VĂN HOÁ KINH DOANH VIỆT NAM TRÊN ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN VÀ HỘI NHẬP

NGUYỄN HOÀNG ÁNH Nếu văn hoá là nền tảng tinh thần đảm bảo sự phát triển bền vững của xã hội, thì văn hoá kinh doanh (VHKD) chính là nền tảng tinh thần, là linh hồn cho hoạt động kinh doanh của một quốc gia. Trong xu thế toàn cầu hoá kinh tế như hiện nay, muốn đảm bảo sự phát triển bền vững cho hoạt động kinh doanh của quốc gia, hơn lúc nào hết, chúng ta cần có sự tìm hiểu và nghiên cứu thấu đáo về lĩnh vực này, để có thể góp phần định hướng đúng đắn cho kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Từ thập kỷ 60 của thế kỷ XX, các nhà nghiên cứu đã bắt đầu quan tâm đến vai trò của văn hoá trong kinh doanh. Có nhiều cách hiểu khác nhau về VHKD, chủ yếu tập trung hai xu hướng: xu hướng thứ nhất, coi chủ thể của VHKD chính là các doanh nghiệp, do đó VHKD là văn hoá doanh nghiệp (corporate culture) hay còn gọi là văn hoá tổ chức (organizational culture). Xu hướng thứ hai, đang ngày càng phổ biến hơn khi coi kinh doanh là hoạt động có liên quan đến mọi thành viên trong xã hội, nên VHKD là một phạm trù ở tầm cỡ quốc gia, còn văn hoá doanh nghiệp chỉ là một thành phần trong VHKD. Qua xem xét, nghiên cứu các định nghĩa về VHKD của một số nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, trong khuôn khổ bài viết này, xin đưa ra định nghĩa: "VHKD là sự thể hiện phong cách kinh doanh của một dân tộc. Nó bao gồm các nhân tố rút ra từ văn hoá dân tộc, được các thành viên trong xã hội vận dụng vào hoạt động kinh doanh của mình và cả những giá trị, triết lý… mà các thành viên này tạo ra trong quá trình kinh doanh". Định nghĩa này tương đối bao quát và rõ ràng, theo đó, văn hoá tổ chức hay văn hoá doanh nghiệp sẽ chỉ được nghiên cứu với tư cách là một thành phần trong VHKD của một quốc gia. Nhận diện VHKD cổ truyền Việt Nam Trong suốt lịch sử phát triển của nước ta, hoạt động kinh tế phổ biến là sản xuất nông nghiệp tự cung, tự cấp. Trong thời kỳ phong kiến, tư tưởng "trọng nông ức thương" rất phổ biến, chính vì vậy mà rất ít người giỏi về kinh doanh. Lương Văn Can, một nhà cách mạng, đồng thời là một người thầy lỗi lạc trong giới doanh thương Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX, khi phân tích nguyên nhân không phát triển của thương mại nói riêng và của kinh tế Việt Nam nói chung, đã đưa ra 10 điểm. Đó là:   1) Người mình không có thương phẩm, tức là sản xuất kém, ít hàng hoá có uy tín; 2) Không có thương hội, tức là không biết liên kết với nhau trong kinh doanh; 3) Không có tín thực, tức là không biết giữ chữ tín; 4) Không có kiên tâm, ít theo đuổi một việc gì đến cùng; 5) Không có nghị lực, dễ làm khó bỏ; 6) Không biết trọng nghề, do chỉ chú trọng vào nghề nông, bỏ qua việc tìm hiểu và nâng cao các nghề khác; 7) Không có thương học, tức là không có kiến thức về kinh doanh; 8) Kém đường giao thiệp, do xã hội Việt Nam luôn đóng cửa với thế giới bên ngoài nên hễ ra ngoài là dễ bị lạc lõng, không hoà nhập được; 9) Không biết tiết kiệm, người Việt Nam tuy nghèo nhưng không biết tận dụng những thứ mình có, thường hoang phí; 10) Khinh nội hoá với tâm lý chung là sính hàng ngoại. Như vậy, trong VHKD cổ truyền của chúng ta, yếu tố tích cực, phù hợp với kinh doanh có phần ít hơn những yếu tố tiêu cực. Nhận diện chính xác những yếu tố này sẽ giúp chúng ta lý giải được phần nào những hạn chế của nền kinh tế Việt Nam trong những giai đoạn tiếp sau. VHKD Việt Nam trước thời kỳ đổi mới Dưới thời Pháp thuộc: sự giao lưu với văn hoá Pháp đã để lại một dấu ấn sâu đậm cho VHKD Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, kinh doanh trở thành một ngành độc lập, không phụ thuộc vào nông nghiệp. Các ngành sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp đều phát triển hơn thời kỳ trước. Sự thành công bước đầu của một số nhà kinh doanh người Việt, cùng với việc tiếp thu những tư tưởng mới, đã cải thiện đáng kể hình ảnh doanh nhân và nghề kinh doanh trong con mắt người Việt. Thời kỳ này đã xuất hiện một tầng lớp tư sản dân tộc, giành lại được độc quyền thương mại từ tay tư sản nước ngoài và bắt đầu gây dựng lòng tự hào được làm nhà kinh doanh. Thương mại và ngoại thương đều phát triển nhanh chóng. Đặc biệt, theo học giả Đào Duy Anh, ngay từ những năm 30 của thế kỷ XX, Việt Nam, dưới tên là xứ Đông Pháp, đã đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo, chỉ sau Mianma. Giai đoạn 1954-1986: trong giai đoạn 1954-1975, Việt Nam bị phân chia thành hai miền: miền Bắc được giải phóng khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp, tiến lên xây dựng CNXH, còn miền Nam bị chiếm đóng, thay đổi theo chế độ thực dân mới của Mỹ. Do sự khác biệt này mà VHKD ở miền Bắc và miền Nam cũng phát triển theo những chiều hướng khác nhau. VHKD miền Bắc mang đặc tính của VHKD XHCN, coi trọng công bằng xã hội nhưng không coi trọng hiệu quả, tiêm nhiễm bệnh chủ quan, duy ý chí, cơ chế quản lý cồng kềnh, mang nặng tính quan liêu, coi rẻ kinh doanh và thương nhân… ở miền Nam, qua giao lưu với văn hoá Mỹ, VHKD nơi đây tiếp thu được một số kiến thức, yếu tố cần thiết cho kinh tế thị trường như cơ sở hạ tầng, công nghệ, kiến thức kinh doanh hiện đại, tác phong làm việc công nghiệp… nhưng cũng tiêm nhiễm tâm lý vọng ngoại khá nặng nề, nhất là tôn sùng những gì của Mỹ, cùng một số thói xấu khác như chủ nghĩa thực dụng, lối sống gấp, thích hưởng thụ, xa rời bản sắc dân tộc… Sau năm 1975, đất nước thống nhất, hai miền Nam, Bắc cùng bước vào con đường xây dựng CNXH, hai nền VHKD dần hoà hợp với nhau, trở thành một nền VHKD thống nhất trong toàn quốc nhưng vẫn bảo tồn một số khác biệt giữa hai miền. Nền VHKD này tuy có bổ sung cho VHKD cổ truyền một số ưu điểm như: coi trọng công bằng xã hội, nâng cao vị thế cho phụ nữ, có tinh thần vượt khó vươn lên… nhưng lại làm tăng lên một số yếu tố tiêu cực cho kinh doanh như: tâm lý coi rẻ nghề buôn nói chung và kinh doanh nói riêng, tính chủ quan duy ý chí, cơ chế tổ chức quan liêu, thiếu hiệu quả, tính cứng nhắc, kém năng động với thị trường… Đây là một trở ngại khá nặng nề cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và các nhà kinh doanh Việt Nam nói riêng khi bước vào cơ chế thị trường. VHKD Việt Nam thời kỳ đổi mới Thời kỳ đổi mới đã mang lại một luồng sinh khí mới cho hoạt động kinh doanh và đã làm thay đổi cơ bản VHKD Việt Nam. Ảnh hưởng của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế đến VHKD Việt Nam có thể xem xét theo hai hướng: Những tác động tích cực Vai trò của kinh doanh nói chung và doanh nhân nói riêng đã được cải thiện đáng kể trong con mắt xã hội. Trong cuộc điều tra xã hội học ở thành phố Hồ Chí Minh tháng 5.2003, số người được hỏi đã cho rằng, "Kinh doanh là một nghề có ích cho xã hội" chiếm 94%, "Người biết làm giàu là người đáng quý trọng" chiếm 74%. Việc nhiều người có bằng cấp cao, thậm chí từng làm cán bộ quản lý trong cơ quan nhà nước vẫn chọn nghề kinh doanh, chứng tỏ xã hội đã thừa nhận tầm quan trọng của nghề này. Đây là một chuyển biến đáng kể so với quan niệm truyền thống "nhất sĩ, nhì nông" của Việt Nam. Trình độ chung của doanh nhân cũng được cải thiện đáng kể. Theo kết quả điều tra của đề tài KX.07.14 thì số giám đốc có trình độ đại học chiếm 77%. Không chỉ những người có học hành mới bắt tay vào kinh doanh, mà ngay cả những người đang là doanh nhân cũng mong muốn được học hỏi, nâng cao trình độ của mình. Điều này chứng tỏ doanh nhân hiện nay đã ý thức được tầm quan trọng của kiến thức khi tiến hành kinh doanh, nhất là trong thời buổi mở cửa và hội nhập. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng được trẻ hoá, phần lớn đang ở độ tuổi sung sức. Theo kết quả điều tra của nhóm tác giả Trường Đại học Ngoại thương tiến hành trong hai năm 1999 và 2000, số người tiến hành đàm phán (bao gồm các giám đốc và trưởng phòng kinh doanh) ở độ tuổi 40-50 chiếm tới 63,06%; dưới 40 tuổi là 25,23% và chỉ có 11,71% ở độ tuổi trên 50. Động cơ kinh doanh và nhận thức của doanh nhân đã được cải thiện đáng kể. Kết quả nghiên cứu về tinh thần kinh doanh do Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương phối hợp với tổ chức JICA (Nhật Bản) tiến hành trong khuôn khổ dự án Ishikawa năm 2000 đã thể hiện rõ điều này. Khi được hỏi về động cơ kinh doanh, 41,4% số doanh nhân trả lời là "muốn làm gì có ích cho xã hội"; 27,3% trả lời là do "muốn tự quyết định công việc của mình"; 13,5% là do "muốn phát huy tối đa khả năng của mình"; 16,4% do "muốn tiếp tục công việc của gia đình hiện nay"; 9,7% do "muốn kiếm nhiều tiền hơn"; 5,1% do "công việc trước đây không thích hợp" và 1,3% do "không có việc làm". Những con số này cho thấy doanh nhân Việt Nam có trách nhiệm và ý thức xã hội khá cao. Điều này khẳng định rằng, doanh nghiệp kinh doanh không chỉ vì mục đích cá nhân, mặc dù động cơ này hoàn toàn là chính đáng. Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đã góp phần làm hoạt động kinh doanh ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Nhiều loại hình kinh doanh mới ra đời như các xí nghiệp liên doanh với nước ngoài, các hình thức kinh doanh quốc tế. Lợi nhuận thu được từ kinh doanh cũng tăng lên, góp phần khẳng định và nâng cao vai trò của kinh doanh nói chung và doanh nhân nói riêng trong xã hội Việt Nam. Tiến trình hội nhập đã mở cửa cho nền kinh tế Việt Nam hội nhập cùng nền kinh tế thế giới, môi trường kinh doanh được mở rộng, sôi động, đã tạo điều kiện cho các doanh nhân Việt Nam có cơ hội phát huy hết khả năng của mình, nâng cao trình độ kinh doanh phù hợp với yêu cầu của thị trường. Các doanh nhân Việt Nam được tiếp xúc với các kỹ năng hoàn toàn mới như marketing, xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ… làm phong phú thêm cho kho tàng kiến thức về kinh doanh của người Việt Nam. Quá trình cọ xát với thị trường quốc tế đã khơi dậy lòng tự hào dân tộc của người Việt Nam, giúp các doanh nhân Việt Nam xích lại gần nhau, khiến họ kinh doanh không chỉ vì lợi nhuận mà còn để tôn vinh Việt Nam trên thị trường quốc tế. Các công ty của Việt Nam có thương hiệu nổi tiếng ở nước ngoài như Trung nguyên, Legamex, Vinataba… đều khẳng định: mục đích bảo vệ thương hiệu của họ không phải chỉ để thu được lợi nhuận, mà còn để bảo vệ uy tín của dân tộc. Những tác động tiêu cực Tác động tiêu cực lớn nhất của cơ chế thị trường đến VHKD Việt Nam chính là sự chao đảo về các hệ thống giá trị trong mỗi con người Việt Nam nói riêng và xã hội Việt Nam nói chung. Việt Nam vốn là một nước có nền văn hoá nông nghiệp, trọng tĩnh, với hệ thống các giá trị thiên về tinh thần hơn là vật chất, như thích hoà hiếu, trọng tình, ham danh hơn ham lợi, trọng thể diện… Những yếu tố này, một mặt cản trở sự phát triển kinh tế của đất nước, mặt khác lại giúp cho tôn ti, trật tự trong xã hội được bảo đảm, các giá trị đạo đức ít bị xáo trộn. Khi bước vào cơ chế thị trường, hoạt động kinh doanh được Nhà nước khuyến khích, một số thương nhân giàu lên nhanh chóng. Ngày càng có nhiều người trẻ tuổi thành công trên thương trường. Thực tế này đã làm đảo lộn những quan niệm truyền thống, tôn ti, trật tự cũng không còn được coi trọng như trước vì kinh nghiệm của lớp người đi trước bị cho là không còn phù hợp với hoàn cảnh mới. Sự khủng hoảng này là tất yếu khi chúng ta từ mô hình kinh tế nông nghiệp, tự cung, tự cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, điều đáng nói là, trong khi những giá trị tinh thần cũ bị chê bỏ, thì chưa có những giá trị tinh thần mới để lấp vào chỗ trống đó. Vì thế, trong xã hội, điều tốt và điều xấu nhiều khi lẫn lộn, con người Việt Nam bị chao đảo, thiếu chuẩn mực để hướng tới. Điều này cũng ảnh hưởng nhiều đến VHKD Việt Nam. Xuất phát từ thực tế là nhiều doanh nghiệp thành công không phải bằng con đường làm ăn chân chính, đã làm một số doanh nhân mất lòng tin, mặt khác, môi trường kinh doanh của Việt Nam chưa ổn định, chưa ủng hộ những doanh nhân làm ăn nghiêm chỉnh. Điều này nảy sinh tư tưởng làm ăn gian dối, đánh quả, chụp giật… trong các doanh nhân, thậm chí còn có quan niệm rằng, ở Việt Nam chỉ có làm ăn lắt léo mới có thể trụ được trên thương trường. Cách nghĩ như vậy, về lâu dài sẽ ảnh hưởng nguy hiểm đến nền tảng đạo đức xã hội và hình ảnh của đất nước Việt Nam trên trường quốc tế. Các nhà nghiên cứu đều nhất trí rằng, văn hoá Việt Nam khá ôn hoà. Chúng ta không quá khắt khe về tôn giáo như người Trung Đông, không có kỷ luật để khép mình vào tập thể như người Nhật Bản, không quá lệ thuộc vào gia đình, dòng họ như người Italia, không tự hào về chủng tộc như người Hoa… Tính chất này giúp con người Việt Nam có tính khoan dung, mềm dẻo, dễ hoà đồng, nhưng cũng làm chúng ta dễ chao đảo, không có điểm tựa vững chắc về tinh thần. Số liệu điều tra cho thấy, phần lớn doanh nhân Việt Nam kinh doanh không bắt nguồn từ truyền thống gia đình, lại xuất thân từ những gia đình nghèo, không được đào tạo cơ bản, nên có nhiều hạn chế về kiến thức và trình độ. Thực tế này cộng với nền tảng tinh thần không ổn định đã làm nhiều doanh nhân có tham vọng không giới hạn trong việc làm giàu và tích luỹ tư bản. Những vụ án kinh tế gần đây như Lã Thị Kim Oanh, Nguyễn Thị Bé Tư, vụ công ty Đông Nam Associates…, đã cho thấy khi quyền lực, cơ hội được đặt vào tay những con người hạn chế về trình độ và tư cách đạo đức, thì có thể làm nảy sinh những tham vọng tội lỗi vô hạn đến như thế nào. Đành rằng, trong kinh doanh, lợi nhuận là mục đích chính, nhưng việc mưu cầu lợi nhuận đến mức bất chấp đạo lý, luật pháp, quá táo tợn như vậy quả là một tiếng chuông cảnh báo về tình trạng VHKD của Việt Nam. Xuất thân từ nền kinh tế tiểu nông, con người Việt Nam thường có tầm nhìn thấp, ngắn hạn, hay thay đổi và muốn đi đường tắt, thay vì kiên nhẫn chờ đợi kết quả lâu dài. Vì vậy, theo nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài, bối cảnh và môi trường kinh tế Việt Nam thuộc loại "xã hội thiếu chữ tín" (low trust society). Trong bối cảnh kinh tế thị trường, khi các mối quan hệ được mở rộng, điểm yếu này càng có nguy cơ bộc lộ rõ ràng, thể hiện ở tầm vĩ mô là việc các chính sách của Chính phủ thường hay thay đổi, và khi thay đổi lại không cần tính đến quyền lợi của những người có liên quan. Còn ở tầm vi mô, theo nhiều nhà kinh doanh nước ngoài, các nhà kinh doanh Việt Nam không coi trọng chữ tín, hay viện dẫn các lý do khách quan để khước từ việc thực hiện cam kết, gây nhiều phiền toái trong quan hệ với các đối tác nước ngoài. Chừng nào các nhà quản lý và doanh nhân Việt Nam còn chưa nhận ra tầm quan trọng của chữ tín trong mọi mối quan hệ, thì chúng ta còn khó lấy được niềm tin của đối tác. Thậm chí, về lâu dài, sẽ có ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của Việt Nam trên thị trường thế giới. Một số người Việt Nam không có bản lĩnh "văn hoá" vững vàng, sa vào trạng thái choáng ngợp trước những thành tựu kinh tế của phương Tây, trở nên sùng ngoại quá đáng, phủ nhận tất cả những giá trị cổ truyền của dân tộc. Những người này phần đông là giới thanh niên làm việc cho các công ty nước ngoài và những người kinh doanh bằng viện trợ của thân nhân từ nước ngoài gửi về. Việc đánh mất bản sắc văn hoá dân tộc mình đã làm họ rập theo khuôn mẫu phương Tây trong mọi hành vi. Thật ra, văn hoá không phải là "đồ ăn nhanh", để có thể học theo trong một sớm một chiều, mà cần trải qua nhiều thế hệ. Văn hoá cũng giống như tảng băng trôi, mà một người từ nền văn hoá khác chỉ có thể nhận biết được phần nổi (phần nhỏ nhất), chứ chưa thể ý thức được phần chìm dưới nước (phần quyết định), được tích tụ qua nhiều thế hệ và đã ăn sâu vào ý thức hệ của mỗi thành viên trong nền văn hoá đó. Chính vì vậy, việc bắt chước thiếu chọn lọc của một nhóm doanh nhân Việt Nam chỉ làm nghèo đi đời sống tinh thần của họ và làm yếu đi bản sắc dân tộc trong VHKD Việt Nam. Sự sùng ngoại quá đáng đó còn làm giảm sút uy tín của doanh nhân Việt Nam trong con mắt của những đối tác nước ngoài, vì họ đã từ bỏ bản chất thật của mình để trở thành đồ giả trong con mắt người ngoại quốc. Một số khác, trong đó có cả các nhà quản lý, vẫn giữ tư tưởng bảo thủ, hoặc vì không có điều kiện, hay vì không muốn thay đổi, nên đã trở thành lạc hậu với bên ngoài. Thiếu những kiến thức và kỹ năng cần thiết trong thời kỳ đổi mới, họ dễ bị thua lỗ, bộc lộ nhiều sai sót trong kinh doanh với các đối tác nước ngoài. Những người này, đã góp phần làm VHKD Việt Nam kém năng động, chậm hoà đồng trong tiến trình hội nhập, ảnh hưởng đến hình ảnh Việt Nam trên thương trường quốc tế. Nền kinh tế thị trường và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam mới chỉ bắt đầu, VHKD Việt Nam đang đứng trước những thuận lợi cũng như thử thách to lớn trên bước đường phát triển sắp tới. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần nhận thức rõ những mặt mạnh và yếu trong VHKD Việt Nam, từ đó phát huy những mặt tích cực và hạn chế những yếu tố tiêu cực do tác động của cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế với văn hoá Việt Nam nói chung và VHKD nói riêng để có thể tích cực, chủ động trong hội nhập, đảm bảo xây dựng một nền VHKD Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc, làm nền tảng cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam trong thế kỷ XXI  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật