THỰC TIỄN ÁP DỤNG NGHỊ ĐỊNH SỐ 68/2002/NĐ-CP NGÀY 10 THÁNG 7 NĂM 2002 VỀ NUÔI CON NUÔI QUỐC TẾ

CẨM VÂN Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài đã tạo ra một sự thay đổi căn bản, chuyển biến tích cực trong việc giải quyết cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi. Việc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định 68 là rất cần thiết trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị tham gia Công ước La Hay về bảo vệ trẻ em và hợp tác về nuôi con nuôi quốc tế, nhất là đáp ứng yêu cầu hoàn thiện cơ sở lý luận và thực tiễn để soạn thảo Luật Nuôi con nuôi. Cơ chế mới trong xử lý vấn đề nuôi con nuôi quốc tế Mặc dù còn một số tồn tại, khiếm khuyết cần tiếp tục được khắc phục, song Nghị định 68 có bước tiến vượt bậc so với Nghị định 184/CP ngày 30/11/1994 trong việc cải cách cơ chế, quy trình, thủ tục, giấy tờ giải quyết cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài theo hướng minh bạch, rõ ràng, cụ thể hơn, tiệm cận với thông lệ quốc tế, với các nguyên tắc của Công ước La Hay.   Tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định 68 về nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài do Bộ Tư pháp tổ chức trong 2 ngày 4 và 5/9/2008, ông Vũ Đức Long – Cục trưởng Cục Con nuôi quốc tế nhấn mạnh, cơ chế mới này thể hiện trên khá nhiều khía cạnh. Chẳng hạn, Nghị định 68 đã tạo được một hành lang pháp lý an toàn, theo đó chỉ cho trẻ em Việt Nam làm con nuôi của công dân các nước có ký kết Hiệp định với Việt Nam. Hay như Nghị định 68 đã thiết lập một đầu mối duy nhất đảm nhiệm chức năng của Cơ quan TƯ về nuôi con nuôi quốc tế là Cục Con nuôi quốc tế – Bộ Tư pháp. Tiếp đến là quy định rõ ràng đối tượng trẻ được cho làm con nuôi nước ngoài phải đi từ cơ sở nuôi dưỡng hợp pháp, có sự kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương và TƯ. Ngoài ra, chống lại các hành vi vi phạm pháp luật với mục đích trục lợi. Cuối cùng, trong quá trình triển khai Nghị định 68, công tác hoàn thiện các văn bản liên quan đến thể chế rất được quan tâm mà cụ thể là ban hành Nghị định 69 sửa đổi, bổ sung Nghị định 68, Nghị định 76, Thông tư 07, Thông tư 08, Quy chế Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam… Có thể nói, Nghị định 68 chính là bước chuyển tiếp quan trọng chuẩn bị cho việc áp dụng cơ chế xử lý vấn đề nuôi con nuôi quốc tế theo Công ước La Hay mà nước ta đang xúc tiến tham gia. Nhằm có thể phát huy những mặt tích cực của cơ chế mới, gần đây nhất, tại Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008, Chính phủ đã quyết định thành lập Cục Con nuôi thay cho Cục Con nuôi quốc tế, thống nhất quản lý nhà nước về nuôi con nuôi trong nước và nuôi con nuôi quốc tế. Thời gian tới, chúng ta phải đẩy mạnh tuyên truyền để toàn xã hội nhận  thức được yêu cầu bất di bất dịch của Công ước La Hay rằng cho trẻ làm con nuôi nước ngoài là biện pháp cuối cùng khi không thể nào thu xếp được một mái ấm ở trong nước. Đặc biệt, cần củng cố, nâng cao năng lực cho Cục Con nuôi, bảo đảm gánh được trọng trách về hợp tác nuôi con nuôi quốc tế với hơn 70 nước thành viên của Công ước La Hay và thực thi Luật Nuôi con nuôi sẽ được Quốc hội khoá XII thông qua. Cải tiến trình tự, thủ tục giải quyết Theo quy trình của Nghị định 68, thủ tục và trình tự giải quyết việc cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài đã đơn giản đáng kể so với Nghị định 184. Về cơ bản, thời hạn giải quyết việc nuôi con nuôi quốc tế giảm từ 6 tháng xuống còn 4 tháng. Thời hạn xử lý ở từng khâu liên quan đến hồ sơ của người xin con nuôi và hồ sơ trẻ tại các cơ quan nhà nước như Cục Con nuôi quốc tế, Sở Tư pháp, CA tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Cơ sở nuôi dưỡng, CA và UBND xã được quy định rõ ràng, hợp lý. Cha mẹ nuôi đến Việt Nam làm lễ bàn giao trẻ và hoàn thành các thủ tục khác để đưa trẻ về nước chỉ trong khoảng 20 ngày, công việc làm ăn không bị ảnh hưởng. Đáng chú ý, việc cấp hộ chiếu cho trẻ trước thường mất khoảng 20 ngày thì vài ba năm gần đây rút xuống còn 5 ngày. Ông Long cho biết, Cục đã can thiệp trực tiếp với A18 Bộ CA để cơ quan này hướng dẫn cho CA các tỉnh và đôn đốc họ đảm bảo thời hạn cấp hộ chiếu cho trẻ. Tuy nhiên, bất cập lớn nhất lại nằm ở khâu quản lý các dữ liệu về trẻ em có đủ điều kiện cho làm con nuôi. Không ít địa phương giao toàn bộ khâu chuẩn bị hồ sơ trẻ cho cơ sở nuôi dưỡng, Sở Tư pháp chỉ kiểm tra và làm công văn gửi Cục Con nuôi quốc tế. Có giám đốc cơ sở nuôi dưỡng trực tiếp gửi danh sách trẻ cho Cục mà không thông qua Sở Tư pháp, trái với quy định của Thông tư 08. Thậm chí, ở một số địa phương, giám đốc cơ sở nuôi dưỡng móc ngoặc với những người có chức quyền của chính quyền xã để “đạo diễn” hồ sơ trẻ, làm sai lệch nguồn gốc của trẻ. Vì vậy, Luật Nuôi con nuôi sẽ phải quy định chặt chẽ hơn, khắt khe hơn, thời hạn kéo dài hơn để có thể ngăn chặn mọi sự lạm dụng, trục lợi và kịp thời uốn nắn các lệch lạc trong lĩnh vực nuôi con nuôi.

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật