CHIẾN LƯỢC TỔNG THỂ VÀ CHÍNH SÁCH BẢO HỘ SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP TRONG NƯỚC PHÙ HỢP CÁC CAM KẾT QUỐC TẾ, QUI ĐỊNH CỦA WTO GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020

Trích dẫn nội dung Quyết định số 160/2008/QQD-TTg ngày 04 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ)

I. QUAN ĐIỂM

1. Các biện pháp bảo hộ sản xuất phải hợp lý, có điều kiện và có lộ trình cắt giảm phù hợp với các cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các cam kết khác của Việt Nam. 2. Các biện pháp bảo hộ của Nhà nước phải hướng tới thúc đẩy và tạo lập lợi thế cạnh tranh cho các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn nói riêng và cho ngành công nghiệp Việt Nam nói chung trên thị trường trong nước và quốc tế. 3. Các biện pháp bảo hộ phải được thực hiện thống nhất bình đẳng đối với mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. 4. Gắn bảo hộ sản xuất trong nước với việc tiếp tục điều chỉnh chức năng quản lý của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. II. MỤC TIÊU 1. Tạo điều kiện trợ giúp các nhà sản xuất trong nước từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường nội địa và từng bước mở rộng thị trường ngoài nước. 2. Tạo điều kiện huy động các nguồn lực trong và ngoài nước vào việc khai thác tiềm năng và lợi thế nhằm đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. 3. Góp phần ổn định kinh tế – xã hội đất nước trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế trên cơ sở tạo thêm việc làm, nâng cao đời sống người lao động, đáp ứng nhu cầu hàng hoá của nền kinh tế.   4. Bảo hộ sản xuất trong nước không chỉ hướng tới những mục tiêu kinh tế và bảo vệ lợi ích của các nhà sản xuất, mà còn hướng tới những mục tiêu xã hội và bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng trên thị trường nội địa. III. CHIẾN LƯỢC BẢO HỘ SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP TRONG NƯỚC PHÙ HỢP VỚI CÁC CAM KẾT QUỐC TẾ, QUY ĐỊNH CỦA WTO Trên cơ sở các cam kết quốc tế và quy định của WTO, tận dụng các biện pháp thuế và phi thuế nhằm trợ giúp các doanh nghiệp công nghiệp trong nước thuộc mọi thành phần kinh tế, mà trước mắt là tập trung cho các ngành công nghiệp ưu tiên, ngành công nghiệp mũi nhọn, nhằm tạo lập và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường nội địa và từng bước mở rộng thị trường ngoài nước. Bảo hộ phải hướng đến từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như năng lực cạnh tranh của ngành và sản phẩm công nghiệp. Ngược lại, việc nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ góp phần bảo hộ sản xuất công nghiệp. IV. CÁC CHÍNH SÁCH BẢO HỘ SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP TRONG NƯỚC PHÙ HỢP VỚI CÁC CAM KẾT QUỐC TẾ, QUY ĐỊNH CỦA WTO 1. Nhóm chính sách liên quan đến các biện pháp thuế và phi thuế a) Chính sách liên quan đến thuế Tiếp tục bảo hộ thông qua các chính sách thuế phù hợp với các quy định của WTO và cam kết quốc tế của Việt Nam. Áp dụng linh hoạt các phương pháp tính thuế, sử dụng có hiệu quả thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng nhằm bảo vệ sản xuất trong nước. b) Chính sách liên quan đến các biện pháp phi thuế - Thực hiện các chính sách hiện hành về đầu tư; bảo vệ thương mại tạm thời; tổ chức quản lý cạnh tranh, chống bán phá giá, chống trợ cấp; hàng rào kỹ thuật, an toàn vệ sinh dịch tễ…; - Cải cách chính sách và các quy định liên quan đến thủ tục hải quan. Tiếp tục quản lý chặt chẽ dịch vụ phân phối các mặt hàng có tác động quan trọng đến kinh tế – xã hội (như xăng dầu, dược phẩm, sách, báo, tạp chí, băng hình, thuốc lá, gạo, đường và kim loại quý, phân bón, xi măng…); - Áp dụng các chính sách bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhằm ngăn chặn các hoạt động gian lận thương mại, vi phạm bản quyền trên cơ sở các quy định của WTO và cam kết quốc tế của Việt Nam. 2. Nhóm chính sách liên quan đến nâng cao khả năng cạnh tranh a) Chính sách về đầu tư - Ưu tiên đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhất là tại các địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng nông thôn, miền núi, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các vùng. - Kết hợp đồng thời giữa đầu tư mới và đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Ưu tiên đầu tư vào các ngành công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, công nghệ tiêu tốn ít tài nguyên vật chất, tạo nên sản phẩm có chất lượng và giá cả cạnh tranh. - Nâng cao hiệu quả đầu tư. Tiếp tục phát huy mọi nguồn lực trong nước, thu hút nguồn lực bên ngoài, kết hợp có hiệu quả với các nguồn lực bên trong để thực hiện đầu tư. b) Chính sách về sản xuất, kinh doanh, dịch vụ công nghiệp - Đẩy mạnh phát triển các ngành, các sản phẩm sản xuất dựa trên lợi thế cạnh tranh động của nền kinh tế; đồng thời bảo đảm sản xuất, đáp ứng nhu cầu những sản phẩm thiết yếu nhằm góp phần giữ ổn định kinh tế – xã hội và tăng trưởng xuất khẩu. - Thực hiện các chính sách bảo hộ trên cơ sở phân loại hệ thống các mặt hàng công nghiệp thành các nhóm hàng theo những tiêu chí nhất định và xác định rõ các nhóm hàng hoá được bảo hộ để lựa chọn. - Phát triển sản xuất kinh doanh những sản phẩm có lợi thế, hoàn thiện dịch vụ công nghiệp, thực hiện mục tiêu nâng cao khả năng cạnh tranh là biện pháp bảo vệ hữu hiệu nhất đối với sản xuất trong nước. c) Chính sách về thị trường - Từng bước giảm dần tiến đến xoá bỏ sự can thiệp của Nhà nước vào giá cả hàng hoá (trừ một số mặt hàng chiến lược, thiết yếu) trên cơ sở tôn trọng các quy luật thị trường của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. - Nhà nước hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp phù hợp với các cam kết quốc tế, quy định của WTO. - Phát triển đồng bộ hệ thống thị trường (như thị trường hàng hoá và dịch vụ, thị trường tài chính, thị trường bất động sản, thị trường lao động và thị trường khoa học – công nghệ) và quản lý có hiệu quả sự vận hành của các loại thị trường. d) Chính sách về huy động vốn - Thực hiện nhất quán chủ trương phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần và đa dạng hoá các loại hình tổ chức kinh doanh nhằm huy động tốt nhất các nguồn lực trong và ngoài nước vào đầu tư phát triển kinh tế nói chung và công nghiệp nói riêng. - Phát triển vững chắc thị trường tài chính bao gồm thị trường vốn và thị trường tiền tệ theo hướng đồng bộ, có cơ cấu hoàn chỉnh. Mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động của thị trường vốn, thị trường chứng khoán. Huy động mọi nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Hiện đại hoá và đa dạng hoá các hoạt động của thị trường tiền tệ. Mở cửa thị trường dịch vụ ngân hàng theo lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế. đ) Chính sách về khoa học – công nghệ - Nâng cao năng lực của các cơ quan khoa học và công nghệ về mọi mặt nhằm từng bước nâng cao hàm lượng khoa học và công nghệ trong các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp trọng điểm; đồng thời tạo mối liên kết hữu cơ giữa cơ quan nghiên cứu với các doanh nghiệp nhằm chuyển giao các kết quả nghiên cứu ứng dụng vào sản xuất kinh doanh. - Đẩy nhanh quá trình hình thành và phát triển thị trường khoa học – công nghệ tạo cơ sở thuận lợi cho các doanh nghiệp áp dụng các thành tựu khoa học – công nghệ vào đầu tư và sản xuất, kinh doanh. Đy mạnh việc ứng dụng các công nghệ quản lý tiên tiến trong công tác quản lý sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp. - Coi trọng việc nghiên cứu và phát triển công nghệ nội sinh; đồng thời kết hợp với ưu tiên ứng dụng các công nghệ nguồn, công nghệ tiên tiến trong khu vực và trên thế giới trong các lĩnh vực hoạt động của ngành công nghiệp. Tăng cường nhận thức của doanh nghiệp và cơ quan quản lý về tầm quan trọng của công tác tiêu chuẩn hoá và sở hữu trí tuệ. e) Chính sách về môi trường - Ưu tiên công tác xây dựng các tiêu chuẩn tiên tiến về môi trường trong sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm công nghiệp. Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn môi trường công nghiệp hài hòa với tiêu chuẩn của các nước công nghiệp phát triển; đồng thời tăng cường đầu tư các phương tiện, trang thiết bị để thực hiện việc kiểm soát thực hiện. - Xây dựng lộ trình đổi mới các công nghệ lạc hậu và ứng dụng công nghệ mới tiên tiến, giảm thiểu các tác nhân gây ô nhiễm môi trường trong các ngành sản xuất. - Đẩy mạnh nghiên cứu và xây dựng ngành công nghiệp môi trường. g) Chính sách về nguồn nhân lực - Tiếp tục đổi mới mục tiêu, nội dung chương trình và phương pháp đào tạo, từ đào tạo nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng đến đại học, đạt chuẩn khu vực và quốc tế. Chú trọng đào tạo và xây dựng đội ngũ giảng viên, giáo viên có trình độ và chất lượng cao. - Kết hợp đầu tư của Nhà nước với việc thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục để huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước cho phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo; coi trọng hình thức đào tạo tại chỗ của các doanh nghiệp, phát triển hình thức đào tạo ngoài nước để tiếp cận nhanh với kỹ thuật và công nghệ tiên tiến. - Xây dựng chính sách ưu đãi nhằm thu hút nhân tài trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên, áp dụng thí điểm, có đánh giá tổng kết, điều chỉnh chính sách phù hợp với từng địa bàn. V. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN 1. Nhóm giải pháp liên quan đến thuế và phi thuế a) Nhóm giải pháp liên quan đến thuế - Trong điều kiện cho phép và phù hợp với các quy định của WTO và cam kết của Việt Nam về lộ trình giảm thuế suất nhập khẩu, tiếp tục bảo hộ bằng thuế đối với một số loại ngành hàng cần được hỗ trợ. Việc điều chỉnh mức thuế suất đối với một mặt hàng phải có thời gian chuyển đổi và được công bố rộng rãi trước khi áp dụng. - Thực hiện cam kết tuân thủ hiệp định về xác định trị giá tính thuế hải quan của WTO. Bãi bỏ các khoản phụ thu đối với hàng nhập khẩu. - Áp dụng linh hoạt các phương pháp tính thuế, chủ yếu áp dụng thuế phần trăm để đảm bảo tính minh bạch, hạn chế áp dụng thuế tuyệt đối. Nếu một dòng thuế nhập khẩu được chuyển đổi sang thuế tuyệt đối hoặc hỗn hợp, phải đảm bảo có mục đích rõ ràng, và mức thuế suất mới không vượt quá mức Việt Nam đã cam kết. - Tiếp tục nghiên cứu, áp dụng có hiệu quả thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng nhằm bảo vệ sản xuất trong nước tránh khỏi những cạnh tranh không bình đẳng của hàng nhập khẩu. Quá trình áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng dựa trên cơ sở quy định của WTO và cam kết của Việt Nam. b) Nhóm giải pháp liên quan đến phi thuế - Duy trì các chính sách đầu tư, chính sách ưu đãi đầu tư đang thực hiện mà không trái với quy định của WTO như các hình thức ưu đãi gián tiếp, ưu đãi các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, phát triển nông nghiệp, nông thôn, đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn… - Nghiên cứu, đề xuất các chính sách đầu tư, ưu đãi đầu tư dưới các hình thức như hỗ trợ nghiên cứu phát triển, giáo dục đào tạo, đầu tư cải tiến trang thiết bị đang sử dụng để đáp ứng các quy định mới về môi trường… - Nghiên cứu sử dụng các biện pháp phi thuế như bảo vệ thương mại tạm thời (như tự vệ, trợ cấp, các biện pháp đối kháng, biện pháp chống bán phá giá). - Hoàn thiện cơ chế và tổ chức quản lý cạnh tranh, chống bán phá giá, chống trợ cấp để tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh. Xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm phù hợp với Hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) và Hiệp định về các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) để bảo vệ thị trường nội địa và người tiêu dùng. - Thực hiện các chính sách về an toàn vệ sinh dịch tễ trên cơ sở các tiêu chuẩn quốc tế, phù hợp với quy định của WTO nhằm bảo vệ kinh tế nông nghiệp và sức khỏe người tiêu dùng. Thực hiện hài hòa hóa các tiêu chuẩn và quy định về kiểm dịch động, thực vật với tiêu chuẩn khu vực và tiêu chuẩn quốc tế. - Duy trì hạn ngạch và chế độ cấp phép nhập khẩu đối với những sản phẩm được phép, theo cam kết và phù hợp quy định của WTO, những mặt hàng ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng, bảo vệ nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường, sức khỏe con người, truyền thống văn hóa… và phải đảm bảo nguyên tắc không phân biệt đối xử. - Hoàn thiện hệ thống chính sách về cạnh tranh và giảm độc quyền để tăng cường mở cửa và tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho phát triển. Ngăn ngừa các hoạt động kinh tế có thể tạo ra rào cản cho sự phát triển thị trường và cạnh tranh, làm giảm đầu tư và cơ hội tham gia thị trường của doanh nghiệp. - Thực hiện nghiêm túc Luật Hải quan. Cải cách thủ tục hải quan, đảm bảo minh mạch và chuẩn hóa theo quy định quốc tế, tạo điều kiện cho hoạt động thương mại và đầu tư thông suốt. - Mở cửa thị trường dịch vụ phân phối theo lộ trình cam kết. Tiếp tục quản lý chặt chẽ hoạt động phân phối các mặt hàng có tác động quan trọng đến kinh tế – xã hội như xăng dầu, dược phẩm, sách, báo, tạp chí, băng hình, thuốc lá, gạo, đường và kim loại quý, phân bón, xi măng. - Nghiên cứu áp dụng các hình thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhằm ngăn chặn các hoạt động gian lận thương mại, vi phạm bản quyền trên cơ sở các quy định của WTO và cam kết của Việt Nam. Việc áp dụng các biện pháp bảo hộ thông qua thủ tục thực thi các quyền sở hữu trí tuệ không trở thành rào cản đối với hoạt động thương mại hợp pháp, và phải gắn với thời hạn bảo hộ theo quy định của WTO. 2. Nhóm giải pháp liên quan đến nâng cao khả năng cạnh tranh a) Giải pháp về đầu tư - Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, chủ yếu là hệ thống đường xá, cảng biển, sân bay, được xác định tại các vùng đã và sẽ có dung lượng lưu thông hàng hoá lớn, những vùng có tác động lan toả mạnh tới các vùng khác. Ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng, trước hết là năng lượng điện. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy điện có lợi ích tổng hợp (sản xuất điện, chống lũ, cấp nước, du lịch); phát triển hợp lý các nguồn nhiệt điện khí; phát triển mạnh nhiệt điện than; phát triển các nguồn điện gió và mặt trời thân thiện với môi trường; chuẩn bị kỹ để triển khai xây dựng điện hạt nhân đầu tiên trong thời gian gần. Áp dụng đồng bộ các biện pháp về kỹ thuật, kinh tế và tổ chức nhằm sử dụng hợp lý và tiết kiệm điện, giảm tổn thất điện năng. - Điều chỉnh chiến lược và chính sách đầu tư phát triển các ngành (nhóm sản phẩm) công nghiệp trên cơ sở ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn. Theo đó: + Tập trung phát triển các sản phẩm trong nước có lợi thế cạnh tranh cả trên thị trường nội địa và thị trường quốc tế từ khai thác các lợi thế so sánh của đất nước và của từng vùng lãnh thổ về nhân lực, tài nguyên và truyền thống nghề nghiệp. + Phát triển có chọn lọc một số sản phẩm có tiềm lực cải thiện lợi thế cạnh tranh, trong đó có các ngành công nghệ cao, với sự trợ giúp của Nhà nước trong khuôn khổ các cam kết quốc tế và quy định của WTO. + Tập trung đầu tư phát triển một số sản phẩm (bộ phận, chi tiết sản phẩm) để tham gia vào “chuỗi giá trị toàn cầu” trên cơ sở thiết lập quan hệ với các đối tác thích hợp, chủ yếu là các tập đoàn xuyên quốc gia (TNC) có mạng sản xuất và phân phối toàn cầu. - Khắc phục cơ bản tình trạng đầu tư dàn trải (nhất là đối với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước) và đầu tư mang tính tình thế, thiếu chiến lược dài hạn bảo đảm khả năng phát triển bền vững. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ngành, các lĩnh vực cần nhiều vốn, có công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tiêu hao ít tài nguyên. b) Giải pháp về sản xuất, kinh doanh, dịch vụ công nghiệp - Khẩn trương triển khai thực hiện Quyết định số 55/2007/QĐ-TTg ngày 23 tháng 4 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên, ngành công nghiệp mũi nhọn giai đoạn 2007 – 2010, tầm nhìn đến năm 2020 và một số chính sách khuyến khích phát triển. - Nghiên cứu, phân loại các mặt hàng công nghiệp thành các nhóm hàng theo những tiêu chí nhất định, như: hàng hoá thông thường, hàng hoá có tác động quan trọng đến kinh tế – xã hội; hàng hoá của các ngành truyền thống, hàng hoá của các ngành công nghiệp “non trẻ”; theo khả năng cạnh tranh… để có những biện pháp và mức độ bảo hộ phù hợp. - Tăng cường thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp nền tảng cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Bảo đảm sản xuất, đáp ứng nhu cầu những sản phẩm thiết yếu nhằm góp phần giữ ổn định nền kinh tế – xã hội và tăng trưởng xuất khẩu. Chú trọng đầu tư phát triển các hoạt động dịch vụ công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ kinh doanh công nghiệp, bao gồm dịch vụ hậu cần kinh doanh (logistique), dịch vụ tư vấn kinh doanh và tư vấn pháp luật; dịch vụ tài chính, ngân hàng; dịch vụ bảo hiểm; các dịch vụ xúc tiến thương mại; dịch vụ đào tạo nhân lực theo yêu cầu của các doanh nghiệp. c) Giải pháp về thị trường - Giải pháp về xoá bỏ sự can thiệp của Nhà nước vào giá cả + Trong dài hạn, chuyển dần sang giá thị trường đối với những mặt hàng hiện còn áp dụng cơ chế Nhà nước định giá. Từng bước xoá bỏ mọi hình thức bao cấp, trong đó có bao cấp qua giá, thực hiện giá thị trường cho mọi loại hàng hoá và dịch vụ theo lộ trình đã cam kết với WTO. + Hoàn thiện chính sách về giá, về cạnh tranh và kiểm soát độc quyền phù hợp với cam kết hội nhập kinh tế quốc tế và bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. + Hỗ trợ và khuyến khích các hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp xây dựng lộ trình về giá sản phẩm quan trọng, có sản lượng lớn, nhằm tạo môi trường cạnh tranh về giá, bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững và hài hoà các lợi ích. - Giải pháp về hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh + Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các biện pháp xúc tiến đầu tư và xúc tiến thương mại; cung cấp thông tin thị trường để hoạch định chiến lược kinh doanh thích hợp. + Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các chính sách, các quy định pháp lý liên quan đến ký kết và thực hiện hợp đồng, giám sát, điều tiết thị trường và xúc tiến thương mại, đầu tư, giải quyết tranh chấp phù hợp với cam kết quốc tế. + Khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng quan hệ liên kết bảo đảm nguyên liệu, chế biến, phân phối sản phẩm trên thị trường. + Tăng cường đầu tư về vốn, cơ sở vật chất và nhân lực cho hoạt động nghiên cứu triển khai (R-D); phát triển các doanh nghiệp khoa học công nghệ; gắn kết hoạt động giữa các viện nghiên cứu, các trường đại học với các doanh nghiệp. + Hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động nghiên cứu ứng dụng và cải tiến đào tạo nguồn nhân lực (cả nhân lực quản lý) có chất lượng cao. + Phát huy vai trò của các hiệp hội ngành hàng trong việc hợp tác, thống nhất hành động giữa các doanh nghiệp trong hiệp hội, nâng cao năng lực cạnh tranh. - Giải pháp về tạo lập đồng bộ hệ thống thị trường + Phát triển đồng bộ hệ thống thị trường nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng và thuận lợi với các nguồn lực; tận dụng chi tiêu của Nhà nước để kích thích sản xuất và tiêu dùng. + Từng bước xoá bỏ tình trạng độc quyền, khuyến khích và bảo hộ cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp. + Nhà nước có kế hoạch chi tiêu hợp lý nhằm kích thích sản xuất và tiêu dùng. + Kết hợp bảo hộ của Nhà nước với khuyến khích và bảo hộ cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp tạo điều kiện cải thiện khả năng cạnh tranh để vươn dần ra thị trường nước ngoài. + Nghiên cứu ban hành các quy định pháp lý về quyền sở hữu của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. d) Giải pháp về huy động vốn - Giải pháp về phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần + Rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với những sản phẩm và địa bàn đầu tư – kinh doanh thuộc diện được phép bảo hộ nhằm bảo đảm sự bình đẳng thực sự giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. + Nhà nước thực hiện vai trò định hướng, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư lựa chọn cơ hội kinh doanh và loại hình tổ chức kinh doanh thích hợp với điều kiện của mình. + Xây dựng một hệ thống doanh nghiệp Việt Nam có chất lượng, có sức cạnh tranh cao, có thương hiệu uy tín, trong đó chủ lực là một số tập đoàn kinh tế lớn. - Giải pháp về xây dựng và phát triển thị trường tài chính + Phát triển mạnh các kênh cung cấp vốn cả trong và ngoài nước; kết hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá; tăng cường công tác quản lý và thanh tra, giám sát hoạt động của thị trường vốn. + Đẩy mạnh cải cách trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo đảm cho các ngân hàng thương mại thực sự là những đơn vị kinh tế tự chủ, không có sự phân biệt đối xử về hình thức sở hữu và thành phần kinh tế. Đảm bảo các điều kiện và môi trường để các ngân hàng thương mại và sàn giao dịch chứng khoán hoạt động theo nguyên lý thị trường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính. + Hoàn thiện cơ chế hoạt động tín dụng theo nguyên lý thị trường; hoàn thiện các quy định về thủ tục giao dịch tín dụng theo hướng thuận tiện nhất. + Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đảm bảo tính hiệu quả, thực hiện đúng mục đích cổ phần hóa. + Khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nhân tiếp cận mọi nguồn vốn. Chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa từ các nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức chính phủ và phi chính phủ quốc tế. Tạo cơ chế hình thành các nguồn vốn hỗ trợ ban đầu cho các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường. đ) Giải pháp về khoa học – công nghệ - Giải pháp về nâng cao năng lực của các cơ quan khoa học – công nghệ + Tạo điều kiện để các cơ quan khoa học – công nghệ tăng cường tính tự chủ, tự hạch toán, gắn kết hoạt động với doanh nghiệp để thúc đẩy đổi mới công nghệ. + Nhà nước tăng đầu tư ngân sách cho các chương trình, đề tài có tác động tích cực đến khai thác các nguồn lực trong nước, nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của các loại hàng hoá. Xây dựng cơ chế ràng buộc trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân thực hiện các chương trình, dự án nhằm bảo đảm hiệu quả công tác nghiên cứu. + Lập Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia và Quỹ đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực khoa học – công nghệ. - Giải pháp về xây dựng và phát triển thị trường khoa học – công nghệ + Có chính sách hỗ trợ ban đầu cho các cơ sở nghiên cứu ứng dụng tham gia thị trường khoa học – công nghệ; hình thành thị trường công nghệ rộng khắp và thông suốt trong cả nước. + Có chính sách khuyến khích phát triển dịch vụ hỗ trợ về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, dịch vụ tư vấn, phát triển các loại hình chợ công nghệ, hội chợ công nghệ, triển lãm công nghệ, cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ; hình thành các trung tâm giao dịch công nghệ tại các vùng kinh tế lớn. - Giải pháp về nghiên cứu – phát triển công nghệ và sở hữu trí tuệ + Khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng các thành tựu khoa học – công nghệ vào đầu tư, kinh doanh đi đôi với việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. + Khuyến khích phát triển các dịch vụ thiết kế, đo lường, đánh giá, thẩm định, giám sát chất lượng, thông tin, môi giới, chuyển giao công nghệ, tư vấn pháp lý về sở hữu trí tuệ. + Xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật với các loại hàng hoá xuất phát từ lợi ích của người tiêu dùng và phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. + Nâng cao hàm lượng khoa học – công nghệ trong các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp trọng điểm; đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ quản lý tiên tiến vào hoạt động của các doanh nghiệp. + Trợ giúp doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản trị chất lượng hiện đại; tăng cường kiểm soát việc chấp hành các tiêu chuẩn chất lượng. + Hoàn thiện cơ chế thẩm định công nghệ, thiết bị nhập khẩu nhằm đảm bảo tính hiện đại và hiệu quả trong quá trình ứng dụng vào Việt Nam. + Hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo hộ bản quyền và sở hữu trí tuệ. e) Nhóm giải pháp về môi trường - Xây dựng và ban hành tiêu chuẩn tiên tiến về môi trường phù hợp với điều kiện Việt Nam và từng bước theo tiêu chuẩn của các nước công nghiệp phát triển; xử lý nghiêm khắc những vi phạm tiêu chuẩn đã ban hành. - Có cơ chế tài chính trợ giúp các doanh nghiệp trong hoạt động bảo vệ môi trường tại cơ sở sản xuất, kinh doanh. - Từng bước xây dựng ngành công nghiệp môi trường thành một ngành công nghiệp mạnh đảm bảo cung cấp các công nghệ và thiết bị xử lý môi trường trong sản xuất công nghiệp và phục vụ dân sinh. g) Giải pháp về nguồn nhân lực - Từng bước thực hiện chương trình cải cách hệ thống giáo dục quốc gia theo yêu cầu bảo đảm tính hệ thống và liên thông, đạt chuẩn khu vực và quốc tế; gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng, nhất là đào tạo nghề. - Tăng dần các khoản đầu tư của Nhà nước kết hợp với thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục để huy động nguồn lực cho phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo. - Tăng cường đào tạo nghề (cả hệ cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và công nhân) để đảm bảo nguồn nhân lực cho các dự án đầu tư mới và đầu tư mở rộng. - Có cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, tay nghề của người lao động; khuyến khích khu vực tư nhân, doanh nghiệp tham gia dạy nghề. - Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục đào tạo; phát triển hình thức đào tạo ngoài nước để tiếp cận nhanh với kỹ thuật và công nghệ tiên tiến. VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN 1. Trách nhiệm của các Bộ, ngành: a) Bộ Công Thương có trách nhiệm công bố chiến lược sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hướng dẫn, đôn đốc triển khai và kiểm tra việc thực hiện Quyết định này; theo dõi, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh cơ chế, chính sách cho phù hợp với tình hình thực tế. b) Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai cụ thể hoá các giải pháp, chính sách liên quan đến sản xuất, kinh doanh, dịch vụ công nghiệp, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường và giải quyết tranh chấp phù hợp với cam kết quốc tế. c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì triển khai cụ thể hoá các giải pháp, chính sách về đầu tư; các giải pháp, chính sách phi thuế liên quan đến đầu tư, ưu đãi đầu tư. d) Bộ Tài chính chủ trì triển khai cụ thể hoá các giải pháp, chính sách liên quan đến thuế; cải cách chính sách và các quy định liên quan đến thủ tục hải quan; huy động vốn và phát triển thị trường tài chính. đ) Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì triển khai cụ thể hoá các giải pháp, chính sách liên quan đến phát triển khoa học công nghệ; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; hàng rào kỹ thuật trong thương mại. e) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì triển khai cụ thể hoá các giải pháp, chính sách liên quan đến các biện pháp kiểm dịch động thực vật. g) Bộ Y tế chủ trì triển khai cụ thể hoá các giải pháp, chính sách liên quan đến các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và quản lý dược phẩm. h) Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì triển khai cụ thể hoá các giải pháp, chính sách liên quan đến cải cách giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. i) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì triển khai cụ thể hoá các giải pháp, chính sách liên quan đến xây dựng các tiêu chuẩn tiên tiến về môi trường trong sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm công nghiệp; phát triển ngành công nghiệp môi trường. k) Các Bộ, ngành khác trong phạm vi chức trách được giao, có trách nhiệm phối hợp với các Bộ chủ trì triển khai cụ thể hoá các giải pháp, chính sách nhằm đảm bảo thực hiện thành công chiến lược. 2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần quán triệt tinh thần của chiến lược và phổ biến cho các đơn vị, doanh nghiệp; đồng thời có kế hoạch triển khai xây dựng và thực hiện các chính sách và giải pháp của chiến lược phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. 3. Chế độ báo cáo: - Trước ngày 20 tháng 11 hàng năm, các Bộ, ngành và địa phương báo cáo về Bộ Công Thương tình hình triển khai, kết quả thực hiện trong năm về các giải pháp, chính sách của Chiến lược để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. - Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược lần thứ nhất vào năm 2010; sơ kết giữa kỳ vào năm 2015 và tổng kết vào năm 2020.

THỦ TƯỚNG

Nguyễn Tấn Dũng – đã ký  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật