VẤN ĐỀ BÁN PHÁ GIÁ Ở VIỆT NAM VÀ CƠ HỘI KINH DOANH BÌNH ĐẲNG

Điều đáng lưu ý là cho đến nay tất cả các nước khi tiến hành điều tra áp dụng thuế chống bán phá giá đối với hàng Việt Nam đều áp dụng cách so sánh giá xuất khẩu của Việt Nam với giá xuất khẩu của một nước thứ ba. Điều này có nghĩa là Việt Nam được xem như là một nước không có nền kinh tế thị trường mở. Ví dụ, Colombia khi điều tra đã lấy giá gạo xuất khẩu của Việt Nam so sánh với giá gạo xuất khẩu của Thái Lan. Tương tự, Canada đã lấy giá tỏi xuất khẩu của Việt Nam so với giá tỏi xuất khẩu của Mêhicô. Rõ ràng, cách áp dụng như vậy là không công bằng đối với hàng hóa của Việt Nam và thường dẫn đến việc hàng Việt Nam bị coi là bán phá giá. Việc hội nhập vào nền kinh tế thế giới và kinh tế khu vực sẽ mang lại cho các quốc gia các lợi ích và song song là các thách thức mới. Việt  Nam cũng không là ngoại lệ khi mà chúng ta đang dần hoà nhập vào nền kinh tế thế giới với các nghiệp vụ kinh doanh mang tính chất xuyên quốc gia phát sinh và từ đó cũng nảy sinh các vấn đề mang tính chất quốc tế cần giải quyết. Khi đó, việc tìm hiểu về luật kinh tế khi kinh doanh trên thương trường quốc tế trở nên mang tính sống còn. Chiến dịch chống cá tra và cá ba sa Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ thông qua vụ kiện bán phá giá đã là một ví dụ điển hình và kết quả  của vụ kiện đã là một bài học quá đắt đỏ. Tất nhiên, các cuộc đương đầu như vậy sẽ không chỉ đối với Mỹ mà ở khắp các thị trường khác Canađa, các nước thuộc Liên minh châu Âu, …Không những thế, hiện tượng bán phá giá của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng đã manh nha hình thành trên thị trường Việt Nam dưới các hình thức khác nhau nhằm thôn tính các doanh nghiệp Việt Nam yếu thế và ít kinh nghiệm. Vậy thế nào là bán phá giá? Theo Hiệp định chống bán phá giá của WTO, một sản phẩm được coi là bán phá giá nếu giá xuất khẩu thấp hơn mức giá có thể so sánh được của sản phẩm tương tự trong nước theo các điều kiện buôn bán thông thường. Theo khái niệm như vậy thì có thể xem xét việc đánh thuế chống bán phá giá đối với hàng xuất khẩu của một nước đến một quốc gia nội địa nếu xét thấy:   - Giá xuất khẩu thấp hơn giá bán hàng hoá đó ở thị trường nội  địa. - Giá xuất khẩu thấp hơn chi phí sản xuất. - Giá xuất khẩu sang nước tiến hành điều tra chống bán phá giá thấp hơn giá xuất khẩu hàng hoá đó sang thị trường một nước khác. Trong trường hợp hàng nhập khẩu từ các nước không có nền kinh tế thị trường mở, nước nhập khẩu có thể lấy mức giá của nước thứ ba để so sánh khi xác định xem đánh thuế chống bán phá giá hay không. Các quy định về chống bán phá giá của EU căn bản là giống như của WTO, chỉ khác biệt về hai điểm: (l ) biện pháp cưỡng chế và (2) các quy định bên trong của EU. Các quy định của EU rất ngặt nghèo, chẳng hạn bên kiện phải là ngành công nghiệp hoặc một nhóm nhà sản xuất bị thiệt hại do hành vi bán phá giá, phải đưa ra đủ bằng chứng chứng minh tổng các thiệt hại này lớn hơn 25% cả ngành, và mức độ bán phá giá của hàng nhập khẩu của từng nước bị kiện phải lớn hơn 2% thị phần. Luật chống bán phá giá của Mỹ thì quy định hành vi chống phá giá là: - Bán một món hàng xuất ra nước ngoài mà giá thấp hơn giá đang thịnh hành ở thị trường trong nước. Đây là biểu hiện của sự việc được gọi là sự kỳ thị giá cả trên thị trường quốc tế. - Bán một món hàng mà giá thấp hơn giá thành của chính nó, tức là hoàn toàn không có khả năng thu hồi chi phí sản xuất. Như vậy, bán phá giá xảy ra khi các nhà xuất khẩu nước ngoài bán hàng hoá của họ trên thị trường thế giới ở mức giá thấp hơn mức giá tại thị trường nội địa của họ hay họ bán các sản phẩm với giá thấp hơn chi phí sản xuất. Các nước được phép phạt đối với việc bán phá giá tương đương với phần phá giá biên nếu xác định được thông qua quá trình thanh tra, việc bán phá giá làm tổn hại đến những nhà sản xuất nội địa cùng với chủng loại sản phẩm đó. Thuế chống bán phá giá được áp dụng đối với các nhà xuất khẩu một sản phẩm cụ thể từ một quốc gia cụ thể khi xét thấy có khuynh hướng giảm mức giá của hàng hoá thấp hơn giá trị thông thường, từ đó ước lượng những thiệt hại đã bị gây ra bởi bán phá giá đối với các ngành sản xuất nội địa của nước nhập khẩu. Thuế chống bán phá giá áp dụng cho nhà sản xuất sản phẩm đã được bán phá giá và căn cứ vào nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm chứ không áp dụng đối với nước thứ ba (trong trường hợp xuất khẩu qua trung gian một nước thứ ba) và quá trình điều tra chỉ áp dụng cho nước xuất xứ. Mặc dù bị thanh tra, kiểm soát và phạt do vi phạm Luật chống bán phá giá, các doanh nghiệp vẫn theo đuổi chiến dịch này. Lý do nào đã khiến các công ty theo đuổi và thực hiện hành vi bán phá giá? Thực tiễn thương mại cho thấy có những lý do tối đa hoá lợi nhuận khiến một công ty muốn thực hiện định giá phân biệt. Ví dụ, một công ty sản xuất một triệu bật lửa một năm bằng một nhà máy duy nhất với chỉ làm ca ban ngày. Giả sử nó định ra giá bật lửa này trong thị trường nội địa 1 đồng một chiếc và lãi được 0,1 đồng/chiếc. Các biến phí (bao gồm nguyên vật liệu, lương công nhân, …) là 0,7 đồng/ chiếc và các định phí (khấu hao nhà máy, trang thiết bị, …) là 0,2 đồng/chiếc. Nếu nhà máy bán hết 1 triệu bật lửa mỗi năm, lãi 0,1 đồng/chiếc thì rõ ràng đã bù đắp xong mọi định phí từ doanh thu bán hàng tại thị trường nội địa. Bây giờ, công ty nảy ra ý tưởng có thể bán thêm bật lửa sang thị trường nước láng giềng với bất cứ giá nào cao hơn biến phí 0,7 đồng/chiếc và thấp hơn 1 đồng 1/chiếc để kiếm thêm tiền lời. Bây giờ nhà máy có thể làm thêm ca đêm và sản xuất 0,5 triệu chiếc bật lửa nữa. Các định phí, theo giả định, đã được trang trả xong từ việc bán 1 triệu chiếc bật lửa đầu tiên. Nếu bán 0,5 triệu bật lửa này sang thị trường nước láng giềng với giá 0,9 đồng/chiếc thì cũng làm tăng lợi nhuận của công ty thêm 100.000 đồng. Dĩ nhiên, việc bán sản phẩm ca đêm không ảnh hưởng tới giá bán của một triệu bật lửa ban đầu. Điều này ít nhiều dẫn đến việc phân khúc thị trường, nghĩa là phải tìm kiếm một thị trường khác hẳn với thị trường ca ngày. Mặt khác, công ty phải đảm bảo rằng người mua ở thị trường mới không dễ gì chuyển hàng ngược lại thị trường thứ nhất (ví dụ định giá ở thị trường mới sao cho chênh lệch giá không đủ bù đắp chi phí vận chuyển theo chiều ngược lại). Nếu không, giá bán của thị trướng thứ nhất sẽ bị ảnh hướng theo chiều hướng giảm giá. Một số các liệu chuẩn phổ biến 1 để xác định việc bán phá giá Sản phẩm tương tự: Về cơ bản, việc bán phá giá có liên quan đến vấn đề phân biệt về giá giữa các thị trường. Nói chung, bán phá giá nảy sinh khi một sản phẩm được bán để xuất khẩu ở một nước giá thấp hơn giá sản phẩm này được bán ở trên thị trướng nội địa. Sự khác biệt giữa các giá này, tính theo tỷ lệ phần  trăm trên giá xuất khẩu, được định nghĩa là biên phá giá (dumping margin). Nếu sản phẩm, trong trường hợp được xuất khẩu có một sản phẩm tương tự được bán ở thị trường chính quốc thì giá ngoài nhà máy của sản phẩm này khi được xuất khẩu hoặc được bán ở thị trường chính quốc sẽ được so sánh để xác định biên phá giá. Tuy vậy, nếu sản phẩm này khi xuất khẩu không có sản phẩm hoàn toàn tương ứng về phương diện đặc điểm lý tính có bán ở thị trường chính quốc thì phải cố gắng tìm ra sản phẩm nội  địa được bán là sản phẩm gần giống nhất đối với sản phẩm xuất khẩu này. Sản phẩm giống nhau được bán trên thị trường chính quốc này mà có đặc điểm giống nhất với sản  phẩm xuất khẩu được gọi là ‘‘sản  phẩm tương tự’‘. Giá của sản phẩm tương tự này, sau một số điều chỉnh  nhất định được gọi là ‘‘giá chuẩn’‘  và sẽ được dùng để đo lường xem liệu một sản phẩm xuất khẩu có phải được bán phá giá hay không. Phương thức tìm sản phẩm  tương tự: Khi sản phẩm xuất khẩu không có các sản phẩm đồng nhất được bán trên thị trường chính quốc thì áp dụng các phương thức tìm ra sản phẩm tương tự nhất theo các bước: - Nhận dạng các đặc trưng quan trọng nhất của sản phẩm xuất khẩu được bán ở thị trường Hoa Kỳ và ở thị trường chính quốc( ví dụ như kích cỡ và các nét đặc trưng  khác). - Xác định thứ tự ưu tiên của các đặc trưng này một cách nghiêm ngặt căn cứ vào tầm quan trọng của chúng. - Chọn lựa các giới hạn hoặc phân loại thích hợp đối với mỗi thuộc tính phản ánh các phân nhóm thích hợp những thuộc tính được đo lường (ví dụ như các thông số chủ yếu liên tục; các bộ phận cao, trung bình và thấp). - Phân loại sản phẩm xuất khẩu này và mỗi sản phẩm trên thị trường chính quốc căn cứ vào tất cả các đặc trưng chỉ ra tính chất xứng hợp theo thứ bậc. - Căn cứ vào phương thức này mà nhận dạng và chọn lọc sản phẩm trên thị trường chính quốc có tính chất xứng hợp gần nhất với sản phẩm xuất khẩu và loại ra tất cả các sản phẩm trên thị trường chính quốc khác. Nhưng nếu không có sản phẩm tương tự được bán ở thị trường nước xuất khẩu thì sao? Vấn đề này được WTO quy định chi tiết như sau: - Nếu không có sản phẩm tương tự được bán ở nước xuất khẩu. - Hoặc nếu việc bán trong nước này không cho phép có được sự so sánh hợp lý do điều kiện đặc biệt của thị trường đó. - Hoặc nếu số lượng bán ra tại thị trường trong nước của nước xuất khẩu quá nhỏ (thông thường, số lượng này được xem là đủ lớn, nếu chiếm từ 5% trở lên số lượng bán sản phẩm đang xem xét tới nước nhập khẩu), thì giá bán tại thị trường trong nước ở mệnh đề kéo theo trên được thay bằng: thứ nhất, mức giá có thể so sánh được của sản phẩm tương tự được xuất khẩu sang nước thứ ba thích hợp với điều kiện là mức giá có thể so sánh được này mang tính đại diện thông qua so sánh với chi phí sản xuất tại nước xuất xứ hàng hoá tương tự; hoặc thứ hai, xác định thông qua so sánh với chi phí sản xuất tại nước xuất xứ hàng hoá cộng thêm một khoản hợp lý chi phí quản trị, bán hàng, các chi phí chung và một khoản lợi nhuận. Trong trường hợp này, ta có thể nhận xét rằng đã có một bước chuyển từ sự ‘‘phân biệt đối xử qua giá‘‘ sang quyết định xem hàng xuất khẩu có bị bán với ‘‘giá dưới chi phí’‘ hay không? Sau khi xem xét vấn đề này, khái niệm giá bán tại thị trường trong nước ở trên được hiểu tổng quát thành giá trị thông thường – đó là: giá bán tại thị trường trong nước, hoặc giá bán sang nước thứ ba, hoặc ‘‘mức chi phí suy định’‘. Mệnh đề so sánh ở trên chỉ được xem xét trong một khoảng thời gian nhất định – thông thường là một năm. Như vậy. vấn đề đặt ra tiếp theo là các mức giá trong thời kỳ ấy được ấn định như thế nào? Thông thường, việc xác định có bán phá giá hay không trong suốt giai đoạn xem xét hay điều tra sẽ dựa trên cơ sở: - So sánh giữa giá trị thông thường bình quân gia quyền với bình quân gia quyền giá xuất khẩu có thể so sánh được. - Hoặc so sánh giá trị thông thường với giá xuất khẩu từng giao dịch. - Hoặc so sánh giá thị trường thông thường bình quân gia quyền với giá xuất khẩu từng giao dịch, nếu như các cơ quan có thẩm quyền (của nước nhập khẩu ) xác định rằng cơ cấu giá xuất khẩu (của nước xuất khẩu) đối với những người mua nhập khẩu khác nhau, khu vực khác nhau và thời điểm khác nhau của nước nhập khẩu có sự chênh lệch đáng kể và khi có thể đưa ra giải  thích về việc tại sao sự khác biệt này không cho phép tính toán một cách đầy đủ khi so sánh bằng phương pháp sử dụng bình quân gia quyền. Khi so sánh giữa giá trị thông thường với giá xuất khẩu phải tiến hành ở cùng một khâu của quá trình mua bán, thường là tại khâu xuất xưởng. Vấn đề đặt ra liếp theo là vấn đề tỷ giá hối đoái khi so sánh. Việc chuyển đổi đồng tiền, phải sử dụng tại thời điểm bán hàng – có thể là ngày của hợp đồng, ngày của đơn mua hàng, ngày xác nhận đơn đặt hàng hoặc ngày của hoá đơn. Tuỳ theo ngày nào là ngày thực tế tạo lập nên điều kiện bán hàng thực tế, với điều kiện là nếu ngoại tệ thu được từ việc bán hàng xuất khẩu được bán trên thị trường kỳ hạn thì  tỷ giá trong việc bán ngoại hối kỳ hạn đó sẽ được sử dụng. Nếu không  bán kỳ hạn, những biến động của tỷ giá hối đoái từ lúc bán hàng đến lúc thu tiền và bán ngoại tệ sẽ được bỏ qua trong quá trình điều tra. ‘’Thị trường’’ và ‘‘phi thi trường‘‘: Nền kinh tế thị trường là nền kinh tế có môi trường kinh doanh tự do, giá cả tự do … không phụ thuộc vào Nhà nước; trong khi các nước không có nền kinh tế thị  trường thì không được như vậy, nhà nước có những ảnh hưởng và bảo hộ nhất định. Vì vậy chi phí sản xuất cho sản phẩm sẽ không là chi phí thực, không tính được giá thực tế. - Đối với nền kinh tế được thừa nhận là kinh tế thị trường (như trường hợp mới nhất là nước Nga vừa được Mỹ công nhận), các uỷ ban của Mỹ sẽ căn cứ vào những chứng từ liên quan để tính giá thành một sản phẩm đang bị nghi vấn bán phá giá. - Đối với nền kinh tế chưa được Mỹ thừa nhận là nền kinh tế thị trường (như trường hợp Việt Nam), các cơ quan điều tra có khuynh hướng cho rằng giá thành sản phẩm là không thực vì chính phủ thường có chế độ trợ cấp cho sản phẩm trong nước và xuất khẩu. Do đó họ sẽ lấy giá thành sản phẩm hay chi phí sản xuất (của mặt hàng đang được điều tra) của một nước có nền kinh tế thị trường để áp đặt cho nước chưa được thừa nhận là có nền kinh tế thị trường. Và thông thường các nước này sẽ bị áp dụng một mức đánh thuế cao hơn nếu bị chứng minh là bán phá giá. Ở Việt Nam việc chống bán phá giá chưa được quan tâm một cách đúng mức, mặc dù các biểu hiện về bán phá giá đã manh nha và trên thực tế chúng ta cũng đã phải đối mặt với các vụ kiện từ phía đối tác nước ngoài trong khá nhiều trường hợp bị tình nghi là có bán phá giá trong các thương vụ kinh tế . Chiến lược bán phá giá của các MNC Các công ty đa quốc gia (MNC) đã thực hiện chiến lược bán phá giá và sử dụng các hình thức quảng cáo, khuyến mãi rầm rộ để giành thị trường nhằm thôn tính các doanh nghiệp nội địa theo kiểu ‘‘cá lớn nuốt cá bé‘‘. Họ làm được điều này là do khả năng tài chính hùng mạnh từ công ty mẹ mà các công ty nhỏ tại nước chủ nhà sẽ không đủ lực về tài chính để lao vào các cuộc cạnh tranh hoàn toàn bất lợi cho mình Chẳng hạn như trong cuộc đấu tranh giành thị trường của các công ty nước giải khát tại TP.HCM đã từng tồn tại cuộc đối đầu giữa hai công ty liên doanh khổng lồ về nước giải khát là công ty Coca Cola và công ty Pepsi Cola. Các công ty nước giải khát nội địa như Festi, Hoà Bình, Chương Dương, … không đủ sức trong cuộc cạnh tranh và đành phải bỏ cuộc. Riêng công ty nước giải khát Tribeco nhờ có sự thay đổi chiến lược kinh doanh nên vẫn còn tồn tại nhưng trong thế yếu (công ty đã giảm khoảng 50% công suất nước ngọt để sản xuất sữa đậu nành để không làm ảnh hưởng đến sản xuất, đến đời sống công nhân, cố gắng kìm giữ thị phần nước ngọt sao cho đừng xuống quá thấp, đồng thời dùng lãi từ các năm trước cộng với lãi từ sữa đậu nành chuyển qua để hạn chế thua lỗ. Mục tiêu hiện nay của công ty Triheco là bảo toàn được đồng vốn trước các đòn cạnh tranh không cân sức của hai người khổng lồ là Coca Cola và Pepsi Cola). Bằng những cách thức như vậy, các MNC lộ rõ tham vọng thao túng toàn bộ thị trường nội địa, loại khỏi ‘‘sân chơi’‘ các công ty cùng ngành bản xứ để chiếm thị phần lớn hơn và lợi dụng điều này để làm bàn đạp hỗ trợ cho các thị trường khác trong khu vực nhưng thị phần còn nhỏ . Theo các thống kê cho thấy một số doanh nghiệp FDI tiến hành các chiến dịch tranh giành thị phần bằng con đường bán phá giá, lượng bán phá giá đạt đến mức kỷ lục là 25-30% trên doanh thu, góp phần gây lỗ trầm trọng hơn cho doanh nghiệp FDI tại Việt Nam nhưng lại có lợi cho thương hiệu của công ty mẹ ở nước ngoài. Thực vậy, việc kê khai giảm giá đầu ra của các doanh nghiệp FDI, không những thực hiện được những hành vi chuyển giá trong nội bộ của công ty MNC mà còn thao túng thị trường nội địa của nước tiếp nhận đầu tư thông qua việc bán phá giá. Hiện tượng này thể hiện rõ nét nhất thông qua tình hình hoạt động kinh doanh của công ty Coca Cola Chương Dương. Thực tế, phản ánh rõ ràng hơn đối với sản phẩm Coca Cola ở chỗ: một lon Coca Cola ở thị trường Mỹ là 75 cents (tương đương khoảng 10500 đồng) trong khi một lon Coca Cola bán tại thị trường Việt Nam bình quân một lon giá 5.000  đồng – 7.000 đồng (tương đương khoảng 40 – 50 cents) thấp hơn giá bình quân trên thị trường Mỹ là 25 cents (tỷ giá tạm tính 14.000 VND/USD). Đây phải chăng là hiện tượng bán phá giá của Công ty Coca Cola Chương Dương được  điều phối từ công ty mẹ thông qua chiến lược bán hàng và chính sách mua nguyên liệu từ công ty con ở Việt Nam. Nghiên cứu cũng chỉ ra Công ty Coca Cola Chương Dương đã xâm chiếm thị phần của các đối thủ bằng con đường bán phá giá (đặc biệt trong hai tháng 3 và tháng 4/1998) Coca Cola đã bán  phá giá kỷ lục là 30%) trong khi liên doanh này không hề có sự chuyển.biến rõ rệt về công nghệ, về năng suất lao động và hiệu suất trong các khâu khác. Đợt tổ chức  khuyến mãi ‘‘Cúp bóng đá thế giới  98‘‘, công ty đã chi một số tiền 1,8 tỷ đồng bất chấp sự không đồng ý của phía đối tác Việt Nam, làm cho Công ty đã lỗ càng lỗ nặng (trong chiến dịch khuyến mãi vào tháng 3 – 4/98 Công ty đã lỗ đến 20 tỷ đồng). Thế nhưng, trên thương trường quốc tế Việt Nam lại phải đối mặt vì bị kiện về bán phá giá? Kể từ năm 1991 đến nay, Việt Nam đã phải đối phó với 8 vụ kiện chống bán phá giá. Trong đó có 5 vụ kiện đã kết thúc và 3 vụ kiện đang trong quá trình điều tra. Những vụ kết thúc là Colombia kiện Việt Nam bán phá giá gạo năm 1994, kết quả là Việt Nam không bị đánh thuế dù bị kết luận có bán phá giá là 9,07% nhưng  không gây tổn hại cho ngành trồng lúa gạo của Colombia. Vụ EU kiện Việt Nam bán phá giá mì chính vào năm 1998, kết quả doanh nghiệp Việt Nam bị đánh thuế chống phá giá ở mức 16,8%. Cùng năm này EU còn kiện doanh nghiệp Việt Nam bán phá giá về giày dép, kết quả là không bị đánh thuế, vì phần hàng Việt Nam gia tăng rất nhỏ so với các nước Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan. Năm 2000, vụ kiện bán phá giá bật lửa tại Ba Lan, kết quả doanh  nghiệp Việt Nam phải chịu đánh thuế chống bán phá giá với mức 1,48 đô la Canada/ kg. Còn trong năm 2002 thì đối phó với ba vụ kiện bán phá giá về đế giày của Canada, bật lửa gas của EU và vụ kiện bán phá giá cá tra và cá ba sa của Mỹ . Các trường hợp hàng xuất khẩu Việt Nam bị kiện bán phá giá cũng tăng tỷ lệ thuận với việc mở rộng thị trường của Việt Nam.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật