Dịch vụ giao nhận hàng hoá trong Luật Thương mại

  • Bài viết
  • 28 tháng 6, 2011
  • 563 lượt xem
  • 0 bình luận

Ngày nay, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ tin học cho phép kết hợp các quá trình sản xuất, lưu kho hàng hoá, tiêu thụ với hoạt động vận tải có hiệu quả hơn, nhanh chóng hơn và đồng thời phức tạp hơn. Nó cũng cho phép người vận tải nâng cao chất lượng dịch vụ đối với người gửi hàng. Phát triển các dịch vụ truyền thống ở mức độ càng cao bao nhiêu, người vận tải càng có khả năng mở rộng thị trường bấy nhiêu.Trước đây, hàng hoá đi từ nước người bán đến nước người mua thường dưới hình thức hàng lẻ, phải qua tay người vận tải và nhiều phương thức vận tải khác nhau. Xác xuất rủi ro mất mát đối với hàng hoá do vậy rất lớn, người gửi hàng phải ký nhiều hợp đồng vận tải riêng biệt với từng người vận tải thực sự, trách nhiệm của mỗi người vận tải theo đó chỉ giới hạn trong chặng đường, hay dịch vụ do anh ta đảm nhiệm mà thôi. Cách mạng container hoá trong vận tải vào những năm 60, 70 của thế kỷ này đã đảm bảo an toàn và độ tin cậy trong di chuyển hàng hoá, là tiền đề cho sự ra đời của vận tải đa phương thức. Vì vậy, khách hàng rất cần một người tổ chức mọi công việc ở tất cả các công đoạn để tiết kiệm chi phí, tối thiểu hoá hao phí thời gian, từ đó nâng cao lợi nhuận. Những người làm nghề này không chỉ là làm giao nhận mà còn làm cả các công việc về lưu kho, dán nhãn hiệu, đóng gói bao bì, thuê phương tiện vận chuyển, làm thủ tục hải quan và có thể mua giúp bảo hiểm cho chủ hàng nữa, người này gọi là Logistics Service Provider (Người cung cấp dịch vụ tiếp vận).

Các công ty giao nhận kho vận trên thế giới nói chung, và ở các nước ASEAN nói riêng, ngày càng nhận thấy rằng chi phí của các dịch vụ lập kế hoạch, sắp xếp và chuẩn bị mọi mặt cho hàng hoá để sẵn sàng chuyên chở (inventory costs) và chi phí vận tải đơn thuần (transport costs) có mối quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại với nhau trên nhiều khía cạnh (perspective). Nếu biết tận dụng công nghệ tin học để tổ chức tốt và chặt chẽ các khâu này, thì giá thành của hàng hoá sẽ giảm đáng kể, do vậy năng lực cạnh tranh được nâng cao. Vì vậy, Logistics không phải là một dịch vụ đơn lẻ (do đó thuật ngữ này bao giờ cũng ở dạng số nhiều: LOGISTICS. Dù là danh từ, hay tính từ, không bao giờ người ta viết LOGISTIC). Logistics luôn luôn là một chuỗi các dịch vụ về giao nhận hàng hoá như: làm các thủ tục giấy tờ, tổ chức vận tải, bao bì đóng gói ghi nhãn hiệu, lưu kho lưu bãi, phân phát hàng hoá (nguyên liệu hoặc thành phẩm) tới các địa chỉ khác nhau, chuẩn bị cho hàng hoá luôn luôn sẵn sàng trong trạng thái có yêu cầu của khách hàng là đi ngay được (inventory level). Chính vì vậy, nói tới Logistics bao giờ người ta cũng nói tới một chuỗi hệ thống dịch vụ (logistics system chain). Với hệ thống chuỗi dịch vụ này, người cung cấp dịch vụ Logistics (Logistics service provider) sẽ giúp khách hàng có thể tiết kiệm được chi phí của đầu vào trong các khâu dịch chuyển, lưu kho, lưu bãi và phân phát hàng hoá (nguyên liệu, bán thành phẩm, hoặc thành phẩm), cũng như chi phí dịch vụ Logistics đã nói trên (trang 2 – 4 sách giáo khoa Logistics Management của ESCAP xuất bản năm 2000). Từ sự phân tích nói trên, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng dịch vụ Logistics chính là sự phát triển ở giai đoạn cao của các khâu dịch vụ giao nhận kho vận, trên cơ sở tận dụng các ưu điểm của công nghệ tin học để điều phối hàng hoá từ khâu tiền sản xuất tới tận tay người tiêu dùng, cuối cùng qua các công đoạn: dịch chuyển, lưu kho và phân phát hàng hoá. Trong quá trình lưu chuyển hàng hoá, đồng thời cũng có sự lưu chuyển của các giòng thông tin về dịch vụ Logistis. Cũng vì vậy, ngày nay nhiều công ty giao nhận kho vận và nhiều hiệp hội giao nhận kho vận ở các nước đã đổi tên thành công ty cung cấp dịch vụ Logistics và Hiệp hội các nhà cung cấp dịch vụ Logistics. Cũng vì lẽ đó, ở những nước không nói tiếng Anh, thuật ngữ Logistics được để nguyên không dịch sang tiếng Việt để diễn đạt nội dung nghề nghiệp của thuật ngữ Logistics, trước mắt chúng tôi tạm dịch là dịch vụ tiếp vận. Cùng với thời gian trôi đi, chúng ta càng hội nhập, thì thuật ngữ này càng nhanh chóng phổ biến trong các doanh nghiệp Việt Nam như các thuật ngữ thương mại khác: vận đơn (B/L), thư tín dụng (L/C), thương mại điện tử (E-commerce), cảng cạn (ICD: Inland Clearance Depot), vận tải đa phương thức (MTO: Multimodal Transport Operation) v.v... Điều 163, 164 của Luật thương mại mới định nghĩa dịch vụ giao nhận theo nghĩa cũ, chưa phản ánh được xu thế phát triển của nghề này trong những năm gần đây. Các nước có trình độ kinh tế như Việt Nam (hoặc cao hơn như Thái Lan, Indonesia, Philippin, Malaysia, Trung Quốc) đều đưa định nghĩa mới (Logistics) thay cho định nghĩa cũ về dịch vụ giao nhận kho vận. Và các nước đều không cấm nước ngoài đầu tư dịch vụ Logistics, song chỉ cho phép nước ngoài chiếm tỷ lệ 49% (không đề cập gì tới dịch vụ Logistics). Như vậy, do cả Luật và Nghị định không định nghĩa Logictics, nên các thương nhân nước ngoài đã lợi dụng xin đăng ký kinh doanh Logistics bằng 100% vốn của họ mà không xin kinh doanh giao nhận kho vận. Vì thế, họ rất dễ dàng cạnh tranh và đánh bại các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh trong lĩnh vự này – Một lĩnh vực tỷ suất lợi nhuận cao (thường từ 25 – 30%) mà không cần vốn nhiều (chỉ cần khoảng trên dưới 100.000 USD). Từ đó, chúng tôi đề nghị bổ sung sửa đổi mục: "Dịch vụ giao nhận hàng hoá" như sau: Dịch vụ tiếp vận (Logistics Service) Dịch vụ tiếp vận" là dịch vụ thương mại. Theo đó, người làm dịch vụ này, trên cơ sở uỷ thác của chủ hàng, người vận tải, hoặc làm dịch vụ tiếp vận khác (gọi chung là khách hàng) tổ chức thực hiện một số, hoặc tất cả các công việc về vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, lập các chứng từ và làm các dịch vụ khác có liên quan tới hàng hoá, kể cả bao bì đóng gói, ghi kỹ mã hiệu và phân phối hàng hoá trong quá trình từ khâu sản xuất đến tay người tiêu dùng cuối cùng. Người làm dịch vụ tiếp vận Người làm dịch vụ tiếp vận là thương nhân có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ này. Hợp đồng dịch vụ tiếp vận Hợp đồng dịch vụ tiếp vận là hợp đồng được ký kết giữa người làm dịch vụ này với khách hàng để thực hiện dịch vụ tiếp vận như quy định tại điều 280 của Luật này. Quyền và nghĩa vụ của người làm dịch vụ tiếp vận Người làm dịch vụ tiếp vận có những quyền và nghĩa vụ sau đây: 1. Được hưởng phí dịch vụ và các chi phí hợp lý khác. 2. Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình theo hợp đồng; 3. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu có lý do chính đáng vì lợi ích khách hàng, thì có thể thực hiện khác với chỉ dẫn của khách hàng, nhưng phải thông báo ngay cho khách hàng, trừ trường hợp có thoả thuận khác. 4. Sau khi ký kết hợp đồng, nếu xảy ra trường hợp có thể dẫn đến việc không thực hiện được toàn bộ, hoặc một phần chứng chỉ dẫn của khách hàng, thì phải thông báo ngay cho khách hàng biết để xin chỉ dẫn thêm. 5. Trong trường hợp hợp đồng không có thoả thuận về thời hạn cụ thể thực hiện nghĩa vụ với khách hàng, thì phải thực hiện các nghĩa vụ của mình trong thời hạn hợp lý. 6. Khi đảm nhiệm các công việc về vận chuyển hàng hoá, thì phải tuân thủ các quy định của pháp luật, tập quán chuyên ngành về vận tải. Quyền và nghĩa vụ của khách hàng Khách hàng có những quyền và nghĩa vụ sau đây: 1. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng; 2. Cung cấp đầy đủ chỉ dẫn cho người làm dịch vụ giao nhận hàng hoá; 3. Thông tin đầy đủ, chi tiết và chính xác về hàng hoá cho người làm dịch vụ tiếp vận; 4. Đóng gói, ghi ký, mã hiệu hàng hoá theo hợp đồng mua bán hàng hoá, trừ trường hợp người làm dịch vụ tiếp vận đảm nhận công việc này; 5. Bồi thường thiệt hại, trả các chi phí phát sinh cho người làm dịch vụ tiếp vận, nếu người đó đã thực hiện đúng chỉ dẫn của khách hàng, hoặc do lỗi của khách hàng gây ra; 6. Trả cho người làm dịch vụ tiếp vận mọi khoản tiền đã đến hạn thanh toán.Các trường hợp miễn trách nhiệm1. Người làm dịch vụ tiếp vận không phải chịu trách nhiệm về những tổn thất đối với hàng hoá phát sinh trong những trường hợp sau đây: a. Tổn thất là do lỗi của khách hàng, hoặc của người được khách hàng uỷ quyền; b. Tổn thất phát sinh do người làm dịch vụ tiếp vận làm đúng theo những chỉ dẫn của khách hàng, hoặc của người được khách hàng uỷ quyền; c. Tổn thất là do khuyết tật của hàng hoá; d. Tổn thất là do các trường hợp bất khả kháng. e. Người làm dịch vụ tiếp vận không nhận được thông báo về khiếu nại trong thời hạn mười bốn ngày làm việc, kể từ ngày giao hàng. f. Người làm dịch vụ giao nhận hàng hoá không nhận được thông báo bằng văn bản về việc bị kiện tại trong tài, hoặc toà án trong thời hạn chín tháng, kể từ ngày giao hàng. g. Tổn thất phát sinh do những quy định miễn trách nhiệm của pháp luật chuyên ngành về vận tải, khi người làm dịch vụ tiếp vận hành động với tư cách là người vận tải. 2. Người làm dịch vụ tiếp vận không chịu trách nhiệm về việc mất khoản lợi đáng lẽ được hưởng của khách hàng, về sự chậm trễ, hoặc giao nhận hàng sai địa chỉ mà không phải do lỗi của mình. Giới hạn trách nhiệm 1. Trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác, trách nhiệm của người làm dịch vụ tiếp vận trong mọi trường hợp không vượt quá giá trị hàng hoá. 2. Giá trị hàng hoá được tính trên cơ sở giá ghi trên hoá đơn và các khoản tiền khác có chứng từ hợp lệ. 3. Trong trường hợp khoản 2 Điều này không áp dụng được, thì giá trị hàng hoá được tính theo giá thông thường của hàng cùng loại và cùng chất lượng trên thị trường nơi giao hàng, tại thời điểm nơi giao hàng. Quyền cầm giữ và định đoạt hàng hoá 1. Người làm dịch vụ tiếp vận có quyền cầm giữ một số lượng hàng hoá nhất định và các chứng từ liên quan đến số lượng hàng hoá đó để đòi tiền nợ đã đến hạn của khách hàng và thông báo ngay bằng văn bản cho khách hàng. Giá trị số hàng cầm giữ không được vượt quá giá trị khoản nợ đã đến hạn. Việc thực hiện quyền cầm giữ hàng hoá và chứng từ của hàng hoá phải tuân theo các thủ tục quy định của pháp luật. 2. Sau thời hạn bốn mươi lăm ngày, kể từ ngày thông báo cầm giữ hàng hoá, hoặc chứng từ liên quan đến hàng hoá, nếu khách hàng không trả tiền nợ, thì người làm dịch vụ tiếp vận có quyền định đoạt hàng hoá, hoặc chứng từ đó theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp hàng hoá có dấu hiệu bị hư hỏng, thì người làm dịch vụ tiếp vận có quyền định đoạt hàng hoá, ngay khi có bất kỳ khoản nợ đến hạn nào của khách hàng. Trước khi định đoạt hàng hoá, người làm dịch vụ tiếp vận phải thông báo ngay cho khách hàng biết về việc định đoạt hàng hoá đó. 3. Người làm dịch vụ tiếp vận được sử dụng số tiền thu được từ việc định đoạt hàng hoá để thanh toán các khoản mà khách hàng nợ mình và các chi phí có liên quan. Nếu số tiền thu được từ việc định đoạt vượt quá giá trị các khoản nợ, thì số tiền đó vượt quá phải được chuyển trả cho khách hàng. Kể từ thời điểm đó, người làm dịch vụ tiếp vận hết trách nhiệm đối với hàng hoá hoặc chứng từ đã được định đoạt.
 

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :