BÁO CÁO SỐ 137 /BC-NHNN NGÀY 16 THÁNG 11 NĂM 2009 CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC GIẢI TRÌNH CHẤT VẤN CỦA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TẠI KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHÓA XII

Kính gửi: Các vị Đại biểu Quốc hội Thực hiện yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (nêu tại văn bản số 2290/VPQH-CTĐB ngày 13/11/2009) và thực hiện sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xin giải trình và báo cáo trước Quốc hội một số vấn đề về hoạt động ngân hàng được Đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm. I- TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÁC LƯU Ý CỦA CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TẠI KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHOÁ XII: Tại Kỳ họp thứ 4, Chủ tịch Quốc hội đã có ý kiến kết luận lưu ý Thống đốc Ngân hàng Nhà nước một số vấn đề quan trọng như sau: theo dõi chặt chẽ diễn biến khủng hoảng tài chính toàn cầu và những tác động tiêu cực đối với nước ta để tham mưu biện pháp xử lý; điều hành chính sách tiền tệ hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát; quan tâm xử lý số tiền gửi của hệ thống ngân hàng ở nước ngoài và đảm bảo an toàn hệ thống trước ảnh hưởng tiêu cực của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ngay sau khi kết thúc Kỳ họp, ngành Ngân hàng đã cụ thể hoá các vấn đề Chủ tịch Quốc hội lưu ý, tham mưu cho Chính phủ và tập trung dồn sức thực hiện các biện pháp. Ngân hàng Nhà nước cùng với các tổ chức tín dụng theo dõi sát diễn biến và dự báo của các nước, tổ chức tài chính quốc tế, đã xây dựng phương án trình Chính phủ quyết định các giải pháp để chủ động xử lý tình huống rủi ro đối với hệ thống ngân hàng; xây dựng và triển khai các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ phù hợp với Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, chuyển hướng từ mục tiêu ngăn chặn lạm phát sang mục tiêu hàng đầu là ngăn chặn suy giảm kinh tế. Ngành Ngân hàng đã tập trung rà soát các khoản tiền gửi của hệ thống ngân hàng Việt Nam ở nước ngoài, chuyển sang gửi ở các ngân hàng có hệ số tín nhiệm cao và NHTW các nước để phòng ngừa rủi ro. Kết quả là tiền gửi của hệ thống ngân hàng được đảm bảo an toàn. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện nghiêm các quy định về tỷ lệ an toàn hoạt động kinh doanh, đẩy mạnh huy động vốn để mở rộng tín dụng có hiệu quả, tiếp tục phát triển các dịch vụ tiện ích ngân hàng. Đến nay, toàn hệ thống ngân hàng thương mại hoạt động ổn định, an toàn và thực hiện tốt các giải pháp về điều hành chính sách tiền tệ, góp phần ổn định vĩ mô và ngăn chặn suy giảm kinh tế.   II- CÁC VẤN ĐỀ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI QUAN TÂM TẠI KỲ HỌP THỨ 6: Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khoá XII, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận được 22 chất vấn của 12 Đại biểu Quốc hội do Văn phòng Quốc hội chuyển đến và chất vấn của 3 Đại biểu Quốc hội được Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời. Các ý kiến chất vấn tập trung vào 3 vấn đề: hỗ trợ lãi suất, điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, thị trường ngoại hối. Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản giải trình gửi đến các Đại biểu chất vấn và Đoàn Đại biểu Quốc hội có Đại biểu chất vấn. 1. Về hiệu quả triển khai cơ chế hỗ trợ lãi suất 1.1. Tình hình triển khai và kết quả đạt được: Tháng 1/2009, Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước xây dựng đề án và trình ban hành Quyết định số 131/QĐ-TTg về việc hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngắn hạn ngân hàng để sản xuất – kinh doanh. Sau 2 tháng thực hiện, Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước xây dựng đề án và trình ban hành Quyết định số 443/QĐ-TTg ngày 04/4/2009 về chính sách hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn trung, dài hạn ngân hàng để thực hiện đầu tư mới để phát triển sản xuất – kinh doanh. Tiếp sau đó, Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, ngành liên quan khác xây dựng và trình ban hành hai cơ chế là Quyết định số 497/QĐ-TTg ngày 17/4/2009 về cơ chế hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn thực hiện từ ngày 1/5/2009, Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 6/5/2009 về việc hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện giải ngân từ ngày 1/5/2009. Xác định đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của toàn ngành Ngân hàng trong năm 2009, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức quán triệt, triển khai kịp thời, quyết liệt các cơ chế hỗ trợ lãi suất trong toàn ngành: Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai cơ chế hỗ trợ lãi suất và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng khẩn trương triển khai và thực hiện nghiêm túc các quy định của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về hỗ trợ lãi suất. Làm tốt công tác thông tin, tuyền truyền, phổ biến rộng rãi, công khai, rõ ràng, minh bạch để người dân và doanh nghiệp hiểu cơ chế, thủ tục cho vay hỗ trợ lãi suất. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình triển khai trên phạm vi cả nước để kịp thời nắm bắt và xử lý những khó khăn, vướng mắc phù hợp với tình hình thực tế. Thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý các ý kiến của doanh nghiệp, hộ sản xuất và xử lý các hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra. Tháng 5 và tháng 10/2009, Ngân hàng Nhà nước đã hai lần tổ chức Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện cơ chế hỗ trợ lãi suất để đánh giá những mặt được, chưa được và tác động của cơ chế đối với nền kinh tế, từ đó có những biện pháp cụ thể nhằm thực hiện có hiệu quả cơ chế này. Tính đến ngày 31/10/2009, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đạt 438.742,19 tỷ đồng; trong đó, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất của ngân hàng thương mại và công ty tài chính là 413.205 tỷ đồng, Ngân hàng Phát triển Việt Nam là 10.265 tỷ đồng, Ngân hàng Chính sách xã hội là 15.271 tỷ đồng. Dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất của ngân hàng thương mại và công ty tài chính cụ thể như sau: Dư nợ của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước và Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương là 279.865 tỷ đồng, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần là 104.945 tỷ đồng, nhóm ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và ngân hàng 100% vốn nước ngoài là 20.438 tỷ đồng, công ty tài chính là 7.956 tỷ đồng; Dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp nhà nước là 62.415 tỷ đồng, doanh nghiệp ngoài nhà nước là 284.426 tỷ đồng, hộ sản xuất là 66.363 tỷ đồng. Qua thanh tra, kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước và tự kiểm tra của tổ chức tín dụng cho thấy những tồn tại và sai sót đã được phát hiện chủ yếu là trong hoạt động cho vay thông thường, một số khoản cho vay thực hiện chưa đúng quy định về hỗ trợ lãi suất. Kết quả thanh tra, kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước tại 272 chi nhánh của 52 ngân hàng thương mại kiến nghị thu hồi 46 tỷ đồng tiền lãi đã hỗ trợ. Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng thì phần lớn vi phạm, tồn tại đã được các tổ chức tín dụng chỉnh sửa ngay sau khi có kết luận kiểm tra; đến nay, số tiền hỗ trợ lãi suất còn phải thu hồi là 0,9 tỷ đồng. Đánh giá chung: Thực tế triển khai và qua sự đánh giá của các cơ quan ban, ngành liên quan cho thấy, cơ chế hỗ trợ lãi suất đã đạt được sự nhất trí, ủng hộ, đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp; các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế đánh giá là giải pháp mang tính đặc thù của Việt Nam. Đây là một trong những giải pháp kích thích kinh tế tối ưu được lựa chọn với chi phí thấp, phù hợp với điều kiện của nước ta, có hiệu quả tác động rất tích cực, đạt được mục tiêu là giúp nhiều doanh nghiệp và hộ sản xuất giảm chi phí vay vốn, giảm giá thành sản phẩm, duy trì và mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ngăn chặn suy giảm kinh tế. Tuy nhiên, quá trình triển khai, cơ chế hỗ trợ lãi suất cũng bộc lộ một số mặt chưa tích cực: (1) Một số quy định liên quan đến việc thực hiện cơ chế cho vay hỗ trợ lãi suất đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Quyết định số 497/QĐ-TTg chậm được hướng dẫn, xử lý nên kết quả đạt thấp; (2) Cơ chế hỗ trợ lãi suất được triển khai trong ngắn hạn, trên phạm vi cả nước, đối tượng thụ hưởng rộng, gây khó khăn cho công tác thanh tra, giám sát của các bộ, ngành, làm phát sinh khối lượng lớn công việc và chi phí của các ngân hàng thương mại;(3) Mức lãi suất sau khi được hỗ trợ tương đương lãi suất cho vay bằng USD và thấp hơn lãi suất tiền gửi có kỳ hạn hiện nay đã tác động làm tăng trưởng tín dụng ở mức cao, gây sức ép tăng lãi suất và tỷ giá, có thể phát sinh các hiện tượng lợi dụng cơ chế để trục lợi; (4) Không phải tất cả các đối tượng vay vốn đều được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất nên quá trình triển khai thực hiện phát sinh những vướng mắc, kiến nghị, khiếu nại của nhiều doanh nghiệp không thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất; (5) Do đối tượng được hỗ trợ lãi suất thuộc nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế, nếu kéo dài sẽ phát sinh tâm lý ỷ lại, giá cả và lợi nhuận sản phẩm không phản ánh đúng năng suất, hiệu quả của hoạt động sản xuất – kinh doanh, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh và phát triển bền vững. 1.2. Về ý kiến phản ánh doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông dân khó tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ lãi suất Cơ chế cho vay hỗ trợ lãi suất nhằm giúp doanh nghiệp và hộ sản xuất giảm chi phí vay vốn, giảm giá thành sản phẩm, duy trì và mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, chỉ các khoản vay bằng đồng Việt Nam của 10 ngành kinh tế được hỗ trợ lãi suất ngắn hạn và 09 ngành kinh tế được hỗ trợ lãi suất trung, dài hạn; vì vậy, một bộ phận doanh nghiệp thuộc nhiều ngành và lĩnh vực kinh tế không thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất. Mặt khác, điều kiện cho vay hỗ trợ lãi suất vẫn thực hiện theo cơ chế tín dụng thông thường, nên những doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn theo quy định (có nợ quá hạn, năng lực tài chính kém, phương án sản xuất – kinh doanh thiếu tính khả thi) sẽ không được tổ chức tín dụng cho vay hỗ trợ lãi suất. Đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn, đến 31/10/2009, tỷ trọng dư nợ được hỗ trợ lãi suất chiếm 45,96% tổng số dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất (trong đó, cho vay trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ hải sản là 11,96%, công nghiệp chế biến là 34%), chưa kể một số vốn khá lớn các tổ chức tín dụng cho vay để kinh doanh vật tư (phân bón, thuốc trừ sâu, xăng dầu) phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp. Hầu hết các hộ nông dân đáp ứng đủ điều kiện vay vốn hỗ trợ lãi suất theo Quyết định số 131/QĐ-TTg và Quyết định số 443/QĐ-TTg và có nhu cầu vay, đều được vay hỗ trợ lãi suất. Các dự án đầu tư, xuất khẩu nông sản, thực phẩm vay vốn tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam cũng được hỗ trợ lãi suất. Riêng việc triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất theo Quyết định số 497/QĐ-TTg ngày 17/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ gặp một số khó khăn, vướng mắc do điều kiện, thủ tục cho vay chặt chẽ hơn so với điều kiện thủ tục cho vay theo cơ chế thông thường (chỉ hỗ trợ đối với khoản vay để mua hàng hoá sản xuất trong nước; phải có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã về đối tượng và mục đích sử dụng vốn vay; mức tiền vay tối đa để mua vật tư nông nghiệp là 7 triệu đồng/ha, không đủ trang trải chi phí sản xuất). Tại Nghị quyết phiên họp Chính Phủ thường kỳ tháng 10/2009, Chính phủ đã giao Bộ Công thương phối hợp với các cơ quan liên quan tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục vay vốn hỗ trợ lãi suất theo Quyết định số 497/QĐ-TTg ngày 17/4/2009, hướng dẫn lại một số qui định cho phù hợp với điều kiện thực tế. Hiện nay, Bộ Công thương đang phối hợp với Bộ, ngành liên quan thực hiện nhiệm vụ này. 2. Công tác quản lý nhà nước về thị trường ngoại hối: 2.1. Diễn biến thị trường ngoại tệ: Từ năm 2007 đến nay, thị trường ngoại hối diễn biến phức tạp. Năm 2007, nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài tăng mạnh lên đến 6,3 tỷ USD và đảo chiều những tháng cuối năm 2008 với lượng chuyển ra ròng 578 triệu USD; nhập siêu năm 2008 gia tăng đột biến so với năm 2007 (18 tỷ USD so với 12,4 tỷ USD của năm 2007). Đồng thời, thị trường tài chính, tiền tệ thế giới cũng có nhiều diễn biến phức tạp, giá trị của một số đồng tiền mạnh cũng tăng giảm bất thường; giá cả một số mặt hàng chủ yếu như dầu mỏ, lương thực, sắt thép… cũng biến động thường xuyên. Trước tình hình trên, Ngân hàng Nhà nước cùng với các Bộ, ngành liên quan đã triển khai nhiều biện pháp để ổn định thị trường ngoại hối, tuy nhiên đồng Việt Nam vẫn tiếp tục chịu áp lực giảm giá. Sang năm 2009, trong khi những yếu tố gây áp lực lên thị trường ngoại hối chưa được khắc phục triệt để, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới tiếp tục ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế Việt Nam. So với năm 2008, kim ngạch xuất khẩu giảm nhanh (dự kiến năm 2009 giảm đến 9,9%); FDI vào Việt Nam dự báo giảm 16,5%, FII chuyển ra ròng khoảng 500 triệu USD (năm 2008 chuyển ra ròng 578 triệu USD); chuyển tiền kiều hối giảm từ 1-1,2 tỷ USD; lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2009 giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2008; cán cân thanh toán quốc tế từ thặng dư 10,17 tỷ USD năm 2007, 473 triệu USD năm 2008 chuyển sang thâm hụt 1,9 tỷ USD, mức cao nhất trong những năm gần đây. Ngoài ra, thực hiện mục tiêu chủ động ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, Chính phủ đã thực thi chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng. Các giải pháp kích cầu, trong đó có chính sách hỗ trợ lãi suất. Bên cạnh tác động tích cực, chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất đã có hiệu ứng phụ đối với thị trường ngoại hối. Kể cả vốn đầu tư từ nguồn ngân sách và từ nguồn tín dụng tăng quá nhanh trong thời gian ngắn, áp lực cần có nguồn ngoại tệ để nhập thiết bị, máy móc và một số mặt hàng tiêu dùng, trong đó mặt hàng xe ô tô ngoại nhập gia tăng nhanh chóng, việc thu gom, mua USD thị trường tự do cũng tác động đến thị trường. Những yếu tố nêu trên đã ảnh hưởng lớn đến cung cầu ngoại tệ trên thị trường ngoại hối và tạo sức ép lên tỷ giá. Thêm vào đó, giới đầu cơ đã lợi dụng diễn biến này để đưa tin đồn thất thiệt, gây nên biến động tỷ giá trên thị trường tự do. 2.2. Các giải pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước năm 2009: Để ổn định thị trường ngoại hối, ngay từ đầu năm 2009, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ các giải pháp ổn định thị trường. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tăng nguồn cung và ổn định thị trường ngoại tệ. Cụ thể: - Mở rộng biên độ ấn định tỷ giá mua bán USD/VND của các ngân hàng thương mại từ +3% lên +5% và điều hành linh hoạt tỷ giá bình quân liên ngân hàng phù hợp với tín hiệu thị trường và mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu. - Tăng cường các biện pháp điều tiết cung cầu ngoại tệ trên thị trường: Bán ngoại tệ hỗ trợ nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu đảm bảo ổn định sản xuất và đời sống; điều hoà ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng. - Ban hành văn bản số 4941/NHNN-QLNH ngày 1/7/2009 về chấn chỉnh hoạt động mua bán ngoại tệ, trong đó nghiêm cấm các tổ chức tín dụng thu phí thông qua các hợp đồng dịch vụ và các hình thức khác nhằm mục đích làm tỷ giá mua bán ngoại tệ thực tế vượt tỷ giá trần quy định. - Trình Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính bán nguồn ngoại tệ thu được từ phát hành trái phiếu Chính phủ cho Ngân hàng Nhà nước; đề nghị một số doanh nghiệp nhập khẩu lớn chuyển từ mua ngoại tệ sang vay bằng ngoại tệ. - Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương trong việc kiểm soát nhập siêu, đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ thiết yếu của nền kinh tế và đề xuất giải pháp hạn chế nhập khẩu những mặt hàng không thiết yếu. - Trình và được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối, đặc biệt là các hoạt động thu đổi ngoại tệ trái phép, quảng cáo, niêm yết giá hàng hóa bằng ngoại tệ. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo Thanh tra chuyên ngành trên địa bàn kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về quảng cáo hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ không đúng qui định của pháp luật. - Phối hợp với Hiệp hội ngân hàng tạo sự đồng thuận giữa các ngân hàng trong việc giảm lãi suất huy động và cho vay bằng ngoại tệ để vừa khuyến khích doanh nghiệp, người dân nắm giữ VND vừa khuyến khích các doanh nghiệp vay vốn bằng ngoại tệ. 3. Đánh giá việc điều hành lãi suất ngân hàng trong điều kiện vừa bảo đảm yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh vừa ngăn ngừa lạm phát cao trở lại Theo quy định tại Điều 476 Bộ luật Dân sự và Điều 9, 18 Luật Ngân hàng Nhà nước, hàng tháng Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất cơ bản làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất kinh doanh và quy định về lãi suất tái cấp vốn cho ngân hàng thương mại vay để điều tiết lãi suất thị trường. Lãi suất cơ bản và lãi suất tái cấp vốn được quy định trên cơ sở tình hình lạm phát, cung – cầu vốn thị trường và chủ trương “thắt chặt” hay “nới lỏng” tiền tệ của Chính phủ. Năm 2008, thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt để ngăn chặn lạm phát cao, lãi suất cơ bản được xác định ở mức 14%/năm. Từ tháng 10/2008, lạm phát có xu hướng giảm, nền kinh tế nước ta bị ảnh hưởng xấu của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, Chính phủ có chủ trương chuyển sang thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng một cách thận trọng, theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục điều chỉnh giảm lãi suất cơ bản từ 14%/năm xuống còn 7%/năm và giữ ổn định cho đến nay. Trong 10 tháng đầu năm 2009, Ngân hàng Nhà nước không phát hành thêm tiền để mở rộng tín dụng (các tổ chức tín dụng sử dụng vốn huy động và vốn tự có để cho vay) và kiểm soát tổng phương tiện thanh toán là 24,2%, dự kiến cả năm 2009 khoảng 30%. Do tác động của hỗ trợ lãi suất 4%, tín dụng có xu hướng tăng ở mức cao, cho nên từ tháng 6/2009 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động và thận trọng để kiểm soát quy mô và chất lượng tín dụng ở mức hợp lý, làm chậm tốc độ tăng trưởng tín dụng (tốc độ tăng bình quân mỗi tháng của quý II: 4,24%, tháng 7: 2,75%, tháng 8: 2,47%, tháng 9: 3,32%, tháng 10: 2,39% và sẽ ở mức thấp hơn trong tháng 11+12). Ngân hàng Nhà nước cho rằng việc điều hành lãi suất là phù hợp với chủ trương của Chính phủ với mục tiêu hàng đầu là ngăn chặn suy giảm kinh tế, đồng thời ngăn chặn tái lạm phát cao trở lại, kết quả cụ thể là: (1) Lãi suất thị trường diễn biến hợp lý và tương đối ổn định, trong đó lãi suất cho vay giảm tương ứng từ 21%/năm xuống 10,5%/năm (khách hàng vay thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất 4%, thì lãi suất tiền vay khoảng 4-6,5%/năm), tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng mở rộng hoạt động tín dụng. Lãi suất huy động VND có kỳ hạn 12 tháng khoảng 8-9%, cao hơn mức lạm phát dự kiến năm 2009 (7%), người gửi tiền có lãi suất thực dương (1-2%/năm), vốn huy động tăng trưởng trong 10 tháng đầu năm nay là 25,72% (cùng kỳ năm 2008, tăng 15,08%); (2) Tổng phương tiện thanh toán và tín dụng tăng phù hợp với chủ trương kích cầu của Chính phủ, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, góp phần quan trọng ngăn chặn suy giảm và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; CPI 10 tháng đầu năm nay tăng 4,49%. Tuy nhiên, việc điều hành lãi suất còn một số vấn đề cần quan tâm xử lý như sau: (i) Do tác động của việc nới lỏng chính sách tài khoá và tiền tệ, nhất là cơ chế hỗ trợ lãi suất trong 10 tháng đầu năm 2009, làm cho việc kiểm soát tốc độ tăng ở mức hợp lý của hai chỉ tiêu này gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng không thuận lợi đối với việc kiểm soát lạm phát, ổn định lãi suất thị trường trong các tháng cuối năm 2009 và sẽ kéo dài sang năm 2010 do độ trễ của tác động tiền tệ; (ii) Lãi suất huy động VND có xu hướng tăng do nhu cầu vốn của nền kinh tế tăng mạnh và sự dịch chuyển vốn từ tiền gửi ngân hàng sang đầu tư kinh doanh chứng khoán và tài sản khác làm cho chênh lệch lãi suất đầu ra và đầu vào của các ngân hàng thương mại giảm, gây khó khăn trong việc trích lập dự phòng rủi ro. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xin báo cáo, giải trình trước Quốc hội.  
THỐNG ĐỐC

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật