XÂY DỰNG, QUẢNG BÁ VÀ BẢO VỆ THƯƠNG HIỆU NÔNG SẢN VIỆT NAM

PGS. TS. NGUYỄN ĐÔNG PHONG 1. Tình hình xây dựng thương hiệu nông sản nước ta Thương hiệu là một cái tên, một từ ngữ, một dấu hiệu, một biểu tượng, một hình vẽ, hay tổng hợp tất cả các yếu tố kể trên nhằm xác định một sản phẩm hay dịch vụ của một (hay một nhóm người) bán và phân biệt các sản phẩm đó với các đối thủ cạnh tranh. Giá trị thương hiệu là triển vọng lợi nhuận mà thương hiệu đó có thể mang lại cho doanh nghiệp trong tương lai. Thương hiệu mạnh không chỉ là tài sản vô hình của doanh nghiệp mà còn là tài sản của quốc gia. Một sản phẩm có thương hiệu uy tín bán giá cao hơn một sản phẩm không có thương hiệu. Kim ngạch xuất khẩu  nông sản của Việt Nam qua các thị trường ngày một tăng lên chiếm 30% trong kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Bộ thương mại đã có quyết định đưa các mặt hàng trọng điểm của công tác xúc tiến thương mại năm 2004. Trong đó có các mặt hàng nông sản là gạo, chè, cà phê chế biến, hạt tiêu chế biến, rau quả và rau quả chế biến.   Với vị trí của xuất khẩu nông sản như vậy đã đặt ra vấn đề bức thiết xây dựng và phát triển, bảo vệ  thương hiệu nông sản trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong thời gian qua cả nước và từng địa phương cũng đã phát động chương trình xây dựng phát triển thương hiệu, chương trình sinh viên với thương hiệu Việt, chương trình thanh niên với thương hiệu Việt, thi hùng biện về xây dựng thương hiệu nông sản do Khoa thương mại-du lịch, Đại học kinh tế tổ chức, nhiều báo đài dành nhiều trang cho bài viết về thương hiệu, nhiều lớp đào tạo nhà quản trị thương hiệu đã hoàn thành, cả nước có chương trình xây dựng  thương hiệu quốc gia. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư cải tiến chất lượng, xây dựng thương hiệu, nâng cao uy tín với khách hàng…Đó là tất cả nỗ lực của doanh nghiệp và các tổ chức, cơ quan, hiệp hội… trong việc nâng cao ý thức xây dựng, phát triển, quảng bá và bảo vệ thương hiệu Việt. Theo Cục sở hữu công nghiệp-Bộ khoa học và công nghệ, số lượng nhãn hiệu hàng hoá được các doanh nghiệp Việt Nam đăng ký bảo hộ tại Việt nam đã tăng từ 3.095 nhãn hiệu năm 2001 đến 6.564 nhãn hiệu năm 2002. Số nhãn hiệu của Việt Nam được đăng ký bảo hộ ra nước ngoài theo Thoả ước Madrid cũng tăng từ 7 nhãn hiệu trong năm 2001 đến 31 nhãn hiệu năm 2002. Tuy vậy, nhìn chung nhiều mặt hàng xuất khẩu nước ta chưa có thương hiệu riêng, một số sản phẩm  của nước ta lại bị nước ngoài đăng ký thương hiệu (thuốc lá Vinataba, PetroVietnam…). Trong nông sản vẫn không thoát khỏi tình trạng như vậy. Nhiều mặt hàng nông sản của nước ta không thua kém gì nông sản các nước, nhưng vì không có thương hiệu nên giá bán không cao. Theo Hiệp hội trái cây Việt Nam, hiện chỉ có 15 hội viên trên tổng số 53 hội viên có thương hiệu đã đăng ký bảo hộ. Nguyên nhân chính là do nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đúng vai trò của  xây dựng và quảng bá thương hiệu. Trước tình hình đó các doanh nghiệp dưới sự hỗ trợ của nhà nước và các tổ chức khác nhau  cần đầu tư vào xây dựng và phát triển thương hiệu. 2. Xây dựng, quảng bá và bảo vệ thương hiệu nông sản Việt Để xây dựng, quảng bá, bảo vệ thương hiệu nông sản Việt Nam, chúng tôi thiết nghĩ cần tập trung một số giải pháp sau đây: Một là, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông sản quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng thương hiệu nông sản. Hiện nay ở TP.Hồ Chí Minh đã hình thành chương trình xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam do Công ty cà phê Trung Nguyên, Trường đại học kinh tế TP.HCM (Khoa thương mại-du lịch), Việt Nam Marcom và Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức. Chương trình nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam. Ban tổ chức đã chọn các mặt hàng nông sản cần xây dựng thương hiệu là thanh long Bình Thuận, xoài cát Hoà Lộc, gạo nàng hương Long An, sầu riêng Cái Mơn, bưởi Năm Roi, kẹo dừa Bến Tre, nho sạch Ninh Thuận…Vì vậy các doanh nghiệp và chính quyền địa phương có nông phẩm đặc trưng có thể tham gia thực hiện chương trình này. Hai là, các doanh nghiệp nên hoạch định chiến lược phát triển thương hiệu bắt đầu từ khâu nghiên cứu thị trường xuất khẩu và trong nước, cải tiến chất lượng sản phẩm từ khâu quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung, giống, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, vận chuyển bảo quản, chế biến…tất cả các khâu cần phải theo một quy trình chuẩn và nếu đảm bảo quy trình đó nông phẩm mới được mang thương hiệu. Bởi vì nông phẩm nước ta thường được trồng trên diện tích phân tán, quy mô nhỏ, chịu ảnh hưởng giống cây trồng, thời tiết, chăm sóc…có thể dẫn đến chất lượng không đồng đều, không đảm bảo và thương hiệu bấy giờ quả thật là nguy hiểm cho doanh nghiệp. Khi  đã có chính sách sản phẩm đúng đắn còn phải quan tâm đến xây dựng kênh phân phối từ sản xuất đến tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Phải có chính sách giá cạnh tranh và tiến hành quảng bá nông phẩm trong và ngoài nước thông qua nhiều phương tiện khác nhau, như tham dự hội chợ thương mại, xây dựng trang WEB, quảng cáo trên phương tiện thông tin đại chúng. Tạo dựng phong cách làm ăn có uy tín từ khâu ký kết đến khâu thực hiện hợp đồng và giao hàng. Xây dựng thương hiệu bao gồm các nội dung là dấu hiệu, hình ảnh, tên gọi xuất xứ, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, hoặc tên thương mại của doanh nghiệp. Ba là, khi đã thiết kế thương hiệu, các doanh nghiệp cần đăng ký bảo vệ thương hiệu trong và ngoài nước. Việc này có tính phức tạp có thể doanh nghiệp tự làm thông qua các tài liệu về đăng ký do doanh nghiệp tìm kiếm, hoặc thông qua các trang WEB hướng dẫn. Các doanh nghiệp cũng có thể thông qua các tổ chức tư vấn doanh nghiệp để đăng ký, tất nhiên doanh nghiệp phải trả chi phí cho tổ chức tư vấn. Mặc dù tốn kém nhưng đây là việc cần thiết phải làm nếu muốn làm ăn lâu dài và bền vững. Bốn là, các doanh nghiệp cũng có thể thông qua những chương trình cấp quốc gia về nâng cao khả năng cạnh tranh cho các thương hiệu Việt trên thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu trọng điểm để xây dựng và quảng bá thương hiệu. Trong các chương trình trên phải kể đến chương trình xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia. Chương trình thương hiệu quốc gia cho phép các doanh nghiệp được dán biểu trưng với tựa đề tiếng Anh là “Vietnam Value Inside”  (giá trị Việt Nam) trên các sản phẩm của mình nếu các sản phẩm đó đã có thương hiệu riêng và đạt được các tiêu chí về chất lượng do chương trình quy định. Điều này giúp tăng giá trị của nông phẩm vì vừa có thương hiệu của doanh nghiệp vừa có thương hiệu quốc gia. Năm là, các tổ chức chính phủ, phi chính phủ, chính quyền địa phương cần tiếp tục có nhiều chương trình nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, trong đó có chương trình xây dựng thương hiệu. Ở các quốc gia đang phát triển, thông thường các doanh nghiệp thiếu ngân sách để đầu tư cho nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại, xây dựng phát triển thương hiệu. Vì vậy sự hỗ trợ của nhà nước và các tổ chức thông qua các chương trình là rất cần thiết. Có thể hỗ  trợ dưới hình thức giúp đào tạo nhân lực, giúp thông tin tư vấn thị trường, tư vấn pháp lý cần thiết xây dựng thương hiệu, hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng dự triển lãm ở nước ngoài… Sáu là, các tổ chức tư vấn doanh nghiệp các trường đại học kinh tế, thương mại cũng nên vào cuộc theo khả năng của mình nhằm đẩy mạnh đào tạo chuyên viên thương hiệu cho doanh nghiệp, tư vấn cho doanh nghiệp về thị trường, về phát triển kinh doanh. Cũng cần lưu ý rằng trong khi tư vấn cho doanh nghiệp có những khoản cần thiết thu tiền và có những khoản mang tính chất cung cấp thông tin và trợ giúp có thể không thu tiền. Bảy là, tiếp tục phát động phong trào cả nước ý thức xây dựng thương hiệu Việt nhằm ủng hộ cho thương hiệu nông sản Việt trong bước đầu khó khăn và thử thách này nhưng là niềm tự hào và đáng thực hiện. Tám là, thông qua mối liên kết bốn nhà ( nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp) mà xây dựng và phát triển thương hiệu nông phẩm. Nhà nông đảm bảo quy trình sản xuất, được hướng dẫn kỹ thuật canh tác qua các chương trình khuyến nông; nhà nước có nhiều chương trình hỗ trợ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển; nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu giống mới chất lượng cao, đề nghị quy trình thực hiện sau thu hoạch một cách khoa học; nhà doanh nghiệp cam kết thực hiện hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá hợp lý cho nhà nông. Chín là, ở một số địa phương có nông phẩm đặc trưng nổi tiếng, chính quyền địa phương có thể chủ trì xây dựng thương hiệu. Trên cơ sở đó, những doanh nghiệp  đảm bảo đủ tiêu chuẩn đề ra cho nông phẩm  mới được mang thương hiệu đó. Xây dựng, quảng bá và bảo vệ thương hiệu nói chung và thương hiệu nông sản Việt Nam, nói riêng là một việc làm bức thiết hiện nay. Quá trình này đòi hỏi tập trung sức lực và tâm huyết của nhiều cơ quan, tổ chức, hiệp hội, nhà khoa học,   các trường đại học kinh tế, chuyên gia kinh tế, cơ quan báo đài và tất nhiên còn là nỗ lực của các doanh nghiệp.

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật