VĂN HÓA – NHÂN TỐ TẠO SỰ SỰ KHÁC BIỆT CHO CÁC DOANH NGHIỆP

Trong vòng một thập kỷ trở lại đây, “văn hoá doanh nghiệp” (VHDN) không còn là một cụm từ xa lạ đối với đa số các doanh nghiệp (DN) và công chúng. Nhiều DN đã không ngần ngại đầu tư dưới nhiều phương diện nhằm định dạng và phát triển một hình ảnh văn hoá mang dấu ấn riêng cho DN của mình. “Tạo sự khác biệt” là một triết lý trong kinh doanh (KD) nhằm cải thiện hình ảnh của DN trước con mắt của xã hội, cộng đồng và giới người tiêu dùng. Nhân tố quan trọng nhất để tạo sự khác biệt đó chính là các giá trị văn hoá được tạo dựng, được kết tinh, được nhận diện và được quảng bá một cách bền bỉ. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng thấu hiểu tường tận khái niệm và nội hàm của giá trị VHDN mà mình đang sở hữu. Trong đời sống hàng ngày, “văn hoá” là một trong những cụm từ thông dụng nhất, luôn tồn tại sẵn trong tiềm thức của mỗi người. Vì vậy theo logic, văn hoá phải là một khái niệm hết sức đơn giản, hiển nhiên. Thực tế hoàn toàn ngược lại, văn hoá là một khái niệm hết sức phức tạp, hàm chứa nhiều nội dung, khía cạnh và cách biểu hiện rộng hẹp khác nhau. Theo Tây Phương, văn hoá (Culture) có gốc từ chữ Latinh – cultus dùng trong lĩnh vực xã hội có nghĩa là sự giáo dục, đào tạo, phát triển các khả năng của con người. Ở Phương Đông, trong tiếng Hán cổ, từ văn hóa bao hàm ý nghĩa "văn” là vẻ đẹp của nhân tính, cái đẹp của tri thức, trí tuệ con người có thể đạt được bằng sự tu dưỡng của bản thân và cách thức cai trị đúng đắn của nhà cầm quyền. Còn chữ "hóa” là đem cái văn (cái đẹp, cái tốt, cái đúng) để cảm hóa, giáo dục và hiện thực hóa trong thực tiễn, đời sống. Như vậy, văn hóa trong  từ nguyên của cả phương Đông và phương Tây đều có một nghĩa chung căn bản là sự giáo hóa, vun trồng nhân cách con người (bao gồm cá nhân, cộng đồng và xã hội loài người), cũng có nghĩa là làm cho con người và cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Nói đến văn hóa là nói đến con người – nói tới những đặc trưng riêng chỉ có ở loài người, nói tới việc phát huy những năng lực và bản chất của con người nhằm hoàn thiện nhân cách. Có thể nói, văn hoá là đặc trưng “bản chất người” của cá nhân và cộng đồng. Văn hóa có mặt trong tất cả các hoạt động của con người dù đó chỉ là những suy tư thầm kín, những cách giao tiếp ứng xử cho đến những hoạt động kinh tế, chính trị và xã hội. Hoạt động văn hóa là hoạt động sản xuất ra các giá trị vật chất và tinh thần nhằm giáo dục con người khát vọng hướng tới chân – thiện – mỹ và khả năng sáng tạo chân – thiện – mỹ trong đời sống.   Theo UNESCO “Văn hóa là một phức thể, tổng thể các đặc trưng, diện mạo về tinh thần, vật chất, tri thức, linh cảm… khắc họa nên bản sắc của một cộng đồng gia đình, xóm làng quốc gia, xã hội… Văn hóa không chỉ bao gồm nghệ thuật, văn chương mà cả những lối sống, những quyền cơ bản của con người, những hệ giá trị, những truyền thống, tín ngưỡng…” Chủ tịch Hồ Chí Minh có cách diễn đạt giản dị hơn: "Vì lẽ sinh tồn cũng như vì mục đích cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương tiện, phương thức sử dụng toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống, và đòi hỏi của sự sinh tồn”. Như vậy, có thể nói, văn hoá là một khái niệm phức hợp phản ánh trình độ văn minh, chỉ số tinh hoa và cấp độ phát triển của một xã hội, một cộng đồng hoặc của một tổ chức. Văn hoá không chỉ giới hạn ở những biểu hiện bề ngoài như hành vi ứng xử, phương thức giao tiếp, lối sống thẩm mỹ… mà nó còn là những gì vượt lên trên những giao thức trực diện đó. Văn hoá là sự kết tinh các giá trị vật chất và tinh thần thể hiện thông qua tư tưởng, triết lý, tầm nhìn, nhân sinh quan và thế giới quan, xuyên suốt thời gian, xâu chuỗi không gian. Vì vậy, văn hoá không dễ dàng có thể sinh ra hoặc mất đi một sớm một chiều, càng không thể chỉ có thể xây dựng thông qua những biểu hiện trực giác bề ngoài mà cần phải có quá trình tích luỹ, gây dựng, kế thừa, giao thoa, đào thải, chọn lọc từ những tương tác phức tạp, đa chiều bên trong và bên ngoài tổ chức. Ngoài những giá trị vật chất do con người sáng tạo ra, bộ phận chủ yếu cấu thành các văn hoá đó là các giá trị tinh thần. Các giá trị tinh thần gồm hệ thống kiến thức được tích luỹ từ và phát triển từ đời này qua đời khác; là các phong tục, tập quán, hành vi, lối sống, thói quen, chuẩn mực, giá trị, ngôn ngữ, thẩm mỹ, tôn giáo, tín ngưỡng, cách thức tổ chức… Vì thế, văn hoá có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự tồn vong của một dân tộc, một cộng đồng, một tổ chức. Điều đó cắt nghĩa tại sao trong đường lối phát triển kinh tế – xã hội, Đảng ta luôn coi trọng việc xây dựng và phát triểnnền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển. DN là một xã hội thu nhỏ hình thành bởi sự liên kết giữa các thành viên hoạt động theo một tôn chỉ mục đích và lợi ích chung tương đối độc lập so với DN, tổ chức, cá nhân khác. Vì vậy, VHDN tất yếu sẽ được hình thành và phát triển như một yếu tố đặc trưng của DN đó trong quá trình KD. Chỉ từ những năm 90 của thế kỷ trước, người ta mới bắt đầu chú ý và đi sâu nghiên cứu những nhân tố cấu thành cũng như những tác động to lớn của văn hoá đối với sự phát triển của DN. Cũng như khái niệm văn hoá, thực tế tồn tại nhiều khái niệm VHDN. Tuy nhiên, theo cách hiểu thông thường nhất, VHDN được coi là “một hệ thống các ý nghĩa, giá trị, niềm tin chủ đạo, cách nhận thức và phương pháp tư duy được mọi thành viên trong DN cùng đồng thuận và có ảnh hưởng ở phạm vi rộng đến cách thức hành động của từng thành viên trong hoạt động KD, tạo nên bản sắc KD của DN đó”. Xét theo quá trình phát triển, VHDN có thể chia thành 3 cấp độ. Cấp độ 1biểu hiện thông qua cấu trúc hữu hình của DN. Bao gồm tất cả những hiện tượng và sự vật mà một người có thể nhìn, nghe và cảm nhận khi tiếp xúc với một tổ chức và các thành viên của tổ chức đó như: Kiến trúc, cách bài trí, công nghệ, sản phẩm; Cơ cấu tổ chức, các phòng ban của DN; Các văn bản quy định nguyên tắc hoạt động của DN; Lễ nghi và lễ hội hàng năm; Các biểu tượng, logo, khẩu hiệu, tài liệu quảng cáo của DN; Ngôn ngữ, cách ăn mặc, phương tiện đi lại, chức danh, cách biểu lộ cảm xúc, hành vi ứng xử thường thấy của các thành viên và các nhóm làm việc trong DN; Truyền thống lịch sử của tổ chức; Hình thức mẫu mã của sản phẩm; Thái độ và cung cách ứng xử của các thành viên DN… Đây là cấp độ văn hóa có thể nhận thấy ngay trong lần tiếp xúc đầu tiên, nhất là với những yếu tố vật chất như: kiến trúc, bài trí, đồng phục… Cấp độ văn hóa này có đặc điểm chung là ảnh hưởng nhiều của tính chất công việc KD, quan điểm của người lãnh đạo… Tuy dễ nhận biết nhưng cấp độ văn hóa này thường chưa thể hiện hết những giá trị văn hóa thực sự của DN. Cấp độ 2Những giá trị được tuyên bố (bao gồm sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi và triết lý KD của DN) Các DN có vị thế trên thị trường thường có những tuyên bố rất rõ ràng về sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi và triết lý KD như một thông điệp gửi tới xã hội, công chúng và đối thủ cạnh tranh. Thông điệp có tính chất tuyên ngôn này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc định hướng niềm tin của công chúng cũng như của chính các thành viên của tổ chức đó, đồng thời cũng là định hướng phát triển dài hạn của DN. Vì vậy, đây phải là những tuyên bố có tính chất khẳng định được xây dựng dựa trên thực lực và các giá trị sẵn có hoặc các chuẩn mực đang được theo đuổi. Nó là bộ phận “văn hoá tinh thần”, “văn hoá tư tưởng”, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của cán bộ và nhân viên của DN. Do đó, việc xác định đúng sứ mệnh, tầm nhìn; nhận diện đúng giá trị cốt lõi và triết ký KD có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc xây dựng bản sắc văn hoá riêng của DN. Những giá trị được tuyên bố nói trên cũng có thể được hữu hình hoá vì người ta có thể nhận diện và diễn đạt chúng một cách rõ ràng, chính xác trên các tài liệu chính thức. Chúng thực hiện chức năng định hướng hành vi cho các thành viên trong DN theo một mục tiêu chung. Cấp độ 3Những quan niệm chung (những ý nghĩa niềm tin, nhận thức, suy nghĩ và tình cảm có tính vô thức, mặc nhiên được công nhận trong DN) Trong bất cứ phạm vi văn hóa nào (văn hóa dân tộc, văn hóa KD, VHDN…) cũng đều có các quan niệm chung, được hình thành và tồn tại trong một thời gian dài, chúng ăn sâu vào tâm lý của hầu hết các thành viên trong nền văn hóa đó và trở thành điều mặc nhiên được công nhận. Để hình thành được các quan niệm chung, phải trải qua quá trình hoạt động lâu dài, va chạm và xử lý nhiều tình huống thực tiễn. Chính vì vậy, một khi đã hình thành, các quan niệm chung sẽ rất khó bị thay đổi. Khi đã hình thành được quan niệm chung, tức là các thành viên cùng nhau chia sẻ và hoạt động theo đúng quan niệm chung đó, họ sẽ rất khó chấp nhận những hành vi đi ngược lại. Ví dụ, cùng một vấn đề trả lương cho người lao động, các công ty Mỹ và nhiều nước Châu Âu thường có chung quan niệm trả theo năng lực. Một người lao động trẻ mới vào nghề có thể nhận được mức lương rất cao, nếu họ thực sự có tài. Trong khi đó, nhiều DN Châu Á lại chia sẻ quan niệm trả lương tăng dần theo thâm niên cống hiến cho DN… VHDN ở cấp độ 3 thường là những giá trị bất thành văn và đương nhiên được công nhận. Có những giá trị mà người ngoài tổ chức rất khó thấy, khó cảm nhận. Người trong tổ chức biết rất rõ nhưng khó lý giải và khó diễn đạt thành lời. Mọi suy nghĩ, hành động của người trong tổ chức đều hướng theo những giá trị chung được công nhận đó đôi khi là vô thức, mặc nhiên và không cần lý giải. Đây chính là giá trị đỉnh cao của VHDN khi mọi chuẩn mực, quy tắc của tổ chức đã đi vào tiềm thức và trở thành ý thức tự giác của mọi thành viên trong tổ chức đó. Như vậy, có thể nói VHDN là những giá trị được chiết xuất từ mọi hành vi của con người trên tất cả các mặt hoạt động diễn ra trong quá trình hoạt động KD, được kế thừa, phát triển, quảng bá trong và ngoài tổ chức. VHDN không chỉ dừng lại ở những biểu hiện bên ngoài có thể cảm nhận bằng trực giác. Giá trị VHDN thực sự nằm ở những giá trị, quan niệm chung được tuyên bố hoặc không tuyên bố kết tinh trong triết lý, tư tưởng, tầm nhìn… mới thực sự hình thành bản sắc văn hoá đặc trưng của DN và chính là cái tạo nên sức mạnh tiềm ẩn đối với tương lai phát triển của bản thân DN đó./.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật