Ông Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Sự thăng hạng của chỉ số gia nhập thị trường đã góp phần đưa thứ hạng chung của Việt Nam lên 10 bậc trong xếp hạng về Môi trường kinh doanh năm 2011 do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố. Ông nhận định thế nào về những bước cải thiện này?
Đó là kết quả tất yếu của quá trình cải thiện liên tục, chủ động và có lộ trình về môi trường kinh doanh, đặc biệt là thủ tục gia nhập thị trường. Một trong những dấu mốc quan trọng là những chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 59/2007/NQ-CP ngày 30/11/2007 về một số giải pháp xử lý những vướng mắc trong hoạt động đầu tư xây dựng và cải cách một số thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp (DN). Ngay từ đầu năm 2008, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công an khởi động các kế hoạch hợp nhất các thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và khắc dấu. Bằng việc liên thông hai thủ tục đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế, bãi bỏ quy định về giấy phép khắc dấu, thời gian cho thủ tục đăng ký thành lập DN đã giảm từ 32 ngày xuống còn 5 ngày.
Tiếp theo, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các nước và hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, chúng ta đã hợp nhất được thủ tục đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế, thống nhất mã số đăng ký kinh doanh và mã số thuế thành mã số doanh nghiệp, tin học hóa nghiệp vụ đăng ký kinh doanh, quy trình thủ tục trong đăng ký DN thực sự có bước ngoặt lớn.
Hiện tại, với các quy định của Nghị định số 43/2010/NĐ-CP về đăng ký DN và việc triển khai Hệ thống thông tin đăng ký DN quốc gia trên phạm vi toàn quốc, thời gian để một DN hoàn thành các thủ tục đăng ký DN được tính bằng giờ. Như vậy, chi phí của DN cho hoạt động này chắc chắn cũng được cắt giảm hơn nhiều.
DN thuận lợi hơn cũng có thể hiểu là các cơ quan hành chính sẽ bận rộn hơn?
Cũng có thể hiểu như vậy. Khi triển khai các bước cải cách về quy trình thủ tục hành chính, DN thuận lợi hơn rất nhiều trong các bước thành lập cũng như triển khai hoạt động. Số lượng DN đã tăng mạnh trong những năm qua, mặc dù khủng hoảng kinh tế toàn cầu tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung. Năm 2008- 2009, số DN thành lập mới là 85.000 DN/năm. Trong 10 tháng đầu năm 2010, tổng số DN thành lập mới khoảng hơn 80.000.
Cùng với sự thuận lợi của DN và sự tăng mạnh về số lượng DN, áp lực công việc của các công chức trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế tăng lên đáng kể. Mặc dù việc triển khai tin học hoá quy trình đăng ký DN đã giảm thiểu nhiều công việc và rủi ro cho các công chức, song thực tế những khó khăn còn rất nhiều.
Theo tôi, ngoài việc tiếp tục đào tạo, nâng cao chất lượng năng lực cán bộ, chúng ta cũng cần có cơ chế phù hợp đối với đội ngũ công chức. Ở đây, cũng cần phải nhấn mạnh tới sự phối hợp của các cơ quan có liên quan không chỉ trong thực hiện các thủ tục mà trong cả xử lý các lỗi công vụ một cách chặt chẽ, đảm bảo hệ thống vận hành liên tục.
Như vậy, nỗ lực cải cách sẽ không chỉ dừng lại ở ngành kế hoạch và đầu tư, thuế hay công an mà phải là nỗ lực phối hợp trong từng bước thực hiện cụ thể của các bộ, ngành liên quan và các địa phương cũng như từng công chức. Trong một guồng máy, nếu chỉ một bộ phận không khớp, chắc chắn kết quả sẽ không thể tốt được.
Điều này có nghĩa là cải cách thủ tục đăng ký DN sẽ vẫn còn nhiều việc phải làm, thưa ông?
Đúng như vậy. Chúng ta đã có sự phối hợp rất hiệu quả giữa các cơ quan đăng ký kinh doanh, thuế, công an và các địa phương trong giai đoạn 1 của Dự án cải cách đăng ký kinh doanh. Hiện tại, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh sự hợp tác này trong thực hiện các quy trình, thủ tục đã được pháp luật hoá, quy chuẩn hoá và tin học hoá một cách khoa học để khởi động giai đoạn 2. Việc đầu tư về con người và kỹ thuật cần tiếp tục được đẩy mạnh.
Ở đây, tôi cũng muốn nhắc tới trách nhiệm của cả các cơ quan nhà nước, các công chức cũng như các nhà đầu tư, người dân trong thực hiện quyền và trách nhiệm của mình, đặc biệt là ý thức được trách nhiệm với các thông tin đăng ký với các cơ quan nhà nước. Với tất cả những nỗ lực của các bên như vậy, tôi tin rằng, sự thuận lợi, hấp dẫn của môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ không thể thua kém các nước khác trong khu vực.