Các nhiệm vụ pháp lý thường gặp trong quản trị thương hiệu (corporate brand/trade name)
Trước hết,
tên doanh nghiệp được hình thành trong thủ tục đăng ký kinh doanh, và có ít nhất hai thành tố là loại hình doanh nghiệp (công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn…) và
tên riêng[2]. Tên doanh nghiệp viết bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt. Tên viết tắt của doanh nghiệp được viết tắt từ tên bằng tiếng Việt hoặc tên viết bằng tiếng nước ngoài
[3].
Đi sâu vào các khía cạnh khác nhau, các pháp luật chuyên ngành lại sử dụng các thuật ngữ khác nhau khi điều chỉnh việc đặt và sử dụng tên của các chủ thể có hoạt động kinh doanh trong chuyên ngành đó, thí dụ như “tên gọi của pháp nhân”
[4] hay tên của cá nhân có hoạt động kinh doanh hợp pháp trong pháp luật dân sự, “tên tổ chức khoa học công nghệ” trong pháp luật khoa học công nghệ
[5], “tên hợp tác xã” trong pháp luật về hợp tác xã
[6]…
Do vậy, khi xem xét việc bảo hộ tên của mọi chủ thể có hoạt động kinh doanh, Luật Sở hữu trí tuệ sử dụng thuật ngữ chung là
tên thương mại và định nghĩa: tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh
[7].
Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó
[8].
Thuật ngữ pháp lý “
tên thương mại” (trade name) có thể xem là có nội hàm tương đương với thuật ngữ
thương hiệu của giới kinh doanh và bao gồm: thành phần tên riêng trong tên doanh nghiệp, tên tiếng nước ngoài, tên viết tắt hoặc tên giao dịch của doanh nghiệp.
Theo đó, nhiệm vụ pháp lý liên quan đến thương hiệu thường bao gồm các vấn đề:
+ Tránh đặt tên trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác đã đăng ký trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh khi thành lập doanh nghiệp; đồng thời, cũng không được xung đột quyền với các chỉ dẫn địa lý hay nhãn hiệu đã được bảo hộ trước đó của chủ thể khác
[9].
+ Khi có xung đột quyền về tên thương mại và thương hiệu, cần xem xét vận dụng đồng thời pháp luật sở hữu công nghiệp lẫn các quy định về đặt tên doanh nghiệp theo pháp luật kinh doanh hoặc pháp luật chuyên ngành có liên quan.
+ Tên thương mại và thương hiệu có thể được chuyển nhượng quyền sở hữu, nhưng phải đi cùng với việc chuyển nhượng toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại hay thương hiệu đó
[10].
+ Tên thương mại hay thương hiệu có thể được cấp quyền sử dụng như trong các giao kết về nhượng quyền thương mại (
franchising). Khi này, về mặt pháp lý, thương hiệu (để phân biệt các chủ thể kinh doanh) thường đảm nhiệm luôn vai trò của nhãn hiệu (để phân biệt các hàng hóa/dịch vụ cùng loại).
+ Nếu doanh nghiệp có sử dụng biểu tượng kinh doanh (lô-gô) để bổ sung cho thương hiệu hay tên thương mại trong truyền thông, thì lô-gô là một tác phẩm được bảo hộ theo pháp luật về quyền tác giả (
copyright).
+ Trong mọi tình huống mà thương hiệu hay lô-gô được sử dụng làm nhãn hiệu, nên tách bạch rõ khía cạnh pháp lý của thương hiệu hoặc lô-gô với khía cạnh pháp lý của nhãn hiệu được tiếp tục phân tích dưới đây.
Các nhiệm vụ pháp lý thường gặp trong quản trị nhãn hiệu (brand/trademark)
Trong hoạt động xác lập quyền, các vấn đề pháp lý thường phải xử lý bao gồm:
+ Tập hợp đầy đủ các nhãn hiệu được hình thành theo nhu cầu tiếp thị do doanh nghiệp tự thiết kế hoặc thuê ngoài thiết kế vào tập nhãn hiệu (
brand portfolio) mà doanh nghiệp dự kiến sẽ khai thác.
+ Tại thị trường Việt Nam, tiến hành việc tra cứu để kiểm chứng xem, trong chủng loại hàng hóa, dịch vụ liên quan, mỗi nhãn hiệu thuộc tập nhãn hiệu có bị trùng lắp hoặc tương tự với các nhãn hiệu đã được bảo hộ cho chủ thể khác tại Việt Nam? Các chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ? Các nhãn hiệu đã bị người khác nộp đơn đăng ký tại Việt Nam và đang được công bố? Các nhãn hiệu đã bị người khác nộp đơn đăng ký tại các nước thành viên của Công ước Paris trong vòng 6 tháng trở lại và có chỉ định vào Việt Nam? Nếu có, chọn đối sách xử lý thích ứng cho từng trường hợp.
+ Tiến hành rà soát qua các nguồn thông tin đăng ký kinh doanh về các tên thương mại và thương hiệu có khả năng xung đột quyền với các nhãn hiệu trong tập nhãn hiệu. Chọn đối sách xử lý tương ứng nếu có xung đột quyền.
+ Tiến hành các tra cứu tương ứng cho các nhãn hiệu được sử dụng tại thị trường nước ngoài.
+ Xúc tiến ngay hồ sơ đăng ký cho các nhãn hiệu tại Việt Nam hoặc tại nước ngoài đã được sàng lọc qua khâu tra cứu mà doanh nghiệp xác định là sắp sử dụng trong hoạt động tiếp thị. Chọn chiến thuật đăng ký trong trường hợp nhãn hiệu được đăng ký qua nhiều quốc gia khác nhau: Nên nộp đơn đầu tiên ở nước nào? Theo Thỏa ước Madrid hay Nghị định thư Madrid hay nộp đơn trực tiếp vào quốc gia liên quan?
+ Thiết lập ngay hồ sơ bảo mật một cách thích ứng, đối với các nhãn hiệu đã được đầu tư đáng kể trong khâu thiết kế và đã thử nghiệm có kết quả qua hoạt động nghiên cứu thị trường nhưng chưa khai thác đến.
+ Theo dõi để tiến hành kịp thời việc gia hạn các văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam và tại nước ngoài. Tiến hành kịp thời các yêu cầu sửa đổi văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam và tại nước ngoài như: sửa đổi địa chỉ chủ sở hữu, sửa đổi tên chủ sở hữu, thu hẹp phạm vi bảo hộ…
Trong hoạt động khai thác quyền, các vấn đề pháp lý thường phải xử lý bao gồm:
+ Tổ chức định giá nhãn hiệu và thương hiệu của doanh nghiệp để phục vụ hoạt động quản lý và các giao kết chuyển nhượng, cấp li-xăng, liên doanh, nhượng quyền thương mại, chuyển giao công nghệ…
+ Ngược lại, cũng có thể phải tiến hành ước lượng giá trị nhãn hiệu và thương hiệu của các đối tác trong các giao kết trên.
+ Chuẩn bị các quá trình đàm phán cho các giao kết chuyển nhượng, cấp li-xăng, liên doanh, nhượng quyền thương mại… nhãn hiệu về: trình tự, soạn thảo hợp đồng, thông tin và hồ sơ liên quan, nhân sự tham gia đàm phán…
+ Phân bổ các chi phí liên quan đến nhãn hiệu và xúc tiến việc hạch toán giá trị nhãn hiệu, đặc biệt là nhãn hiệu tự tạo lập
[11] để phục vụ các mục tiêu tài chính (cổ phần hóa, thu hút đầu tư, đánh giá hiệu quả quản lý…).
+ Xúc tiến các thủ tục đăng ký các giao kết liên quan đến nhãn hiệu theo yêu cầu của pháp luật sở hữu trí tuệ và pháp luật có liên quan.
+ Giám sát việc sử dụng nhãn hiệu của mọi bộ phận trong toàn doanh nghiệp để phòng tránh các cách thể hiện tự làm suy giảm phong cách và giá trị của nhãn hiệu. Đồng thời, phòng tránh các cách thể hiện có khả năng xung đột với quyền sở hữu trí tuệ của các đối thủ cạnh tranh.
Trong hoạt động bảo vệ quyền, các vấn đề pháp lý thường phải xử lý bao gồm:
+ Thường xuyên theo dõi công bố của Cục Sở hữu trí tuệ và Cơ quan Nhãn hiệu quốc gia nơi doanh nghiệp có sử dụng nhãn hiệu trong kinh doanh để phát hiện các nhãn hiệu của đối thủ cạnh tranh có nguy cơ xung đột quyền với các tài sản trí tuệ (nhãn hiệu, thương hiệu, kiểu dáng công nghiệp…) của doanh nghiệp, đồng thời, cung cấp thêm thông tin về đối thủ cạnh tranh cho các quản trị viên nhãn hiệu.
+ Với các nhãn hiệu của đối thủ cạnh tranh có nguy cơ xung đột quyền với các tài sản trí tuệ của doanh nghiệp: xúc tiến các thủ tục phản đối trong thời hạn luật định, hoặc tổ chức đàm phán giải quyết xung đột quyền.
+ Theo dõi thị trường để phát hiện hàng giả mạo nhãn hiệu hoặc hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu. Chọn đối sách thích hợp cho từng tình huống: khuyến cáo hay đàm phán, vận dụng các chế tài hành chính hay các chế tài dân sự hay các chế tài hình sự?
+ Trong trường hợp nhãn hiệu của doanh nghiệp thường xuyên bị xâm phạm, cần thống kê, nhận diện và phân loại các nguồn xâm phạm để có sách lược phòng ngừa và nâng cao tốc độ phản ứng để gia tăng hiệu quả răn đe.
+ Vận dụng các biện pháp công nghệ mới nhất trong việc chống xâm phạm quyền (tem chống giả, kỹ thuật bao bì, mã hóa thông tin trên nhãn hàng hóa…) và cung cấp đầy đủ thông tin đến các cơ quan chức năng, người tiêu dùng, báo chí, diễn đàn khác…
Tổ chức bộ phận chuyên trách pháp lý về nhãn hiệu trong doanh nghiệp
Tùy quy mô phát triển và độ ổn định trong hoạt động kinh doanh của mình, mỗi doanh nghiệp đều ít nhiều phải xử lý một, một vài hoặc hàng loạt chức năng và nhiệm vụ pháp lý liên quan đến thương hiệu và nhãn hiệu đã đề cập trên đây. Theo đó, việc bố trí hoặc một chức danh kiêm nhiệm về khía cạnh pháp lý của thương hiệu và nhãn hiệu, hoặc một chức danh chuyên trách pháp lý về thương hiệu và nhãn hiệu, hoặc một bộ phận (nhóm chuyên gia) chuyên trách về sở hữu trí tuệ là điều mà doanh nghiệp nên xem xét trước khi sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý từ bên ngoài.
Chức danh kiêm nhiệm pháp lý về nhãn hiệu có thể giao cho một quản trị viên về nhãn hiệu hay quản trị viên về phát triển sản phẩm mới… trong trường hợp tại doanh nghiệp chưa có chuyên gia pháp lý. Với các doanh nghiệp đã có bộ phận pháp chế hoặc có luật sư riêng, bộ phận này có thể kiêm nhiệm các vấn đề về thương hiệu và nhãn hiệu.
Chức danh chuyên trách pháp lý về nhãn hiệu nên được bố trí kể từ khi doanh nghiệp bắt đầu một trong các bước phát triển sau đây: đã phát triển một tập quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến nhãn hiệu; đã phát triển một tập nhãn hiệu; đã có nhu cầu giao kết chuyển giao nhãn hiệu; đã phát triển nhãn hiệu ra thị trường nước ngoài. Đảm nhiệm chức danh này nên là các chuyên gia pháp lý hoặc nếu là chuyên gia khác, cần được đào tạo tốt về quản trị tài sản trí tuệ.
Bộ phận chuyên trách về sở hữu trí tuệ trong đó có các vấn đề pháp lý về nhãn hiệu có thể được ghép vào Phòng Pháp chế, Phòng Công nghệ hoặc Phòng Nghiên cứu và Phát triển trong các doanh nghiệp có quy mô lớn, nhưng cũng có thể là một đơn vị độc lập trong các tập đoàn, biết vận dụng đồng bộ pháp luật sở hữu trí tuệ với các quy định pháp lý liên quan trong các ngành luật khác như: thương mại, tài chính, chuyển giao công nghệ …
Các chức danh chịu trách nhiệm về khía cạnh pháp lý của thương hiệu và nhãn hiệu nói riêng hoặc bộ phận chuyên trách về sở hữu trí tuệ nói chung cần thiết lập
các mối quan hệ công tác cơ bản sau đây:
+ Quan hệ với bộ phận marketing hoặc quản trị nhãn hiệu (
brand management) trong việc triển khai chức năng pháp lý đối với tập nhãn hiệu, thương hiệu và các chỉ dẫn địa lý (nếu có), đặc biệt là bảo hộ kịp thời các nhãn hiệu được đưa vào các thị trường khác nhau và tra cứu nhãn hiệu cạnh tranh.
+ Quan hệ với bộ phận quản trị công nghệ, quản trị R&D… để xúc tiến việc bảo hộ kịp thời các công nghệ mới là các sáng chế, bí quyết kỹ thuật, giống cây trồng, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, phần mềm… Đây là các đối tượng sở hữu trí tuệ góp phần chủ yếu trong việc tạo nên khía cạnh lý tính của nhãn hiệu (
functional branding), hướng vào việc xây dựng chất lượng cảm thụ khác biệt cho nhãn hiệu (
brand perceived quality).
+ Quan hệ với các bộ phận thiết kế, truyền thông, phát triển sản phẩm mới… để xúc tiến hoặc hỗ trợ xúc tiến việc bảo hộ kịp thời các kiểu dáng, tác phẩm mới và các quyền liên quan (bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng…). Đây là các đối tượng sở hữu trí tuệ góp phần chủ yếu trong việc tạo nên khía cạnh cảm tính của nhãn hiệu (
emotional branding) thông qua các ấn tượng liên kết với nhãn hiệu (
brandassociations).
+ Quan hệ với bộ phận kế toán, tài chính, pháp chế để tiến hành định giá thương hiệu, nhãn hiệu nói riêng và các tài sản trí tuệ nói chung để phục vụ các chiến lược tài chính của doanh nghiệp.
+ Quan hệ với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Quản lý Thị trường, Hải quan, Thi hành án…) theo quy định của pháp luật. Nắm rõ các ưu, nhược của từng cơ quan trong việc xử lý các tình huống, đối tượng, quy mô, địa bàn, vụ việc… xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ khác nhau, giúp đề ra đối sách xử lý nhanh nhất và hiệu quả nhất;
+ Quan hệ với Hội Sở hữu Trí tuệ và các hiệp hội kinh doanh khác để tham gia các diễn đàn sở hữu trí tuệ, vận dụng các chức năng cung ứng thông tin, đào tạo nguồn nhân lực, góp ý xây dựng chính sách và pháp luật, đặc biệt là chức năng hòa giải tranh chấp và xung đột quyền giữa các thành viên của hiệp hội.
+ Quan hệ với các đơn vị tư vấn pháp lý và khai thác tốt nhất dịch vụ của họ.
Vận dụng tổng hợp các tài sản trí tuệ trong quản trị nhãn hiệu
Là một trong các dạng tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, giá trị của nhãn hiệu có mối quan hệ khăng khít với hàng loạt tài sản trí tuệ khác. Mỗi tài sản trí tuệ đồng thời cũng có thể là một nguồn lực. Việc huy động tổng hợp và phân bổ tối ưu các nguồn lực này trong từng quyết định, từng chiến thuật, từng sách lược, từng chiến lược cạnh tranh là một trong các kỹ năng cần thiết của nhà quản trị.
Cụ thể hơn, có thể xem xét một số phân tích sau đây:
Nếu theo đuổi chiến lược cạnh tranh bằng công nghệ, một số
sáng chế hoặc bí quyết kỹ thuật có thể tạo nên giá trị cốt lõi hoặc một giá trị bổ sung, hoàn thiện quan trọng nào đó trong phong cách của nhãn hiệu (
brand identity). Nếu áp dụng biện pháp đăng ký độc quyền sáng chế cho công nghệ đó (thí dụ, cấu trúc các mẫu và mô-đun lắp ghép của bộ đồ chơi LEGO), doanh nghiệp cần chú ý đẩy mạnh hoạt động truyền thông để chuyển hóa giá trị của sáng chế vào nhãn hiệu trước khi Bằng độc quyền Sáng chế tương ứng hết hiệu lực và mọi đối thủ cạnh tranh đều có quyền áp dụng sáng chế (LEGO đã kịp định vị mình ở đẳng cấp cao và theo đó là mức giá cao, trước khi các đối thủ cạnh tranh được phép sử dụng sáng chế). Ngược lại, nếu áp dụng biện pháp bảo vệ công nghệ bằng
bí mật kinh doanh (thí dụ, công thức về hương liệu của COCA COLA), nhãn hiệu có thể tiếp tục duy trì lợi thế công nghệ của mình cho tới bất kỳ thời điểm nào mà bí mật đó chưa bị bộc lộ hoặc bị đào thải bởi công nghệ mới.
Trong hoạt động truyền thông về nhãn hiệu, rất nhiều
tác phẩm đồ họa (hoa văn, mẫu mã, nhân vật hoạt họa…), âm nhạc, nhiếp ảnh, điện ảnh (phim quảng cáo), văn học (chuyện kể, khẩu ngữ…)… được doanh nghiệp hoặc các nhà tư vấn sáng tạo ra, có thể được bảo hộ theo pháp luật về
quyền tác giả (
copyright). Theo pháp luật sở hữu trí tuệ, quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố,
đã đăng ký hay chưa đăng ký[12].
Do có hàng loạt tác phẩm sẽ được sử dụng trong ngắn hạn lẫn dài hạn để góp phần bổ sung, hoàn thiện cho phong cách của nhãn hiệu, nên thao tác pháp lý đầu tiên là doanh nghiệp cần thực hiện việc lưu chứng và khẳng định quyền tác giả đối với mọi tác phẩm đã được sáng tạo ra chứ không nhất thiết phải xúc tiến việc đăng ký để hạn chế chi phí xác lập quyền.
Một bộ phận các tác phẩm đó sẽ là các chỉ dẫn thương mại luôn xuất hiện song song với nhãn hiệu trên thương trường. Đối với các tác phẩm đã được thử nghiệm hoặc được kỳ vọng là có hiệu quả tiếp thị cao,
sẽ trở thành các ấn tượng liên kết với nhãn hiệu trong hoạt động tiếp thị, doanh nghiệp nên xúc tiến thêm việc đăng ký tại Cục Bản quyền Tác giả Văn hóa Nghệ thuật, Bộ Văn hóa Thông tin để tăng cường chứng cứ pháp lý cho quyền tác giả. Đối với các tác phẩm gắn liền với hình dáng bên ngoài của sản phẩm như mẫu sản phấm mới, mẫu bao bì mới, mẫu nhãn hàng hóa (
label) mới … được kỳ vọng sẽ có hiệu quả tiếp thị cao, doanh nghiệp cần kịp thời đăng ký bảo hộ
kiểu dáng công nghiệp tại Cục Sở hữu Trí tuệ để củng cố và mở rộng phạm vi của quyền tài sản của mẫu thiết kế mới.
Đối với một số tác phẩm được dùng trong truyền thông, tiếp thị và đã trở thành một ấn tượng liên kết của nhãn hiệu, nhưng lại không còn khả năng xác lập quyền sở hữu trí tuệ theo cơ chế bảo hộ quyền tác giả hoặc kiểu dáng công nghiệp (như do đã mất tính mới vì đã đưa ra thị trường trước khi nộp đơn đăng ký), doanh nghiệp cần biết cách hội tụ nỗ lực truyền thông vào tác phẩm đó đến mức đủ để có thể chứng minh rằng, ấn tượng liên kết đó thực sự là một thành quả đầu tư, nhằm có thể vận dụng quyền chống cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ để hạn chế các hành vi mô phỏng, sao chép của các đối thủ cạnh tranh.
Ngoài ra, tên thương mại (hay thương hiệu), chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng mới, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn… cũng đều là các tài sản trí tuệ có thể được vận dụng trong chiến lược của một nhãn hiệu cụ thể. Tất cả các đối tượng sở hữu trí tuệ đã nêu sẽ hợp thành một tập quyền sở hữu trí tuệ (
IPRs portfolio) tương tác với và hỗ trợ cho tập nhãn hiệu (
brand portfolio) của doanh nghiệp cả trong quá trình bảo vệ lẫn quá trình khai thác các nguồn lực trí tuệ trong kinh doanh.
[1] Xin xem thêm Đào Minh Đức, Vận dụng pháp luật nhãn hiệu trong cạnh tranh, Tạp chí Khoa học Pháp lý số 2(21)/2004.
[2] Doanh nghiệp có thể đưa thêm thành tố “ngành nghề/lĩnh vực kinh doanh” vào tên doanh nghiệp.
[3] Theo Khoản 3 Điều 33 Luật Doanh nghiệp
[4] Điều 87 Bộ Luật Dân sự.
[5] Mục II.2 Thông tư 10/2005/TT-BKHCN ngày 24/8/2005 của Bộ Khoa học và Công nghệ.
[6] Điều 8 Luật Hợp tác xã.
[7] Khoản 21 Điều 4 Luật Sở hữu Trí tuệ.
[8] Điểm b khoản 3 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ.
[9] Theo Điều 17 Luật Doanh nghiệp.
[10] Theo khoản 3 Điều 139 Luật Sở hữu trí tuệ.
[11] Theo Điều 32 Nghị định 103/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số vấn đề về quyền sở hữu công nghiệp.
[12] Theo khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ.
Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central Fied , Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"