Ảnh: ST
Với mục tiêu xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, công tác đăng ký kinh doanh ở Việt Nam đã liên tục đươc đổi mới, hoàn thiện, với những bước cải cách cơ bản. Chẳng hạn, chuyển từ cơ chế "tiền kiểm" sang hậu kiểm; "liên thông" các thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và khắc dấu; hợp nhất thủ tục gia nhập thị trường cho doanh nghiệp. Và tới đây, công tác này sẽ được tiếp tục.
Chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”
Luật Doanh nghiệp 1999 ra đời và đi vào thực tiễn đã tạo môi trường thông thoáng cho hoạt động kinh doanh, tạo bước đột phá về cải cách hành chính, nâng cao đáng kể tính nhất quán, tính thống nhất, minh bạch và bình đẳng của khuôn khổ pháp luật về kinh doanh ở nước ta.
Bằng việc đơn giản hoá thủ tục thành lập doanh nghiệp, bãi bỏ hàng trăm giấy phép và quy định pháp luật không còn phù hợp về điều kiện kinh doanh và thiết lập một hệ thống văn bản mới hướng dẫn thi hành, Luật Doanh nghiệp 1999 và việc thực hiện Luật đã góp phần quan trọng trong việc thiết lập một khung pháp lý bình đẳng, không phân biệt đối xử đối với các loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, chuyển đổi phương thức đăng ký kinh doanh từ “xét duyệt, cấp phát” sang phục vụ, hỗ trợ và hướng dẫn là chủ yếu.
Kể từ khi có những cải cách mạnh mẽ về thủ tục thành lập doanh nghiệp của Luật Doanh nghiệp 1999, số lượng doanh nghiệp đăng ký ở nước ta đã tăng rất nhanh. Tính từ đầu năm 2000 đến hết 2010, đã có khoảng 505.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, gấp hơn 11 lần so với tổng số doanh nghiệp được thành lập trong cả thập kỷ trước (1990-1999 có khoảng 45.000 doanh nghiệp).
“Liên thông” ba thủ tục
Trước năm 2006, doanh nghiệp cần thực hiện từng bước thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và khắc dấu tại ba cơ quan khác nhau với nhiều giấy tờ, thủ tục trùng lắp, thời gian tối thiểu để hoàn tất cả ba thủ tục này là 32 ngày theo quy định của pháp luật.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công an và Tài chính đã ban hành Thông tư 02/2007/TTLT/BKH-BTC-BCA ngày 27/02/2007 và sau đó là Thông tư 05/2008/TTLT/BKH-BTC-BCA ngày 29/8/2008 hướng dẫn cơ chế phối hợp giữa các cơ quan giải quyết ba thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và cấp giấy phép khắc dấu theo hướng hợp lý hóa các khâu tổ chức thực hiện ba loại thủ tục này với cơ chế „một cửa”, phối hợp liên thông giữa các cơ quan, giảm thiểu thời gian giải quyết công việc. Sự ra đời cơ chế „một cửa liên thông” trong đăng ký thành lập doanh nghiệp đã tạo căn cứ pháp lý để các địa phương triển khai đồng loạt việc phối hợp nghiệp vụ của 3 cơ quan: đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và đăng ký con dấu; từ đó có điều kiện để loại bỏ những khâu, thủ tục không cần thiết, rút ngắn thời gian giải quyết ba thủ tục này từ 32 ngày còn 15 ngày.
Hợp nhất các thủ tục gia nhập thị trường
Công tác đăng ký kinh doanh cần tập trung vào 2 mục tiêu chính là đơn giản hóa thủ tục để giảm thiểu chi phí và thời gian cho doanh nghiệp; đồng thời, tạo dựng một cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp với thông tin chính xác, cập nhật và có giá trị pháp lý về các doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế. Với định hướng này, từ năm 2008, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan ở trung ương và địa phương xây dựng và triển khai Chương trình cải cách đăng ký kinh doanh quốc gia với những nội dung chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, xây dựng khung khổ pháp lý mới về đăng ký kinh doanh trong đó quy định hợp nhất các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp gia nhập thị trường gọi chung là "đăng ký doanh nghiệp". Nghị định 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp đã hợp nhất được hồ sơ, quy trình đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế vào một bộ hồ sơ, thực hiện một quy trình đăng ký kinh doanh chuẩn, thống nhất trong cả nước để cung cấp một mã số doanh nghiệp duy nhất, đồng thời là mã số thuế của doanh nghiệp trong suốt thời gian hoạt động.
Thứ hai, trên cơ sở chuẩn hóa các bước quy trình nghiệp vụ theo quy định, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong xử lý nghiệp vụ đăng ký kinh doanh nhằm nâng cao hiệu suất công tác, đồng thời, tự động hóa một số quy trình nhằm giảm tối đa sự can thiệp của cán bộ làm công tác đăng ký kinh doanh vào các quy trình nghiệp vụ.
Việc xây dựng Hệ thống Thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia đã được hoàn tất bước đầu; dữ liệu đăng ký kinh doanh tại các Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh đã được chuyển đổi theo một tiêu chuẩn thống nhất vào Cơ sở dữ liệu quốc gia. Hiện nay, hệ thống này đang được hơn 550 cán bộ đăng ký kinh doanh từ trung ương đến địa phương tác nghiệp, để qua đó, hàng tháng, cấp đăng ký thành lập mới cho khoảng 7.000 doanh nghiệp và đăng ký thay đổi cho khoảng 8.400 doanh nghiệp.
Thứ ba, tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp tiếp cận được thông tin có giá trị pháp lý về doanh nghiệp. Mọi tổ chức hoạt động trong nền kinh tế thị trường cần dựa vào tính pháp lý của thông tin doanh nghiệp lưu trữ tại cơ quan đăng ký kinh doanh và sử dụng những thông tin mang giá trị pháp lý này như một phương tiện hỗ trợ thiết yếu cho hoạt động của mình.
Việc Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đang được hoàn thiện sẽ góp phần đảm bảo thực thi chức năng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp và đáp ứng các nhu cầu cơ bản về thông tin doanh nghiệp trong nền kinh tế.
***
Trong hơn 20 năm vừa qua, công tác đăng ký kinh doanh đã có nhiều chuyển biến quan trọng, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển của nền kinh tế, đặc biệt là phục vụ sự tăng trưởng mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp. Chính sự cải thiện trong thủ tục ra nhập thị trường đã tạo nên sức hấp dẫn lớn cho môi trường kinh doanh của Việt Nam trong con mắt các nhà đầu tư. Năm 2010, thứ hạng của môi trường kinh doanh Việt Nam đã tăng 10 bậc trong công bố Doing Business của Ngân hàng Thế giới (WB) so với năm 2009, đứng thứ 78/183 nước, trên Trung Quốc 1 bậc và đứng thứ 4 trong số 10 nền kinh tế cải cách nhiều nhất về mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh năm 2011. Riêng những cải thiện về cải cách trong đăng ký kinh doanh đã đưa Việt Nam tăng lên 14 bậc trong bảng xếp hạng về sự thuận tiện của thủ tục thành lập doanh nghiệp.
Quá trình cải cách công tác quản lý đăng ký kinh doanh ở Việt Nam sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới nhằm từng bước hoàn thiện nghiệp vụ đăng ký kinh doanh theo hướng tạo môi trường kinh doanh tiên tiến, hiệu quả và minh bạch cho cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế khi ra nhập thị trường Việt Nam; đưa hệ thống thông tin doanh nghiệp quốc gia ngày càng hoàn thiện trong tiến trình tin học hóa các thông tin kinh tế - xã hội để sẵn sàng cho một Chính phủ điện tử trong tương lai gần của Việt Nam; thực thi vai trò là một đối tác thứ ba tin cậy để cung cấp các thông tin pháp lý về đăng ký doanh nghiệp tới các cá nhân và tổ chức có nhu cầu, không chỉ hạn chế ở thời điểm thành lập, mà còn kéo dài suốt thời gian hoạt động của một doanh nghiệp.