THU HÚT FDI “SẠCH” CHO PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG NỀN KINH TẾ VIỆT NAM

PGS.TS. NGUYỄN THỊ LIÊN HOA – TRẦN PHƯƠNG HỒNG HẠNH VÀ BÙI ANH CHÍNH – Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM Foreign Direct Investment (FDI) không phải là một khái niệm mới, nhưng trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay thì FDI không chỉ được xem xét ở khía cạnh tích cực mà còn ở khía cạnh tiêu cực. Một khái niệm cần phải được xem xét hiện nay là “FDI sạch” trong mối quan hệ đến sự phát triển bền vững nền kinh tế của một quốc gia. Quan điểm về FDI “sạch” FDI sạch cần thiết phải hướng đến sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế, cụ thể phải đáp ứng các yêu cầu: · Lợi ích kinh tế: Nguồn vốn FDI một khi được tiến hành đầu tư thì phải đảm bảo lợi ích cho cả nước đầu tư và nước tiếp nhận đầu tư. Đối với nước đầu tư khi tiến hành đầu tư phải nhận được các lợi ích kinh tế như nguồn lao động và nguyên vật liệu rẻ hơn, tạo ra được lợi nhuận trong quá trình đầu tư. Đối với nước tiếp nhận đầu tư phải đảm bảo tăng trưởng kinh tế cao, ổn định và bền vững; phát triển sản xuất theo hướng thân thiện môi trường, công nghiệp hóa, phát triển nông nghiệp – nông thôn bền vững, phát triển công nghiệp sạch. · Lợi ích xã hội: thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm các mục tiêu: tiến bộ và công bằng xã hội; xóa đói giảm nghèo; giải quyết việc làm, tăng thu nhập; nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao dân trí, trình độ nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe… · Bảo vệ môi trường, xử lý, khắc phục ô nhiễm, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường, phòng chống cháy và chặt phá rừng; khai thác tài nguyên bừa bãi. Một dự án FDI bền vững được đánh giá đồng thời trên các khía cạnh sau: · Nguồn vốn đầu tư phải là đầu tư kinh doanh và không nhằm mục đích trục lợi nào khác. Một số tổ chức lợi dụng danh nghĩa đầu tư dưới dạng FDI nhưng thực chất là để rửa tiền, hoặc một số khác có đầu tư kinh doanh nhưng với mục đích khai thác những nguồn tài nguyên thiên nhiên.   · Đem lại lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội cho cả bên đầu tư và bên nhận đầu tư. · Có chính sách phát triển lâu dài và thân thiện với môi trường sinh thái. Vấn đề này là hết sức quan trọng để cấu thành nên một FDI thân thiết với môi trường. Các dự án FDI không chỉ có phương án đầu tư mà phải kèm theo phương án bảo vệ môi trường. Để làm được vậy, chúng ta cần xem xét đến những nhân tố có tính chất quyết định chủ yếu đến tính bền vững của FDI như: · Cơ chế chính sách thông thoáng, khuyến khích đầu tư để thu hút và giữ chân nhà đầu tư. · Có chính sách bảo vệ môi trường sinh thái. · Môi trường cạnh tranh, những cơ hội và sức ép từ thị trường thế giới và thị trường nội địa. · Tầm nhìn mang tính dài hạn của nhà đầu tư · Những sáng kiến và cam kết hợp tác Quốc tế FDI sạch – Thách thức lớn cho các nước đang phát triển Luồng vốn nước ngoài đổ vào có thể xuất hiện các nguy cơ tiềm ẩn xấu đối với nền kinh tế các nước, chẳng hạn như nguy cơ thâm hụt thương mại, và phải lệ thuộc phần lớn vào FDI để bổ sung cho thâm hụt thương mại. Đối với các nước chủ nhà có nền kinh tế còn kém phát triển, FDI thông thường gắn với các ngành khai thác tài nguyên, nông nghiệp, chế tạo, dịch vụ, các ngành công nghiệp được bảo hộ, các ngành công nghiệp gây ô nhiễm và lĩnh vực bất động sản. Đó là một cơ cấu đầu tư không hợp lý bởi những nguyên nhân sau: · Thứ nhất, các ngành khai thác tài nguyên là các ngành không có sức lan tỏa, tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp phụ trợ phát triển; · Thứ hai, các ngành công nghiệp được bảo hộ thì sức cạnh tranh thấp; · Thứ ba, vào các ngành công nghiệp gây ô nhiễm thì lợi nhuận nước ngoài hưởng còn hậu quả thì nước nhận FDI gánh chịu và · Thứ tư, đầu tư vào lĩnh vực bất động sản sẽ làm thổi phồng quả bóng bất động sản. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài góp phần kích thích khuynh hướng tiêu dùng tăng nhanh và rủi ro làm kiệt quệ nguồn vốn đầu tư nước ngoài và nhanh chóng mở rộng quy mô nợ của quốc gia sở tại. Thách thức chủ yếu đối với các nước này là phải tìm được giải pháp thúc đẩy FDI mà đảm bảo được phát triển bền vững, không lặp lại những sai lầm của các quá trình tăng trưởng nhanh nhưng không bền vững, đã gây nên những xung đột lớn, phải trả giá về môi trường sinh thái và làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. FDI tại Việt Nam trong thời gian qua ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI THEO NGÀNH 1988-2008 (chỉ tính các dự án còn hiệu lực) ĐVT: triệu USD
Chuyên ngành Số dự án TVĐT Vốn điều lệ
1. Công nghiệp và xây dựng 6,303 87,800 29,664
- CN dầu khí 48 14,478 4,659
- CN nhẹ 2,740 15,680 6,884
- CN nặng 2,602 47,165 14,132
- CN thực phẩm 350 4,199 1,876
- Xây dựng 563 6,278 2,112
2. Nông, lâm nghiệp 976 4,793 2,291
- Nông-Lâm nghiệp 838 4,323 2,025
- Thủy sản 138 470 266
3.   Dịch vụ 2,524 57,182 20,059
- Dịch vụ 1,438 3,333 1,348
- GTVT-Bưu điện 235 6,255 3,475
- Khách sạn-Du lịch 250 15,412 4,466
- Tài chính-Ngân hàng 68 1,058 991
- Văn hóa-Ytế-Giáo dục 294 1,759 643
- XD Khu đô thị mới 14 8,225 2,842
- XD Văn phòng-Căn hộ 189 19,362 5,736
- XD hạ tầng KCX-KCN 36 1,781 559
Tổng số 9,803 149,775 52,014
Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư · Từ năm 2000 đến nay nước ta đã thu hút được 8028 dự án với số vốn đăng ký lên tới 116 tỷ USD và số vốn thực hiện lên tới 40 tỷ USD. Bên cạnh đó là quy mô mỗi dự án đăng ký không ngừng tăng lên, năm 2000 bình quân vốn đăng ký trên mỗi dự án chỉ đạt 7.26 triệu USD và giảm dần trong năm 2001, 2002, sau đó tăng dần cho đến năm 2008 đã là 51.47 triệu USD. · Trong các năm qua nguồn vốn FDI chủ yếu tập trung vào các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp nhẹ và công nghiệp thc phẩm. Trong khi lĩnh vực nông lâm thủy sản thì nhận được ít nguồn vốn đầu tư nhất. Và trong thời gian gần đây thì vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản tăng cao. · Hiện nay, FDI chủ yếu tập trung vào vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và phía Bắc, các tỉnh vùng sâu, vùng xa tỉ trọng rất thấp. Các dự án FDI chưa khai thác tiềm năng, lợi thế của các vùng; chưa có dự án đầu tư vào khoa học – công nghệ cao. Một số dự án trồng rừng nguyên liệu, chế biến nông sản đạt hiệu quả thấp. Trong khi đó lại có khá nhiều dự án tác động nghiêm trọng đến cảnh quan, môi trường tự nhiên… · Trong hơn 20 năm qua, nước ta đã có rất nhiều các tập đoàn, các công ty đa quốc gia tới và đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Châu Á chiếm 69% trong đó khối ASEAN chiếm 19%, châu Âu chiếm 26% trong đó EU chiếm 10%, các nước Châu Mỹ chiếm 5% riêng Mỹ chiếm 3,6%. · Từ năm 2000 đến năm 2004 vốn FDI đăng ký gần như được giải ngân hết nhưng từ năm 2005 cho đến nay tốc độ giải ngân chậm lại so với vốn đăng ký, năm 2007 giải ngân được 8 tỷ USD chiếm 37.6% vốn đăng ký, năm 2008 chỉ giải ngân được hơn 11.5 tỷ USD chiếm 19% vốn đăng ký. Tác động của FDI lên nền kinh tế Việt Nam FDI là chỉ số thể hiện sự ổn định về nhiều mặt của một đất nước như chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội…Nhưng không phải dự án nào cũng đem lại lợi ích thực sự. Có khi những nguồn lợi có được phải trả một giá cao hơn nhiều như việc xuất hiện những dự án khai thác khoáng sản ồ ạt, tàn phá môi trường, làm ảnh hưởng đến nhiều thị trường khác, nhất là dịch vụ du lịch… · Tác động tích cực của FDI đến nền kinh tế: - Đóng góp vào tăng trưởng GDP và đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Vốn FDI là nguồn quan trọng để phát triển kinh tế, từ năm 2000 cho đến nay FDI đã cung cấp 2.5 tỷ USD cho nền kinh tế - Tiếp thu, chuyển giao công nghệ. Thông qua các dự án đầu tư FDI, nhiều công nghệ mới, hiện đại đã được đưa vào sử dụng ở nước ta trong các ngành tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, bưu chính viễn thông, sản xuất vi mạch điện tử, sản xuất máy tính, hoá chất, sản xuất ô tô, thiết kế phần mềm… FDI còn kích thích các doanh nghiệp nội địa phải đầu tư đổi mới công nghệ để tạo được những sản phẩm có khả năng cạnh tranh với sản phẩm của các doanh nghiệp có vốn nước ngoài trên thị trường nội địa và xuất khẩu. - Nâng cao năng lực sản xuất và kim ngạch xuất khẩu. Cùng với tốc độ tăng trưởng trong tổng kim ngạch xuất khấu Việt Nam (ước đạt trung bình 21% mỗi năm) thì các doanh nghiệp FDI đóng góp trung bình 51.25% trong tổng kim ngạch này. Xu hướng này tăng dần qua các năm, các doanh nghiệp FDI đóng góp ngày càng lớn hơn trong tổng kim ngạch xuất khẩu tại Việt Nam. Nếu các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 4,6 tỷ USD trong tổng kim ngạch xuất khẩu (11,54 tỷ USD) trong năm 1999, thì sau 4 năm (năm 2003) con số này đã tăng gấp đôi đạt 10,2 tỷ USD và 3 năm sau đó (năm 2006) đạt gần 23 tỷ USD (gấp đôi năm 2003), đạt mức 35 tỷ USD trong năm 2008. - Tạo ra công ăn việc làm và cải thiện nguồn nhân lực, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường lao động. - Tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu. Khi thu hút FDI từ các công ty này, các quốc gia không chỉ nhận được lợi ích từ các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà các doanh nghiệp trong nước có quan hệ làm ăn với các xí nghiệp đó cũng sẽ tham gia vào quy trình sản xuất toàn cầu này. Chính vì vậy, nước thu hút đầu tư sẽ có cơ hội tham gia mạng lưới toàn cầu, sẽ thuận lợi hơn cho đẩy mạnh xuất khẩu. - Đóng góp vào nguồn thu ngân sách và các cân đối vĩ mô . Bên cạnh đó, FDI đã góp phần quan trọng vào việc tăng thặng dư của tài khoản vốn, góp phần cải thiện cán cân thanh toán nói chung. Trong giai đoạn 2000 – 2007, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp ước đạt 112 tỷ USD, chiếm 7.7% trong tổng thu ngân sách nhà nước và đang có xu hướng tăng có những năm tiếp theo. · Tác động tiêu cực của FDI: - Sự xuất hiện của dòng vốn FDI tạo áp lực cạnh tranh lớn đối với doanh nghiệp trong nước. Sức ép cạnh tranh có tác động hai mặt, thứ nhất làm đối thủ cạnh tranh yếu hơn có nguy cơ bị thu hẹp thị phần, giảm sản xuất, thậm chí phải rút lui khỏi thị trường. Đây là mặt tiêu cực của cạnh tranh. Tuy nhiên, cạnh tranh lại kích thích các đối thủ tự đầu tư đổi mới để vươn lên đứng vững trên thị trường, từ đó năng suất sản xuất được cải thiện. - Nguy cơ nhập khẩu công nghệ lạc hậu. Về kênh chuyển giao và phổ biến công nghệ giữa doanh nghiệp FDI và DN trong nước cũng không hoặc ít diễn ra. Ngoài các nguyên nhân khách quan như khuôn khổ luật pháp về sở hữu trí tuệ chưa đầy đủ, hiệu lực thấp, còn nguyên nhân chủ quan từ phía các doanh nghiệp trong nước. - Mất cân đối giữa các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế. FDI thường tập trung vào những ngành có khả năng sinh lợi cao như khai thác tài nguyên khoáng sản, dầu khí, công nghiệp nặng,…. Trong khi những ngành như nông nghiệp lại thu hút được rất ít nguồn FDI. Điều này, dẫn tới sự mất cân đối giữa các ngành, các lĩnh vực trong nền kinh tế. - Xuất hiện nguy cơ rửa tiền. Theo cảnh báo của WB thì Việt Nam sẽ bị các tổ chức rửa tiền quốc tế chọn làm mục tiêu vì hệ thống thanh tra, giám sát, hệ thống kế toán và tìm hiểu khách hàng ở nước ta còn kém phát triển, mức độ sử dụng tiền mặt và các luồng chuyển tiền không chính thức còn cao. Bên cạnh đó, Việt Nam đang trên con đường mở cửa kinh tế và được đánh giá là nền kinh tế có tính chất mở hàng đầu thế giới. Việc kiểm soát lỏng lẻo các dòng tiền vào ra đã tạo điều kiện thuận lợi để tội phạm thực hiện hoạt động rửa tiền. Nguồn vốn FDI có thể là một kênh thuận lợi cho việc tổ chức hoạt động rửa tiền. Các tổ chức phi pháp có thể tiến hành đầu tư vào nước ta với hình thức doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài nhưng thực chất không phải để hoạt động mà nhằm hợp pháp hóa các khoản tiền bất hợp pháp. · Ảnh hưởng đối với môi trường tự nhiên: - Gây ô nhiễm môi trường. Có thể nói một trong những tác động tiêu cực nhất của FDI đối với nước nhận đầu tư là những ảnh hưởng về môi trường. Đặc biệt là tình hình xuất khẩu ô nhiễm từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển thông qua FDI ngày càng gia tăng. Các nước đang phát triển có nguy cơ trở thành những nước có mức nhập khẩu ô nhiễm cao, nhiều nhất là Trung Quốc, Ấn Độ, ViệtNam… Hiện nay vấn đề xử lý nước thải tại Việt Nam chưa được chú trọng, hầu hết các xí nghiệp chưa có hệ thống xử lý chất thải. Các chương trình giám sát, xử phạt vẫn chưa được thực hiện một cách toàn diện trong khi ngày càng có nhiều dự án khai thác tài nguyên, vận chuyển dầu với hiểm họa tràn dầu có nguy cơ gia tăng trong các năm tới. - FDI ảnh hưởng tới đa dạng sinh thái. Bên cạnh những đóng góp quan trọng cho ngành Du lịch Việt Nam thì sự đầu tư quá lớn và liên tục gia tăng trong những năm gần đây đã đặt môi trường tự nhiên Việt Nam trước những thách thức lớn. Nguy cơ ảnh hưởng xấu đến đa dạng sinh học, tài nguyên nước, thuỷ sản, khí hậu và gia tăng ô nhiễm các lưu vực sông. Các khu công nghiệp mở rộng làm diện tích rừng bị thu hẹp, cuộc sống, nơi cư trú của các động vật hoang dã, thực vật đã bị xáo trộn, phá hủy. Trong khi đó, vấn đề bảo vệ tốt môi trường vẫn đang là thách thức lớn đối với Việt Nam hiện nay. Ví dụ về FDI “chưa sạch” tại Việt Nam Điểm lại hoạt động của nguồn vốn FDI trong thời gian qua ta thấy một số điểm đen như sự việc Cty Vedan phá hoại môi trường Việt Nam suốt 14 năm được lấy làm ví dụ điển hình để phân tích về trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp. Việc xả thải không qua xử lý xuống sông Thị Vải, việc trốn nộp phí môi trường suốt nhiều năm của Vedan được cho là một cách tiết kiệm để tăng lợi nhuận của doanh nghiệp mà bỏ qua những quy chuẩn về môi trường. Trước thực trạng ngày càng có thêm nhiều doanh nghiệp bị phát hiện đang ngấm ngầm phá hủy môi trường mà gần đây nhất, sau Vedan, là Cty Miwon. Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết: “Không chỉ có Vedan, thống kê hiện nay trong số hơn 100 khu công nghiệp ở Việt Nam có đến 80% đang vi phạm các quy định về môi trường. Bộ TN&MT đã đang và sẽ tổ chức nhiều đoàn thanh tra đi khắp các địa phương, lập danh sách đen các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng, có khả năng bị đóng cửa, trong đó sẽ đặc biệt chú ý đến các điểm nóng về môi trường hiện nay như sông Thị Vải, Khánh Hòa lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy….” . Hiện nay mới chỉ có 250 doanh nghiệp tại Việt Nam thực hiện các biện pháp sản xuất sạch hơn và đều thông qua các dự án hỗ trợ. Số lượng các doanh nghiệp tham gia còn khiêm tốn như vậy bởi Việt Namhiện chưa có cơ sở pháp lý để bắt buộc hoặc khuyến khích các doanh nghiệp tham gia sản xuất sạch hơn. Còn nhiều trường hợp ngân hàng không cho doanh nghiệp vay tiền để áp dụng sản xuất sạch hơn vì quan niệm đó là nhiệm vụ môi trường và phải được chi từ ngân sách nhà nước… Bởi vậy, có tình trạng có doanh nghiệp bỏ ra hàng tỷ đồng để đầu tư sản xuất sạch hơn trong khi các doanh nghiệp khác tự do xả các chất ô nhiễm ra môi trường và chỉ bị phạt hành chính với số tiền quá nhỏ. THU HÚT FDI SẠCH CHO PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG NỀN KINH TẾ VIỆT NAM · Hoàn thiện cơ chế chính sách về quản lý FDI sạch. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường. Cần phải có một hệ thống quản lý theo ngành dọc thống nhất để có thể quản lý chặt chẽ hơn công tác bảo vệ môi trường ở từng cơ sở, trong và ngoài khu công nghiệp. Ngoài việc cụ thể hóa những qui định pháp luật và xem xét tính hợp lý của một số chỉ tiêu về môi trường, cần nâng cao hiệu lực của Luật Bảo vệ môi trường. Các cơ quan quản lý cần cung cấp đầy đủ thông tin pháp luật cho các doanh nghiệp FDI, và tư vấn cho doanh nghiệp về thực thi pháp luật môi trường. · Có cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư FDI sạch. Dựa trên một số tiêu chí cơ bản để đánh giá một doanh nghiệp thực hiện giải pháp môi trường tốt nhất như: - Vận hành với các chuẩn môi trường cao mang tính toàn cầu. - Tích cực gắn kết với các đối tác địa phương. - Chuyển giao kỹ năng và công nghệ thân môi trường tới đối tác tại nước chủ nhà. - Đảm bảo để nước chủ nhà nhận được những lợi ích hợp lý trong FDI, đặc biệt trong các lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên. Các cơ quan quản lý FDI cũng như quản lý môi trường cần tham khảo danh sách hướng dẫn do Tổ chức Quỹ động vật hoang dã thế giới (WWF) xây dựng, nhằm xác định hành vi thực hiện giải pháp môi trường tốt nhất của doanh nghiệp FDI. · Nâng cao vai trò quản lý của nhà nước và sự tham gia của xã hội. Trong lĩnh vực FDI bền vững môi trường, vai trò của Chính phủ thường thể hiện ở hai khía cạnh là tạo lập chính sách và trọng tài trong các xung đột môi trường giữa hoạt động công nghiệp và người dân nhằm kiểm soát chống ô nhiễm môi trường và bảo vệ điều kiện sống của con người. · Thúc đẩy, khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội. Trong bảo vệ môi trường đầu tư. Kinh nghiệm cho thấy vai trò của cộng đồng và các tổ chức xã hội dân sự có tầm quan trọng trong việc hài hòa lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường. Theo xu hướng trên thế giới hiện nay, người tiêu dùng có thể tạo áp lực buộc các doanh nghiệp FDI phải quan tâm nhiều hơn đến kết quả môi trường của mình. Cộng đồng dân cư nơi có doanh nghiệp FDI hoạt động có thể tạo sức ép với doanh nghiệp để họ nâng cao chất lượng môi trường của mình. · Thu phí hoặc thuế các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Để xây dựng một cơ chế phát triển bền vững, nhiều nghiên cứu đã đề nghị phải lồng ghép chi phí môi trường vào hệ thống tài khoản quốc gia , nghĩa là phải đánh giá bằng tiền tệ đối với sự suy thoái môi trường như gây ô nhiễm và làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Khi đối mặt với vấn đề ô nhiễm không khí, nước hoặc đất đai, chính phủ có một số lựa chọn để cân nhắc nhằm cân bằng giữa nhu cầu có một môi trường sạch hơn với các chi phí kinh tế của việc làm sạch môi trường. · Quy định giới hạn ô nhiễm. Trong thời gian tới Việt Nam cần phải thực hiện giải pháp kiểm soát ô nhiễm dựa trên thị trường bằng cách ban hành hạn ngạch ô nhiễm, quy định lượng khí thải được thải ra môi trường đối với các doanh nghiệp. Để thực hiện được điều này đòi hỏi Việt Nam cần có một đội ngũ chuyên gia về môi trường để có thể xác định được lượng khí thải nào và khối lượng bao nhiêu được phép thải ra môi trường. Bên cạnh đó là một tổ chức thực sự minh bạch để không xảy ra những tiêu cực trong vấn đề mua bán, cấp phép hạn ngạch. · Giải pháp trong quy trình đầu tư FDI. Trong lựa chọn đối tác đầu tư. Cần ưu tiên chọn những đối tác doanh nghiệp FDI từ những nước phát triển có các chuẩn môi trường cao, nơi có qui định chặt chẽ về công tác môi trường. Những doanh nghiệp này, ngoài khả năng sử dụng các công nghệ sạch, thường áp dụng các biện pháp quản lý môi trường tốt hơn, còn có thể gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động FDI và nền kinh tế nước chủ nhà, đặc biệt là thông qua quá trình chuyển giao tri thức và công nghệ sạch cho các nhà thầu phụ địa phương. Cần thể chế hoá các công cụ kinh tế để khuyến khích doanh nghiệp FDI có thái độ thân thiện hơn với môi trường, nếu không doanh nghiệp chỉ thực hiện không vi phạm những qui định về tiêu chuẩn môi trường, mà không cố gắng tìm cách giảm tổng lượng chất thải và áp dụng các giải pháp phòng ngừa hiệu quả. Trong khâu cấp phép đầu tư, cần chú ý chỉ cấp phép cho các dự án khai thác tài nguyên thiên nhiên nào có công nghệ cao, trình độ quản lý tốt và có uy tín, hạn chế tối đa việc cấp phép cho những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đầu tư vào Việt Nam như dự án sản xuất giấy, thép… , những dự án không phù hợp với quy hoạch phát triển của Việt Nam, tạo dư thừa công suất quá lớn mà khó có triển vọng khai thác sử dụng. Trong khâu quy hoạch đầu tư, cần phải quy hoạch theo tính toán tăng trưởng của thu nhập trong nước, sự phát triển FDI để tính ra dung lượng thị trường cho sản phẩm từ đó đưa ra một số lượng dự án hợp lý. · Giải pháp về xúc tiến đầu tư. Cần tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài nhằm cung cấp thông tin về môi trường đầu tư, đồng thời tạo cơ hội để trao đổi trực tiếp với các nhà đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam về môi trường đầu tư của VN. Để FDI “sạch hơn”, chúng ta cần thiết phải có cái nhìn khách quan hơn ở nhiều góc độ khác nhau đối với hiệu quả của dòng vốn này mang lai cho nền kinh tế đất nước để từ đó có cách ứng xử phù hợp hơn nhằm đáp ứng cho nhu cầu tăng trưởng bền vững nền kinh tế VN./.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật