NHÌN NHẬN ĐÚNG VỀ CHỈ SỐ SỬ DỤNG VỐN ĐẦU TƯ

Ngân hàng Deutsche Bank vừa công bố báo cáo đánh giá mức độ hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam, trong đó, đặc biệt quan tâm đến chi phí sử dụng vốn (COE). Theo đó, hiện chi phí sử dụng vốn trong đầu tư chứng khoán tại nước ta ở mức 17% . Đây là mức chi phí sử dụng vốn cao thứ hai trong khu vực châu Á, sau chi phí sử dụng vốn của thị trường chứng khoán Pakistan và cao hơn các nước khác trong khu vực Đông Nam Á. So sánh với 6 tháng trước, mức chi phí sử dụng vốn này tăng 0,65%, tăng cao thứ hai trong khu vực châu Á, sau Trung Quốc. Bên cạnh đó, chỉ số phần bù rủi ro vốn cổ phần cũng đã tăng lên mức 6,5% chi phí vốn của nhà đầu tư. Với những thông số này nhiều chuyên gia đề nghị cần nhìn nhận đúng về sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán nước ta với các nhà đầu tư nước ngoài. Bởi lãi suất mong muốn của nhà đầu tư trên tổng vốn đầu tư tăng lên mức 17% cũng là quá cao trong giai đoạn thị trường chứng khoán nước ta phát triển tốt nhất. Hơn nữa, trên thị trường chứng khoán thế giới, COE không chỉ là tính toán đơn thuần về chi phí vốn của thị trường mà khi xếp cạnh các nước khác nó trở thành một thước đo đánh giá lợi thế so sánh của thị trường này so với thị trường khác. COE cũng thể hiện kỳ vọng tối thiểu của nhà đầu tư chứng khoán khi đầu tư vào cổ phiếu để bù đắp lại những rủi ro của thị trường. Nghĩa là dù nhà đầu tư nước ngoài có kỳ vọng mức lợi nhuận cao đối với thị trường chứng khoán nước ta vẫn không thể yên tâm. Do yếu tố này chịu ảnh hưởng của tâm lý nhà đầu tư và phụ thuộc vào nhiều yếu tố bên ngoài như tăng trưởng kinh tế, các chính sách của Chính phủ, xu hướng đầu tư… Và trong mỗi thời điểm khác nhau của nền kinh tế thế giới, CEO có ý nghĩa tương đối khác nhau. Trong thời kỳ tăng trưởng mạnh của nền kinh tế thế giới, thị trường mới nổi trở thành điểm đến hẫp dẫn của nhà đầu tư vì tiềm năng của thị trường này thường được đánh giá là đủ để bù đắp những rủi ro thể hiện trong chi phí vốn. Tuy nhiên, khi kinh tế thế giới suy giảm, các thị trường này sẽ bị ảnh hưởng mạnh.   Điều này cũng thể hiện rõ trong diễn biến thị trường chứng khoán nước ta hiện nay. Do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế, chỉ số Vn-Index đã liên tục giảm và xuống dưới mốc 250 điểm, giảm 60% giá trị so với cùng kỳ năm 2008. Đây cũng là mức sụt giảm chỉ số chứng khoán cao trên thế giới. Sự sụt giảm của thị trường chứng khoán khiến các nhà đầu tư đều e ngại mua vào cổ phiếu, khối lượng cổ phiếu được giao dịch thành công trong mỗi phiên giao dịch thấp. Từ quý IV.2008 đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã tăng cường bán ra cổ phiếu, rút vốn khỏi thị trường chứng khoán nước ta. Trong khi đó, thông thường các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tăng cường mua vào (tức là tăng vốn đầu tư) khi chỉ số Vn-Index giảm điểm. Trong khi đó, từ năm 2006 – 2007, với những tín hiệu tốt về tốc độ tăng trưởng kinh tế, lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) cao và lộ trình cổ phần hóa nhanh các doanh nghiệp nhà nước, thì dù mức chi phí vốn trung bình khoảng 13-15% vẫn không cản trở các nhà đầu tư nước ngoài tăng đưa vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán nước ta. Như vậy, với diễn biến của thị trường chứng khoán hiện nay thì liệu mức kỳ vọng 17% trong ngắn và trung hạn có thực tế? Và liệu các nhà đầu tư sẽ tiếp tục chuyển vốn vào thị trường không có nhiều điều kiện bảo đảm về mức bảo toàn vốn? Hơn nữa, theo quy luật, khi kinh tế thế giới đi vào suy thoái, phản ứng của nhà đầu tư sẽ chuyển mạnh sang chiến lược kiểm soát rủi ro và ưu tiên rút vốn khỏi các thị trường mới nổi trước. Với điều kiện của một nền kinh tế mới nổi, tính linh hoạt của nền kinh tế và tiềm lực tài chính của nước ta không thể cạnh tranh được với các nước phát triển hơn do độ rủi ro cao hơn và tính thanh khoản thấp của thị trường. Do vậy, theo các chuyên gia, trước mắt cần nâng cao sức hút của nền kinh tế và tiềm năng của thị trường chứng khoán nước ta để bù đắp vào khoảng chênh lệch giữa lãi suất kỳ vọng và lãi suất thực tế. Hai là tăng cường các biện pháp giám sát doanh nghiệp niêm yết nhằm giảm rủi ro, hạ mức COE kỳ vọng cho nhà đầu tư. Về lâu dài, cơ quan quản lý cũng cần chú ý chỉ số COE được các tổ chức nước ngoài công bố. Bởi COE là thông điệp gián tiếp của nhà đầu tư về kỳ vọng vào nền kinh tế vĩ mô và tiềm năng của doanh nghiệp nếu Việt Nam muốn tiếp tục thu hút được nguồn vốn vào thị trường chứng khoán trong dài hạn.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật