XÂY DỰNG CƠ CHẾ QUẢN LÝ CỦA CHỦ SỞ HỮU

LÊ VĂN TỨ Nghị định 25/2010/NĐ-CP ngày 19-3-2010 về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty TNHH một thành viên và tổ chức quản lý công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu đã dựng nên một bộ khung cho cơ chế quản lý công ty loại này. Cho nên việc xây dựng cơ chế quản lý mới này đồng nghĩa với việc triển khai thực hiện Nghị định 25 (và có thể còn phải có những văn bản khác nhằm bổ sung, cụ thể hóa những vấn đề mà Nghị định 25 quy định chưa đủ rõ). Cơ chế quản lý không thể rập khuôn Căn cứ vào thực tế nền kinh tế nước ta hiện nay, có thể thấy thành phần kinh tế nhà nước đã được tổ chức theo hai loại hình doanh nghiệp: a) công ty TNHH một thành viên vẫn do Nhà nước làm chủ sở hữu duy nhất; b) công ty cổ phần (có vốn nhà nước) thuộc sở hữu hỗn hợp, trong đó Nhà nước là một đồng sở hữu. Sở hữu khác nhau thì cơ chế quản lý phải khác nhau. Cho nên cơ chế quản lý của Nhà nước đối với công ty TNHH một thành viên phải khác với cơ chế quản lý phần vốn của Nhà nước trong các công ty cổ phần. Tiếc rằng tư duy này hình như vẫn chưa hình thành rõ nét ở nước ta. Cho đến nay nhiều người vẫn coi việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã làm và còn tiếp tục làm, cũng như việc chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên gần đây là đồng nghĩa với việc đổi mới doanh nghiệp nhà nước, trong khi thực ra tất cả đều mới chỉ là bước khởi đầu, bước chuyển đổi về sở hữu trên danh nghĩa. Sau bước chuyển đổi này, cần phải có bước chuyển đổi thực chất thông qua việc xây dựng và áp dụng một cơ chế quản lý mới phù hợp với tính chất sở hữu đã có thay đổi. Thật vậy, sau cổ phần hóa (hoặc chuyển đổi), doanh nghiệp nhà nước A hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước được chuyển thành công ty cổ phần A (có vốn nhà nước) hoặc thành công ty TNHH một thành viên A hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Tính chất sở hữu của công ty cổ phần A và công ty TNHH một thành viên A không còn giống nhau nữa. Để bảo đảm cơ chế quản lý phù hợp với tính chất sở hữu, vấn đề đặt ra là cơ chế quản lý của Nhà nước với tư cách chủ sở hữu đối với các công ty này không thể rập khuôn như nhau.   Với tư cách chủ sở hữu duy nhất, nếu cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền quyết định các vấn đề về kinh doanh của công ty TNHH một thành viên, thì đối với công ty cổ phần (có vốn nhà nước) lại không thể, vì nếu làm vậy thì Nhà nước đã lấn quyền của các đồng sở hữu khác. Quyền (và cũng là trách nhiệm) quyết định mọi vấn đề về tổ chức và quản lý kinh doanh của các công ty cổ phần chỉ có thể thực hiện qua cơ chế đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị… đã được quy định trong Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty. Tiếc rằng cho đến nay nhiều người chưa nghĩ như thế. Thậm chí có văn bản pháp quy còn xếp các công ty cổ phần mà Nhà nước nắm trên 51% vốn điều lệ vào hàng ngũ doanh nghiệp nhà nước (!), trong khi nó không còn hoàn toàn là doanh nghiệp nhà nước nữa, mà đã là doanh nghiệp sở hữu hỗn hợp công – tư. Vì quan niệm còn chưa rõ ràng như vậy, nên vấn đề xây dựng cơ chế quản lý mới phù hợp với tính chất sở hữu hỗn hợp như vậy hầu như chưa được đặt ra. Có lẽ nhờ ban hành sau các văn bản về cổ phần hóa, nên Nghị định 25 đã chú ý khắc phục thiếu sót này, nhờ đã có những quy định đề cập tới những vấn đề quan trọng nhất trong cơ chế quản lý của Nhà nước sau chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên. Tất nhiên Nghị định 25 chưa thể xử lý hết các vấn đề xây dựng cơ chế quản lý mới, do đó có thể sẽ có những văn bản bổ sung, cụ thể hơn. Xây dựng cơ chế quản lý các doanh nghiệp sau cổ phần hóa và sau chuyển đổi là một vấn đề mới ở nước ta, thế giới hầu như cũng chưa có tiền lệ, cho nên cần coi đó là một quá trình vừa làm, vừa hoàn thiện, không thể nôn nóng. Quan trọng là ở chỗ vấn đề này cần được đặt ra trong toàn bộ chương trình đổi mới doanh nghiệp nhà nước, không nên coi sau cổ phần hóa (hoặc sau chuyển đổi) là đã hoàn thành đổi mới doanh nghiệp nhà nước. Cần xác định rõ ai là chủ sở hữu Trong cơ chế quản lý của Nhà nước với tư cách chủ sở hữu, vấn đề xác định ai là chủ sở hữu vốn nhà nước rất quan trọng. Nghị định 25 đã quy định tương đối rõ vấn đề này đối với công ty TNHH một thành viên, tuy nhiên cần đề phòng xu hướng tái sinh các cơ quan chủ quản vừa quản lý nhà nước, vừa quản lý sản xuất, kinh doanh như trước đây. Còn đối với công ty cổ phần vấn đề này dường như chưa có quy định. Trên văn bản và trong thực tế, người ta mới đề cập tới đại diện vốn nhà nước, tức là đại diện chủ sở hữu, chưa xác định rõ ai là người nắm quyền sở hữu. Theo Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty cổ phần, cơ quan quyền lực cao nhất của công ty cổ phần là đại hội đồng cổ đông. Tại đại hội đồng cổ đông, mọi nghị quyết chỉ được coi là được thông qua nếu đạt được túc số biểu quyết theo quy định, trong đó phiếu của cổ đông nhà nước (của đại diện vốn nhà nước) chỉ được tính theo tỷ lệ vốn nhà nước trong tổng số vốn điều lệ của công ty. Cho nên sẽ là võ đoán, là lạm quyền, nếu coi trường hợp Nhà nước nắm 51% vốn điều lệ trở lên là đã nắm quyền chi phối, bởi túc số biểu quyết trong nhiều trường hợp không phải là đa số chung, mà là đa số với một tỷ lệ quy định, thí dụ: đa số đó phải đại diện được cho trên hai phần ba hoặc trên ba phần tư vốn điều lệ. Tuy nhiên vấn đề quan trọng cần bàn là phải phân biệt người đại diện vốn nhà nước với người nắm quyền chủ sở hữu nhà nước. Người nắm quyền sở hữu nhà nước phải là người có đủ tư cách để nhân danh Nhà nước làm chủ sở hữu, cụ thể phải là người đứng đầu một cơ quan nhà nước được cơ quan lập pháp (Quốc hội hoặc Hội đồng Nhân dân) bổ nhiệm. Còn đại diện vốn nhà nước chỉ là người làm thuê theo ủy nhiệm và trong sự kiểm soát cho người sở hữu. Phân tích nhiều vụ lùm xùm xảy ra tại công ty cổ phần (có vốn nhà nước) có thể thấy nguyên nhân sâu xa là do thiếu cơ chế quản lý của chủ sở hữu. Đại diện vốn nhà nước là lao động làm thuê nhưng dường như lại nắm hết quyền của chủ sở hữu, do đó có điều kiện khách quan để tự tung tự tác. Chúng ta đã quá chậm trễ trong việc xây dựng cơ chế nhà nước quản lý công ty cổ phần (có vốn nhà nước) với tư cách chủ sở hữu, trong khi các công ty này sẽ còn tồn tại lâu dài ở nước ta.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật