Chuyển tiền vào Quỹ hỗ trợ sắp xếp DN: Không thể chây ỳ

  • Bài viết
  • 28 tháng 6, 2011
  • 477 lượt xem
  • 0 bình luận
Bộ Tài chính dự kiến sẽ “thiết quân luật” đối với doanh nghiệp chây ỳ trong việc chuyển tiền từ cổ phần hoá, lợi nhuận, cổ tức của Nhà nước tại các công ty cổ phần… về Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp Trung ương (Quỹ SXDN) do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) quản lý và sử dụng.
Bộ Tài chính đang xây dựng Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ SXDN tại SCIC nhằm tập trung nguồn lực từ sắp xếp và cổ phần hoá DNNN hiện nằm rải rác tại hơn 100 Quỹ sắp xếp, cổ phần hoá DNNN tại các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Theo Dự  thảo Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ SXDN sẽ được Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong thời gian tới, cơ quan quyết định chuyển đổi sở hữu, người đại diện sở hữu phần vốn nhà nước hoặc cơ quan đại diện phải chịu trách nhiệm đôn đốc doanh nghiệp nộp đầy đủ, kịp thời về Quỹ SXDN nguồn thu từ cổ phần hoá DNNN; nguồn thu từ việc giao, bán, giải thể, phá sản. Các khoản  thu sau cổ phần hóa như tiền bán phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; tiền thu hồi giá trị cổ phần Nhà nước cấp cho người lao động để hưởng cổ tức; cổ phần bán trả chậm cho người lao động nghèo trong doanh nghiệp; lợi nhuận được chia, cổ tức của phần vốn nhà nước góp tại doanh nghiệp đã chuyển đổi do các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước; lợi nhuận sau thuế của DNNN; Quỹ sắp xếp, cổ phần hoá DNNN tại các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ; lãi tiền gửi tại ngân hàng… phải chuyển về Quỹ SXDN chậm nhất 5 ngày kể từ ngày doanh nghiệp thu được tiền. Nếu chậm nộp, doanh nghiệp sẽ phải chịu thêm tiền lãi, tiền phạt và không được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp và phải dùng nguồn lợi nhuận sau thuế để bù đắp. Tiền thu được từ chuyển đổi DNNN và từ nguồn “hậu” cổ phần được sử dụng để hỗ trợ nông lâm trường quốc doanh, DNNN thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu để giải quyết chính sách đối với lao động dôi dư và xử lý các vấn đề về tài chính khác; hỗ trợ kinh phí cho tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ không đủ nguồn để giải quyết chính sách cho người lao động dôi dư khi thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu đơn vị thành viên. Ngoài ra, Bộ Tài chính còn đề xuất cho phép SCIC sử dụng một phần vốn từ Quỹ SXDN để bổ sung vốn điều lệ cho các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN; đầu tư bổ sung vốn để duy trì hoặc tăng tỷ lệ phần vốn nhà nước đang tham gia tại doanh nghiệp khác và đầu tư vào các dự án quan trọng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, hàng năm, căn cứ vào kế hoạch đầu tư các dự án quan trọng, dự án phát triển hạ tầng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; kế hoạch đầu tư để duy trì hoặc tăng tỷ lệ vốn nhà nước đang tham gia tại các doanh nghiệp khác, SCIC sẽ rà soát và cân đối nguồn vốn; xây dựng kế hoạch nguồn vốn đầu tư từ Quỹ SXDN báo cáo Bộ Tài chính thẩm định trình Thủ tướng quyết định. Đối với doanh nghiệp có phương án phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn thì cơ quan đại diện sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp cùng Bộ Tài chính xem xét, báo cáo Thủ tướng quyết định sử dụng nguồn vốn từ Quỹ SXDN đầu tư bổ sung vốn góp để duy trì hoặc tăng tỷ lệ phần vốn góp trước khi biểu quyết thông Nghị quyết tăng vốn. Căn cứ  vào nhiệm vụ đầu tư và kế hoạch nguồn vốn đầu tư được Thủ tướng phê duyệt, SCIC sẽ báo cáo Bộ Tài chính thẩm định, quyết định cấp phát vốn theo tiến độ triển khai của từng dự án (thủ tục cấp phát vốn được thực hiện như cấp phát và thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản). Theo kết quả kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2008 của SCIC mới được Kiểm toán Nhà nước công bố, tính đến 31.12.2008, SCIC đã tiếp nhận vốn nhà nước tại 893 doanh nghiệp với số tiền 6.916 tỷ đồng đồng thời cũng bán 100% vốn nhà nước tại 82 doanh nghiệp và bán một phần vốn nhà nước tại 35 doanh nghiệp, bàn giao trả lại địa phương 2 doanh nghiệp; đầu tư thêm vốn thông qua việc mua cổ phiếu phát hành thêm, chia cổ tức bằng cổ phiếu, chia cổ phiếu thưởng 1.739 tỷ đồng, tăng vốn đầu tư tại các doanh nghiệp nhóm B và nhóm C do chia cổ tức bằng cổ phiếu 45 tỷ đồng. Cũng theo kết quả kiểm toán do Kiểm toán Nhà nước thực hiện, tính đến đầu năm 2009, SCIC có vốn đầu tư tại 808 doanh nghiệp với số tiền là 8.405 tỷ đồng, trong đó có 11 doanh nghiệp nhóm A (vốn đầu tư của SCIC là 3.628 tỷ đồng); 100 doanh nghiệp nhóm B (2.395 tỷ đồng) và 697 doanh nghiệp nhóm C (2.382 tỷ đồng). “Về cơ bản, SCIC đã thực hiện được một số mục tiêu đề ra như từng bước thực hiện tách bạch chức năng quản lý nhà nước về kinh tế và chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước; đã tư vấn, hỗ trợ cho doanh nghiệp xây dựng định hướng phát triển, phương án tái cơ cấu, tìm kiến đối tác chiến lược… Tuy nhiên, việc bàn giao vốn nhà nước từ các bộ, ngành, địa phương về SCIC thực hiện còn chậm. Đến 31/12/2008, ước tính khoảng 300 doanh nghiệp độc lập đã cổ phần hóa nhưng các bộ, ngành, địa phương vẫn không chịu bàn giao về SCIC với số tiền khoảng 5.000 tỷ đồng”, Phó Tổng kiểm toán Nhà nước, ông Lê Minh Khái cho biết.. Cũng theo ông Khái, tính đến 31.12.2008, SCIC quản lý 25.755 tỷ đồng của Quỹ SXDN, trong đó số tiền đã thực thu về Quỹ là 24.816 tỷ đồng, số tiền doanh nghiệp chây ỳ lên tới 939 tỷ đồng. “Việc quyết toán và bàn giao Quỹ sắp xếp, cổ phần hoá DNNN giữa SCIC và UBND các tỉnh, thành phố còn rất chậm. Đến 31/12/2008, mới có 3 tỉnh gồm Cao Bằng, Bình Định, Vĩnh Long thực hiện quyết toán Quỹ sắp xếp, cổ phần hoá DNNN và chuyển tiền về SCIC, đầu quý 3 năm 2009, vẫn còn 45 tỉnh chưa quyết toán, bàn giao và chuyển tiền vào Quỹ SXDN để SCIC để quản lý theo quy định”, ông Khái cho biết thêm.
Mạnh Bôn
 

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :