VAI TRÒ CỦA TỔ CHỨC BẢO HIỂM TIỀN GỬI TRONG VIỆC BẢO VỆ NGƯỜI GỬI TIỀN VÀ ĐẢM BẢO SỰ PHÁT TRIỂN AN TOÀN CỦA HỆ THỐNG NGÂN HÀNG

TS. PHÙNG VĂN HÙNG – Giám đốc Trung tâm Thông tin, TV và NCKH Văn phòng Quốc hội Hoạt động của các tổ chức tài chính nói chung và các ngân hàng nói riêng luôn có những rủi ro, trong đó mất khả năng thanh toán là rủi ro lớn nhất. Hậu quả có thể dẫn tới là hệ thống tài chính quốc gia bị tê liệt; xã hội bị bất ổn và niềm tin của các nhà đầu tư sẽ bị giảm sút. Một trong những công cụ phòng ngừa được sử dụng phổ biến trên thế giới hiện nay là bảo hiểm tiền gửi (BHTG). Bảo hiểm tiền gửi là cam kết công khai của tổ chức BHTG đối với tổ chức tham gia BHTG và người gửi tiền về việc tổ chức BHTG sẽ chi trả tiền gửi được bảo hiểm cộng với tiền lãi nhập gốc cho người gửi tiền khi tổ chức tham gia BHTG bị chấm dứt hoạt động và mất khả năng thanh toán cho người gửi tiền. Đối với Việt Nam, một nước đang phát triển, nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài có vị trí hết sức quan trọng cho tăng trưởng kinh tế; và đặc biệt có một bộ phận không nhỏ người dân Việt Nam cuộc sống của họ chỉ biết trông chờ vào lãi suất thu được từ việc gửi tiền tiết kiệm tại các ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng, thì vần đề bảo hiểm tiền gửi lại càng có ý nghĩa quan trọng. Ngày 01/09/1999 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 89/1999/NĐ-CP về bảo hiểm tiền gửi. Tiếp theo đó, ngày 9/11/1999 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 218/1999/QĐ- TTg về việc thành lập cơ quan BHTG Việt Nam. Sau 9 năm đi vào hoạt động tổ chức BHTG tại Việt Nam đã và đang tiếp tục khẳng định tốt vai trò của mình trong việc bảo vệ người gửi tiền và đảm bảo sự phát triển an toàn của hệ thống ngân hàng, ổn định an ninh chính trị và đời sống xã hội. BHTG được xem như một lời đảm bảo công khai và hữu hiệu của Chính phủ để củng cố lòng tin của công chúng; hạn chế tình trạng người gửi tiền đổ xô đi rút tiền hàng loạt tại ngân hàng vì nghe tin đồn thất thiệt, không có cơ sở về tình hình hoạt động tài chính kém lành mạnh của một ngân hàng nào đó; hoặc thậm chí ngay cả trong trường hợp thực sự có sự đổ vỡ của một ngân hàng nào đó thì Nhà nước cũng sẽ có biện pháp can thiệt kịp thời nhằm tránh sự lây lan sang tổ chức tín dụng đang hoạt động lành mạnh khác. 1. Mô hình và vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi BHTG được xuất hiện lần đầu tiên ở Mỹ vào năm 1932 sau những vụ vỡ nợ ngân hàng hàng loạt, đó là BHTG liên bang của Mỹ (FDIC). FDIC là cơ quan của Chính phủ có nhiệm vụ thực hiện việc bảo hiểm đối với toàn bộ hoạt động của hệ thống ngân hàng Mỹ. Sau sự ra đời của FDIC, tính đến nay trên thế giới đã có khoảng hơn 90 quốc gia có tổ chức BHTG. Ngày 6/5/2002   Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi Quốc tế được thành lập, có trụ sở tại Thụy Sỹ với sự tham gia của nhiều hệ thống BHTG trên thế giới. Điều đó, tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của BHTG đối với sự kiểm soát hoạt động tài chính – ngân hàng bảo vệ người gửi tiền của các nước trên thế giới. Hiện nay trên thế giới có ba mô hình BHTG phổ biến, đó là: Mô hình chi trả; Mô hình chi trả có quyền hạn mở rộng; Mô hình giảm thiểu rủi ro. Nhiệm vụ và chức năng của các mô hình này là: Thứ nhất, đối với mô hình chi trả, tổ chức BHTG có chức năng chính là thực hiện chi trả cho người gửi tiền sau khi tổ chức tham gia BHTG bị phá sản. Thứ hai, đối với mô hình chi trả có quyền hạn mở rộng thì ngoài chức năng thực hiện chi trả cho người gửi tiền sau khi tổ chức tham gia BHTG bị phá sản thì tổ chức BHTG còn có một số chức năng khác tuỳ thuộc vào đặc thù của mỗi nước (đây chính là mô hình tổ chức hiện tại của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam hiện nay). Thứ ba, đối với mô hình giảm thiểu rủi ro, đây là mô hình có tính ưu việt nhất, bởi vì nó đã thể hiện được tốt nhất vai trò của tổ chức BHTG trong việc bảo vệ người gửi tiền. Ngoài các chức năng, thẩm quyền của tổ chức BHTG theo hai mô hình nêu trên thì mô hình giảm thiểu rủi to còn có thêm một số chức năng, thẩm quyền khác nhằm bảo vệ tốt nhất người gửi tiền; đảm bảo sự an toàn của hệ thống tài chính và tham gia vào tái thiết hệ thống tài chính – ngân hàng. Sau cuộc khủng hoảng ngân hàng Northern Rock ở Anh cuối năm 2007, các chuyên gia kinh tế thế giới đã phân tích và chỉ ra một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới sự đổ vỡ ngân hàng là do hệ thống BHTG ở Anh hoạt động kém hiệu quả với mô hình chi trả. Vì vậy nó đã không tạo lập được niềm tin của công chúng đối với hệ thống tài chính – ngân hàng dẫn tới việc không thể ngăn chặn được dòng người rút tiền ồ ạt. Sau cuộc khủng hoảng này, để hạn chế rủi ro Chính phủ Anh đã có chủ trương chuyển mô hình tổ chức BHTG từ chi trả sang mô hình giảm thiểu rủi ro. Tuỳ theo mô hình tổ chức được áp dụng mà tổ chức BHTG có thể khẳng định rõ được vai trò của mình trong việc bảo vệ người gửi tiền và đảm bảo sự phát triển an toàn của hệ thống ngân hàng. Bảo hiểm tiền gửi có vai trò rất quan trọng đối với sự ổn định phát triển kinh tế -xã hội. Nó góp phần bảo vệ người gửi tiền, đảm bảo sự an toàn lành mạnh hoạt động ngân hàng, thúc đẩy huy động vốn phục vụ phát triển và xử lý khủng hoảng tài chính. BHTG có mục đích cơ bản sau: i) Bảo vệ người gửi tiền ít, có hạn chế về mặt thông tin đối với hoạt động của các tổ chức nhận tiền gửi. ii) Góp phần đảm bảo hệ thống tài chính – ngân hàng hoạt động lành mạnh, ổn định và ngăn chặn đổ vỡ ngân hàng thông qua các hoạt động nghiệp vụ. iii) Góp phần xây dựng thị trường tài chính lành mnh, có tính cạnh tranh bình đẳng giữa các tổ chức tài chính với quy mô và loại hình khác nhau. iv) Giảm thiểu gánh nặng cho Chính phủ trong trường hợp xử lý đổ vỡ của tổ chức tín dụng; giảm gánh nặng cho người dân đóng thuế trong trường hợp ngân hàng đổ bể (Nhà nước không phải sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý đổ vỡ của các tổ chức tín dụng). Như chúng ta đã biết, tiền gửi là “của cải” chủ yếu, thuộc sở hữu của số đông dân cư, là lợi ích của những người gửi tiền nhỏ, tầng lớp dân cư có thu nhập thấp. Tầng lớp dân cư này có những hạn chế nhất định trong việc tiếp cận và phân tích thông tin về hoạt động của tổ chức huy động tiền gửi. Đời sống của những người gửi tiền thuộc tầng lớp dân cư có thu nhập thấp thường bị tác động nhiều hơn các khách hàng gửi tiền khác khi có đổ bể ngân hàng xảy ra. Mặc dù, tiền gửi tại ngân hàng của những nguời có thu nhập thấp thường ít hơn số tiền gửi của các đối tượng khác nhưng có thể tiền lãi trên số tiền gửi ít ỏi đó lại là nguồn sống hàng ngày của người dân nghèo. Vì lo lắng sẽ bị ảnh hưởng khi có đổ bể ngân hàng và vì bị hạn chế về khả năng có được thông tin chính xác về hoạt động của các tổ chức tín dụng nên tầng lớp người gửi tiền có thu nhập thấp thường hay có các "ứng xử quá đỗi" khi có thông tin đồn đại thất thiệt về ngân hàng. Chẳng hạn, khi có một thông tin đồn đại xấu về ngân hàng nào đó thì họ có thể ồ ạt rút tất cả tiền gửi tại ngân hàng này mặc dù nhu cầu chi tiêu chủ quan của họ chưa nhất thiết phải làm như vậy. Hiện tượng rút tiền ồ ạt vì một thông tin thất thiệt ở Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu tại Việt Nam trong tháng 10/2003 là một minh chứng cụ thể. Các hiện tượng đó nếu không được xử lý kịp thời có thể là nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ ngân hàng hàng loạt, và đây là một trong những vai trò quan trọng của tổ chức BHTG nhằm hạn chế những hậu quả này. Ngoài ra, vai trò của tổ chức BHTG đối với đảm bảo sự phát triển an toàn, bền vững của hệ thống ngân hàng được thể hiện trên ba giác độ: Một là, hoạt động bảo hiểm tiền gửi có tác dụng tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng mới ra đời hoặc ngân hàng với quy mô hoạt động hạn chế có điều kiện phát triển tốt hơn. Với các ngân hàng nhỏ hay ngân hàng mới đi vào hoạt động, người dân có tâm lý lo ngại có thể mất tiền gửi do ngân hàng nhận tiền gửi "bị đóng cửa". Tuy nhiên, khi các tổ chức này tham gia BHTG thì tâm lý này sẽ được giải toả, giúp ngân hàng phát triển tốt hơn. Hai là, hoạt động BHTG giúp các ngân hàng thực sự yếu kém, không thể tiếp tục duy trì hoạt động có thể rút khỏi lĩnh vực kinh doanh ngân hàng một cách có trật tự, không ảnh hưởng tới các ngân hàng khác. Thông qua hoạt động của nghiệp vụ kiểm tra và giám sát của mình, tổ chức BHTG có khả năng đánh giá kịp thời thực trạng hoạt động của các ngân hàng tham gia BHTG. Chẳng hạn, trong trường hợp phát hiện ngân hàng nào đó hoạt động yếu kém, không hiệu quả thì tổ chức BHTG sẽ triển khai một số biện pháp hỗ trợ, như: (1) đưa ra phương án sáp nhập với ngân hàng khác; (2) chi trả bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền thuộc đối tượng bảo hiểm tiền gửi; (3) tham gia vào quá trình thanh lý tài sản của ngân hàng đó để tiếp tục bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền có tiền lớn hơn hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi. Ba là, hoạt động BHTG tạo động lực để các ngân hàng giám sát lẫn nhau, thúc đẩy nhau nâng cao chất lượng hoạt động, từ đó đảm bảo sự phát triển bền vững của cả hệ thống tài chính ngân hàng quốc gia. 2. Đánh giá một số kết quả đạt được của tổ chức Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam Kinh nghiệm từ đổ vỡ hệ thống hợp tác xã tín dụng những năm 1989-1990 và tác động khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 cho thấy, hệ thống tài chính – ngân hàng Việt Nam càng hội nhập sâu rộng càng tiềm ẩn những yếu tố rủi ro, bao gồm cả những rủi ro mang tính hệ thống, nhất là hệ thống quỹ tín dụng nhân dân và các ngân hàng thương mại cổ phần. Như trên đã đề cập, BHTG Việt Nam là một trong các định chế tài chính thực hiện những biện pháp phòng ngừa nhằm góp phần hạn chế tổn thất và ngăn ngừa sự đổ vỡ hàng loạt các tổ chức tín dụng. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là tổ chức tài chính Nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, được Nhà nước cấp vốn điều lệ ban đầu 1.000 tỷ đồng- tính đến tháng 1/2008 thì vốn điều lệ của BHTG Việt Nam đã được tăng lên là 5.000 tỷ đồng. Sau 9 năm đi vào hoạt động BHTGVN đã từng bước khẳng định được vai trò của mình trong tiến trình đổi mới, cơ cấu lại hệ thống tài chính ngân hàng; bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền; góp phần duy trì sự ổn định của các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh hoạt động ngân hàng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội. Kết quả ban đầu đáng ghi nhận đó là chúng ta đã có khung khổ pháp lý cho hoạt động BHTG; công khai hoá chính sách công BHTG, các tổ chức nhận tiền gửi phải tham gia BHTG bắt buộc; đối tượng tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam, chủ yếu là tin gửi của cá nhân, hộ gia đình. BHTG Việt Nam thực hiện nhiệm vụ cấp và thu hồi Chứng nhận BHTG, thu phí bảo hiểm ở mức đồng hạng 0,15%/năm trên số dư tiền gửi được bảo hiểm, giám sát các tổ chức nhận tiền gửi, đầu tư tài chính, hỗ trợ tài chính đối với các tổ chức nhận tiền gửi, chi trả tiền bảo hiểm tối đa 50 triệu đồng cho một người gửi tiền tại một tổ chức nhận tiền gửi, thu hồi nợ và thanh lý tài sản. Tính đến thời điểm hiện tại, BHTG Việt Nam đã cấp giấy Chứng nhận BHTG cho hơn 1.077 tổ chức nhận tiền gửi, bao gồm 05 ngân hàng thương mại Nhà nước, 34 ngân hàng thương mại cổ phần, 32 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 05 ngân hàng liên doanh, 10 tổ chức tín dụng phi ngân hàng, Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương và 990 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở1. Hoạt động giám sát, kiểm tra là nghiệp vụ quan trọng nhất của BHTG Việt Nam, hiện nay triển khai giám sát 100% các tổ chức tham gia BHTG và thực hiện nhiều cuộc kiểm tra tại chỗ đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm. Hiện nay, BHTG Việt Nam đang nghiên cứu cải tiến hoạt động giám sát theo mô hình và chuẩn mực quốc tế; kết nối trực tuyến thí điểm với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi để khai thác báo cáo điện tử trực tuyến từ các tổ chức tín dụng. Chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền là biện pháp cuối cùng khi tổ chức tham gia bảo hiểm chấm dứt hoạt động, đó là một trong những nội dung hoạt động quan trọng của BHTG Việt Nam. Thời gian qua, BHTG Việt Nam đã chi trả kịp thời theo quy định cho 1.511 người gửi tiền với tổng số tiền là 18.421 triệu đồng, tại 36 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở bị giải thể2. Việc chi trả tiền bảo hiểm đã thể hiện được vai trò của BHTG Việt Nam trong việc bảo vệ người gửi tiền, tạo lập niềm tin của người dân, ngăn ngừa ảnh hưởng đổ vỡ dây chuyền trong hệ thống ngân hàng, nhất là trong tình hình khủng hoảng tài chính ở một số nền kinh tế lớn hiện nay. 3. Định hướng phát triển của tổ chức Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong thời gian tới Vận dụng các bài học kinh nghiệm của thế giới, trước bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cho thấy xu thế phát triển tất yếu trong thời gian tới của tổ chức Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là: - Nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động BHTG tại Việt Nam, trong đó cần xây dựng Luật về Bảo hiểm tiền gửi là cơ sở để BHTG Việt Nam phát huy tốt nhất vai trò của mình trong việc bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và đảm bảo an toàn hệ thống tài chính ngân hàng. - Xây dựng được mô hình tiến tiến về BHTG, tổ chức BHTG giảm thiểu rủi ro với các chức năng mở rộng của nó. - Thiết kế được mạng lưới an toàn tài chính quốc gia có cơ chế hoạt động và phối hợp rõ ràng, kiểm soát có hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng và các tổ chức khác có nhận tiền gửi. - Hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng về BHTG; tích cực trao đổi kinh nghiệm, hợp tác kỹ thuật tiến tới tiêu chuẩn hoá các vấn đề về bảo hiểm tiền gửi. Chú thích: 1 Nguồn BHTGVN, tính đến 31/12/2007. 2 Nguồn BHTGVN, tính đến 31/12/2007. Tài liệu tham khảo: 1. Nghị định 89/1999 /NĐ-CP ngày 01/09/1999 của Chính phủ về bảo hiểm tiền gửi; Nghị định số 109/2005/NĐ-CP ngày 24/8/2005 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 89/1999 /NĐ-CP ngày 01/09/1999 của Chính phủ về bảo hiểm tiền gửi; 2. Quyết định 218/1999/QĐ-TTG ngày 09/11/1999 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; 3. Tài liệu Giới thiệu về bảo hiểm tiền gửi và BHTGVN; 4. Báo cáo tổng kết năm 2007 của BHTGVN; 5. http://www.div.gov.vn; 6. http://www.fdic.gov.

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật