XUẤT KHẨU CHỨNG KHOÁN

NGUYỄN XUÂN Câu chuyện xem ra cũng tương tự thời điểm trước Đổi mới, khi ngồi chờ viện trợ bột mì mà lại tính chuyện có ngày Việt Nam trở thành một trong những nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Hoặc cũng giống như cách đây không xa, việc gửi lao động đi nước ngoài làm việc còn có người hỏi rằng tại sao anh hùng như Việt Nam mà lại để đồng bào mình bị ngoại bang bóc lột? Còn nay, không ai dám phủ nhận: xuất khẩu lao động đã là một kênh tạo việc làm và huy động ngoại tệ quan trọng. Chắc chắn không cần tới thời gian cả chục năm trời như vậy, việc xuất khẩu chứng khoán (CK) sẽ là một phương thức hữu hiệu không chỉ nhằm huy động vốn mà còn là một trường học cho các doanh nghiệp trong nước thử sức cạnh tranh ngoài lãnh thổ quốc gia, quảng bá hình ảnh doanh nghiệp và thương hiệu Việt Nam. Bước đi tất yếu Cụm từ “xuất khẩu CK” là cách hiểu nôm na việc các doanh nghiệp trong nước niêm yết và chào bán CK ở thị trường nước ngoài. Và dĩ nhiên việc niêm yết CK ở các sàn trong nước cũng là một hình thức xuất khẩu tại chỗ bởi các nhà đầu tư gián tiếp dùng ngoại tệ để sở hữu các cổ phiếu đang niêm yết trên các sàn giao dịch Việt Nam. Tuy nhiên, là một loại hàng hóa đặc thù, CK được chào bán và niêm yết ở nước ngoài phải tuân thủ nhiều quy định pháp lý và kỹ thuật khắt khe của cả trong và ngoài nước. Cũng nằm trong một quốc gia như Hong Kong nhưng với đặc thù “hai chế độ”, việc niêm yết CK của các doanh nghiệp đại lục tại Hong Kong cũng phải trải qua nhiều thủ tục phức tạp cho dù các yếu tố địa lý, tâm lý, xã hội… khá tương đồng.   Còn nhớ, ngày 18/5/2006, Ngân hàng Trung Quốc đã quyết định niêm yết 25,5 tỷ cổ phiếu, trị giá 9,9 tỷ USD. Thế nhưng, lúc đầu chỉ có 5% số cổ phiếu này được mua vào. Một số nhà kinh tế lúc đó vội vàng bình luận: Đây là điềm gở đánh dấu sự sụp đổ của ngành tài chính Trung Hoa. Thế mà cho đến cuối tháng 9 năm nay, Trung Quốc đã có 153 công ty phát hành cổ phiếu ra nước ngoài và huy động được tổng số vốn trên 112 tỷ USD, trong đó có 13 công ty niêm yết song song trên các sở giao dịch Hong Kong, New York, London và 3 công ty chỉ niêm yết trên sàn Singapore. Theo các chuyên gia Trung Quốc, việc xuất khẩu CK đã làm cho các nhà đầu tư quốc tế biết đến nền kinh tế Trung Quốc và củng cố lòng tin của họ đầu tư vào Trung Quốc. Chính vì “lợi đơn, lợi kép” như vậy nên Chính phủ nước này tuyên bố sẽ tiếp tục hỗ trợ các công ty chào bán và niêm yết CK ở nước ngoài, coi đó là chính sách ổn định, lâu dài và là một phần trong chiến lược phát triển. Đó không chỉ là hướng đi của riêng Trung Quốc mà còn là xu thế tất yếu vì cùng với việc tự do lưu chuyển nguồn vốn trong thời hội nhập, việc niêm yết và chào bán cổ phiếu của doanh nghiệp nước này tại nước kia đã trở thành hiện tượng phổ biến. Lại vẫn… chờ Xuất khẩu CK là phù hợp với chủ trương của Chính phủ Việt Nam về huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển kinh tế nhanh và bền vững, giúp doanh nghiệp hoàn thiện trình độ quản lý doanh nghiệp, công khai hóa thông tin, từng bước tiếp cận với các chuẩn mực quốc tế. Xuất khẩu CK cũng là mong mỏi của doanh nghiệp Việt Nam được thấy CK của mình hiện diện trên sàn quốc tế. Tuy nhiên, dù đã có sự đồng thuận này và giá như môi trường tài chính yên ả thì số lượng doanh nghiệp sẵn sàng niêm yết cổ phiếu ở nước ngoài cũng chưa được bao nhiêu bởi phần lớn trong họ nhìn hoạt động này như là một “trận đồ bát quái”, chưa rõ lần từ mối nào. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cho dù đã nhìn xa trông rộng, lĩnh ấn tiên phong mong muốn sớm đưa cổ phiếu chào bán ở nước ngoài nhưng lại vướng nhiều vào khâu thủ tục pháp lý và hàng rào kỹ thuật. Về các quy định pháp lý của Việt Nam, cho đến nay, việc chào bán CK ra nước ngoài chịu sự điều chỉnh của Luật CK Việt Nam và Nghị định 14/2007 song chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể quy trình cũng như các điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam niêm yết cổ phiếu tại sàn nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam hết sức đắn đo sử dụng hình thức nào để niêm yết, sơ cấp hay là thứ cấp. Mặc dù Sở Giao dịch CK TP. HCM và TTGDCK Hà Nội đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với các Sở Giao dịch CK nước ngoài như Singapore, Malaysia… nhưng, đến nay, vẫn chưa có cơ chế quản lý niêm yết, công bố thông tin và giám sát thị trường nhằm đảm bảo sự hài hoà và bình đẳng giữa hai thị trường. Pháp luật Việt Nam cũng chưa có văn bản hướng dẫn liên quan tới việc niêm yết chéo giữa hai sàn giao dịch. Trong trường hợp thực hiện niêm yết trên cả hai sàn Việt Nam và Singapore thì khả năng thay thế, hoán đổi của cổ phiếu giữa hai sàn là rất quan trọng nhằm đảm bảo tính thanh khoản cho cổ phiếu và lợi ích cho các cổ đông hiện hữu và tăng mức hấp dẫn với nhà đầu tư. Bên cạnh đó còn là khó khăn về đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, bao gồm quy chế chi trả cổ tức, thỏa thuận chọn đồng tiền nào… là những vướng mắc kỹ thuật cũng cần sớm giải quyết. “Đi chợ” Singapore Những hiểu biết thu được tại vòng 1 Hà Nội của Hội thảo về niêm yết chào bán CK của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường nước ngoài là rất phong phú và bổ ích những vẫn chưa đủ. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam lại gấp rút lên đường để dự Hội thảo vòng 2 và nghiên cứu thực địa tại Sở Giao dịch CK Singapore (SGX) do Báo TG&VN tổ chức. Vòng 2 được tổ chức đúng vào lúc nước này dự báo nền kinh tế sẽ tăng trưởng âm vào năm tới. Bất chấp thông tin bất lợi về khủng hoảng tài chính thế giới dồn dập ập về, vấn đề “xuất khẩu CK” vẫn được lãnh đạo SGX đặc biệt đánh giá cao, bởi đây là lần đầu tiên một đoàn doanh nghiệp lớn của Việt Nam do đại diện Chính phủ dẫn đầu chính thức sang thăm và cùng nhau trao đổi những ý tưởng cả về kỹ thuật và pháp lý để doanh nghiệp Việt Nam có thể sớm gia nhập SGX. Với khả năng liên kết cao và đa dạng, kỹ năng và năng lực quản lý tốt cũng như sự phong phú của thị trường, SGX hy vọng sẽ là một cầu nối hữu hiệu giữa doanh nghiệp Việt Nam với giới đầu tư Singapore và quốc tế. Đối với các doanh nghiệp, thời điểm hiện nay, chiến lược đa dạng hóa nguồn tài chính trong và ngoài nước đang và sẽ là ưu tiên trong chiến lược kinh doanh. Điều quan trọng là “các doanh nghiệp Việt Nam cần có tầm nhìn dài hạn, quyết tâm và hoài bão… như Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã chỉ đạo tại vòng I Hội thảo. Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường tin tưởng rằng: “Thông qua Hội thảo, ngoài việc trao đổi thông tin và kinh nghiệm về niêm yết của doanh nghiệp nước ngoài tại một sở giao dịch cụ thể với các chuẩn mực của TTCK quốc tế như SGX, doanh nghiệp sẽ có cơ hội tìm kiếm đối tác mới, xây dựng quan hệ hợp tác cũng như có được những quyết định kinh doanh quan trọng”. Đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực CK và thị trường CK của hai nước là Ủy ban CK Nhà nước của Việt Nam (SSC) và Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore (MAS) đều bày tỏ cam kết hỗ trợ quá trình niêm yết/chào bán CK của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường CK Singapore. Đại diện SSC khẳng định: Cơ quan quản lý nhà nước đang nỗ lực hoàn thiện khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động này, đồng thời tích cực cải tiến hệ thống đăng ký, lưu ký và thanh toán bù trừ CK để đáp ứng các điều kiện kỹ thuật nhằm kết nối hiệu quả với thị trường CK Singapore. Cơ quan quản lý nhà nước của Singapore cũng cam kết sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội và kết nối với các thành viên thị trường quốc tế. Bên cạnh việc cung cấp thông tin thị trường và các cam kết từ các cơ quan quản lý nhà nước, việc chia sẻ kinh nghiệm từ các tổ chức tài chính, luật quốc tế về nội dung niêm yết/chào bán CK ra nước ngoài là một trong những nội dung trọng tâm được doanh nghiệp rất quan tâm. Doanh nghiệp Việt Nam hiểu rằng chưa thể ngay lập tức nắm được đầy đủ quy trình IPO, các yêu cầu chính về niêm yết ở nước ngoài, nhưng với sự hỗ trợ, tư vấn của SGX, J.P Morgan, PricewaterhouseCoopers, Nomura Việt Nam… và trước hết là nỗ lực của chính mình, con đường xuất khẩu CK đã ngắn dần. Thông tin mới nhất là Công ty Vinamilk đã được SGX chấp nhận niêm yết cổ phiếu. Vậy là xuất khẩu CK đã có lối ra! Singapore sẽ là bàn đạp đầu tiên, cửa ngõ đầu tiên để thị trường CK Việt Nam kết nối cùng thế giới. Trong tương lai không xa, nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp theo Vinamilk đến với thị trường CK Singapore và còn đi xa hơn nữa. Việc niêm yết cổ phiếu ở nước ngoài không chỉ cung cấp thêm sự lựa chọn tài chính và môi trường quản trị công ty tốt hơn cho doanh nghiệp mà còn là một công cụ đắc lực thúc đẩy quá trình tái cơ cấu các doanh nghiệp quốc doanh lớn, hỗ trợ họ tăng thêm uy tín, tính cạnh tranh và tiếp cận với thông lệ quốc tế.

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật