Nghị định 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định khá chi tiết các thủ tục cần thiết trong lĩnh vực đăng ký và quản lý hộ tịch. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có những trường hợp phát sinh nhưng chưa được hướng dẫn giải quyết, khiến cơ quan đăng ký hộ tịch lúng túng.
Mất giấy chứng sinh, đăng ký khai sinh bằng giấy tờ nào?
Điều 15, Nghị định 158 về thủ tục đăng ký khai sinh quy định, người đi đăng ký khai sinh phải nộp Giấy chứng sinh (theo mẫu quy định) và xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ (nếu cha, mẹ của trẻ có đăng ký kết hôn). Giấy chứng sinh do cơ sở y tế, nơi trẻ em sinh ra cấp; nếu trẻ em sinh ngoài cơ sở y tế, thì Giấy chứng sinh được thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng. Trong trường hợp không có người làm chứng, thì người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực. Như vậy Nghị định 158 chỉ quy định, trường hợp trẻ sinh trong cơ sở y tế thì khi đăng ký khai sinh thủ tục bắt buộc phải có giấy chứng sinh, không quy định các giấy tờ khác thay thế giấy chứng sinh. Tuy nhiên thực tế đã nảy sinh trường hợp không nằm trong quy định.
Ngày 9.6.2010, chị Đinh Thị Phúc đến UBND xã Tân Dương, huyện Lai Vung, Đồng Tháp đăng ký khai sinh cho con là Nguyễn Đinh Phú Quý sinh ngày 6.12.2009 tại Bệnh viện đa khoa thị xã Sa Đéc. Theo chị Phúc, khi sinh con tại Bệnh viện đa khoa thị xã Sa Đéc có giấy chứng sinh do bệnh viện cấp, nhưng trên đường về nhà chị đã làm mất giấy chứng sinh của con nên không thể làm khai sinh. Về phía Bệnh viện thì không thể cấp lại giấy chứng sinh cho con chị được. Nghị định 158 chỉ quy định trường hợp nếu trẻ em sinh ra ngoài cơ sở y tế, thì Giấy chứng sinh được thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng. Trong trường hợp không có người làm chứng, thì người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực. Trường hợp con chị Phúc sinh trong bệnh viện nhưng mất giấy chứng sinh, cơ quan hộ tịch không biết có thể cho đăng ký khai sinh hay không? Nếu đăng ký khai sinh thì giấy tờ nào sẽ thay thế giấy chứng sinh? Cuối cùng, cán bộ Tư pháp – Hộ tịch xã phải cho chị Phúc làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực để giải quyết việc đăng ký khai sinh cho con chị.
Cha mẹ vị thành niên có đăng ký khai sinh cho con được không?
Nghị định 158 quy định cá nhân có quyền và nghĩa vụ đăng ký hộ tịch. Tuy nhiên, Nghị định 158 không quy định cụ thể cá nhân đó phải bảo đảm độ tuổi là bao nhiêu. Do vậy, vấn đề đặt ra là những trường hợp người mẹ chưa đủ tuổi thành niên đi đăng ký khai sinh cho con có được giải quyết không? Đó là trường hợp của chị Trần Thị Mỹ Hiền, sinh năm 1993 đến UBND xã Tân Hòa, huyện Lai Vung, Đồng Tháp đăng ký khai sinh cho con sinh ngày 1.5.2007. Như vậy, lúc sinh con chị Hiền chỉ mới 14 tuổi, đến cuối năm 2009 đi đăng ký khai sinh cho
con, Chị Hiền 16 tuổi. Trường hợp người chưa thành niên không có quyền đăng ký kết hôn, nhưng đã sinh con như chị Hiền không có trong các văn bản hướng dẫn, khiến cán bộ hộ tịch rất lúng túng. Cuối cùng, cán bộ Tư pháp – Hộ tịch vẫn phải cho Chị Hiền đăng ký khai sinh cho con, nhưng với điều kiện bà ngoại là người yêu cầu đăng ký.
Cũng tương tự, trường hợp Nguyễn Văn Lạc, sinh năm 1996 sống chung với một cô gái như vợ chồng. Tháng 9.2008 cô này sinh con rồi bỏ đi, để lại đứa con cho anh Lạc nuôi. Tháng 12.2009 khi anh Lạc đến UBND xã Tân Hoà, huyện Lai Vung, Đồng Tháp đăng ký khai sinh cho con thì gặp vướng mắc. Lý do, Thông tư 01 hướng dẫn: trong trường hợp cha, mẹ của trẻ chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn, người mẹ để con lại cho người cha và bỏ đi không xác định được địa chỉ, thì khi người cha làm thủ tục nhận con, không cần phải có ý kiến của người mẹ. Khi đăng ký khai sinh, phần ghi về người mẹ trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh được ghi theo Giấy chứng sinh. Trường hợp không có Giấy chứng sinh, thì ghi theo lời khai của người cha; nếu người cha không khai về người mẹ, thì để trống (Tiết a, Điểm 4, Mục II, Thông tư 01). Tuy nhiên, trường hợp anh Lạc mới chỉ 13 tuổi thì có quyền được làm thủ tục cha nhận con và đăng ký khai sinh cho con được hay không? Vấn đề này Nghị định 158 và Thông tư 01 còn bỏ ngỏ.
Trên thực tế, những trường hợp như đã nêu không hiếm, nhưng pháp luật về hộ tịch chưa điều chỉnh, khiến cơ quan hộ tịch gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết yêu cầu nhân đạo cho người dân. Giải pháp là phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về đăng ký và quản lý hộ tịch để điều chỉnh những tình huống nảy sinh trong cuộc sống.
SOURCE: BÁO NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN
Trích dẫn từ:
http://daibieunhandan.vn/Trangchu/VN/tabid/66/CatID/7/ContentID/118662/Default.aspx
Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central Fied , Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"