NGUYỄN DUY LÊ
Rất đồng tình với bài viết đầy thuyết phục của tác giả Nguyễn Phương Linh được đăng trên Tạp chí Ngân hàng số 15 tháng 8 năm 2008 với tựa đề “Pháp luật về cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước nhìn từ việc cổ phần hoá Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam”. Trong bài viết này, với tư cách nhà đầu tư cá nhân – một cổ đông nhỏ của Vietcombank cổ phần ngay từ đầu, với ý thức trách nhiệm chung thường xuyên theo sát tình hình dư luận xã hội xung quanh câu chuyện cổ phần hoá Vietcombank, đặc biệt là nắm bắt tâm tư nguyện vọng, những bức xúc của các cổ đông Vietcombank, bao gồm tổ chức pháp nhân và cá nhân, phản ảnh qua kỳ họp đầu tiên của Đại hội đồng cổ đông được tổ chức vào ngày 26/4/2008 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, tôi xin tổng hợp lại cùng với những suy nghĩ luận bàn cá nhân theo chủ đề nêu trên…
Trước khi vào từng nội dung cụ thể, xin được đặt vấn đề có tính mở đầu sau đây. Như chúng ta biết, sau đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Vietcombank tiến hành vào cuối năm 2007, Vietcombank đã tiến hành kỳ họp thứ I của Đại hội đồng cổ đông; rồi sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết của một định chế công ty cổ phần đại chúng, kể từ ngày 02/6/2008, Ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) Ngoại thương Việt Nam đã chính thức hoạt động trên vị thế của NHTMCP. Đây là cuộc chuyển đổi mang dấu ấn lịch sử sau 45 năm tồn tại và phát triển của Vietcombank. Phải khẳng định rằng, việc chuyển đổi từ Vietcombank Nhà nước sang Vietcombank cổ phần đại chúng có trên 15.000 cổ đông lớn nhỏ khác nhau, đã diễn ra một cách suôn sẻ theo đúng lộ trình thí điểm cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong lĩnh vực tiền tệ – ngân hàng ở nước ta. Ở đây, từng khâu của cuộc cổ phần hoá Vietcombank đều đã được xúc tiến kỹ càng theo sát sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với sự lãnh đạo điều hành sâu sát của một Ban chỉ đạo Nhà nước cấp Bộ/Ngành do một Phó Thống đốc thường trực của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đứng đầu. Những gì phải có để đảm bảo vận hành hoạt động kinh doanh của Vietcombank theo định chế NHTMCP, về cơ bản đã hội đủ…
Tuy có những vấn đề gọi là bất cập trong cơ chế chính sách về cổ phần hoá DNNN dưới cái nhìn thí điểm trong cuộc cổ phần hoá Vietcombank mà bài viết này đề cập, có lẽ nó không làm ảnh hưởng gì mấy đối với sự vận hành hoạt động của Vietcombank theo định chế NHTMCP. Vì lâu nay, đã và đang tồn tại hoạt động của hàng chục NHTMCP lớn nhỏ ở nước ta ngày càng có vị thế cao trên thị trường tiền tệ Việt Nam; chỉ có một điều tốt là nếu những bất cập trong cổ phần hoá DNNN được các cấp lãnh đạo có thẩm quyền tháo gỡ, thì nhất định sẽ tạo thêm điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động của Vietcombank mà thôi. Và điều quan trọng là theo sau Vietcombank, sẽ có vài ba ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN) khác tiến hành cổ phần hoá. Tức là từ sự thí điểm cổ phần hoá Vietcombank, cái gì thuộc cơ chế chính sách tỏ ra bất cập thì Đảng, Nhà nước sẽ xem xét hoàn thiện tốt hơn để đưa công cuộc cổ phần hoá các DNNN ở nước ta, nhất là những doanh nghiệp lớn như các NHTMNN, tiến hành một cách tốt đẹp nhất.
Một là: “Tính chất nhà nước” trong Vietcombank cổ phần
Theo luật Doanh nghiệp hiện hành đã được Quốc hội nước ta thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XI, tại điểm 22 Điều 4 có quy định: “DNNN là doanh nghiệp trong đó Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ”. Sau IPO và chính thức hoạt động theo định chế NHTMCP kể từ đầu tháng 6/2008, Vietcombank cổ phần vẫn còn vốn nhà nước nắm giữ trên 90% vốn điều lệ mới. Với quy định của Luật Doanh nghiệp, Vietcombank vẫn tiếp tục là loại hình NHTMNN? Mà như vậy thì các chủ trương chính sách, cơ chế, chế tài vận hành hoạt động kinh doanh Vietcombank có cần tiếp tục theo những quy định trước đây, hay phải xúc tiến nghiên cứu ban hành mới, phù hợp với tính chất một NHTMCP như bao NHTMCP khác đã và đang hoạt động? Giữa định chế NHTMCP có vốn nhà nước và định chế NHTMNN với 100% vốn nhà nước, phải có gì khác nhau về tính chất chứ. Đây là một vấn đề lý luận và thực tiễn “hơi” khó hiểu!
Ngoài ra, trong một Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hoá Vietcombank, thì lại cho phép Hội đồng Quản trị NHTMCP (có hàm ý cả cơ quan thẩm quyền cao nhất là Đại hội đồng cổ đông Vietcombank) được quyền quyết định áp dụng mô hình quản trị Vietcombank theo thông lệ quốc tế tốt nhất nếu không có xung đột với luật pháp Việt Nam.
Với một định chế NHTMCP (Vietcombank là lớn nhất hiện nay trong hệ thống NHTMCP) lại vừa tuân thủ theo tính chất hoạt động của loại hình DNNN, lại theo thông lệ quốc tế tốt nhất… thì nhiều ý kiến
nhà đầu tư - cổ đông tiềm năng và cả những khách hàng lớn truyền thống của Vietcombank cho là quá “rối rắm”! Họ đề nghị Luật DNNN không nên duy trì quy phạm xác định “Tính chất DNNN” đối với loại hình doanh nghiệp cổ phần có vốn sở hữu nhà nước trong vốn điều lệ, không kể là mức tỷ lệ Nhà nước nắm giữ trên 50% chi phối.
Còn nhã ý cho phép Vietcombank cổ phần áp dụng mô hình quản trị theo thông lệ quốc tế tốt nhất nếu không có xung đột với luật pháp Việt Nam thì ở đây có lẽ không có gì phải bàn; điều này tốt thôi, nhưng đưa vào thực hiện chắc không khỏi lúng túng. Dư luận chung cho rằng, áp dụng thông lệ quốc tế tốt nhất nếu không có xung đột với luật pháp Việt Nam, thiết nghĩ nên cho phép đối với mọi tổ chức NHTMCP khác, không việc gì chỉ áp dụng riêng cho Vietcombank! Người ta có cảm tưởng chế tài nêu trên có vẻ như là “niềm cổ vũ” một danh dự được ban, nhưng vế sau đã có sự khống chế “nhưng không xung đột với luật pháp Việt Nam”, thì xem như không có gì hơn cả.
Mong muốn chung là, bước vào vận hành kinh tế theo định chế NHTMCP Vietcombank cứ tiến hành hoạt động theo chuẩn mực luật pháp Việt Nam và những quy định chung của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện hành như bao NHTMCP khác là tốt lắm rồi! Với chế tài “Tính chất DNNN” như Luật Doanh nghiệp quy định, thì quả là rắc rối cho các nhà quản lý điều hành!
Hai là: Về nguồn vốn thặng dư trong cổ phần hóa
Tại Điều 4, Nghị định số 109/2007/NĐ-CP ngày 26/8/2007 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, có nêu rõ ba cách xử lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hoá:
Thứ nhất: Vốn nhà nước giữ nguyên tại doanh nghiệp; vốn điều lệ tăng thêm do phát hành cổ phần mới cho các nhà đầu tư khác; kể cả các nhà đầu tư nước ngoài. Cổ phần hoá Vietcombank xử lý vốn nhà nước theo cách này.
Thứ hai: Vốn nhà nước được rút một phần khỏi doanh nghiệp; các nhà đầu tư khác mua lại phần vốn này; (đồng thời doanh nghiệp phát hành cổ phiếu tăng thêm vốn điều lệ…).
Thứ ba: Vốn nhà nước rút hoàn toàn 100% khỏi doanh nghiệp; các nhà đầu tư khác mua lại phần vốn này của Nhà nước (đồng thời doanh nghiệp phát hành cổ phiếu tăng thêm vốn điều lệ…).
Nổi lên hai vấn đề có ý nghĩa kinh tế chính trị, đó là việc phân chia thặng dư vốn cổ phần thuộc lợi ích Nhà nước mà dư luận xã hội, nhất là trong giới đầu tư (gồm pháp nhân và cá nhân; trong nước và nước ngoài) đã và đang có những bức xúc.
Nếu vốn nhà nước có tại doanh nghiệp được xử lý rút khỏi doanh nghiệp cổ phần hoá tức Nhà nước chuyển nhượng vốn cổ phần cho các nhà đầu tư khác, thì nguồn vốn thặng dư phát sinh sau khi sử dụng chi phí cho yêu cầu cổ phần hoá; số vốn thặng dư còn lại là thuộc Nhà nước; thì việc rút ra khỏi doanh nghiệp kể cả việc rút ra bằng tiền mặt để phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội… thì đây là điều hợp lý, dư luận xã hội hoàn toàn đồng tình.
Chỉ có đối với nguồn vốn thặng dư phát sinh do phát hành tăng vốn điều lệ, thu hút các nguồn đầu tư mới ngoài xã hội; Nhà nước sử dụng như cách xử lý đối với Vietcombank qua đợt IPO vào cuối năm 2007 nếu Nhà nước rút đi một phần trong số thặng dư phát sinh – Vietcombank được sử dụng là nguồn bổ sung vốn điều lệ phần còn lại…) thì rõ ràng là có điều chưa ổn!.
Có hai bất hợp lý cần làm sáng tỏ:
- Cơ sở nào để Nhà nước rút đi phần thặng dư vốn này theo tỷ lệ áp đặt?
- Và cách rút vốn thặng dư ra khỏi doanh nghiệp cổ phần hoá là chưa phù hợp với thông lệ chung.
Chúng ta biết rằng Nghị định số 109 có quy định phần thặng dư Nhà nước được sử dụng và phần thặng dư để lại doanh nghiệp; nhưng không xác định mức tỷ lệ cụ thể. Ý kiến của đa số các chuyên gia kinh tế, luật pháp về cổ phần hoá thì cho rằng nếu vận dụng thông lệ chung về xử lý nguồn vốn thặng dư cổ phần trong quá trình phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ của các định chế kinh tế cổ phần, thì vốn thặng dư sau khi sử dụng trang trải các chi phí liên quan công việc cổ phần hoá, trước hết cần để lại cho công ty cổ phần toàn bộ số này. Nguồn vốn này thuộc phạm trù vốn bổ sung điều lệ công ty, thuộc lợi ích của mọi cổ đông hiện hữu. Vốn thặng dư cổ phần cũng là nguồn làm tăng thêm năng lực tài chính của bản thân doanh nghiệp cổ phần.
Qua một thời gian được sử dụng hoạt động kinh doanh vì lợi ích chung của công ty, nguồn thặng dư này sẽ được “cổ phần hoá”, tức là được phân chia bằng cổ phiếu cho mọi cổ đông hiện hữu xác định vào ngày chốt danh sách quyền được hưởng số thặng dư này, theo nguyên tắc tỷ lệ vốn sở hữu của từng cổ đông tại công ty cổ phần. Cổ đông Nhà nước cũng được thụ hưởng nguồn thặng dư này một cách minh bạch và công bằng.
Thiết nghĩ, các nguồn vốn thặng dư của Vietcombank cổ phần phát sinh qua đợt IPO vào cuối năm 2007 và các đợt phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ theo lộ trình sắp tới, cần nghiên cứu báo cáo Chính phủ xử lý theo cách trên đây, sẽ đảm bảo tính công khai, minh bạch, công bằng theo thông lệ chung. Nhà nước rút vốn thặng dư này thông qua chuyển nhượng cổ phiếu trên thị trường. Đây vừa là phương châm của quản trị điều hành, cũng vừa là động lực thúc đẩy mọi sự phát triển bền vững trong kinh tế thị trường và hội nhập của nước ta.
Ba là: Chính sách bán cổ phần phát hành lần đầu cho người lao động trong doanh nghiệp theo giá ưu đãi
Nghị định số 109 quy định giá bán ưu đãi cho người lao động bằng 60% giá đấu thành công bình quân do Trung tâm hay Sở giao dịch chứng khoán tổ chức đấu giá cho mọi đối tượng đầu tư tham gia.
Ý kiến dư luận xã hội băn khoăn về mức giá ưu đãi trên; đa số cho là quá cao! Gọi là ưu đãi nhưng đâu có gì ưu đãi; vì so với các định chế – công ty cổ phần hiện hữu tại nước ta, mỗi lần phát hành cổ phần tăng vốn điều lệ, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp cổ phần đó đều được mua một lượng cổ phần nhất định, có phân biệt thời gian và ngạch bậc công tác; với mức giá khá ưu đãi, thường là theo mệnh giá hoặc có nơi cao hơn một chút chỉ từ 1,2 đến 1,5 lần mệnh giá. Đối chiếu với đợt IPO của Vietcombank vào cuối tháng 12/2007, giá đấu bình quân thực tế thu được là 107.572,7 VND/CP; từ đó, giá bán ưu đãi cho cán bộ nhân viên Vietcombank là 64.543,62 VND/CP.
Nhiều người lao động tại Vietcombank đã mua với giá ưu đãi này, đang chờ đợi thị trường chứng khoán phục hồi trở lại; nếu cổ phiếu Vietcombank trên OTC đạt mức trên 65.000/70.000 VND thì nhiều người dự tính sẽ “đẩy” đi để thu lại vốn (mà phần lớn là vốn đi vay mượn!)… Chính vì sự bức xúc của dư luận xã hội xung quanh “giá bán ưu đãi” cho người lao động tại các DNNN cổ phần hoá, nên rất mừng là Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biết và quan tâm chỉ đạo tổ chức chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về cổ phần hoá DNNN. Trong đó, có sự nghiên cứu, giám sát việc bán cổ phần lần đầu tại các doanh nghiệp. Về giá bán cổ phần cho người lao động, báo cáo của Đoàn giám sát tại một cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được thông tin trên báo chí có nêu rằng: “Việc xác định mức giá ưu đãi bằng 60% mức đấu giá bình quân trên sàn giao dịch để bán CP cho người lao động chưa thực sự hợp lý”. Và Đoàn giám sát đề nghị: “Bán cổ phần ưu đãi cho người lao động theo mệnh giá, theo số năm công tác mà họ làm việc cho Nhà nước. Người lao động được hưởng mọi quyền lợi đối với cổ phần được mua ưu đãi, nhưng trừ quyền duy nhất là không được chuyển nhượng, trừ trường hợp người lao động nghỉ hưu hoặc chuyển khỏi doanh nghiệp”1.
Ý kiến trên đây của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chắc chắn sẽ giúp Chính phủ xem xét xác định giá bán ưu đãi cổ phần cho người lao động một cách hợp lý, thoả đáng hơn. Chỉ duy nhất là vấn đề chuyển nhượng số cổ phiếu mua ưu đãi này, Đoàn giám sát của Quốc hội chưa nghe hết sự lý giải từ cơ sở và cả tham khảo ý kiến các nhà quản lý kinh tế nên có sự đề xuất còn cứng nhắc chăng. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu Chính phủ xem xét sửa đổi lại Nghị định số 109 về việc bán cổ phần cho người lao động tại doanh nghiệp cổ phần hoá theo giá ưu đãi, thì nên tách bạch giá bán này theo hai loại:
a) Loại cổ phần thuộc phần vốn nhà nước nhượng bán. Nếu người lao động được phân bổ quyền ưu tiên mua thì mức giá ưu đãi cần do Bộ Tài chính thống nhất quy định trong từng thời kỳ hàng năm, có tính đến giá cả trên thị trường chứng khoán. Mức này có thể lấy trần cao nhất là 30% giá đấu bình quân trên sàn giao dịch chứng khoán.
b) Còn đối với loại cổ phần phát hành thêm để tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp (Như trường hợp IPO của Vietcombank) thì giá bán ưu đãi số cổ phần dành bán cho người lao động chỉ cần do Ban chỉ đạo cổ phần hoá doanh nghiệp xem xét theo tình hình phát hành cụ thể của doanh nghiệp để quyết định, với mức giá trần cao nhất bằng 20% giá đấu bình quân trên sàn giao dịch chứng khoán.
Như vậy, có hai loại mức giá ưu đãi. Loại giá cổ phiếu do vốn nhà nước nhượng bán sẽ cao gấp rưỡi so với loại cổ phiếu do phát hành cổ phần mới để tăng vốn điều lệ thu hút từ các nhà đầu tư khác.
Ngoài lợi ích cho người lao động bằng chính sách bán cổ phiếu theo giá ưu đãi trên đây, áp dụng cơ chế cho phép chuyển nhượng hay cấm chuyển nhượng cũng là vấn đề lợi ích mà người lao động – cổ đông góp phần trực tiếp cho sự tăng tiến của doanh nghiệp hết sức quan tâm. Ở đây, dư luận xã hội có phần chưa đồng tình với ý kiến của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội như nói trên.
Chuyển nhượng, mua bán trao đổi quyền sở hữu hàng hoá là thuộc tính tự nhiên của cơ chế thị trường. Chứng khoán lưu hành cũng vậy. Bản thân chứng khoán thể hiện bằng chứng chỉ hay bút toán ghi sổ trên máy tính điện tử là một loại hàng hoá đồng nhất. Nếu cấm chuyển nhượng loại cổ phiếu người mua đã trả theo giá ưu đãi như trên đây, thì họ sẽ thực hiện việc thoả thuận chuyển nhượng ngầm, không tiến hành thủ tục pháp lý chuyển nhượng! Gắn kết người lao động tại doanh nghiệp nhất là lao động chất xám cao, tay nghề giỏi thì các nhà lãnh đạo điều hành doanh nghiệp chủ yếu thông qua chính sách tiền lương, tiền thưởng và chế độ bảo hiểm xã hội cộng với các điều kiện về tinh thần và môi trường làm việc tiến thân khác nữa để giữ chân người lao động, mà trên thực tế đã và đang có nhiều doanh nghiệp cổ phần tại thương trường nước ta thực thi khá tốt.
Nắm giữ cổ phần tham gia làm chủ sở hữu tại doanh nghiệp chỉ góp một phần tâm lý gắn kết người lao động với doanh nghiệp, nhưng không có ý nghĩa quyết định vì đại bộ phận người lao động chỉ là những cổ đông nhỏ lẻ. Chính Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có nhận định vấn đề sở hữu cổ phần của người lao động để làm xúc tác gắn bó, nâng ý thức làm chủ của họ với doanh nghiệp có tác dụng còn rất hạn chế! Cho nên để phù hợp với Luật Doanh nghiệp, không thể áp dụng chế tài cấm chuyển nhượng hoàn toàn số cổ phần phổ thông mà người lao động được mua với giá ưu đãi chỉ nên áp dụng cơ chế hạn chế chuyển nhượng, theo một lộ trình thời gian với số lượng cổ phiếu được chuyển nhượng dần. Nếu đạt được điều kiện nào đó thì họ được quyền chuyển nhượng tự do. Vấn đề này, cấp quản lý nhà nước cũng không nên can thiệp quy định thành chế tài khuôn mẫu chung cứng nhắc, mà nên để cho từng doanh nghiệp cổ phần thông qua Đại hội đồng cổ đông hay Hội đồng Quản trị công ty tuỳ đặc thù, đối tượng người lao động tại đơn vị, để có quyết sách phù hợp.
Bốn là: Về việc bán cổ phần lần đầu trong cổ phần hoá DNNN
Nghị định số 109 của Chính phủ chỉ quy định những nguyên tắc chế tài việc bán cổ phần lần đầu của doanh nghiệp cổ phần hoá. Đây là hành vi pháp lý mở đầu để doanh nghiệp huy động vốn từ các nhà đầu tư, tạo vốn điều lệ pháp định ban đầu làm cơ sở chuyển đổi DNNN thành công ty cổ phần, thông qua Đại hội đồng cổ đông đầu tiên, tạo dựng nền tảng pháp lý để tiến hành các hoạt động kinh doanh theo định chế tổ chức kinh tế mới là công ty cổ phần, trên cơ sở Điều lệ tổ chức và hoạt động được Đại hội đồng cổ đông thông qua và tiến hành đăng ký kinh doanh theo luật định… Sau khi doanh nghiệp hoạt động với vị thế pháp nhân mới là công ty cổ phần, thì mọi việc phát hành cổ phần để tăng thêm vốn điều lệ sẽ không còn mang ý nghĩa của việc bán cổ phần lần đầu nữa. Khác nhau là ở chỗ bán cổ phần lần đầu nằm trong lộ trình cổ phần hoá do Ban Chỉ đạo cổ phần hoá DNNN nghiên cứu xác lập và cơ quan thẩm quyền quyết định cổ phần hoá doanh nghiệp phê duyệt. Còn việc bán cổ phần tăng vốn sau này với tư cách là một doanh nghiệp cổ phần, thì quyền quyết định là do Đại hội đồng cổ đông công ty đảm trách trong khuôn khổ pháp luật chung.
Đối chiếu với phương án cổ phần hoá Vietcombank đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1289/QĐ-TTg ngày 26/9/2007, trong đó có nêu lộ trình phát hành tăng vốn điều lệ gồm hai giai đoạn, bằng nhiều đợt với mục tiêu xác định là vốn nhà nước vẫn giữ nguyên tại Vietcombank, nhưng tỷ lệ nắm giữ thì giảm dần đến mức còn trên 51% trong vốn điều lệ Vietcombank.
Chúng ta biết rằng sau khi IPO vào cuối tháng 12/2007 bằng việc bán cổ phần tăng vốn cho hai loại đối tượng:
“- Cổ phần bán đấu giá công khai trong nước: 6,5% vốn điều lệ;
- Và cổ phần bán theo giá ưu đãi cho cán bộ công nhân viên và chuyển đổi cho các trái chủ nắm giữ trái phiếu tăng vốn Vietcombank 2005 không quá 3,5% vốn điều lệ”2.
Từ tháng 6/2008, Vietcombank đã chuyển đổi thành NHTMCP, sau khi đã tiến hành kỳ họp đầu tiên của Đại hội đồng cổ đông Vietcombank vào ngày 26/4/2008.
Nếu chấp chính đúng theo Luật Doanh nghiệp, thì từ sau ngày 02/6/2008, mọi việc phát hành tăng vốn của Vietcombank đều phải do Đại hội đồng cổ đông quyết định. Trong đó, có chế tài lợi ích quan trọng của cổ đông là “Được ưu tiên mua cổ phần mới chào bán tương ứng với tỷ lệ cổ phần phổ thông của từng cổ đông trong công ty” (Điều 79 Luật Doanh nghiệp – Khoản C, Điểm 1). Để thực hiện đúng luật pháp về việc chào bán cổ phần tăng vốn, vấn đề đặt ra là Hội đồng Quản trị Vietcombank phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh phương án phát hành cổ phần tăng vốn điều lệ Vietcombank theo các tỷ lệ vốn phát hành cổ phần cho các đối tượng chưa thực hiện; với việc điều chỉnh mới đảm bảo rằng quyền được mua cổ phần theo giá ưu đãi với một tỷ lệ % trong từng đợt phát hành cổ đông hiện hữu của Vietcombank phải được quan tâm đầu tiên.
Đó là chưa kể nội dung các vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông Vietcombank quyết định theo đúng luật pháp hiện hành; mà sự quyết định đó có phần nào khác với phương án cổ phần hoá Vietcombank do Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, trong đó đáng chú ý các nội dung sau đây:
- Tỷ lệ bán cổ phần cho các nhà đầu tư – cổ đông chiến lược trong nước và nước ngoài đi cùng với nó là giá bán.
- Vấn đề niêm yết cổ phần Vietcombank trên thị trường chứng khoán Việt Nam hay thị trường chứng khoán nước ngoài.
Hy vọng những vấn đề đặt ra trên đây trong cổ phần hoá Vietcombank, có thể giúp rút kinh nghiệm cho công cuộc cổ phần hoá các doanh nghiệp kinh tế lớn của Nhà nước đang được xúc tiến trong các năm tới, nhất là đối với các NHTMNN khác. (1) Xem báo Thanh Niên số 235 (4626) ngày 22/8/2008 (Xuân Toàn). (2) Xem “Định hướng hoạt động trong thời gian tới kế hoạch kinh doanh năm 2008” do Vietcombank phát hành.
Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central Fied , Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"