TÒA ÁN VÀ TRỌNG TÀI KINH TẾ: "GIÀNH NHAU" QUYỀN XỬ KIỆN

  • Bài viết
  • 25 tháng 5, 2011
  • 327 lượt xem
  • 0 bình luận

Tòa nói theo nghị quyết thì mình được thụ lý vụ kiện. Trọng tài lại bảo theo pháp lệnh thì tòa phải từ chối thụ lý…

Tháng 7-2002, Công ty TNHH TS (huyện Thuận An, Bình Dương) và ông S. (Đài Loan) ký hợp đồng thành lập một công ty liên doanh với ngành nghề sản xuất gia công mộc mỹ nghệ. Thời gian hoạt động của công ty là 50 năm với tổng vốn là hơn 650.000 USD, trong đó ông S. góp 78%, phía công ty góp 22% bằng nhà xưởng, trang thiết bị. Hai bên thống nhất chọn ông S. làm tổng giám đốc, một đại diện phía Việt Nam làm phó tổng giám đốc.

Bất hòa

Trong quá trình hợp tác, phía Việt Nam cho rằng ông S. đã lạm quyền, vi phạm điều lệ công ty liên doanh, dẫn đến việc công ty bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính. Cụ thể ông S. tự ý mở phân xưởng mới không thông qua hội đồng quản trị, không xin phép, kết quả là bị Công an Bình Dương phạt 15 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn cho doanh nghiệp khác gửi hàng vào container của công ty để xuất đi Đài Loan mà không khai báo hải quan, kết quả là bị Hải quan Đài Loan phát hiện, cảnh báo với Hải quan Việt Nam.

Mâu thuẫn được đẩy lên cao trào khi bà phó tổng giám đốc phía Việt Nam bị bệnh phải nằm bệnh viện nhưng ông S. ra quyết định đuổi việc với lý do công ty đang gặp khó khăn mà bà này lại đi du lịch, không báo cho tổng giám đốc biết. Cùng với bà phó tổng giám đốc, hai quản lý sản xuất người Việt Nam cũng bị cho nghỉ.

Bên kiện ra tòa, bên nhờ trọng tài

Tháng 7-2007, phía Việt Nam gửi thư khuyến cáo cho phía ông S., nêu rõ không thể hợp tác tiếp và sẽ kiện ra tòa để giải quyết việc liên doanh. Một tháng sau, thấy phía ông S. không phản đối gì, phía Việt Nam đã nộp đơn đến TAND tỉnh Bình Dương.

Khi tòa hòa giải, ban đầu phía ông S. chấp nhận mua lại phần vốn liên doanh của phía Việt Nam, đồng ý để tòa chỉ định công ty kiểm toán để hạch toán vốn của hai bên nhưng về sau lại đổi ý, bác bỏ toàn bộ thỏa thuận. Sau đó, phía ông S. nhờ Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) giải quyết tranh chấp với lý do là khi ký hợp đồng liên doanh, hai bên có thỏa thuận rằng nếu xảy ra tranh chấp thì VIAC sẽ thụ lý.

Tháng 3-2008, VIAC chính thức thụ lý vụ tranh chấp. Ngay sau đó, TAND tỉnh Bình Dương gửi công văn yêu cầu VIAC đình chỉ giải quyết. Tòa cho rằng trước khi kiện ra tòa, phía Việt Nam đã thông báo cho ông S. biết nhưng ông S. không phản đối. Theo Nghị quyết 05 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, trường hợp này được xem là các bên có thỏa thuận mới về lựa chọn tòa án giải quyết tranh chấp thay cho trọng tài.

Đáp lại, VIAC bảo trong hợp đồng liên doanh, hai bên đã thỏa thuận VIAC sẽ giải quyết tranh chấp. VIAC còn viện dẫn Điều 5 Pháp lệnh Trọng tài thương mại 2003 để cho rằng TAND tỉnh Bình Dương đã thụ lý sai. Theo đó, trường hợp tranh chấp đã có thỏa thuận trọng tài, nếu một bên khởi kiện tại tòa thì tòa phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu (ở đây thì thỏa thuận trọng tài không vô hiệu).

Thế là TAND tỉnh Bình Dương phải xin ý kiến của TAND tối cao để phúc đáp VIAC. Dù TAND tối cao đã khẳng định việc Tòa Bình Dương áp dụng Nghị quyết 05 để thụ lý, giải quyết vụ kiện là đúng pháp luật nhưng VIAC vẫn không đồng ý.

Xung đột luật?

Khi được chúng tôi hỏi ý kiến, nhiều chuyên gia nhận định đang có điểm chênh nhau giữa Pháp lệnh Trọng tài thương mại và Nghị quyết 05. Cụ thể là Điều 5 pháp lệnh quy định trong trường hợp các bên có thỏa thuận trọng tài thì tòa án phải từ chối thụ lý tranh chấp, trừ trường hợp thỏa thuận đó vô hiệu. Tuy nhiên, Điểm b Tiểu mục 1.2 Mục 1 Nghị quyết 05 lại đưa ra một tình huống mới không có trong pháp lệnh: Nếu nguyên đơn thông báo cho bị đơn biết về việc kiện ra tòa mà bị đơn không phản đối trong bảy ngày thì coi như hai bên đã có sự lựa chọn mới là để tòa giải quyết tranh chấp thay cho trọng tài.

Về chuyện này, các trọng tài viên của VIAC cho rằng Nghị quyết 05 là văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Trọng tài thương mại. Về tính pháp lý, văn bản này có giá trị thấp hơn so với pháp lệnh và không được trái với quy định trong pháp lệnh. Như vậy, việc thẩm phán viện dẫn Nghị quyết 05 mà không áp dụng Điều 5 Pháp lệnh Trọng tài thương mại là không thể chấp nhận được.

Ngược lại, một thẩm phán Tòa kinh tế TAND TP.HCM lại đồng tình với Tòa Bình Dương. Theo thẩm phán này, Nghị quyết 05 cụ thể hóa Pháp lệnh Trọng tài thương mại và được xây dựng trên cơ sở ghi nhận thực tế. Xuất phát từ đó, Nghị quyết 05 đã mở ra cho các doanh nghiệp một hướng đi mới khi xảy ra tranh chấp: Dù trước đó các bên đã lựa chọn trọng tài nhưng tới khi xảy ra tranh chấp, các bên thấy rằng ra tòa sẽ thuận lợi hơn khi giải quyết thì có quyền kiện ra tòa.

Được biết, hiện VIAC vẫn đang tiếp tục tranh luận về thẩm quyền xử vụ việc này. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc khi có diễn tiến mới.

Đã có hướng tháo gỡ?

Một thẩm phán Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã đề xuất một giải pháp tạm thời cho vụ kiện trong thời gian chờ hoàn thiện pháp luật về thương mại. Theo ông, ở đây khi đang có xung đột giữa hai văn bản pháp luật thì nên để VIAC thụ lý, giải quyết vì hai bên đã có thỏa thuận trọng tài từ trước. Sau đó, nếu một trong hai bên vẫn không đồng tình thì hội đồng trọng tài sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ qua tòa. Lúc ấy thì phán quyết của tòa sẽ là quyết định chung thẩm.

Nguồn: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :