TRANH CHẤP SỞ HỮU TRÍ TUỆ: CHỨNG CỨ ĐÂU?

LÊ VĂN KIỀU – Nguyên Chánh Thanh tra Bộ KH&CN Công ty TNHH Thương mại xây dựng sản xuất Phương Nga (Công ty Phương Nga) có đơn yêu cầu Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thành phố Hồ Chí Minh xử lý vi phạm hành chính đối với hai công ty khác vì cho rằng hai công ty này đã xâm phạm độc quyền giải pháp hữu ích của mình. Bản chất giải pháp hữu ích của Công ty Phương Nga là khi muốn vận chuyển xi măng từ nhà máy sản xuất đến các công trình xây dựng, thông thường phải dùng xe ô tô chuyên dụng (dạng như xe bồn). Muốn vận chuyển theo cách này thì ít nhất phải có đường sá để xe chở xi măng chạy đến được công trình. Do đó, Công ty Phương Nga đã mày mò tìm cách giải quyết và cuối cùng nghĩ ra cách lấy công nghệ của xe bồn sang áp dụng cho xà lan. Hiểu nôm na là, do xi măng có dạng hạt mịn và nhẹ nên Công ty Phương Nga dùng máy nén khí và các ống dẫn để tạo áp lực hút xi măng “chảy” trực tiếp từ nhà máy – theo ống dẫn – xuống tàu và khi đến công trình thì có thể bơm ngược xi măng từ tàu – theo ống dẫn – ra bồn chứa xi măng của công trình. Tháng 5.2006, Công ty Phương Nga nộp đơn đến Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT), Bộ KH&CN xin được cấp bằng bảo hộ đối với giải pháp kỹ thuật: “Hệ thống chứa, bơm xi măng rời lên bờ từ phương tiện vận tải thủy bằng máy nén khí”. Đến tháng 11.2007, Cục SHTT đã cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích cho Công ty Phương Nga, có giá trị độc quyền trong vòng 10 năm (đến năm 2016). Chính vì cách thức hiệu quả trên nên ngay sau khi Công ty Phương Nga áp dụng giải pháp hữu ích này thì một số đơn vị cung cấp xi măng khác cũng bắt chước làm theo. “Như vậy là vi phạm sự độc quyền về giải pháp hữu ích của công ty chúng tôi”, Công ty Phương Nga khẳng định và đã có văn bản yêu cầu hai công ty khác ngưng hành vi xâm phạm, nhưng đến nay hai đơn vị này vẫn chưa ngưng. Lý do là, các công ty bị cho là xâm phạm quyền cho rằng mình không xâm phạm gì – “Giải pháp của Công ty Phương Nga đã có từ lâu đời, nhiều nơi đã ứng dụng chứ không có gì mới lạ, độc quyền cả!”. Từ thực trạng trên, Công ty Phương Nga đã gửi đơn yêu cầu Thanh tra Sở KH&CN xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu giải pháp của mình. Tuy nhiên, Thanh tra Sở cho rằng, muốn xử lý xâm phạm thì phải cung cấp chứng cứ chứng minh hành vi xâm phạm, trong đó có tài liệu mô tả hệ thống chứa và bơm xi măng của bên xâm phạm và so sánh hệ thống này với hệ thống được cấp bằng độc quyền. Trong khi đó, Công ty Phương Nga cho biết, chỉ có cách dùng “gián điệp kinh tế” thì may ra mới xâm nhập nội bộ của công ty kia mà lấy tài liệu mô tả chứ làm sao mà có được chứng cứ như Thanh tra Sở yêu cầu. Do đó, hiện tại Công ty Phương Nga đang chuẩn bị hồ sơ để kiện ra tòa yêu cầu các đơn vị này chấm dứt hành vi xâm phạm. (Nguồn: Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh online, 30-31.12.2009). Bình luận   1. Chứng cứ là những gì được dẫn ra để làm căn cứ xác định sự việc là có thật. Chứng cứ trong sự việc xâm phạm quyền là những gì có thật, liên quan đến hành vi xâm phạm, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi xâm phạm, ai là người thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (SHCN), cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ việc. Luật SHTT tại Điều 203 về quyền và nghĩa vụ chứng minh của đương sự có quy định về nghĩa vụ chứng minh của hai bên xâm phạm và bị xâm phạm. Nội dung này được cụ thể hoá tại Điều 22.2 Nghị định số 105/2006/NĐ-CP. Theo đó, khi gửi đơn yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với các đối tượng SHCN, người yêu cầu phải có các tài liệu, chứng cứ gửi kèm theo nhằm chứng minh hành vi xâm phạm và yêu cầu của mình. Vì vậy, việc Thanh tra Sở KH&CN yêu cầu Công ty Phương Nga khi gửi đơn phải kèm theo danh mục chứng cứ là đúng quy định. 2. Vậy những tài liệu, hiện vật nào được công nhận là chứng cứ và trong trường hợp cụ thể này, Công ty Phương Nga phải gửi chứng cứ nào? Theo Điều 23 của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP thì tài liệu, chứng cứ, hiện vật, kèm theo đơn yêu cầu xử lý xâm phạm có nhiều loại khác nhau: Một là, chứng cứ chứng minh là chủ thể quyền, nếu người yêu cầu là chủ sở hữu hoặc người được chuyển giao, thừa kế, kế thừa quyền sở hữu các đối tượng SHCN. Trong trường hợp cụ thể này, đối với giải pháp hữu ích, chứng cứ có thể là bản gốc Văn bằng bảo hộ giải pháp hữu ích, hoặc bản sao có công chứng, hoặc xác nhận của cơ quan đã cấp các văn bằng trên. Chứng cứ loại này có thể là bản trích lục sổ đăng ký quốc gia về SHCN do Cục SHTT cấp. Hai là, chứng cứ chứng minh có hành vi xâm phạm đã xảy ra, chứng cứ nghi ngờ hàng hoá nhập khẩu xâm phạm (đối với trường hợp đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá nhập khẩu bị nghi ngờ xâm phạm). Trong trường hợp này là chứng cứ chứng minh hành vi sử dụng giải pháp hữu ích. Ba là, bản sao Thông báo của Công ty Phương Nga cho các công ty có hành vi sử dụng giải pháp hữu ích, trong đó đã ấn định thời hạn hợp lý để các công ty này chấm dứt hành vi xâm phạm và chứng cứ chứng minh các công ty này không chấm dứt hành vi xâm phạm của mình. Bốn là, chứng cứ chứng minh sự cần thiết phải yêu cầu áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo đảm xử phạt trong trường hợp Công ty Phương Nga đồng thời yêu cầu áp dụng biện pháp này. Trong trường hợp này, Thanh tra Sở KH&CN yêu cầu Công ty Phương Nga cung cấp chứng cứ thuộc loại thứ hai. Đó là chứng cứ chứng minh hành vi xâm phạm các đối tượng SHCN. Có thể các tài liệu, hiện vật sau đây được coi là chứng cứ: Bản gốc hoặc bản sao hợp pháp tài liệu mô tả, vật mẫu, hiện vật có liên quan thể hiện đối tượng được bảo hộ; Vật mẫu, hiện vật có liên quan, ảnh chụp, bản ghi hình sản phẩm bị xem xét; Bản giải trình, so sánh giữa sản phẩm bị xem xét với đối tượng được bảo hộ; Biên bản, lời khai, tài liệu khác nhằm chứng minh có hành vi xâm phạm. Đối với xâm phạm kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, các đối tượng được bảo hộ bị sử dụng khi không được sự cho phép của chủ thể quyền được thể hiện cụ thể trên hàng hóa, hoặc bao bì bên ngoài, hoặc chính hình thức của sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường, trên quảng cáo, giấy tờ giao dịch. Vì vậy, chủ thể quyền có thể thu thập được các chứng cứ xâm phạm các đối tượng này dễ dàng thông qua vật mẫu, hiện vật có liên quan, ảnh chụp, bản ghi hình sản phẩm bị nghi ngờ xâm phạm. Do đó, bên chủ thể quyền bị xâm phạm độc quyền chỉ cần mua vài sản phẩm này trên thị trường là đã có trong tay chứng cứ xâm phạm. Trong khi đó, việc sử dụng giải pháp hữu ích lại được thực hiện trong nội bộ doanh nghiệp, trong nhà xưởng của doanh nghiệp. Một số giải pháp hữu ích là sản phẩm, thiết bị lớn trong dây chuyền công nghệ. Thậm chí, có thể có giải pháp hữu ích nằm sâu dưới lòng đất trong trường hợp giải pháp đó có bản chất là gia cố nền móng. Đối với các giải pháp hữu ích này, bên chủ sở hữu khó mà có thể nộp cho cơ quan xử lý các chứng cứ là hiện vật, là sản phẩm như trong trường hợp đối với nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp hay tên thương mại. Do vậy, Điều 23 Nghị định 105/2006/NĐ-CP còn quy định chứng cứ không chỉ là hiện vật, ảnh chụp mà còn có thể là bản giải trình, so sánh giữa sản phẩm bị xem xét với đối tượng được bảo hộ; biên bản, lời khai, tài liệu khác nhằm chứng minh xâm phạm. Vì vậy, trong trường hợp giải pháp hữu ích của Công ty Phương Nga bị xâm phạm, Công ty cần mô tả giải pháp của mình đang được bảo hộ, so sánh với giải pháp mà các công ty khác sử dụng, chỉ ra các nội dung tương tự trong quy trình vận hành, trong hệ thống thiết bị của các công ty này. Chỉ ra tên công ty, các địa điểm đang diễn ra hành vi xâm phạm. Thanh tra Sở KH&CN có trách nhiệm đến thanh tra tại hiện trường để xác minh sự thật. Khi đó, các công ty có hành vi bị nghi ngờ xâm phạm giải pháp hữu ích của Công ty Phương Nga sẽ chứng minh giải pháp của họ sử dụng khác biệt với bản chất giải pháp của Công ty Phương Nga hay không. Trên cơ sở đó, Thanh tra Sở sẽ xem xét, đánh giá kết luận. 3. Bên xâm phạm cho rằng: “Giải pháp của Công ty Phương Nga đã có từ lâu đời, nhiều nơi đã ứng dụng chứ không có gì mới lạ, độc quyền cả”. Cần lưu ý là, một giải pháp được Cục SHTT cấp bằng phải không là hiểu biết thông thường và đáp ứng đồng thời hai điều kiện. Thứ nhất là tính mới, được coi là có tính mới nếu chưa bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn đăng ký giải pháp hữu ích hoặc trước ngày ưu tiên trong trường hợp đơn đăng ký giải pháp hữu ích được hưởng quyền ưu tiên. Thứ hai là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể thực hiện được việc chế tạo, sản xuất hàng loạt sản phẩm hoặc áp dụng lặp đi lặp lại quy trình là nội dung của giải pháp hữu ích và thu được kết quả ổn định. Luật SHTT cho phép trong suốt thời gian hiệu lực của văn bằng bảo hộ các đối tượng SHCN, người khác có thể gửi đơn đến Cục SHTT đề nghị hủy bỏ văn bằng đã cấp vì không đảm bảo yêu cầu tại thời điểm cấp. Nếu các công ty khác cho rằng, giải pháp của Công ty Phương Nga không có tính mới, không đảm bảo một trong hai điều kiện trên thì họ có quyền gửi đơn đến Cục SHTT, chứng minh giải pháp này không có tính mới. Vì đã bị bộc lộ công khai dưới hình thức đã được sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày Công ty Phương Nga nộp đơn đăng ký giải pháp hữu ích (5.2006). Do đó, không đảm bảo điều kiện để bảo hộ và đề nghị Cục SHTT hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ đã cấp cho Công ty Phương Nga. 4. Công ty Phương Nga dự định khởi kiện vụ kiện xâm phạm quyền giải pháp hữu ích ra Tòa án Dân sự. Đó là việc nên làm. Khi Công ty Phương Nga khởi kiện các công ty có hành vi sử dụng giải pháp của mình sẽ phải thực hiện Điều 203 Luật SHTT về Quyền và nghĩa vụ chứng minh của đương sự. Theo đó, “trong vụ kiện về xâm phạm quyền đối với sáng chế (giải pháp hữu ích) trường hợp một bên trong vụ kiện xâm phạm quyền SHTT chứng minh được chứng cứ thích hợp để chứng minh cho yêu cầu của mình bị bên kia kiểm soát, do đó không thể tiếp cận được thì có quyền yêu cầu Toà án buộc bên kiểm soát chứng cứ phải đưa ra chứng cứ đó”. Trong trường hợp này, Công ty Phương Nga không thể có bản vẽ, quy trình vận hành của giải pháp mà các công ty kia áp dụng. Vì vậy, có thể đề nghị Tòa buộc các công ty kia cung cấp cho Tòa các tài liệu này. Đồng thời, họ có trách nhiệm chứng minh giải pháp mà họ sử dụng có bản chất không trùng hoặc tương tự với bản chất của giải pháp mà Công ty Phương Nga đang được bảo hộ. Như vậy, các công ty xâm phạm buộc phải cung cấp cho Tòa giải pháp mà họ đang sử dụng (các tài liệu, hệ thống thiết bị, quy trình vận hành…) để làm rõ giải pháp đó có trùng hoặc tương tự giải pháp của Công ty Phương Nga đang được bảo hộ hay không? Rõ ràng áp dụng biện pháp dân sự để bảo vệ quyền của chủ thể quyền bằng cách khởi kiện vụ xâm phạm sáng chế, giải pháp hữu ích ra Tòa án Dân sự sẽ thuận lợi hơn cho Công ty Phương Nga trong việc tìm chứng cứ.

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật