Phần vốn góp, cổ phần trong công ty có tư cách pháp nhân (“Phần Vốn Góp”) là các tài sản vô hình có thể chuyển giao trong giao lưu dân sự thông qua hợp đồng chuyển nhượng. Hiệu lực của hợp đồng chuyển nhượng làm phát sinh không những quyền và nghĩa vụ của các bên đối với nhau mà còn liên quan tới công ty phát hành Phần Vốn Góp (“Công Ty”). Ta thử lần lượt tìm hiểu các vấn đề pháp lý liên quan đến hiệu lực của hợp đồng chuyển nhượng Phần Vốn Góp đối với các bên giao kết và đối với Công Ty cũng như đối với người thứ ba.
1. Đối với các bên giao kết hợp đồng
Phần Vốn Góp là một tài sản vô hình. Tài sản này không chiếm hữu được. Đó chỉ là quyền định giá được bằng tiền và không gắn liền với bất kỳ vật cụ thể, xác định nào. Luật pháp Việt Nam gọi chung những tài sản vô hình đó là quyền tài sản. Việc mua bán quyền tài sản được điều chỉnh bởi Điều 442 Bộ luật dân sự và một số các quy định riêng tại luật chuyên ngành như Luật Doanh Nghiệp, Luật Đầu Tư…
Giống như hợp đồng mua bán có đối tượng là một vật, hợp đồng chuyển nhượng quyền tài sản (Phần Vốn Góp) được đặc trưng bởi việc bên chuyển nhượng có nghĩa vụ chuyển quyền sở hữu Phần Vốn Góp cho bên nhận chuyển nhượng. Đổi lại, bên nhận chuyển nhượng phải trả tiền cho bên chuyển nhượng (Điều 442 khoản 1 Bộ luật dân sự).
Ta thừa nhận rằng, nghĩa vụ chuyển quyền sở hữu tài sản là nghĩa vụ quan trọng nhất của bên chuyển nhượng trong hợp đồng chuyển nhượng. Thế nhưng chỉ có chừng đó nghĩa vụ liệu có đủ để đảm bảo cho quyền lợi của bên giao kết còn lại của hợp đồng? Ở các hợp đồng mua bán có đối tượng là một vật, người bán có nghĩa vụ cung cấp các thông tin cần thiết về tài sản, bảo đảm chất lượng vật mua bán và bảo hành đối với vật mua bán cho người mua.
Như vậy, quyền của mua đã được luật định (Điều 435, 437, 438 Bộ luật dân sự). Phần Vốn Góp, như ta đã biết, chỉ là một quyền tài sản – một tài sản vô hình mà không thể nhận biết được bằng các giác quan tiếp xúc. Bên nhận chuyển nhượng tự nhận định giá trị của Phần Vốn Góp và chấp nhận giá chuyển nhượng với bên chuyển nhượng chủ yếu trên cơ sỏ các thông tin về Phần Vốn Góp (có thể do họ tự thu thập hoặc do bên chuyển nhượng cung cấp). Các thông tin này là các thông tin đặc biệt, bởi vì có liên quan tới tình trạng hoạt động của Công Ty phát hành Phần Vốn Góp, nhất là tình hình tài chính. Giả thiết rằng bên nhận chuyển nhượng đã cung cấp các thông tin không đầy đủ và trung thực cho bên nhận chuyển nhượng, và do đó, dẫn tới việc bên nhận chuyển nhượng có sự nhầm lẫn về giá trị của Phần Vốn Góp. Thế thì, trong hoàn cảnh mà luật không quy định rằng cung cấp thông tin và bảo đảm giá trị của Phần Vốn Góp là nghĩa vụ của bên chuyển nhượng thì bên nhận chuyển nhượng liệu có quyền yêu cầu đền bù thiệt hại hoặc huỷ bỏ hợp đồng? Tất nhiên, bên nhận chuyển nhượng hoàn toàn có thể bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách ghi nhận các tình huống dự liệu này thông qua các điều khoản ràng buộc một cách rành mạch trong hợp đồng chuyển nhượng. Nhưng nếu không có các điều khoản như thế, bên nhận chuyển nhượng sẽ phải làm gì để bảo đảm lợi ích của mình? Liệu có thể áp dụng tương tự pháp luật các quyền và nghĩa vụ của bên mua và bên bán trong hợp đồng mua bán vật cho hợp đồng mua bán quyền tài sản? Chưa có câu trả lời dứt khoát của luật viết cho vấn đề này.
Trong luật của Cộng hoà Pháp, người chuyển nhượng phần hùn và cổ phần trong công ty có nghĩa vụ của người bán đối với người mua giống như các hợp đồng mua bán vật hữu hình, đặc biệt là các nghĩa vụ đảm bảo về các khuyết tật của sự ưng thuận (do sự nhầm lẫn, bị lừa dối hay ép buộc…) và đảm bảo về các khuyết tật bị che dấu (ví dụ như đảm bảo về khả năng thanh toán của công ty tại thời điểm giao kết hợp đồng chuyển nhượng)[ii] .
Đối với các tài sản hữu hình, nghĩa vụ chuyển giao quyền sở hữu của bên bán cho bên mua được coi là hoàn thành khi vật được giao cho bên mua (đối với tài sản không phải đăng ký quyền sở hữu) hoặc khi hoàn thành việc đăng ký quyền sở hữu cho bên mua (đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu). Đối với tài sản vô hình, thời điểm chuyển giao quyền sỏ hữu là thời điểm bên mua nhận được giấy tờ xác nhận về quyền sở hữu đối với tài sản đó hoặc từ thời điểm đăng ký việc chuyển giao quyền sở hữu (Điều 442 khoản 3Bộ Luật dân sự). Vấn đề là Phần Vốn Góp thuộc loại tài sản nào: phải đăng ký quyền sở hữu hay không phải đăng ký quyền sở hữu?
2. Đối với Công Ty và người thứ ba
Hiệu lực của hợp đồng chuyển nhượng Phần Vốn Góp giữa các bên giao kết chỉ phát sinh hiệu lực đối với Công Ty khi đăng ký vào sổ thành viên/cổ đông công ty (Điều 61 khoản 2 Luật doanh nghiệp) hoặc khi được cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư phê chuẩn (đối với Phần Vốn Góp trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài). Luật viết cũng như học thuyết pháp lý tại Việt Nam chưa từng có câu trả lời lý giải về ý nghĩa pháp lý của việc đăng ký: đây là việc đăng ký quyền sở hữu tài sản hay việc đăng ký còn mang một ý nghĩa khác?
Tại Cộng hoà Pháp, người nhận chuyển nhượng Phần Vốn Góp phải làm thủ tục thông báo cho Công Ty về việc chuyển nhượng bằng một công chứng thư. Việc thông báo này được học thuyết pháp lý lý giải như sau: Người “sở hữu” Phần Vốn Góp có một quyền chủ nợ kép [i] đối với Công Ty: một mặt, họ có quyền yêu cầu Công Ty trả một khoản lợi nhuận/cổ tức hàng năm từ lợi nhuận có thế chia của Công Ty; mặt khác, họ có quyền yêu cầu Công Ty chia tài sản còn lại của Công Ty khi Công Ty giải thể tương ứng với giá trị Phần Vốn Góp của họ. Và bởi vì Phần Vốn Góp là một quyền chủ nợ, nên người “sở hữu” Phần Vốn Góp là chủ nợ (người có quyền) và Công Ty là người mắc nợ (người có nghĩa vụ). Hợp đồng chuyển nhượng Phần Vốn Góp mang tính chất một hợp đồng chuyền nhượng quyền chủ nợ, do vậy, người có quyền (người nhận chuyển nhượng) phải tuân thủ thủ tục thông báo cho người có nghĩa vụ (Công Ty) theo quy định của điều 1690 Bộ dân luật Pháp, chứ không hẳn là việc thông báo /đăng ký với Công Ty mang ý nghĩa của hành vi đăng ký quyền “sở hữu” tài sản. Hay nói cách khác, chưa hẳn Phần Vốn Góp là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu.
Ngày nay, các giao dịch liên quan tới sự di chuyển của tài sản Phần Vốn Góp càng ngày càng nhiều và trở nên phổ biến. Để các giao dịch dân sự liên quan tới Phần Vốn Góp diễn ra một cách an toàn và hợp pháp, hệ thống pháp luật cần phải nhanh chóng hoàn thiện và tiến dần tới một hành lang pháp lý phù hợp với tập quán chung được thừa nhận rộng rãi bởi các nước trên thế giới./.
___________________
[i] Tham khảo: M. Cozian, A.Viandier, F. Deboissy – Droit société commercial (“Chuyên khảo về Luật công ty thương mại”), số 899 – 905, trang 301-304, NXB Litec 2000.
[ii] Luật học của Cộng hoà Pháp cũng như hầu hết các nước theo hệ thống pháp luật la tinh tiếp cận cách phân loại tài sản bằng hai tiêu chí: vật và quyền. Nếu tiếp cận ở tiêu chí vật, ta có các tài sản là động sản hoặc bất động sản, hoặc tài sản là vật vô hình hoặc vật hữu hình…Nếu tiếp cận theo tiêu chí quyền, ta có các tài sản là các quyền thực hiện trực tiếp trên một vật hữu hình, gọi là quyền đối vật, điển hình là quyền sở hữu; hoặc các quyền yêu cầu người khác thực hiện hoặc không thực hiện một việc, gọi là quyền đối nhân hay quyền chủ nợ.
Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central Fied , Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"