XUNG QUANH VỤ THUỐC TÂN DƯỢC TRỊ GIÁ HÀNG TỶ ĐỒNG CỦA VINACERO HẾT HẠN SỬ DỤNG

1. QUAN ĐIỂM CỦA NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN 1.1. Vì sao Bộ Y tế lại im lặng? Công ty CP chữ thập đỏ Việt Nam (Vinareco) là doanh nghiệp hoạt động vì sự nghiệp nhân đạo. Đầu năm 2008, cùng một lúc, từ nhà sản xuất thuốc-Polysan (LB Nga) và các công ty đại lý cho Vinareco là Công ty TNHH Thống nhất và Công ty Thanh Phương lén lút bắt tay nhau bội tín, làm cho thuốc của Vinareco tồn kho và nguy cơ phải hủy gần chục tỷ đồng tiền thuốc do quá date. Trong nhiều năm qua, Vinareco là Nhà phân phối chính thức duy nhất 2 loại thuốc Cycloferon và Reamberin (thuốc điều trị gan và điều hoà miễn dịch) tại Việt Nam. Trong nhiều năm, doanh nghiệp này phải bỏ hàng tỷ đồng để làm thị trường. Từ những năm đầu 2004, thuốc chỉ tiêu thụ vài trăm ngàn USD, đến năm 2008, thuốc đã có thương hiệu tiêu thụ trên 1 triệu USD/năm là do Vinareco đã lập hồ sơ và 2 lần đưa vào danh mục của Bộ Y tế. Thế nhưng đầu 2008, từ sự bội tín của 2 doanh nghiệp vốn là đại lý cho Vinareco là Công ty TNHH Thống nhất và Công ty Thanh Phương đã đẩy doanh nghiệp này phải tồn kho và phải tiêu hủy hàng tỷ đồng tiền thuốc một cách hết sức lãng phí. Điều đáng nói, ngay khi bắt đầu sự việc xảy ra Vinareco và Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam đã có nhiều “cầu khẩn” đối với Bộ Y tế nhưng hơn 1 năm nay tất cả đều rơi vào im lặng. Ngày 24.3.2009, trước khó khăn của đơn vị trực thuộc, Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam đã có nhiều công văn gửi Bộ trưởng Bộ Y tế và Bệnh viện Bạch Mai nhờ giúp đỡ tiêu thụ số thuốc để khỏi cận date phải hủy, lúc đó hạn sử dụng còn khá dài, mặc dù trong Công văn có nêu: Nếu được Bệnh viện giúp đỡ thì coi đây là nghĩa cử cao đẹp góp phần vào sự nghiệp nhân đạo… nhưng các đơn vị này hầu như không có trả lời! Tiếp đến, ngày 24.8.2009, Chủ tịch Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam lại có Công văn gửi Phó chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh nhờ giúp đỡ, trong Công văn có nêu:Người trúng thầu năm 2008-2009 là Công ty TNHH Thống Nhất, chính là người bội tín gây hậu quả cho Công ty CP chữ thập đỏ Việt Nam (Vinareco) của Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam. Lại một lần nữa, từ Bộ Y tế đến Giám đốc Bệnh viện vẫn thờ ơ, vô cảm.   Thậm chí doanh nghiệp phải viết Thư ngỏ gửi đến bà Nguyễn Hồng Thủy, một nhân vật quan trọng bậc nhất trong Hội đồng thầu, với cương vị Trưởng khoa dược Thường trực Hội đồng thầu để cầu khẩn :“Xin chị Thủy một lời khuyên để không bị hủy một lượng thuốc lớn…”.Tuy nhiên, bà Thủy chính là người tiếp nhận hồ sơ thầu của Công ty Thống Nhất, kiểm tra, thẩm định, đề xuất lên Hội đồng thuốc để duyệt trúng thầu cho Công ty Thống Nhất trúng thầu nên những lời thỉnh cầu của Vinareco tiếp tục bị bỏ ngoài tai. Quá bức xúc trước việc hành xử của 1 ngành luôn lấy y đức là tiêu chí, Vinareco có đơn kêu cứu tới nhiều cơ quan báo chí. Ngày 20.11.2009, Báo Đại biểu nhân dân có Công văn số 37/ĐBND gửi Bộ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nêu rõ:Vinareco là Nhà phân phối chính thức duy nhất sản phẩm Cycloferon, Reamberin của Hãng dược Polysan, mọi nhà phân phối nào khác đều là hoạt động trái phép. Đồng thời là đơn vị duy nhất làm hồ sơ trình Bộ Y tế để thuốc được đưa vào Danh mục ngày 24.1.2005 và lần 2 ngày 1.2.2008 có giá trị đến 2011… và đề nghị Quý cơ quan quan tâm giải quyết, thông báo kết quả giải quyết để Tòa soạn trả lời cử tri…Thế nhưng những câu hỏi đến nay vẫn chưa có hồi âm? Vinareco cho rằng họ là nạn nhân của những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong Bệnh viện, một vương quốc riêng của ngành y tế, cố ý làm trái Luật và quy chế đấu thầu thuốc năm 2008-2009? Đứng trước tình cảnh tuyệt vọng khi phải hủy 5 tỷ đồng tiền thuốc, Vinareco buộc lòng viết đơn kêu cứu lên Thủ tướng – người đứng đầu Chính phủ để can thiệp. Cho nên, ngày 24.12.2009, tại Công văn số 9136/VPCP.KGVX của Văn phòng Chính phủ Thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng với nội dung: Bộ trưởng Bộ Y tế khẩn trương chỉ đạo, kiểm tra làm rõ, xử lý theo thẩm quyền và đúng quy định của Pháp luật, báo cáo Thủ tướng và Thông báo kết quả cho Công ty CP chữ thập đỏ Việt Nam và các cơ quan liên quan. Dư luận và cử tri đang chờ Bộ Y tế nói gì, xử lý ra sao khi để số thuốc phải hủy đến 5 tỷ đồng mà doanh nghiệp đã kêu cứu gần 1 năm nay, trong khi số thuốc đó có thể chữa trị cho hàng ngàn người mắc bệnh viêm gan B? Dư luận và cử tri cũng đang chờ việc xử lý của lãnh đạo Bộ Y tế đối với những người cố ý làm trái các quy chế đấu thầu thuốc và hậu quả mà doanh nghiệp hoạt động vì sự nghiệp nhân đạo phải gánh chịu. Trường hợp nếu Vinareco phải hủy hàng tỷ đồng tiền thuốc thì không còn lỗi của Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam mà là trách nhiệm thuộc về người đứng đầu của ngành y tế. 1.2. Trách nhiệm của chúng ta? Cách đây đúng nửa tháng, ngày 31.12.2009, gần 500 triệu đồng tiền thuốc Cycloferon (thuốc chữa gan B) của Công ty CP Chữ thập đỏ VN hết hạn sử dụng và phải tiêu hủy. Nguyên nhân là do các bên liên quan không tìm được tiếng nói chung cho việc tiêu thụ loại thuốc này. Được biết, hai tháng trước đó, tháng 10.2009, Công ty CP Chữ thập đỏ VN đã bật đèn xanh cho Bệnh viện Bạch Mai là sẵn sàng để bệnh viện dùng số thuốc trên cho người nghèo mắc bệnh miễn phí. Nếu số thuốc trên không mắc mứu gì, thì chỉ cần làm phép tính đơn giản: 1 người nghèo được miễn phí 1 triệu đồng tiền thuốc, sẽ có gần 500 người nghèo có thuốc chữa bệnh. Vì hai tháng trước khi thuốc hết hạn là quỹ thời gian không nhỏ để giải quyết hết số thuốc trên. Hiện nay, Công ty CP Chữ thập đỏ VN còn khoảng 4 tỷ đồng tiền thuốc Cycloferon có hạn đến 31.6.2010. Từ nay đến đó còn 5 tháng rưỡi nữa. Chưa ai dám chắc 4 tỷ đồng tiền thuốc ấy không chung số phận với gần 500 triệu tiền thuốc đã phải tiêu hủy… Cần lưu ý, loại thuốc kể trên nằm trong danh mục thuốc do Bộ Y tế duyệt đưa vào cung cấp cho các bệnh viện, và được bảo hiểm chi trả cho người bệnh… Vậy tại sao Công ty CP Chữ thập đỏ VN là nhà cung cấp duy nhất lại không thể thuyết phục Bệnh viện Bạch Mai, thuyết phục Bộ Y tế ngay cả khi Công ty CP Chữ thập đỏ muốn hiến tặng loại thuốc đó cho người nghèo mắc bệnh. Những người am hiểu cho rằng Công ty CP Chữ thập đỏ VN không có hoa hồng. Tuy nhiên, đó mới chỉ là phán đoán, có thể nguyên nhân còn xa hơn và sâu sắc hơn. Nhiều trăm triệu tiền thuốc đã phải hủy, nhiều tỷ đồng tiền thuốc cũng sắp chung tình trạng loại bỏ hoàn toàn, cho chúng ta một câu hỏi lớn về trách nhiệm các bên liên quan: - Trách nhiệm của Bộ Y tế đến đâu? - Trách nhiệm của Công ty CP Chữ thập đỏ VN đến đâu? Và trách nhiệm của báo chí đã không đưa vụ việc ra ánh sáng sớm hơn? 2. QUAN ĐIỂM CỦA BỘ Y TẾ Vụ Pháp chế, Bộ Y tế đã có Công văn số 538/BYT-PC ngày 25 tháng 1 năm 2010 gửi báo Người Đại biểu nhân dân về vụ việc của công ty VINACERO: Kính gửi: Ban Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Trên các số báo Đại biểu Nhân dân ra ngày 14 và 15/01/2010 có đăng các bài viết: “Hàng tỷ đồng tiền thuốc của Vinareco hết thời hạn sử dụng: Vì sao Bộ Y tế lại im lặng?”; “Vì sao Bộ Y tế lại im lặng?: Trách nhiệm của chúng ta?” Nội dung 2 bài báo trên đề cập đến vấn đề kinh doanh thuốc của Công ty Cổ phần Chữ thập đỏ Việt Nam(Vinareco): “Thuốc của Vinareco tồn kho và nguy cơ phải hủy gần chục tỷ đồng tiền thuốc do quá date”. Báo Đại biểu nhân dân cho rằng, nguyên nhân của vấn đề này là: “ Đầu năm 2008, cùng một lúc, từ nhà sản xuất thuốc – Polysan (LB Nga) và công ty đại lý cho Vinareco là Công ty TNHH Thống nhất và Công ty Thanh Phương lén lút bắt tay nhau bội tín”; Đồng thời quy kết trách nhiệm Bộ Y tế và Bệnh viện Bạch Mai là “thờ ơ, vô cảm”; Vinareco là “nạn nhân của những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong Bệnh viện, một vương quốc riêng của Ngành Y tế, cố ý làm trái luật và  quy chế đấu thầu thuốc năm 2008-2009”; “ Dư luận và cử tri đang chờ việc xử lý của lãnh đạo Bộ Y tế  đối với những người cố ý làm trái các quy chế đấu thầu thuốc”; “ Trường hợp nếu Vinareco phải hủy hàng tỷ đồng tiền thuốc thì không còn lỗi của Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam mà là trách nhiệm thuộc về người đứng đầu của Ngành Y tế”. Vụ Pháp chế Bộ Y tế đã kiểm tra những vấn đề liên quan đến nội dung Báo nêu và trả lời Báo Đại biểu nhân dân như sau: 1. Bệnh viện Bạch Mai không “ cố ý làm trái các quy chế đấu thầu thuốc” và Bộ Y tế không “ thờ ơ vô cảm” như báo nêu. - Công ty Cổ phần Chữ thập đỏ Việt Nam Vinareco là công ty cổ phần và là doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh theo các quy định cuả Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật. Việc khiếu nại tranh chấp giữa công ty cổ phần Chữ thập đỏ Việt Nam và Công ty TNHH TM Dược phẩm Thống Nhất (đơn vị trúng thầu cung ứng thuốc vào Bệnh viện Bạch Mai mặt hàng Cycloferon viên; Cycloferon ống và Reamberin) là tranh chấp thương mại, không liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai và Bộ Y tế. Tuy nhiên, việc tranh chấp thương mại giữa hai công ty đã được Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân tối cao tại Hà Nội xét xử (theo đơn kiện của Vinareco) và tại bản án kinh doanh thương mại số 167/2009/KDTMPT ngày 7/12/2009 đã xác định “các bị đơn không vi phạm hợp đồng và không có lỗi”. Quyết định của Tòa phúc thẩm đã tuyên các công ty (bao gồm Công ty TNHH TM Dược phẩm Thống Nhất) không phải bồi thường cho Công ty cổ phần Chữ thập đỏ Việt Nam. - Công ty TNHH TM Dược phẩm Thống Nhất (đơn vị trúng thầu cung ứng thuốc vào Bệnh viện Bạch Mai) hoàn toàn đủ tư cách tham gia đấu thầu. Tại khoản 3, điều 7 của Luật Đấu thầu chỉ quy định không cho phép tham gia đấu thầu đối với doanh nghiệp “bị các cơ quan có thẩm quyền kết luận về tình hình tài chính không lành mạnh, đang lâm vào tình trạng phá sản hoặc nợ đọng không có khả năng chi trả; đang trong quá trình giải thể”. Kết quả thanh tra của Thanh tra Bộ Y tế kết luận Công ty TNHH TM Dược phẩm Thống Nhất không vi phạm điều này. Việc Công ty TNHH TM Dượåc phẩm Thống Nhất là bị đơn của Vinareco không ảnh hưởng đến tư cách tham gia đấu thầu vì Luật Thương mại, Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn thi hành hai Luật này không có bất cứ quy định nào hạn chế quyền tham gia đấu thầu của doanh nghiệp đang là bị đơn. - Về nguyên tắc, Bệnh viện Bạch Mai không thể mua thuốc của Công ty Cổ phần Chữ thập đỏ Việt Nam (Vinareco) khi đây là doanh nghiệp không thắng thầu hoặc không tham gia đấu thầu. Các loại thuốc mà Công ty Cổ phần Chữ thập đỏ Việt Nam đề nghị Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K mua là các loại thuốc đã gần hết hạn sử dụng, chất lượng kém, càng không thể nhập về để cung cấp cho người bệnh. - Vinareco là doanh nghiệp cổ phần, được thành lập từ năm 2002, trong đó Hội chữ Thập đỏ Việt Nam chỉ là một trong số các cổ đông, chiếm 25% vốn góp (Theo Báo Công lý – cơ quan của Tòa án Nhân dân tối cao, số 03 ra ngày 8/01/2010). Việc để thuốc quá hạn sử dụng phải tiêu hủy là do kết quả kinh doanh không hiệu quả của Vinareco. Trong cung ứng thuốc, Vinareco phải tuân thủ luật đấu thầu và sòng phẳng như tất cả các doanh nghiệp khác trước pháp luật. Việc Công ty Cổ phần Chữ thập đỏ Việt Nam (Vinareco) không tham gia đấu thầu nhưng vẫn gửi đơn kiến nghị đến các cấp là sai luật, vì theo khoản 1, Điều 60 của Nghị định sốë 58/2008/ NĐ – CP ngày 05/5/2008 và khoản 1, Điều 60 của Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về việc hướng dẫn Luật Đấu thầu, quy định điều kiện để xem xét, giải quyết kiến nghị ghi rõ: “Kiến nghị phải là của nhà thầu tham gia đấu thầu”. - Với tinh thần quan tâm đến Hội chữ thập đỏ Việt Nam (mặc dù Hội chữ thập đỏ Việt Nam chỉ là một trong số các cổ đông, chiếm 25% vốn góp của Vinareco), lãnh đạo Bộ Y tế đã có 4 cuộc họp với lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, để tìm cách tháo gỡ giúp Công ty Cổ phần Chữ thập đỏ Việt Nam trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo Thanh tra Bộ Y tế tổ chức thanh tra làm rõ những khiếu nại của Vinareco liên quan đến tổ chức đấu thầu thuốc của Bệnh viện Bạch Mai. Kết quả thanh tra khẳng định hồ sơ dự thầu, các văn bản, tài liệu của Công ty TNHH TM Dược phẩm Thống Nhất tham gia dự thầu và Hồ sơ mời thầu cũng như quá trình tổ chức đấu thầu của Bệnh viện Bạch Mai đều tuân thủ nghiêm túc theo quy định của Luật đấu thầu. Việc Báo Đại biểu nhân dân quy kết trách nhiệm Bộ Y tế và Bệnh viện Bạch Mai là “thờ ơ, vô cảm”; Vinareco là “nạn nhân của những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong Bệnh viện, một vương quốc riêng của ngành y tế, cố ý làm trái Luật và quy chế đấu thầu thuốc năm 2008-2009” là hoàn toàn sai sự thật. 2. Nội dung hai bài báo trên Báo Đại biểu nhân dân tự mâu thuẫn và tạo sức ép trong việc tổ chức đấu thầu thuốc theo luật định. Đồng chí Tổng biên tập Báo Đại biểu nhân dân có Công văn số 37/ĐBND gửi Bộ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai với nội dung: “Vinareco là Nhà phân phối chính thức duy nhất sản phẩm Cycloferon, Reamberin của Hãng dược Polysan, mọi nhà phân phối nào khác đều là hoạt động trái phép… đề nghị Quý cơ quan quan tâm giải quyết, thông báo kết quả giải quyết để Tòa soạn trả lời cử tri”. Về điều này, chúng tôi có ý kiến như sau: a) Báo Đại biểu nhân dân thiếu thông tin và tự mâu thuẫn với chính mình ngay trong bài báo. Mở đầu bài báo viết: “Đầu năm 2008, cùng một lúc, từ nhà sản xuất thuốc- Polysan (LB Nga) và các công ty đại lý cho Vinareco là Công ty TNHH Thống Nhất và Công ty Thanh Phương lén lút bắt tay nhau bội tín, làm cho thuốc của Vinareco tồn kho và nguy cơ phải hủy gần chục tỷ đồng tiền thuốc do quá date”. Nội dung bài báo nêu thực chất đã thừa nhận rằng, từ đầu năm 2008, Vinareco không còn là Nhà phân phối chính thức duy nhất sản phẩm Cycloferon, Reamberin của Hãng dược Polysan (LB Nga) nữa. Chính Polysan (LB Nga)  đã cung cấp thuốc trực tiếp cho Công ty TNHH Thống Nhất và Công ty Thanh Phương vốn là các công ty đại lý cho Vinareco trước đây. Báo Công luận (Cơ quan của Hội nhà báo Việt Nam) số 03- từ 15 đến 21/01/2010 cho biết: “Phía Vinareco liên tục hối thúc hãng Polysan phải công nhận họ là nhà phân phối độc quyền tại Việt Nam để buộc nhà cung cấp phải lệ thuộc hoàn toàn vào họ. Tuy nhiên, qua nhiều lần đàm phán không thành, năm 2008, hai bên đã chấm dứt việc hợp tác thông qua công văn 172 của Vinareco”. Việc Báo Đại biểu nhân dân cho rằng “Vinareco là Nhà phân phối chính thức duy nhất sản phẩm Cycloferon, Reamberin của Hãng dược Polysan, mọi nhà phân phối nào khác đều là hoạt động trái phép” thì Quyết định của Tòa án Nhân dân tối cao số 167/2009/KDTM- PT ngày 7/12/2009 phán quyết về vấn đề “vi phạm độc quyền phân phối thuốc” theo đơn khởi kiện của Vinareco, đã xác định là “bị đơn không vi phạm hợp đồng và không có lỗi”. Sự thực, tại thời điểm đấu thầu, đã có 4 doanh nghiệp dược ở Việt Nam có chức năng phân phối các sản phẩm của Hãng dược Polysan (LB Nga). Phải chăng, Báo Đại biểu nhân dân đã không nắm được thông tin này khi cho đăng bài báo? b) Công văn của đồng chí Tổng biên tập Báo Đại biểu nhân dân và nội dung hai bài báo dễ tạo áp lực, gây tác động không lành mạnh đến quá trình tổ chức đấu thầu theo luật định, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng điều trị bệnh nhân nếu Bệnh viện Bạch Mai chịu sức ép phải tìm cách chấp nhận mua thuốc kém chất lượng, gần hết hạn sử dụng và không qua đấu thầu của Vinareco. Bài báo kết luận: “Trường hợp nếu Vinareco phải hủy hàng tỷ đồng tiền thuốc thì không còn lỗi của Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam mà là trách nhiệm thuộc về người đứng đầu của ngành y tế”. Điều này chứng tỏ Báo Đại biểu nhân dân đã không nắm được các quy định của Luật Doanh nghiệp và các quy định khác của pháp luật cũng như  quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước của người đứng đầu của ngành y tế. 3. Đề nghị Quy chế cải chính trên báo chí (ban hành kèm theo Quyết định số 03/2007/QĐ- BVHTT ngày 07/02/2007 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa- Thông tin), tại “Điều 2. Những nội dung thông tin phải cải chính” quy định: “Cơ quan báo chí, tác giả tác phẩm báo chí phải thực hiện việc cải chính thông tin đã đăng, phát trên báo chí trong các trường hợp sau: 1. Thông tin sai sự thật; 2. Thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín tổ chức; xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân; 3. Thông tin gây hiểu lầm làm tổn hại đến uy tín, danh dự, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và xã hội”. Vụ Pháp chế Bộ Y tế nhận thấy nội dung 2 bài báo trên hai số báo ra ngày 14 và 15/01/2010 của Báo Đại biểu nhân dân đã vi phạm các quy định trên đây. Vì vậy, đề nghị Báo Đại biểu nhân dân cải chính trong số báo ra gần nhất và gỡ bỏ các bài báo: “Hàng tỷ đồng tiền thuốc của Vinareco hết thời hạn sử dụng: Vì sao Bộ Y tế lại im lặng”; “Vì sao Bộ Y tế lại im lặng?: Trách nhiệm của chúng ta?”, đồng thời đăng tải nội dung cải chính trên website báo Đại biểu nhân dân. TL. Bộ trưởng KT. Vụ trưởng Vụ Pháp chế Phó Vụ trưởng Lê Cảnh Nhạc  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật