Ứng dụng chữ ký số trong giao dịch thuế điện tử: Lúng túng khi sử dụng

  • Bài viết
  • 28 tháng 6, 2011
  • 484 lượt xem
  • 0 bình luận
  Cách thức lưu trữ, bảo quản, sử dụng, ủy quyền chứng thư số và chữ ký số như thế nào là vướng mắc lớn đối với cả cơ quan nhà nước, tổ chức và doanh nghiệp khi triển khai ứng dụng chứng thư số và chữ ký số trên thực tế. Chữ ký số có giá trị tương đương với chữ ký và con dấu. Vậy ai là người giữ, lãnh đạo hay văn thư? Đây là câu hỏi và cũng chính là những vướng mắc trên thực tế mà ngành thuế đang phải đối mặt khi ứng dụng chữ ký số trong các giao dịch thuế điện tử. Theo ông Phạm Quang Toàn, Phó cục trưởng Cục Ứng dụng công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế), mặc dù có quy định cụ thể về việc lưu giữ con dấu chữ ký, nhưng chưa có những quy định cụ thể về việc lưu giữ chữ ký số. “Điều này gây lúng túng trong việc ai là người giữ chữ ký số của doanh nghiệp, hoặc ủy quyền sử dụng hay quy trách nhiệm như thế nào khi liên quan đến mất mát...”, ông Toàn nói thêm. Một vướng mắc khác mà ngành thuế gặp phải khi ứng dụng chữ ký số trong thực hiện thuế điện tử, theo ông Toàn, là vấn đề kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp. Trên hồ sơ khai thuế bằng giấy của doanh nghiệp, phải có chữ ký của người lập, kế toán và đại diện pháp luật của doanh nghiệp, nhưng với hồ sơ khai thuế điện tử, chỉ có duy nhất một chữ ký số của người đại diện pháp luật. Nhưng nếu doanh nghiệp sử dụng nhiều chữ ký số cho nhiều người giống như quy trình của hồ sơ khai thuế bằng giấy, sẽ tốn kém không ít chi phí và phức tạp trong quy trình thực hiện. Do vậy, theo ông Toàn, cần phải tìm hướng đi để vừa xử lý được công việc từ phía cơ quan nhà nước, vừa xử lý được vấn đề giám sát nội bộ doanh nghiệp. Ông Đào Đình Khả, Giám đốc Trung tâm Chứng thực chữ ký số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, việc ứng dụng chữ ký số để tăng cường cải cách thủ tục hành chính công là việc tương đối khó, vì làm việc này tức là thay đổi hẳn quy trình con dấu chữ ký trước đây. “Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra và cần phải suy nghĩ về việc ứng dụng chữ ký số trên thực tế. Chẳng hạn, kiểm toán chấp nhận các hoá đơn có dấu đỏ, còn đối với các tờ kê điện tử có chữ ký số, thì có chấp nhận hay không”, ông Khả nêu vấn đề. Trong khi đó, theo nhận định của giới chuyên môn, nếu chữ ký số được ứng dụng và được chấp nhận một cách rộng rãi giống như “con dấu và chữ ký”, thì sẽ tác động rất lớn đến cải cách thủ tục hành chính. Điều này cũng có nghĩa là, số lượng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 sẽ không dừng lại ở con số 1 như hiện nay. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện chỉ duy nhất Bộ Công thương cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 là dịch vụ cấp giấy phép xác nhận khai báo hoá chất trực tuyến. “Với dịch vụ này, trong khoảng thời gian 3-5 ngày, doanh nghiệp sẽ nhận được giấy xác nhận (trước đây phải chờ 7-8 ngày), đồng thời tiết kiệm được chi phí in ấn, đi lại...”, đại diện Cục Thương mại điện tử (Bộ Công thương) cho biết. Số liệu thống kê của Bộ Công thương cho thấy, mỗi ngày, có trên 200 doanh nghiệp đăng ký dịch vụ cấp phép xác nhận khai báo hoá chất trực tuyến và có 30-50 hồ sơ được cấp mỗi ngày. Tính đến thời điểm này, đã có 5 doanh nghiệp được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng và 2 trong số 5 doanh nghiệp này đã chính thức cung cấp dịch vụ ra thị trường. Đó là Công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC) cung cấp chữ ký số và chứng thư số cho gần 1.600 doanh nghiệp cùng Bkav mới bắt đầu cung cấp dịch vụ.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :