VẤN ĐỀ ỦY QUYỀN DỰ HỌP ĐẠI HỘI CỔ ĐÔNG TRONG PHÁP LUẬT VỀ DOANH NGHIỆP

TRANG THÔNG TIN PHÁP LUẬT BỘ CÔNG THƯƠNG - Khi Đại hội đồng cổ đông họp thông thường, không phải mọi cổ đông đều có thể tham gia. Tuy nhiên pháp luật công ty nước nào cũng quy định về việc để phiên họp Đại hội đồng cổ đông có giá trị thì phải có đủ một tỉ lệ cổ đông nắm giữ một lượng cổ phần nhất định tham gia biểu quyết. Vậy làm sao để có đủ số lượng cổ đông cũng như cổ phần nhất định trong cuộc họp khi mà các cổ đông có thể đang ở khắp nơi trên thế giới? Và chính vì điều này mà vấn đề ủy quyền trong các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được bàn đến khá nhiều trong pháp luật về công ty. 1. Ủy quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông theo pháp luật Việt Nam: Trong pháp luật Việt Nam, vấn đề pháp lý này được quy định trong Luật doanh nghiệp và Nghị định 139/2007/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điêu Luật doanh nghiệp hiện đang được sửa đổi. Theo đó, Luật doanh nghiệp tại Điều 79, khoản 1 điểm a quy định Cổ đông có quyền "Thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện được ủy quyền". Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 139/2007/NĐ-CP tại Điều 27 khoản 1 điểm c quy định cổ đông có thể tham dự Đại hội đồng cổ đông bằng cách ủy quyền cho người khác dự họp Đại hội đồng cổ đông và "nếu điều lệ công ty không quy định khác hoặc cổ đông có liên quan không có ý kiến khác bằng văn bản, các thành viên độc lập của Hội đồng quản trị đương nhiên là người đại diện theo ủy quyền của tất cả các cổ đông không tham dự họp Đại hội đồng cổ đông" Quy định nói trên nhằm giải quyết một vấn đề thực tiễn liên quan chủ yếu đến các công ty cổ phần niêm yết. Theo Luật doanh nghiệp tại Điều 102, khoản 1 thì cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 65% số cổ phần có quyền biểu quyết. Tuy vậy, trong thực tế cho thấy một bộ phận không nhỏ cổ đông, nhất là cổ đông là cá nhân của các công ty niêm yết thường ít quan tâm và không tham dự họp Đại hội đồng cổ đông, vì vậy, việc triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông lần đầu thường không đủ số cổ đông tham dự theo quy định và vì vậy không thế họp được.   Tuy nhiên, quy định về việc thành viên độc lập của Hội đồng quản trị đương nhiên là đại diện theo ủy quyền của tất cả các cổ đông không tham dự họp lại vấp phải nhiều ý kiến khác nhau: Ý kiến thứ nhất cho rằng việc ủy quyền đương nhiên mà không có văn bản ủy quyền là vi phạm quyền của cổ đông trong việc tham dự và ủy quyền tham dự Đại hội đồng cổ đông, không phù hợp với Bộ luật Dân sự năm 2005. Quy định này sẽ dễ bị Hội đồng quản trị làm dụng, gây thiệt hại đến quyền lợi của các cổ đông thiểu số. Ý kiến thứ hai cho rằng, dự họp Đại hội đồng cổ đông vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của cổ đông. Và quyền tham dự họp Đại hội đồng phải được thực hiện một cách tập thể, không thể để sự tham dự hay không tham dự của một số cổ đông có ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của công ty và của các cổ đông khác. Vì vậy quy định như trên sẽ đảm bảo lợi ích của công ty và cổ đông. Vậy vấn đề ủy quyền họp Đại hội đồng nên được quy định như thế nào vẫn là câu hỏi của các nhà lập pháp? Sau đây xin dẫn kinh nghiệm của luật pháp Mỹ về vấn đề này. 2. Ủy quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông theo luật pháp Mỹ: Ở Mỹ, chỉ cần các cổ đông ở trong nước thôi thì họ cũng có thể cách nhau tới ba múi giờ, bởi vậy, việc dự họp Đại hội đồng và ủy quyền cho người biểu quyết thay mình là điều không thể tránh khỏi của các cổ đông. Thường người đại diện để cho cổ đông ủy quyền là những người do Hội đồng quản trị cử ra. Theo đó, trước một cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, công ty gửi một tờ ủy quyền in sẵn đến các cổ đông có quyền dự hp và yêu cầu người này kí vào tờ ủy quyền rồi gửi trả cho công ty và để người đại diện mà họ đồng ý bỏ phiếu thay họ. Việc công ty gửi tờ ủy quyền đi để cổ đông kí và gửi lại gọi là thu thập ủy quyền. Khi số cổ đông ủy quyền khá đông thì luật pháp phải can thiệp. Ở Mỹ, cơ quan giám sát việc này là Ủy ban giao dịch chứng khoán – đây là cơ quan kiểm soát cơ chế ủy quyền đảm bảo cho người ủy quyền nhận được đầy đủ thông tin trước khi kí. Theo đó, pháp luật buộc ai thu thập ủy quyền cũng phải nộp hồ sơ cho Ủy ban giao dịch chứng khoán. Hồ sơ nộp bao gồm lời thỉnh cầu ủy quyền, thư từ, thông cáo báo chí, diễn văn… Ngay cả nội dung của tờ ủy quyền cũng phải có những thông tin nhất định như: Những vấn đề phải biểu quyết sẽ được ghi trong tờ ủy quyền và cổ đông sẽ đánh dấu vào đó cho biết mình lựa chọn: Đồng ý, Không đồng ý hay bỏ phiếu trắng. Khi tờ ủy quyền được gửi cho người đại diện thì những người này phải bỏ phiếu theo như đã được chỉ thị. Điều này sẽ giúp cho cổ đông luôn nắm được thông tin và không bị lợi dụng vào các cuộc tranh đua để giành những vị trí trong công ty; mà ở Mỹ, những cuộc tranh đua này khắc nghiệt không kém những cuộc chiến tranh cử. Như vậy, tham khảo pháp luật Mỹ chúng ta có thể thấy rằng vấn đề ủy quyền tham dự Đại hội đồng cổ đông là một vấn đề không nhỏ đặc biệt là khi công ty ngày càng lớn mạnh, sự ganh đua đến các vị trí ngày càng quyết liệt và số cổ đông ở khắp nơi trên thế giới của công ty ngày càng nhiều. Chúng ta không chỉ đưa ra các quy định đơn giản để trả lời câu hỏi: Ai sẽ nhận ủy quyền mà cần phải đưa ra các quy định cụ thể để đảm bảo quyền lợi của cổ đông đồng thời tạo điều kiện cho cuộc họp Đại hội đồng cổ đông có giá trị pháp lý.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật