VỤ ÁN TRANH NHAU CON TRÂU CỒ

Tòa tuyên mỗi bên được sở hữu một con trâu nhưng không nêu rõ là con nào nên gần 20 năm nay không thể thi hành án. Chung sống với nhau gần 40 năm trời và có đến 14 mặt con, đùng một cái, vợ chồng ông T. ở ấp Vinh Thuận, xã Ngọc Thuận, Giồng Riềng (Kiên Giang) lại kéo nhau ra tòa xin ly hôn. Hòa giải, tòa mới vỡ lẽ nguyên nhân lục đục trong gia đình họ xuất phát từ chuyện tiền nong: Nghi ngờ vợ dành dụm “quỹ đen”, ông T. đã đuổi bà ra khỏi nhà, mâu thuẫn kéo dài.     Tranh nhau con trâu cồ Cuối năm 1988, sau nhiều lần hòa giải không thành, TAND huyện Giồng Riềng và TAND tỉnh Kiên Giang đã chấp nhận cho vợ chồng ông T. đường ai nấy đi. Trong số tài sản được chia, ngoài những vật dụng trong nhà như giường, tủ, bàn, ghế…, các tòa còn tuyên giao cho mỗi người được quyền sở hữu một con trâu. Sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực, hai bên chia trâu thì sinh chuyện rắc rối. Bầy trâu của họ vốn chỉ có hai con, một con trâu cồ đen mun mập ú và một con trâu cò trắng ốm nhom. Ông T. thích nhất là con trâu cồ đen, ngặt nỗi bà vợ cũng đã “chấm” nó từ lâu. Ai cũng muốn giành con trâu khỏe mạnh về mình. “Nghiệt ngã” ở chỗ lúc phân chia tài sản, tòa chỉ ghi trong bản án “mỗi người được sở hữu một con trâu” mà không nêu rõ là con trâu nào. Không cam chịu mất con trâu cồ đen, ông T. nghĩ cách đối phó. Ông quyết định bán con trâu cò trắng, rồi lấy tiền mua một con trâu tơ đen khác về giao cho vợ. Phát hiện ông chồng “chơi xấu”, bà vợ phản đối kịch liệt và nhờ chính quyền địa phương giải quyết. Lúc này, ông T. đã bán sạch cả đàn trâu. Ông ưng thuận nộp cho bà vợ 2,5 triệu đồng (tương đương 100 giạ lúa), bằng với giá trị một con trâu nhưng bà vợ vẫn không chịu. Theo bà, con trâu cồ đen trị giá tại thời điểm đó lên đến 15 triệu đồng, còn số tiền ông T. giao nộp chỉ mua được một con trâu tơ mà thôi. Chính quyền, Thi hành án đều “bó tay”! Năm lần bảy lượt chính quyền địa phương hòa giải cũng không xong. Lúng túng trước vụ tranh chấp kỳ cục này, chính quyền bèn giới thiệu bà vợ đến Thi hành án huyện Giồng Riềng nhờ giúp đỡ. Đến lượt cơ quan thi hành án phải đau đầu. Một cán bộ Thi hành án huyện thốt lên: “Bản án tuyên như vậy thì có… trời mới thi hành được!”. Thi hành án huyện chỉ còn biết động viên bà vợ nhận “con trâu bằng tiền” do ông T. giao nộp. Nhưng bà vợ cương quyết từ chối và yêu cầu cơ quan thi hành án buộc ông T. phải giao trả con trâu cồ đen mới chịu nhận. Không còn cách nào khác, Thi hành án huyện hướng dẫn bà vợ đến TAND tỉnh Kiên Giang yêu cầu giải thích án văn cụ thể hơn để có cơ sở mà thi hành án (theo quy định, cơ quan thi hành án phải chủ động gửi công văn đề nghị tòa giải thích chứ không thể bắt đương sự làm thay – NV). Đến tòa, bà vợ cũng tìm được vị thẩm phán là chủ tọa phiên tòa phúc thẩm năm xưa. Sau năm lần, bảy lượt khăn gói vào chốn công đường, bà vợ chỉ nhận được lời hứa “tòa sẽ xem xét đính chính” nhưng chờ mãi vẫn không thấy tòa thực hiện. Trong khi đó, thời gian thì không chờ ai, ông T. qua đời cách đây hai năm vì tuổi già, vị thẩm phán kia đã nghỉ hưu, bản án chưa được thi hành được, còn bà vợ vẫn ngày đêm trông chờ… con trâu cồ. Hiện bà đang sinh sống cùng với vợ chồng người con trai út trong căn nhà đơn sơ và tiếp tục hành trình “đi tìm công lý”. Đã bước qua độ tuổi thất thập cổ lai hy và trong hoàn cảnh người phải thi hành án không còn, hy vọng về con trâu cồ của bà càng thêm mong manh. Phải chi hồi đó bà chịu nhận con trâu tơ thì giờ đây chắc nó cũng đã trở thành… con trâu cồ rồi. “Bó tay”… mãi mãi? Một chuyên gia luật dân sự nhận xét trong vụ này, về lý thuyết thì bà vợ vẫn có thể được bảo vệ quyền lợi nhưng thực tế thì rất khó khăn. Để giải quyết vụ việc, trước hết Thi hành án huyện Giồng Riềng phải gửi công văn yêu cầu TAND tỉnh Kiên Giang giải thích nội dung án tuyên chưa rõ và tòa này phải có trách nhiệm trả lời, ngay cả trong trường hợp vị thẩm phán chủ tọa đã nghỉ hưu. Trường hợp nếu tòa không trả lời hoặc trả lời chung chung, không thể thi hành án được, cơ quan thi hành án có thể đề nghị TAND tối cao xem xét. Cái khó là vụ án đến nay đã hết thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm (ba năm kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật) để “sửa sai” nên nếu TAND tối cao thấy bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Kiên Giang tuyên không hợp lý thì cũng phải “bó tay”. Trường hợp nếu tòa trả lời rõ ràng thì cơ quan thi hành án dựa vào đó mà thi hành. Sẽ hợp lý nếu tòa giải thích là chia đôi giá trị của hai con trâu cho hai vợ chồng. Khi đó, cơ quan thi hành án có thể nhờ Hội đồng định giá xác định giá trị của hai con trâu để buộc người thừa kế của ông T. thanh toán lại một nửa cho bà vợ. Nhưng đến đây cũng rắc rối ở chỗ hai con trâu đều đã được bán từ thủa nảo thủa nào thì lấy gì làm căn cứ để xác định giá trị của chúng?

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật