Thời hạn cuối cùng bắt buộc doanh nghiệp phải sử dụng hóa đơn tự in, đặt in đã gần kề (ngày 31/3/2011) khiến các doanh nghiệp chưa thể tự in hóa đơn, đã đặt in nhưng nhà in chưa in xong, hoặc còn “tồn kho” hóa đơn của năm trước… rất lo lắng. “Nếu đến ngày 31/3/2011, doanh nghiệp còn tồn nhiều hóa đơn của Bộ Tài chính thì có cần đăng ký gia hạn để tiếp tục sử dụng hóa đơn hay không?”, một doanh nghiệp đặt câu hỏi với Cục Thuế TP.HCM tại buổi đối thoại do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (ITPC) phối hợp với Cục thuế TP.HCM tổ chức nêu trên.
Về vấn đề này, bà Trần Thị Lệ Nga, Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền của Cục Thuế TP.HCM khẳng định, doanh nghiệp chỉ có thể sử dụng hóa đơn mua của Bộ Tài chính đến ngày 31/3/2011. Với doanh nghiệp sử dụng hóa đơn tự in theo Thông tư 120 trước đây, đến ngày 31/3/2011 vẫn còn tồn hoá đơn và muốn tiếp tục sử dụng, thì làm thông báo phát hành theo Thông tư 153 để sử dụng hết.
“Chúng tôi thuộc đối tượng doanh nghiệp đặt in hóa đơn và đã ký hợp đồng với nhà in, nhưng nhà in lại thay đổi thời hạn giao hóa đơn đến cuối tháng 4/2011. Vậy chúng tôi có thể xuất hóa đơn sau tháng 4 được không?”, một doanh nghiệp khác thắc mắc.
“Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 13 ngày 8/2/2011 về sửa đổi bổ sung Thông tư 153, còn Tổng cục thuế cũng có Công văn 908 ngày 18/3/2011 tháo gỡ vấn đề này”, bà Nga nói và cho biết, theo Thông tư 153, đối tượng được tạo hóa đơn tự in là các đơn vị sự nghiệp công lập và các doanh nghiệp thành lập trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Ngoài ra, các doanh nghiệp có vốn từ 5 tỷ đồng trở lên, doanh nghiệp đã có mã số thuế, có phát sinh doanh thu hàng hóa, hệ thống máy tính có phần mềm kế toán và chưa bị xử phạt vi phạm về thuế từ 20 triệu đồng trở lên trong vòng 365 ngày, cũng thuộc đối tượng tạo hóa đơn tự in.
Như vậy, theo Thông tư 153, đối tượng được phép tự in hóa đơn theo rà soát của cơ quan thuế là chưa nhiều. Vì vậy, Thông tư 13 đã mở rộng đối tượng tự in hoá đơn tới các doanh nghiệp có vốn điều lệ 1 tỷ đồng, doanh nghiệp có mã số thuế, có phần mềm kế toán in hóa đơn, chưa bị xử phạt vi phạm về thuế từ 50 triệu đồng trở lên. Tuy nhiên, điều khiến các doanh nghiệp lo lắng là để tự in hóa đơn, họ phải có phần mềm tự in hóa đơn và phần mềm này phải gắn với phần mềm kế toán và phần mềm bán hàng.
Chính vì vậy, ngày 18/3/2011, Tổng cục Thuế ban hành tiếp Công văn 908. Theo đó, các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp thành lập trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và doanh nghiệp có vốn điều lệ từ 1 tỷ đồng trở lên được sử dụng phần mềm in hóa đơn mà không nhất thiết phải kết nối với phần mềm kế toán của đơn vị.
Bà Nga cho biết, Tổng cục Thuế đã thẩm định xong các đơn vị cung cấp phần mềm kế toán có chức năng in hóa đơn đáp ứng được yêu cầu của Nghị định 51 và Thông tư 153. Và các đơn vị này chấp nhận cung cấp phần mềm miễn phí trong thời gian từ 3 tháng đến 6 tháng để hỗ trợ các doanh nghiệp. “Doanh nghiệp đang hoặc đã đặt in hóa đơn, nhưng nhà in không giao kịp hóa đơn để sử dụng từ ngày 1/4/2011, nay có nhu cầu cung cấp phần mềm này, thì thông báo với Cục Thuế TP.HCM để được đáp ứng. Cục Thuế TP.HCM cũng có một bộ phận hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng phần mềm này để tự in hóa đơn”, bà Nga nói.
Đối với lo ngại của một số doanh nghiệp về việc khó phân biệt hóa đơn thật hay giả, bà Nga cho biết, theo Thông tư 153, tại trụ sở nơi bán hàng hóa phải có thông báo phát hành hóa đơn và phải niêm yết thông báo phát hành hóa đơn kèm theo hóa đơn mẫu để doanh nghiệp có sơ sở đối chiếu khi đến mua hàng. Bên cạnh đó, sắp tới, cơ quan thuế các cấp cũng sẽ công khai các mẫu hóa đơn trên trang thông tin điện tử của ngành thuế. Khi muốn tra cứu, doanh nghiệp chỉ cần gõ mã số thuế của đơn vị nào thì sẽ được cung cấp thông báo phát hành hóa đơn và mẫu hóa đơn của đơn vị đó.
Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central Fied , Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"