 11,9% năm 2008. Điều quan trọng là các NHTM Việt Nam cũng như cơ quan quản lý là NHNN đều đã ý thức được sự cần thiết phải thực hiện những dự phòng tài chính cho các khoản tín dụng đang tồn đọng và có nguy cơ khó đòi, những dự phòng quan trọng nhằm kiểm soát và ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tín dụng. Hệ thống đang hành động hướng đến mục tiêu an toàn hơn và lành mạnh hơn, với sự tăng cường giám sát rủi ro từ phía các cơ quan quản lý vĩ mô và một sự tự nguyện dành ưu tiên cho các mục tiêu an toàn từ phía các ngân hàng. Khi các ông chủ ngân hàng hành động đúng đắn, đó là một tín hiệu lạc quan giúp phục hồi và phát triển niềm tin, sự tín nhiệm của công chúng, các doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào hệ thống ngân hàng. Những bài toán đối với ngân hàng Việt nam trong năm 2010 Trên bình diện chung của cả nền kinh tế, năm 2010 sẽ là năm mà Việt Nam phải đối mặt với không ít thách thức trong giai đoạn hậu khủng hoảng, hậu kích cầu. Nếu thành công trong chính sách kích cầu, cộng với nhu cầu trong và ngoài nước phục hồi tốt, sẽ kéo theo rủi ro lạm phát gia tăng mà dấu hiệu này đã bắt đầu xuất hiện khi lạm phát tháng sau đã cao hơn tháng trước (dù rằng vẫn biết còn có một nguyên nhân nữa mang tính thời vụ). Còn ngược lại, nếu các biện pháp thắt chặt được thực hiện “quá tay”, Việt Nam có thể phải đương đầu với nguy cơ suy giảm tăng trưởng cũng như những khó khăn trong cán cân thanh toán. Thách thức này của nền kinh tế cũng chính là khó khăn của hệ thống ngân hàng. Những kết quả mà hệ thống ngân hàng đạt được năm qua là không thể phủ nhận nhưng vẫn còn đó những bài toán khó, muốn có lời giải đòi hỏi những nỗ lực rất lớn. Thứ nhất, bài toán nhân sự. Các ngân hàng Việt Nam vẫn đang thiếu nhân sự có năng lực, cả ở cấp quản lý, điều hành lẫn các cán bộ tác nghiệp trực tiếp. Trước mắt, tình trạng cạnh tranh thu hút nhân tài giữa các ngân hàng vẫn đang diễn ra khiến cho chi phí lương bổng trong ngành tăng cao. Đó là chưa kể đến chi phí đào tạo huấn luyện kỹ năng (cả kỹ năng cứng và kỹ năng mềm) mà hầu như mỗi ngân hàng có tầm cỡ đều phải cố gắng tự đài thọ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bắt nhịp được với những biến động khôn lường của nền kinh tế và có thể phục vụ tốt nhất cho khách hàng ngày càng khó tính hơn. Về lâu dài, tình trạng khan hiếm nhân sự cấp cao có thể khiến cho các ngân hàng Việt Nam phải thuê mướn chuyên viên nước ngoài cộng tác. Chi phí nhân sự tăng lên sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động và khả năng mở rộng mạng lưới của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong trước mắt. Thứ hai, bài toán về chính sách. Việc Chính phủ thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm đối phó với nạn lạm phát đang rình rập nền kinh tế trong thời kỳ hậu khủng hoảng cũng như tình trạng thâm hụt cán cân thương mại đang có nguy cơ gia tăng chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hệ thống ngân hàng. Khi nền kinh tế chưa hoàn toàn hồi phục, tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn ở mức cao, nguồn tiền gửi tiết kiệm của khu vực dân cư giảm sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến khối lượng tiền gửi cá nhân tại các ngân hàng khiến cho thanh khoản của các ngân hàng sẽ không còn dồi dào như trước. Không những thế, nguy cơ không trả được nợ của các đối tượng thụ hưởng các khoản tín dụng được hỗ trợ lãi suất, nếu có, cũng sẽ xuất hiện vào năm tới. Đây là điểm các ngân hàng cần hết sức lưu tâm trong năm 2010. Thứ ba, bài toán vốn. Áp lực tăng vốn điều lệ đối với các NHTM cổ phần trong năm 2010 là không nhỏ. Theo quy định tại Nghị định số 141/2006/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 22/11/2006, mức vốn điều lệ áp dụng cho các NHTM cổ phần đến cuối năm 2008 tối thiểu là 1.000 tỷ đồng và cuối năm 2010 là 3.000 tỷ đồng. Mặc dù tính đến thời điểm hiện nay, không còn ngân hàng nào có mức vốn điều lệ dưới 1.000 tỷ đồng nhưng trong tổng số 39 NHTM cổ phần đang hoạt động tại Việt Nam (tính đến ngày 17/12/2009), có tới 29 ngân hàng có vốn điều lệ dưới 3.000 tỷ đồng với 20 ngân hàng có số vốn dưới 2.000 tỷ đồng, trong đó 11 ngân hàng có số vốn đúng 1.000 tỷ đồng[4]. Trong khi đó, chỉ còn 1 năm nữa cho các ngân hàng vươn tới “mốc” 3.000 tỷ đồng, điều này quả thực gian nan đối với không ít ngân hàng. Căng thẳng lo vốn từ năm 2008 đến nay sẽ chuyển tiếp sang năm 2010. Đối với các NHTM cổ phần không phải chịu những áp lực phải tăng vốn vì chạy đua với thời gian như các ngân hàng nhỏ thì họ lại phải chạy đua với chất lượng sản phẩm dịch vụ nhằm khẳng định thương hiệu của mình trong bước phát triển mới. Tăng vốn là cần thiết nhưng phải tính toán hết sức thận trọng bởi quy mô vốn lớn lại có thể dẫn tới hiệu suất sử dụng trên từng đồng vốn thấp, do vậy, kế hoạch tăng vốn phải gắn liền với chiến lược phát triển hợp lý. Thứ tư, bài toán về cạnh tranh. Rõ ràng, mức độ cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt khi các ngân hàng không chỉ phải cạnh tranh với nhau mà cả với các ngân hàng ngoại. Cho đến nay đã có 5 ngân hàng con 100% vốn nước ngoài hoạt động tại Việt Nam là HSBC, Standard Chartered, ANZ, Hong Leong và Shinhan[5] nhưng số lượng ngân hàng ngoại chắc chắn sẽ không dừng lại ở con số 5 khi mà các phân tích về triển vọng về khu vực tài chính ngân hàng Việt Nam ngày càng tích cực. Không chỉ phải cạnh tranh nội ngành, các ngân hàng còn phải cạnh tranh với các kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng, bất động sản trong vic thu hút vốn để đảm bảo khả năng thanh khoản vì hiện nay tiền gửi vẫn là nguồn vốn huy động chủ yếu, chiếm tỷ trọng lớn tổng vốn tín dụng của các ngân hàng. Thách thức càng nhiều, nỗ lực càng phải lớn hơn để không chỉ tồn tại mà còn phải phát triển. Những bài học từ tài chính Mỹ có lẽ là bài học đắt giá cho ngành Ngân hàng Việt Nam. Lợi nhuận cao luôn đi kèm với rủi ro cao là bài học muôn thuở, luôn được các ngân hàng nói đến nhưng các ngân hàng cũng rất khó bỏ qua những “khoản lợi nhuận cao” này. Vì thế, thận trọng luôn là cần thiết, không nên lấy ngắn nuôi dài, không nên lấy tiền thực để nuôi các tài sản ảo, không nên cho vay dựa trên các quan hệ thân hữu, không nên mù quáng theo đuổi lợi nhuận, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Có thể thấy, bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2009 là sự pha trộn giữa các mảng màu sáng tối, nhưng có thể khẳng định mảng sáng của khu vực ngân hàng, nhất là những tháng cuối năm đã làm cho bức tranh này ngày càng ngả sang màu sáng. Song để giữ được gam màu tươi này trong năm 2010 và những năm tiếp theo là không dễ dàng nên chỉ những nỗ lực của các NHTM thôi chưa đủ mà cần và rất cần có sự tỉnh táo và thận trọng của các các cơ quan quản lý nhà nước, sự chắc chắn của các doanh nghiệp, sự sáng suốt và ủng hộ của người dân cũng như sự minh bạch của thị trường.

[1] Theo Thông tư số 15/2009/TT-NHNN ban hành ngày 10/8/2009: tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn đối với các ngân hàng thương mại là 30%; với các công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính là 30%; với quỹ tín dụng nhân dân trung ương là 20%. Theo quy định cũ, các tỷ lệ tối đa đối với các ngân hàng thương mại là 40%, với các tổ chức tín dụng khác là 30%. [2] Riêng TP. Hồ Chí Minh: dư nợ tín dụng 11 tháng tăng 34,7%, huy động vốn tăng 30,2% [3] Website của Hiệp hội ngân hàng http://www.vnbaorg.info/index.php?option=com_content&task=view&id=1199&Itemid=69 [4] http://www.sbv.gov.vn/vn/home/htNHTMCPdthi.jsp ngày 17/12/2009 [5] HSBC và Standard Chartered được cấp giấy phép ngày 8/9/2008; ANZ được cấp giấy phép ngày 9/10/2008; Hong Leong và Shinhan cấp giấy phép ngày 29/12/2008 nhưng đến ngày 5/1/2009, HSBC là ngân hàng nước ngoài đầu tiên đưa ngân hàng con 100% vốn trực thuộc đi vào hoạt động tại Việt Nam.

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật