Mô hình phản ứng nhanh

  • Bài viết
  • 28 tháng 6, 2011
  • 519 lượt xem
  • 0 bình luận
Mô hình hội đồng, tổ công tác gồm đại diện nhiều cơ quan có liên quan đang được nhiều địa phương áp dụng nhằm cố gắng giải quyết kịp thời và triệt để những vướng mắc, khó khăn mà các nhà đầu tư gặp phải. Những tổ, nhóm này thường do lãnh đạo UBND (thường là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách kinh tế, đầu tư) chủ trì, thành viên thường là lãnh đạo (Giám đốc, Phó Giám đốc) các sở ngành có liên quan đến doanh nghiệp và đầu tư như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Sở Tài chính… Đại diện các huyện thị ít khi là thành viên thường xuyên của tổ, nhóm này mà là thành viên phối hợp khi những vụ việc giải quyết trên địa bàn của huyện, thị đó. Hiện chưa rõ mô hình này được áp dụng đầu tiên tại tỉnh thành nào của Việt Nam. Nhưng qua khảo sát tại nhiều địa phương mô hình này đáp ứng được những yêu cầu của các tỉnh như: •      Đưa ra được cơ chế "phản ứng nhanh" trong giải quyết vấn đề, đáp ứng được yêu cầu cho nhà đầu tư. •      Khắc phục được những trở ngại hành chính trong phối hợp giữa các sở ngành, mỗi sở ngành ở Việt Nam thường có bộ chủ quản riêng phía trên, có luật và hệ thống quy định chuyên ngành riêng, có trình tự thủ tục hành chính riêng. •      Khắc phục được những điểm “tế nhị” của mô hình một sở đứng ra chủ trì phối hợp các sở, ngành khác cùng giải quyết do mỗi sở, ngành có những lợi ích riêng cần phải bảo vệ, lãnh đạo của từng sở, ngành đó có thể có những "vị thế chính trị" riêng trong hệ thống chính trị của địa phương. •      Là kênh làm việc trực tiếp giữa lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở ngành chuyên môn mà không phải qua Văn phòng Ủy ban nhân dân và thủ tục công văn giấy tờ nhiều khi phức tạp. •      Cơ chế, bộ máy hoạt động đơn giản, gọn nhẹ, linh động: Không thành lập bộ máy hành chính mới (thường không dễ dàng hiện nay do yêu cầu cải cách và giảm biên chế hành chính). Mô hình Hội đồng đầu tư tại Long An Để thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư, kịp thời tháo gỡ các khó khăn của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Long An đã thành lập Hội đồng đầu tư ngoài ngân sách. Hội đồng này được thành lập theo Quyết định số 2738/QĐ-UBND ngày 26 tháng 10 năm 2009. Hội đồng có 8 thành viên do Chủ tịch UBND tỉnh là chủ tịch Hội đồng, các thành viên là thủ trưởng các sở, ngành có liên quan. Theo quy định thì tùy theo nội dung từng phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định mời thủ trưởng các Sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố liên quan tham dự họp Hội đồng đầu tư. Theo quy chế làm việc ban hành kèm theo Quyết định số 2738 thì Hội đồng đầu tư tỉnh là tổ chức giúp Chủ tịch UBND tỉnh thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước và trên các lĩnh vực đầu tư, phát triển của doanh nghiệp. Hội đồng tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh quyết định trên các vấn đề: •      Thẩm định cơ chế, chính sách điều hành kế hoạch đầu tư phát triển của tỉnh, thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội từ mọi thành phần kinh tế. •      Thẩm định kế hoạch đầu tư phát triển như kế hoạch vốn đầu tư, điều hòa nguồn vốn đầu tư, lựa chọn giải pháp xử lý các vướng mắc liên quan đến đầu tư phát triển từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. •      Thẩm định cơ chế chính sách điều hành kế hoạch phát triển các thành phần kinh tế của tỉnh, định hướng đầu tư các lĩnh vực kinh tế ngoài ngân sách. •      Thẩm định tiếp nhận các dự án đầu tư của các thành phần kinh tế thuộc thẩm quyền quy định tại Quy chế thỏa thuận địa điểm đầu tư do UBND tỉnh ban hành; lựa chọn giải pháp xử lý các vướng mắc liên quan trong công tác tiếp nhận, cấp phép hoặc thu hồi chủ trương, thu hồi chứng nhận đầu tư; giải quyết các kiến nghị, đề xuất của các chủ đầu tư liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều cấp.. Hội đồng đầu tư họp định kỳ hàng tháng vào tuần cuối cùng của tháng để giải quyết tất cả các vấn đề có phát sinh trong tháng. Với chức năng là thư ký và thường trực Hội đồng đầu tư tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm tổng hợp nội dung chuẩn bị họp Hội đồng, tham mưu cho Chủ tịch các vấn đề có liên quan tại cuộc họp Hội đồng đầu tư, lập biên bản tổng hợp sau khi họp Hội đồng. Trong thường, trong quá trình tiếp nhận dự án đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã gửi văn bản cho các sở, ngành để lấy ý kiến. Trên cơ sở đó các sở, ngành cùng hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục như việc thu hồi đất đai, xác nhận phòng cháy chữa cháy, xây dựng… Nếu có khó khăn, vướng mắc thì thông qua hội đồng đầu tư. Trong những cuộc họp hội đồng đầu tư, với cơ chế liên ngành, những khó khăn trong quá trình tiếp nhận, triển khai các dự án đầu tư sẽ được nêu ra để bàn bạc và kiến nghị hướng giải quyết. Hoạt động của Hội đồng được đánh giá là thực chất và hiệu quả, chỉ trong tháng 8 năm 2010 đã giải quyết được hơn 50 trường hợp về gia hạn, thu hồi các dự án đầu tư. Mô hình Tổ công tác cũng là cách thức hỗ trợ doanh nghiệp khá hiệu quả nhằm cung cấp nhiều hơn nữa thông tin cho các nhà đầu tư, xử lý sự khác biệt về thủ tục hành chính giữa các cơ quan Nhà nước, thúc đẩy tiến trình thủ tục hành chính… Như một số tỉnh đánh giá thì đây cũng là hình thức để tăng tính trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong giải quyết thủ tục cho các doanh nghiệp. Tổ hỗ trợ DN về thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư tại Lào Cai Ngày 18/3/2010, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quyết định số 638/QĐ-UBND, thành lập Tổ hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư trên địa bàn tỉnh, Tổ trưởng là Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, các thành viên là trưởng, phó một số sở, ngành liên quan trực tiếp đến lĩnh vực đầu tư của tỉnh; cơ quan thường trực đặt tại Phòng thẩm định và Giám định đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư. Tổ hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh có nhiệm vụ, quyền hạn: Tiếp nhận những vướng mắc, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp về các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền xem xét, giải quyết của Chủ tịch, Ủy ban nhân dân tỉnh; đôn đốc các Sở, Ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xử lý dứt điểm, kịp thời, đúng thời hạn và đúng thẩm quyền những kiến nghị, vướng mắc của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp về thủ tục hành chính; phát hiện và đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý dứt điểm những thủ tục hành chính do cơ quan quản lý, cán bộ, công chức nhà nước các cấp đã tùy tiện đặt thêm hoặc gây khó khăn, hạn chế hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; chủ động làm việc với các Sở, Ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khi xem xét, giải quyết các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính; định kỳ hàng quý, tổng hợp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình và kết quả xử lý các vướng mắc, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp. Các Sở, Ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố phối hợp với Tổ hỗ trợ doanh nghiệp khi có yêu cầu phối hợp giải quyết những vướng mắc, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp về thủ tục hành chính; xử lý nghiêm những cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý có hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn, chậm trễ trong thực hiện thủ tục hành chính đối với cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp. Nguồn: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Tuấn Anh

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :