VIỆT NAM CÓ CẦN NGÂN HÀNG NHỎ?

Dẫn nhập Trong tháng 12/2008 vừa qua, chúng ta đã chứng kiến những ngân hàng cuối cùng của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam bước vào tháng cuối cùng của lộ trình phải tăng vốn điều lệ lên con số 1.000 tỷ đồng như theo quy định của Nghị định 141/2006/NĐ-CP. Nếu căn cứ vào tiêu chí quy mô vốn điều lệ, chúng ta có thể tạm gọi danh sách 9 ngân hàng cuối cùng phải tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng là các ngân hàng nhỏ(1), nhưng có thể thấy trên thực tế, tất cả các ngân hàng cổ phần tại Việt Nam đều không muốn nhỏ nữa. Trong niềm hứng khởi của thời gian đầu gia nhập WTO, các cơ quan giám sát ngân hàng đã mong muốn rằng các ngân hàng phải nâng cao tầm vóc của mình, để có thể nâng cao vị thế trong cạnh tranh và hội nhập. Thậm chí, đã xuất hiện những ý kiến cực đoan trên báo chí, cho rằng, vào WTO có nghĩa là các ngân hàng nhỏ của Việt Nam sẽ chết hết (?!). Có phải chăng, các nền kinh tế nói chung, và nền kinh tế Việt Nam nói riêng, các ngân hàng nhỏ là không cần thiết, và chúng ta chỉ cần đến sự hiện diện và vai trò của các ngân hàng lớn? Ngân hàng nhỏ – Bối cảnh Việt Nam Lúc đó, trên các phương tiện thông tin đại chúng, đã xuất hiện những lo ngại cho rằng không phải dễ dàng mà tất cả 9 ngân hàng nói trên đều có thể đạt được mức vốn 1.000 tỷ đồng vào ngày 31-12-2008. Dù cuối cùng, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tất cả các ngân hàng đã đạt mức vốn điều lệ tối thiểu 1000 tỷ đồng theo lộ trình, nhưng viễn cảnh phải tăng lên mức vốn điều lệ tối thiểu lên 3000 tỷ đồng vào thời điểm 31/12/2010 lại đặt ra một thách thức mới cho các ngân hàng nói trên. Trong bối cảnh sụt giảm thê thảm giá cổ phiếu ngân hàng, trong tình trạng khủng hoảng và đình trệ kinh tế trong và ngoài nước, việc chào bán các cổ phiếu cho các cổ đông cũ, chào bán riêng lẻ các tổ chức kinh tế trong nước, việc tìm kiếm các đối tác chiến lược nước ngoài xem ra không còn là một việc thuận lợi như cách đây ba năm nữa.   Nhớ lại thời kỳ trước khi có Nghị định 141/2006/NĐ-CP, ở Việt Nam, bên cạnh các ngân hàng cổ phần đô thị, đã tồn tại và phát triển trong một thời gian dài các ngân hàng cổ phần nông thôn. Cũng như các ngân hàng cổ phần đô thị, các ngân hàng cổ phần nông thôn cũng đã qua những thăng trầm nhất định, nhưng qua thời gian, một số ngân hàng đã khẳng định khá tốt vai trò phục vụ các doanh nghiệp nhỏ, cá nhân, nông hộ và khách hàng khu vực nông thôn của họ, chẳng hạn các ngân hàng Kiên Long, Mỹ Xuyên,… ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Các ngân hàng này chịu sự hạn chế trong đa dạng hóa về mặt địa lý, nên chỉ có thể giới hạn phạm vi hoạt động trong phạm vi một tỉnh thành nhất định. Trào lưu chuyển đổi mô hình từ ngân hàng nông thôn lên đô thị, cộng với lộ trình tăng vốn theo qui định của Nghị định 141/2006/NĐ-CP đã mặc nhiên “xóa sổ” mô hình ngân hàng nông thôn. Một số ngân hàng nông thôn tìm gặp một cơ hội phát triển không phải dễ gì mà có được, một số khác hình như phải cố gắng lao theo cơn lốc thời cuộc. Người ta tự hỏi, các cơ quan giám sát hoạt động ngân hàng của Việt Nam đã có dự liệu đầy đủ hay không các tình huống và nhu cầu khác nhau của nền kinh tế, để trong một thời gian quá nhanh, đã đề ra và thực thi chính sách – những liều thuốc chung cho nhiều thể trạng tài chính khác nhau – có thể có những tác động lâu dài đến cấu trúc ngành của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Các lợi thế của ngân hàng nhỏ Trên thế giới, ngay tại các cường quốc kinh tế, bên cạnh các ngân hàng khổng lồ vẫn tồn tại các ngân hàng nhỏ. Chẳng hạn như ở Mỹ, hiện nay vẫn tồn tại hàng ngàn ngân hàng hạng nhỏ, trong đó, hơn phân nửa là các ngân hàng có tổng tài sản nhỏ hơn 100 triệu đô-la. Có nhiều tên gọi khác nhau cho các ngân hàng này: ngân hàng khu vực (Regional Bank), ngân hàng cộng đồng (Community Bank). Phần lớn là các ngân hàng cộng đồng. Hiện nay, vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất về ngân hàng cộng đồng, nhưng hai đặc điểm chung mà nhiều người công nhận đó là những ngân hàng có qui mô nhỏ và tập trung phần lớn các hoạt động vào khu vực cộng đồng nơi mà hội sở của chúng được thiết lập. Một đặc điểm thứ ba cũng được ít nhiều xét đến là thành phần đa số của các cổ đông địa phương. Riêng hai đặc điểm đầu tiên thường đi sóng đôi với nhau: phạm vi phục vụ nhỏ nên không nhất thiết phải có qui mô lớn, và qui mô nhỏ sẽ phù hợp với một phạm vi hoạt động nhất định, miễn là biết giới hạn, đừng có tham vọng bành trướng quá sức của mình. Thực tế đang diễn ra ở Mỹ đã khiến cho chúng ta ít nhiều suy nghĩ. Trong vòng xoáy khủng hoảng tài chính, hầu như họ khá bình an trong khi quý đàn anh đại gia đang lao đao, khánh kiệt. Kìa là các vụ Fannie Mae, Fredie Mac. Tiếp đến là sự sụp đổ của gã khổng lồ Lehman Brothers. Nay lại đến vụ Citigroup. Cái câu nói nổi tiếng “Too big to fail” (Quá lớn để không thể sụp đổ) đến nay đã có thêm những dị bản mang tính mỉa mai như “Too big to manage” (Quá lớn để không thể quản lý nổi), “Too big to save” (Quá lớn để không thể cứu vãn)… Không chỉ riêng ở Mỹ, nghiên cứu tại nhiều quốc gia phát triển và đang phát triển cho thấy, các ngân hàng nhỏ luôn luôn có những vai trò bổ sung, thay thế cho những khoảng trống mà các ngân hàng lớn khó mà phục vụ tốt hơn. Các ngân hàng lớn thường có vẻ xa cách khách hàng cả về mặt địa lý và tâm thức. Công tác quản trị khách hàng của các ngân hàng lớn chủ yếu dựa vào những thông tin tài chính “cứng”, các mô hình quản lý bằng điện toán phức tạp, các quyết định tập trung hoá. Họ quen với các công việc đánh giá tín nhiệm khách hàng bằng những dữ liệu định lượng thống kê, các báo cáo tài chính. Khi phải lựa chọn, chẳng hạn khi xem xét hàng trăm, hàng ngàn hồ sơ vay vốn, họ đương nhiên có nhiều sự lựa chọn và thường nghiêng về các khách hàng vừa và lớn vì các khách hàng dạng này tỏ ra phù hợp với các chính sách và phương cách quản trị của họ hơn. Như vậy, chúng ta có thể thấy, quan hệ khách hàng của các ngân hàng lớn chủ yếu dựa vào giao dịch (Transactional Banking), trong khi đó, hoạt động các ngân hàng nhỏ phần nhiều dựa vào quan hệ (Relationship Banking) nhờ vào những lợi thế vượt trội trong quá trình quan hệ khách hàng. Cho vay nhỏ thường cần, và cũng từ đó, sinh ra sự quan hệ gần gũi, thâm giao, do đó, các ngân hàng nhỏ có lợi thế trong việc tiết kiệm chi phí phân tích thẩm định khách hàng. Quen thuộc với môi trường kinh doanh và con người trong khu vực, các ngân hàng nhỏ thường cũng nhận thức rằng, do phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn tiết kiệm dân cư, nên họ càng cần phải quan tâm cung ứng dịch vụ tốt hơn. Các nghiên cứu khác nhau cũng cho thấy, đối với cho vay nhỏ, ngân hàng nhỏ thường có mức chênh lệch lãi suất bình quân cao hơn các ngân hàng lớn. Do đó, nhìn chung, hoạt động cho vay của các ngân hàng nhỏ hiệu quả hơn. Các ngân hàng lớn thực ra cũng nhận thức được thế mạnh trên. Họ có thể mua lại các ngân hàng nhỏ. Nhưng đối với trường hợp sáp nhập các ngân hàng nhỏ vào các ngân hàng lớn, các nghiên cứu thực nghiệm cũng đã cho thấy, hiệu quả cho vay nhỏ của ngân hàng sau khi sáp nhập sẽ giảm sút. Đó là chưa kể đến chuyện các ngân hàng lớn vốn cũng đã không mặn mòi đối với những khoản cho vay nhỏ bé. Đó là các phân tích về quản trị. Còn về mặt vĩ mô, các ngân hàng nhỏ, do nhỏ bé về qui mô, lại giới hạn về mặt địa lý, nên có tác động đóng góp đến rủi ro hệ thống (Systemic Risk) ít hơn so với các ngân hàng lớn. Tình hình tài chính ngân hàng nước Mỹ trong thời gian gần đây đã là một minh chứng. Các hàm ý chính sách Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có những dự liệu nào cho trường hợp các ngân hàng nhỏ sẽ không kịp đạt con số vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng vào ngày 31-12-2010? Đó là một quan tâm cần thiết và vô cùng quan trọng trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Theo chúng tôi, đề xuất về việc giải thể những ngân hàng yếu nhất xem ra không phải là một bài thuốc an toàn trong tình trạng một số ngân hàng nhỏ đã có những bước phát triển và bành trướng địa lý nhất định. Sáp nhập có thể là một cách tốt hơn, nhưng không thể dễ dàng nếu chỉ dựa vào các quyết định hành chính. Sáp nhập nhiều khi cũng không phù hợp với các mục tiêu vĩ mô. Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam nói chung, và nói riêng là khu vực kinh tế nông thôn, kinh tế nông hộ, và thậm chí cả khu vực kinh tế phi chính thức vẫn luôn cần, và cần rất nhiều đến những hoạt động cho vay và dịch vụ của các ngân hàng nhỏ. Các ngân hàng nhỏ là một tồn tại khách quan vì có những đóng góp không thể phủ nhận được đối với nền kinh tế. Chúng tôi nghĩ rằng, chính sách vẫn lô-gic và đạt được sự đồng thuận nếu có những thay đổi hợp qui luật. Ngân hàng Nhà nước vẫn có thể thực thi những điều chỉnh việc tăng vốn điều lệ đối với các ngân hàng nhỏ trong một lộ trình thận trọng hơn, song song với việc thiết lập và thực thi các chính sách, mô hình quản lý và giám sát phù hợp  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật