XÁC ĐỊNH CHỦ SỞ HỮU KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC [1]

TS. TRẦN VĂN HẢI – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, việc xác định chủ sở hữu kết quả nghiên cứu không chỉ có ý nghĩa trong việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu mà còn có ý nghĩa đối với danh dự và uy tín của tác giả – người sáng tạo ra kết quả nghiên cứu. Tuy nhiên, trong thực tế việc xác định chủ sở hữu kết quả nghiên cứu lại không đơn giản, nhiều khi nó không có tác dụng kích thích khả năng sáng tạo của tác giả. Điều 26.1. Luật Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chỉ quy định đơn giản: Tổ chức, cá nhân đầu tư cho việc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ là chủ sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; tổ chức, cá nhân trực tiếp thực hiện công trình khoa học và công nghệ là tác giả của công trình đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác trong hợp đồng khoa học và công nghệ”. Quy định trên đây chưa giải quyết được các trường hợp cụ thể: kết quả nghiên cứu là sự sáng tạo của nhiều tác giả với các mức độ đóng góp khác nhau; kết quả nghiên cứu do nhiều người đầu tư tài chính để thực hiện; kết quả nghiên cứu vừa được bảo hộ theo pháp luật về quyền tác giả, vừa được bảo hộ theo pháp luật về quyền sở hữu công nghiệp; cũng chưa giải quyết được việc phân định quyền sở hữu đối với kết quả nghiên cứu trong trường hợp “sáng chế công vụ” (Employee Invention)… Bài viết này góp phần xác định chủ sở hữu kết quả nghiên cứu và bàn về quyền tài sản của chủ sở hữu kết quả nghiên cứu. 1. Phân loại kết quả nghiên cứu theo đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ Điều 2.4. Luật KH&CN quy định: “Nghiên cứu khoa học là hoạt động phát hiện, tìm hiểu các hiện tượng, sự vật, quy luật của tự nhiên, xã hội và tư duy; sáng tạo các giải pháp nhằm ứng dụng vào thực tiễn. Nghiên cứu khoa học bao gồm nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng”.   Cách định nghĩa nghiên cứu khoa học trên đây của Luật KH&CN là chưa đầy đủ, theo quan niệm của UNESCO, thì nghiên cứu khoa học bao gồm: nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và triển khai (toàn bộ chuỗi R&D).[2] Theo Vũ Cao Đàm thì nghiên cứu cơ bản là những nghiên cứu nhằm phát hiện thuộc tính, cấu trúc, động thái của sự vật. Kết quả nghiên cứu cơ bản có thể là các khám phá, phát hiện, phát minh, dẫn tới hình thành một hệ thống lý thuyết mới. Nội dung của kết quả nghiên cứu cơ bản không được bảo hộ theo pháp luật về sáng chế, nhưng bản viết về nó lại là tác phẩm khoa học và được bảo hộ theo quy định tại điều 14.1.a. Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) và điều 2.1. Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật [3]. Nghiên cứu ứng dụng là sự vận dụng quy luật được phát hiện từ nghiên cứu cơ bản để giải thích một sự vật hoặc tạo ra những nguyên lý mới về các giải pháp. Cũng theo Vũ Cao Đàm, triển khai thực nghiệm (gọi tắt là triển khai) là sự vận dụng các lý thuyết để đưa ra các vật mẫu (prototype) và công nghệ sản xuất vật mẫu với những tham số khả thi về kỹ thuật , khái niệm triển khai được áp dụng cả trong nghiên cứu khoa học kỹ thuật và trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn [4]. Nếu kết quả nghiên cứu ứng dụng và triển khai thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn thì nó chỉ tồn tại như một tác phẩm khoa học và được bảo hộ theo pháp luật quyền tác giả. Nhưng nếu kết quả nghiên cứu ứng dụng và triển khai thực nghiệm thuộc lĩnh vực công nghệ thì ngoài việc bản viết về chúng là tác phẩm khoa học thì nội dung của chúng còn được bảo hộ theo pháp luật sở hữu công nghiệp. Nếu kết quả nghiên cứu ứng dụng và triển khai thực nghiệm hội tụ đủ 3 tiêu chí: tính mới, trình độ sáng tạo và có khả năng áp dụng công nghiệp thì nó được bảo hộ là sáng chế, còn nếu chúng không hội tụ đủ 3 tiêu chí vừa nêu thì chúng được bảo hộ theo cơ chế thông tin bí mật. Do hạn chế về số lượng chữ trên Tạp chí, nên bài viết này chỉ giới hạn 2 trường hợp: kết quả nghiên cứu là tác phẩm khoa học và kết quả nghiên cứu là sáng chế. 2. Kết quả nghiên cứu là tác phẩm khoa học Tác giả của tác phẩm khoa học có các quyền nhân thân, đó là quyền đặt tên cho tác phẩm; quyền đứng tên đối với tác phẩm và quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. Các quyền nhân thân này vĩnh viễn thuộc về tác giả, kể cả trường hợp tác giả không là chủ sở hữu tác phẩm khoa học. Nếu tác giả sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất – kỹ thuật của mình để sáng tạo ra tác phẩm khoa học thì tác giả là chủ sở hữu tác phẩm này. Trong thực tế nghiên cứu khoa học, người đầu tư tài chính, cơ sở vật chất – kỹ thuật phần lớn là tổ chức (có thể dùng ngân sách Nhà nước) hoặc cá nhân khác, bởi vậy những người này mới là chủ sở hữu tác phẩm khoa học. Chủ sở hữu có quyền công bố tác phẩm khoa học, đồng thời có toàn bộ nhóm quyền tài sản được quy định tại điều 20 của Luật SHTT. Chúng ta có thể đã gặp trường hợp, tác giả kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách Nhà nước (hoặc do người khác đầu tư tài chính) đã ký hợp đồng cho phép một nhà xuất bản phát hành tác phẩm khoa học do mình sáng tạo nên, cho phép người nào đó dịch tác phẩm khoa học ra tiếng nước ngoài… các hành vi vừa nêu của tác giả thực chất là đã cho phép người khác công bố tác phẩm, làm bản sao tác phẩm, làm tác phẩm phái sinh, như vậy tác giả đã vi phạm các quyền mà chỉ chủ sở hữu kết quả nghiên cứu mới có. Trường hợp khác, một nhà xuất bản đã viết dòng chữ Nhà xuất bản X giữ bản quyền trên bìa tác phẩm khoa học, trường hợp này chỉ đúng khi chủ sở hữu tác phẩm khoa học chuyển nhượng toàn bộ quyền sở hữu tác phẩm cho nhà xuất bản X, còn nếu chủ sở hữu tác phẩm chỉ ký hợp đồng cho phép nhà xuất bản X phát hành một số lượng hạn chế bản sao tác phẩm thì cách viết trên lại không đúng. Trường hợp sinh viên của các trường đại học thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên và được nhà trường (dùng ngân sách Nhà nước) hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, có ý kiến cho rằng trong trường hợp này Nhà nước (mà đại diện là hiệu trường đại học) là chủ sở hữu kết quả nghiên cứu. Người viết bài này không đồng ý với ý kiến vừa nêu, bởi lẽ không thể coi việc hỗ trợ kinh phí như là sự đầu tư tài chính để tác giả thực hiện nghiên cứu khoa học. Do đó, tác giả mới là chủ sở hữu kết quả nghiên cứu. Nếu nhiều người cùng đầu tư tài chính, cơ sở vật chất – kỹ thuật cho nghiên cứu thì họ đồng sở hữu kết quả nghiên cứu, có thể chia ra 2 trường hợp: - Trường hợp 1: đồng sở hữu chung duy nhất, kết quả nghiên cứu không thể phân chia, dẫn đến bất kỳ một người nào trong số đồng sở hữu cũng không có quyền thực hiện một quyền tài sản nào đối với kết quả nghiên cứu nếu không có sự đồng ý của tất cả các đồng sở hữu còn lại. - Trường hợp 2: đồng sở hữu theo phần, kết quả nghiên cứu có thể phân chia, dẫn đến mỗi người là chủ sở hữu một phần kết quả nghiên cứu căn cứ theo phần đóng góp tài chính, cơ sở vật chất – kỹ thuật của mình cho nghiên cứu. 3. Kết quả nghiên cứu là sáng chế Tác giả sáng chế có các quyền nhân thân, đó là được ghi tên là tác giả trong Bằng độc quyền sáng chế, được nêu tên là tác giả trong các tài liệu công bố, giới thiệu về sáng chế. Như vậy, khác với tác giả của tác phẩm khoa học, tác giả sáng chế không có quyền bảo vệ sự toàn vẹn của sáng chế, hay nói cách khác, tác giả sáng chế không có quyền ngăn cấm chủ sở hữu sáng chế hoặc người sử dụng sáng chế cải tiến sáng chế. Nếu tác giả sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất – kỹ thuật của mình để nghiên cứu tạo nên giải pháp kỹ thuật được bảo hộ là sáng chế thì tác giả là chủ sở hữu sáng chế. Trong thực tế thì người đầu tư tài chính, cơ sở vật chất – kỹ thuật phần lớn là tổ chức hoặc cá nhân khác, do đó chính những người này mới là chủ sở hữu sáng chế. Một trong những quyền quan trọng của chủ sở hữu sáng chế là được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế (license sáng chế) cho người khác, vì sáng chế là một dạng tài sản vô hình, bởi vậy chủ sở hữu có thể đồng thời license (không độc quyền) sáng chế cho nhiều người khác nhau. Việc phân định quyền lợi vật chất đối với sáng chế giữa tác giả sáng chế và chủ sở hữu sáng chế trong trường hợp vừa nêu không khó, nó căn cứ vào thỏa thuận giữa các bên hoặc theo luật định. Mức thù lao tối thiểu mà chủ sở hữu phải trả cho tác giả là 10% số tiền làm lợi mà chủ sở hữu thu được do sử dụng sáng chế, 15% tổng số tiền mà chủ sở hữu nhận được trong mỗi lần nhận tiền thanh toán do license sáng chế. Trong lĩnh vực quản lý SHTT, có một thuật ngữ chuyên môn, đó là thuật ngữ “sáng chế công vụ” (Employee Invention) dùng để chỉ trường hợp sáng chế được tạo ra trong quá trình tác giả của nó thực hiện công vụ. Nếu nhiệm vụ chính của tác giả trong quá trình thực hiện công vụ là phải nghiên cứu để tạo ra sáng chế thì tác giả (người lao đng) không là chủ sở hữu sáng chế, mà chủ sở hữu sáng chế là người sử dụng lao động. Việc phân định quyền lợi vật chất đối với sáng chế giữa tác giả sáng chế và chủ sở hữu sáng chế trong trường hợp này như đã nói ở trên. Nếu nhiệm vụ chính của tác giả trong quá trình thực hiện công vụ là việc khác với việc nghiên cứu để tạo ra sáng chế thì chủ sở hữu sáng chế vẫn là người sử dụng lao động, nhưng việc phân định quyền lợi vật chất đối với sáng chế giữa tác giả sáng chế và chủ sở hữu sáng chế lại không hề đơn giản. Ví dụ, nhiệm vụ chính của giảng viên trường đại học là giảng dạy, nhưng giảng viên còn có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học (có sử dụng phòng thí nghiệm của nhà trường). Trường hợp này, ta có thể tham khảo việc phân định quyền lợi vật chất đối với sáng chế giữa giảng viên – tác giả sáng chế và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội – chủ sở hữu sáng chế, đã phân chia theo tỷ lệ: tác giả sáng chế được hưởng 50% lợi nhuận, Khoa (hoặc Trung tâm) nơi tác giả công tác được hưởng 7%, Bộ môn nơi tác giả công tác được hưởng 3%, phần lợi nhuận còn lại thuộc về Nhà trường[5]. Đại học Bách khoa Hà Nội là một đơn vị mạnh về nghiên cứu ứng dụng, chỉ trong 3 năm 2006-2008 đã có trên 30 giải pháp kỹ thuật được cấp Bằng độc quyền sáng chế do Nhà trường là chủ sở hữu, có lẽ một trong những nguyên nhân để Nhà trường tạo nên sức mạnh này là đã có chính sách để tác giả sáng chế hưởng mức lợi nhận cao (gấp nhiều lần mức tối thiểu do pháp luật quy định). Cũng có thể tham khảo mô hình của Nhật Bản qua chính sách quản lý SHTT trong các trường đại học được ban hành năm 2003, đối với sáng chế mang lại lợi nhuận dưới 1 triệu Yên thì tác giả được hưởng tới 50% lợi nhuận, đối với sáng chế mang lại lợi nhuận trên 1 triệu Yên thì tác giả được hưởng theo công thức (lợi nhuận – 1 triệu Yên) x 25% + 500.000 Yên [6]. Hy vọng rằng bài viết này sẽ góp phần vào việc quản lý SHTT một cách tốt hơn và thúc đẩy mạnh khả năng sáng tạo của các nhà khoa học.,.

[1] Bài đã đăng trên Tạp chí Hoạt động khoa học, Bộ Khoa học và Công nghệ, số 598 tháng 3.2009 [2] Xin tham khảo thêm: Vũ Cao Đàm, Phương pháp luận nghiên cứu khoa học, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 2007. [3] Xin tham khảo thêm: Trần Văn Hải, Bàn về các thuật ngữ “phát minh”, “phát hiện”, “sáng chế”. Tạp chí Hoạt động khoa học, số 6.2007 (577), tr. 26 – 28. [4] Vũ Cao Đàm, sđd [5] Theo lời TS Phan Quốc Nguyên – Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tại Hội thảo về Bảo hộ quyền SHTT trong các trường đại học và các doanh nghiệp nhỏ và vừa do JPO và NOIP phối hợp tổ chức ngày 19.11.2008 [6] Naohiko Teshima, Văn phòng sáng chế quốc tế AIWA, Bảo hộ quyền SHTT trong các trường đại học (kinh nghiệm Nhật Bản), Hội thảo đd.

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật