Một trong những vấn đề lý luận mang tính cốt lõi cần ưu tiên làm sáng rõ để việc nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của VN được nhanh và đúng là vấn đề nhận thức nội hàm của khái niệm giá trị thặng dư. Nội hàm của khái niệm giá trị thặng dư được tiếp nhận từ lý luận kinh tế của Mác, theo tôi, có thể gói gọn trong định nghĩa rằng: Giá trị thặng dư là giá trị do lao động của công nhân làm thuê sản sinh ra vượt quá giá trị sức lao động của họ và bị nhà tư bản chiếm đoạt toàn bộ.
Sản phẩm của chủ nghĩa tư bản (CNTB)
Việc sản sinh và chiếm đoạt giá trị thặng dư là sự phản ánh quan hệ sản xuất căn bản của phương thức sản xuất TBCN, phản ánh quy luật kinh tế cơ bản của CNTB.
Trong hoạt động sản xuất, nhà tư bản phải chi vào việc mua sắm sức lao động và tư liệu sản xuất. Còn mục đích của nhà tư bản khi chi tiền ra mua sắm các thứ đó chẳng có gì khác hơn là nhằm thu được một số tiền dôi ra ngoài số tiền mà mình đã ứng chi trong quá trình sản xuất. Số tiền dôi ra đó chính là giá trị thặng dư.
Tư liệu sản xuất như nhà xưởng, công trình kiến trúc, thiết bị, nhiên liệu, nguyên liệu, vật liệu phụ… là tư bản bất biến. Nó không thay đổi lượng giá trị trong quá trình sản xuất mà chỉ chuyển hóa giá trị của nó sang các sản phẩm mới được sản xuất ra. Nó không thể là nguồn gốc của giá trị thặng dư. Còn sức lao động thì trong quá trình tiêu dùng nó, tức là trong quá trình sử dụng nó vào lao động sản xuất, nó có khả năng tạo ra giá trị mới mà lại lớn hơn cái giá trị của bản thân nó. Sức lao động là tư bản khả biến.
Nhà tư bản sử dụng tính chất khả biến đó vào mục đích tạo ra cho mình giá trị thặng dư. Chiếm đoạt giá trị thặng dư này là hành vi được gọi đích danh là “bóc lột”. Đó là nói chung. Ngoài ra, trong quá trình sản xuất, hành vi “bóc lột” giá trị thặng dư còn được nhà tư bản thực hiện bằng sự gia tăng giá trị thặng dư tuyệt đối và sản xuất ra giá trị thặng dư tương đối, tức là kéo dài tuyệt đối ngày lao động và rút ngắn thời gian lao động cần thiết và tăng tương ứng thời gian lao động thặng dư. Việc tăng giá trị thặng dư còn được một số nhà tư bản thực hiện bằng cách hạ thấp giá trị của hàng hóa do xí nghiệp mình sản xuất so với giá trị xã hội của hàng hóa đó. Số giá trị thặng dư tạo ra bằng cách này được gọi là giá trị thặng dư tương đối. Chỗ khác nhau giữa chúng chỉ là một bên thu được do tăng năng suất lao động xã hội, còn bên kia – bên giá trị thặng dư siêu ngạch thì được tạo ra nhờ biết áp dụng kỹ thuật mới, biết áp dụng công nghệ tiến bộ; nhờ áp dụng các phương pháp hoàn thiện hơn trong tổ chức sản xuất.
Đấu tranh của công nhân
Trong hoạt động kinh tế TBCN, giá trị thặng dư tuyệt đối, giá trị thặng dư tương đối và giá trị thặng dư siêu ngạch đều bị nhà tư bản chiếm đoạt, vì vậy mà luôn luôn có cuộc đấu tranh của công nhân chống lại sự chiếm đoạt đó: đấu tranh chống kéo dài thời gian làm việc trong ngày để chống bóc lột giá trị thặng dư tuyệt đối; đấu tranh chống việc nhà tư bản rút ngắn thời gian lao động cần thiết và tăng tương ứng lao động thặng dư để chống bóc lột giá trị thặng dư tương đối; còn việc đấu tranh chống lại sự bóc lột giá trị thặng dư siêu ngạch thì tức là sự phản ứng lại đối với những cải tiến trong áp dụng kỹ thuật mới, phản ứng lại sáng kiến trong ứng dụng công nghệ tiến bộ, phản ứng lại việc áp dụng phương pháp tổ chức sản xuất hoàn thiện hơn…
Thật ra, sự đấu tranh của giai cấp công nhân dưới chế độ TBCN để chống lại sự bóc lột giá trị thặng dư nói chung, trong đó có cả việc chống lại sự sản sinh ra ba thứ giá trị thặng dư vừa nói, là nhằm vào chỉ một chủ điểm: Chống việc nhà tư bản chiếm đoạt hoàn toàn giá trị thặng dư nói chung, trong đó bao gồm cả ba thứ giá trị thặng dư vừa nói. Như vậy, mục đích của công cuộc đấu tranh này là mang tính chất quan hệ sản xuất. Còn bản thân việc làm thế nào để sinh ra ba thứ giá trị thặng dư đó lại không phải là nguyên nhân sinh ra cuộc đấu tranh; tức là mục đích đấu tranh của giai cấp công nhân dưới chế độ TBCN thực chất là đòi phải phân chia các giá trị thặng dư cho đúng, cho hợp lý, hợp tình chứ nhà tư bản chớ có ăn chặn, ăn gọn toàn bộ các giá trị thặng dư. Và tới khi mà mục đích căn bản này của giai cấp công nhân không được thực hiện và nhà tư bản vẫn thẳng tay bóc lột các loại giá trị thặng dư thì cuộc đấu tranh mới diễn ra quyết liệt hơn: đình công, phá máy móc, phá nhà xưởng… và một trong những kết quả tổng thể của cuộc đấu tranh giai cấp này đối với xã hội là: sáng kiến, phát minh khoa học, kỹ thuật bị hạn chế, năng suất lao động không được phát huy; phương pháp sản xuất không được cải tiến…dẫn tới tổng sản phẩm xã hội bị thu hẹp.
Tất cả các khía cạnh liên quan đến sự sản sinh và sự chiếm đoạt giá trị thặng dư như vừa đề cập đến ở trên phải được đặt gọn trong nền kinh tế TBCN; chúng được bảo hộ bằng nền chính trị (có khi cả quân sự nữa) của CNTB và sự sản sinh, chiếm đoạt giá trị thặng dư cũng là viên đá tảng trong hạ tầng cơ sở của kiến trúc thượng tầng TBCN. Sự chiếm đoạt giá trị thặng dư mà chủ tư bản thường xuyên thực hiện đối với phía sản sinh ra giá trị thặng dư được được gọi là sự bóc lột. Đó là sự bóc lột mà giai cấp tư bản thực hiện với giai cấp công nhân trong chế độ TBCN.
Như vậy, bóc lột giá trị thặng dư là sản phẩm của chế độ TBCN. Điều này cần đặc biệt nhấn mạnh. Ngộ nhận về điều này sẽ dẫn đến rối loạn khi chúng ta phải luận giải để trả lời các câu hỏi: Vậy thì cái được gọi là “giá trị thặng dư” trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở VN thuộc về ai? Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN này có phải sở hữu “giá trị thặng dư” là hành động bóc lột hay không?
Bóc lột giá trị thặng dư là sản phẩm của chế độ TBCN. Điều này cần đặc biệt nhấn mạnh. Ngộ nhận về điều này sẽ dẫn đến rối loạn khi chúng ta phải luận giải để trả lời các câu hỏi: Vậy thì cái được gọi là “giá trị thặng dư” trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở VN thuộc về ai? Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN này có phải sở hữu “giá trị thặng dư” là hành động bóc lột hay không?
Hưởng thụ thực lãi
Chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường, trong xã hội VN có một hình thái hoạt động vốn bình thường nay bỗng trở nên sôi động. Đó là hoạt động kinh tế tư nhân, bao gồm cả hình thái hoạt động kinh tế được gọi là “hoạt động kinh tế tư bản tư nhân”.
Một trong những yếu tố quan trọng trong kết quả của hình thái hoạt động này là số tiền dôi ra sau khi đã thanh toán tất cả các chi phí trả cho sức lao động và tư liệu sản xuất. Số tiền dôi ra này nếu chỉ thuộc về người chủ tư bản tư nhân thì y mới bị gọi là kẻ bóc lột. Thiết chế pháp lý về nguyên tắc phân chia số tiền dôi ra này phải phù hợp với tính chất định hướng XHCN. Và như vậy thì ở đây phải chăng nội hàm của khái niệm ‘bóc lột” đã bị tha hóa? Và một khi nội hàm của một khái niệm đã bị tha hóa thì nên chăng hãy cho khái niệm ấy mang một tên gọi khác, chẳng hạn như thay cái tên “bóc lột” bằng tên gọi “hưởng thụ thực lãi”. Hưởng thụ thực lãi từ sự phân chia lãi theo những nguyên tắc mang tính định hướng XHCN chứ không phải là nhận lãi theo kiểu bóc lột trong kinh tế TBCN.
Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của VN, nếu ấn định được nguyên tắc phân chia lại giá trị thặng dư như đã nói ở trên thì cuộc đấu tranh giành giật giá trị thặng dư tuyệt đối, giá trị thặng dư tương đối và giá trị thặng dư siêu ngạch sẽ tự thủ tiêu, bởi vì số của cải làm dôi ra do kéo dài thời gian lao động, do rút ngắn thời gian lao động cần thiết để hoàn thành từng sản phẩm; do biết áp dụng kỹ thuật mới, biết ứng dụng công nghệ tiến bộ, biết áp dụng những phương pháp tổ chức sản xuất hoàn thiện hơn…không phải bị nhà tư bản chiếm đoạt mà được phân chia cho mọi thành viên trong cơ sở sản xuất theo tỷ lệ thỏa thuận. Giờ lao động bị kéo dài thêm sẽ không còn là lao động tha hóa mà trở thành lao động tự nguyện, lao động có ích, trong đó có ích cho bản thân mỗi người và có ích cho mọi người; sáng kiến, phát minh khoa học, kỹ thuật sẽ được khuyến khích, được áp dụng vì lợi ích chung. Như vậy là cuộc giành giật các giá trị thặng dư mà dưới chế độ TBCN đã làm tổn hại đến tổng sản phẩm xã hội, nay biến thành cuộc hợp đồng sản xuất, hợp tác lao động sáng tạo để không ngừng làm tăng trưởng cho tổng sản phẩm xã hội.
Nguyên tắc phân chia lãi
Có thể hình dung một cách tổng quát nguyên tắc phân chia lại giá trị thặng dư mà đến đây xin được gọi là “nguyên tắc phân chia lãi” này như sau: phần thứ nhất chia cho người bỏ vốn trả cho việc mua sức lao động và sắm tư liệu sản xuất, phần thứ hai chia cho tập thể toàn bộ các thành viên của cơ sở sản xuất (chẳng hạn như là tổ chức công đoàn) để làm vốn tái đầu tư của tập thể mọi thành viên trong cơ sở sản xuất vào vòng quay sản xuất tiếp theo. Số vốn tái đầu tư này, qua một vòng quay của quá trình sản xuất, nó sẽ sản sinh ra một số lãi mới mà nguyên tắc chia số lãi mới này là cộng chung nó vào với giá trị thặng dư nguyên gốc để gọi chung là tổng giá trị thặng dư rồi chia cho mọi thành viên của cơ sở sản xuất theo tỷ lệ của mức lương. Ví dụ: tổng giá trị thặng dư của vòng quay thứ nhất là 500 triệu đồng; trong cơ sở sản xuất gồm 50 thành viên với tổng số lương được nhận trong thời gian hoàn thành vòng quay đó là 1.000 triệu đồng, tức là tổng giá trị thặng dư của vòng quay sản xuất này bằng 50% số lương. Như vậy, mỗi thành viên tham gia sản xuất ở vòng quay này trung bình được lĩnh thêm một số tiền bằng 50% số lương gốc của mình. Lĩnh theo tỷ lệ lương, mà lương là sự phản ánh mức độ đóng góp sức lực, trí tuệ của từng người cho toàn bộ công việc sản xuất của vòng quay đó.Lương của mỗi người mỗi khác nên số tiền được lĩnh thêm của mỗi người cũng mỗi khác. Một thành viên nhận tổng số lương trong thời gian hoàn thành vòng quay đó là 20 triệu đồng thì được lĩnh thêm 10 triệu đồng nữa. Một thành viên khác lương chỉ có 10 triệu đồng thì chỉ được nhận thêm 5 triệu đồng. Còn người đóng góp sức lực, trí tuệ nhiều, hưởng lương lên tới 40 triệu thì được lĩnh thêm 20 triệu đồng nữa v.v…
Tỷ lệ phân chia số tiền dôi ra các loại theo “nguyên tắc phân chia lãi” (tức có thể hiểu như là phân chia lại giá trị thặng dư) này cho người bỏ vốn và cho tập thể toàn bộ các thành viên của cơ sở sản xuất (công đoàn cơ sở) như vừa nói là sự thể hiện tính định hướng XHCN; là sự khác nhau cơ bản giữa sản xuất kinh tế TBCN và sản xuất kinh tế XHCN giai đoạn hiện nay của VN. Tỷ lệ phân chia đó được ấn định từ kết quả thỏa thuận giữa người bỏ vốn với tập thể các thành viên của cơ sở sản xuất trong đó cũng có cả người chủ bỏ vốn. Mà xin được lưu ý đặc biệt một điều rằng người chủ bỏ vốn đầu tư ngoài việc lĩnh tỷ phần tiền dôi ra cho anh ta với tư cách là chủ, anh ta còn được nhận số tiền là tỷ phần do công đoàn chia cho anh ta với tư cách là một thành viên của tập thể. Lương gốc mà anh ta nhận được tính gộp cả lương sản xuất cụ thể, cả lương lao động quản lý, cả lương sáng chế, phát minh, sáng kiến…của bản thân anh ta. Các thành viên của gia đình anh ta có tham gia sản xuất, quản lý…cũng nhận được sự phân phối theo nguyên tắc đó.
Định hướng XHCN
Tỷ lệ phân chia nói trên được ấn định theo mục đích xây dựng CNXH, theo tinh thần thỏa thuận có tính chất nhân bản XHCN – tự nguyện vì lý tưởng XHCN. Tỷ lệ phân chia đó khi gộp chung lại của toàn xã hội không là sức mạnh nhằm đào sâu hố ngăn cách giàu nghèo; không tạo ra tình trạng một nhóm thiểu số, rất thiểu số, thì lại sở hữu một số tài sản kếch sù của toàn xã hội, dẫn tới chỗ họ có thể dùng sức giàu có về kinh tế đó để khuynh đảo luôn cả hệ thống chính trị, quân sự; lũng đoạn luôn cả hệ tư tưởng để lái đất nước chệch ra khỏi quỹ đạo của CNXH.
Về phía những người là đảng viên Đảng cộng sản thì chấp nhận tỷ lệ phân chia theo cách này hay không chấp nhận là tiêu chuẩn để đánh giá chất cộng sản của bản thân. Đối với cán bộ, công chức của bộ máy nhà nước và của các tổ chức ban, ngành, hội, đoàn…cũng phải lấy thái độ, mức độ ủng hộ phương hướng phân chia theo tỷ lệ này làm thước đo quan điểm và trình độ giác ngộ chính trị của mình đối với sự nghiệp xây dựng đất nước VN hướng tới CNXH.
Hệ thống các cơ quan lập pháp căn cứ vào thực tế hoạt động kinh tế trên đất nước từng giai đoạn mà đưa vào luật, vào các văn bản dưới luật…những nguyên tắc phân chia theo tỷ lệ này. Đảng lãnh đạo sự phân chia tỷ lệ này; nhà nước quản lý việc thực hiện sự phân chia tỷ lệ này; nhân dân làm chủ việc thực hiện cách phân chia tỷ lệ này. Tỷ lệ phân chia này không phải thực hiện đồng loạt cho mọi cơ sở sản xuất, mọi tổ chức sản xuất kinh tế. Lại càng không phải áp dụng trong mọi thời điểm. Vận dụng hợp lý sự ấn định tỷ lệ đó cho từng lúc, từng nơi là chứng tỏ sự sáng suốt của hệ thống cơ quan lập pháp; là thuộc về nghệ thuật quản lý của Nhà nước; nghệ thuật lãnh đạo của Đảng cộng sản VN; là thể hiện bản lĩnh của từng con người VN mong muốn xây dựng đất nước theo định hướng XHCN.
Kết luận
Qua sự trình bày, phân tích những khía cạnh cơ bản của vấn đề giá trị thặng dư như trên, chúng ta có thể đi đến mấy kết luận tổng quát như sau:
1. Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở VN giai đoạn hiện nay, giá trị thặng dư phải được phân chia lại. Hành vi “chiếm đoạt” giá trị thặng dư mà với chế độ TBCN gọi là “bóc lột”, nay phải được thay thế bằng hành vi “hưởng thụ thực lãi” của hoạt động kinh tế. Do đó, nội hàm của khái niệm “bóc lột” phải được nhận thức lại.
2. Tỷ lệ phân chia “quyền hưởng thụ thực lãi” trong hoạt động của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở VN giai đoạn hiện nay đặt trên cơ sở những nguyên tắc mang tính thỏa thuận, tự nguyện giữa mọi thành viên tham gia sản xuất.
3. Nguyên tắc phân chia “quyền hưởng thụ thực lãi” này định mức hưởng thụ khác nhau cho từng loại thành viên có năng suất lao động và sáng tạo trong sản xuất khác nhau, thậm chí khác nhau giữa các thành viên cụ thể có năng suất lao động và sáng tạo trong sản xuất khác nhau trong tập thể sản xuất, tùy theo mức độ đóng góp của loại thành viên ấy, của các thành viên cụ thể ấy – tức là làm nhiều được hưởng nhiều, làm ít được hưởng ít - đó chính là nguyên tắc cơ bản của CNXH và mục tiêu định hướng trong nền kinh tế thị trường ở VN ngày nay.
4. Phủ định hình thái bóc lột bởi hình thái phân chia “quyền hưởng thụ thực lãi” không phải là làm trái với lý luận kinh tế của Mác mà chính là phát triển lý luận kinh tế của Mác. Lấy cách phân tích, lý giải của Mác về giá trị thặng dư trong nền kinh tế TBCN mà soi sáng cho việc phân tích, lý giải về sự phân chia lại cái được gọi là “giá trị thặng dư” trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN trường hợp VN giai đoạn hiện nay, đó chẳng phải là phát triển lý luận kinh tế của Mác thì còn là gì nữa? Trong nền kinh tế thị trường định hướng XNCN của VN giai đoạn hiện nay như vậy là không còn vấn đề bóc lột theo nghĩa là Mác đã nói về nền kinh tế TBCN; không còn vấn đề giá trị thặng dư theo nghĩa mà Mác đã nói khi phân tích nền kinh tế TBCN. Do đó không thể đánh giá chất lượng các đảng viên Đảng cộng sản VN hoạt động kinh tế qua sự “bóc lột” ít hay “bóc lột” nhiều mà phải đánh giá chất lượng các đảng viên Đảng cộng sản VN đang tham gia hoạt động kinh tế hiện nay qua thái độ chấp nhận nhiều hay chấp nhận ít, chấp nhận hay không chấp nhận nguyên tắc phân chia “quyền hưởng thụ thực lãi”. Và kết luận chung lại, vấn đề đặt ra về việc cấm đảng viên không được làm kinh tế tư bản tư nhân thực chất là vấn đề cấm đảng viên không được làm kinh tế dạng tư bản tư nhân mà không chịu chấp nhận sự phân chia “quyền hưởng thụ thực lãi” theo nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN VN giai đoạn lịch sử hiện nay - “giai đoạn lịch sử VN hiện nay” ở đây là tôi muốn nói đến giai đoạn lịch sử bắt đầu bằng sự mở đầu công cuộc đổi mới năm 1986, qua các mốc quan trọng là thời kỳ thực hiện các nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, lần thứ IX của Đảng cộng sản VN và sau đó tiếp tục ít nhất là năm đại hội nữa của Đảng trong đầu thế kỷ XXI này
(*) Trích từ chuyên luận “Mấy vấn đề lý luận cốt lõi trong nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của VN”. Đầu bài do toà soạn đặt.
Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central Fied , Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"