Dịch vụ logistics tại Việt Nam

  • Bài viết
  • 28 tháng 6, 2011
  • 492 lượt xem
  • 0 bình luận
Nghị định 140/2007/NĐ-CP ngày 5/9/2007 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về điều kiện kinh doanh dịch vụ hậu cần (logistics) và giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics ra đời được coi là một hành lang pháp lý quan trọng để phát triển loại hình dịch vụ này ở Việt Nam. Hiện Việt Nam đang giữ vị trí điều phối viên thực hiện cam kết lộ trình mở cửa thị trường logistics tại ASEAN. Dịch vụ logistics cũng là 1 trong 12 nhóm ngành ưu tiên trong cộng đồng kinh tế ASEAN. Theo đánh giá của Nguyễn Tương, chuyên gia cao cấp về logistics, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế (Bộ Giao thông - Vận tải), dịch vụ logistics đang ngày càng phát triển và dần chiếm một vị trí quan trọng trong các ngành dịch vụ tại Việt Nam. Do đó, khi có Nghị định quy định chi tiết về vấn đề này, các DN hoạt động kinh doanh logistics sẽ “yên tâm” hơn. Mặc dù vậy, cũng theo ông Tương, việc Nghị định này ra đời vẫn chưa bao quát hết được hoạt động dịch vụ logistics tại Việt Nam mà mới chỉ “chuyên” về lĩnh vực vận tải. Điều này xuất phát từ tính phức tạp của hoạt động dịch vụ logistics bao gồm nhiều loại hình, nhiều công đoạn mang tính kỹ thuật. Theo cách lý giải này, vẫn còn nhiều hoạt động khác trong chuỗi dịch vụ logistics mà Nghị định này không đề cập. Theo phân tích của ông Tương, trong phần quy định điều kiện kinh doanh logistics của Nghị định, việc yêu cầu thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics phải “có đủ phương tiện, thiết bị, công cụ đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, kỹ thuật và có đội ngũ nhân viên đáp ứng nhu cầu” là không cần thiết. Nhìn từ hoạt động thực tế kinh doanh dịch vụ logistics, các thương nhân có thể tham gia một hoặc nhiều công đoạn trong chuỗi dịch vụ này. Có thể lấy ví dụ thương nhân đăng ký làm đại lý thủ tục hải quan hay như thương nhân làm trung gian thuê tàu cho chủ hàng chẳng hạn. Cũng với quy định này, sẽ khó thẩm định thế nào là đủ phương tiện kỹ thuật hay thiết bị để tham gia dịch vụ logistics... Hay như trong điều khoản quy định về giới hạn trách nhiệm của thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics, ngoài giới hạn trách nhiệm liên quan tới vận tải thì thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan còn những trường hợp khác thì do các bên tự thoả thuận. Ngoài quy định “nếu các bên không có thoả thuận, khách hàng không có thông báo trước về giá trị của hàng hoá thì giới hạn trách nhiệm tối đa là 500 triệu đồng với mỗi yêu cầu bồi thường” hiện chưa hợp lý. “Quy định như vậy, các thương nhân sẽ rất khó thực hiện, bởi điều khoản không quy định bồi thường trong khâu nào của quá trình thực hiện dịch vụ”, ông Tương nói. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện ở Việt Nam có khoảng 800 DN tham gia kinh doanh dịch vụ logistics. Các DN trong nước tham gia dịch vụ này mới chỉ dừng ở việc làm đại lý cho các “đại gia” nước ngoài trong từng khâu dịch vụ, chưa có một DN nào độc lập làm được đầy đủ cả chuỗi logistics. Để phát triển ngành dịch vụ này, hàng loạt vấn đề có liên quan tới nhiều bộ, ngành được đặt ra như phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, viễn thông, cảng biển, đội tàu... Bên cạnh đó là vấn đề vốn, tính chuyên nghiệp, tính liên kết và khả năng quản trị của các DN. Vậy nên, muốn phát triển được lĩnh vực dịch vụ này, cần giải quyết đồng bộ các vấn đề nêu trên. Có một thực tế dễ nhận thấy về những thay đổi tích cực khi Việt Nam giữ vai trò là điều phối viên trong ASEAN liên quan tới logistics chính là thủ tục cảng biển. Các loại giấy tờ mà chủ tàu phải xuất trình với cơ quan chức năng đã giảm một nửa, chi phí DN giảm do thời gian lưu tàu rút ngắn so với trước. Chính vì vậy, đẩy mạnh phát triển lĩnh vực logistics là rất cần thiết và nói Nghị định 140/2007/NĐ-CP ra đời giống như “đường đã được xây nhưng còn hẹp” là dựa theo những luận cứ nêu trên.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :