TỶ GIÁ – NGUỒN GỐC RỦI RO TÀI CHÍNH CHO CÁC DOANH NGHIỆP

Tỷ giá là một trong nguồn gốc rủi ro chính khiến nhiều doanh nghiệp trên thế giới rơi vào lao đao, và cũng là nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của rất nhiều công cụ phòng chống rủi ro ngoại hối. Trong quá khứ, tác động của việc tỷ giá biến động nhiều hơn kể từ sau sự sụp đổ của chế độ tỷ giá Bretton Woods vào đầu thập niên 1970 đã kéo nhiều công ty lớn trên thế giới, đặc biệt là nhiều công ty tên tuổi của Mỹ và Nhật vào những “rắc rối” về tỷ giá trong các thập niên 1980 và 1990. Thời kỳ đó, những tên tuổi như Laker Airlines, Caterpillar, Toyota, Honda, v.v. đều than phiền trên mặt báo rằng những biến động bất lợi của tỷ giá đã tạo ra nhiều khó khăn cho hoạt động kinh doanh của họ, và khiến cho doanh thu lẫn lợi nhuận giảm thấp. Trong thời gian gần đây, tỷ giá USD/VND có những biến động bất thường, mới đầu năm 2008 còn tình trạng đồng đô la ế ẩm không ngân hàng thương mại nào mua thì giờ đây (vào giữa tháng 5/2008) giá trị đồng tiền này đã tăng vọt lên hơn 13% không đầy 3 tháng. Những biến động này đã tác động không nhỏ đến hoạt động của các doanh nghiệp. Bài viết tập trung làm rõ về mặt lý thuyết và thực tiễn những tác động rủi ro tỷ giá đến các doanh nghiệp và đề xuất một số biện pháp nhằm giảm những rủi ro này. 1. Tác động của tỷ giá đến các doanh nghiệp Về lý thuyết, biến động tỷ giá có thể tác động đến doanh nghiệp theo nhiều cách và được đo lường bằng độ nhạy cảm đối với rủi ro tỷ giá. Nguy cơ độ nhạy cảm tỷ giá có thể xảy ra cho bất kỳ doanh nghiệp nào – thậm chí xảy ra với cả những doanh nghiệp mà tất cả các hoạt động kinh doanh của họ không liên quan gì đến bất cứ một loại ngoại tệ nào. Vậy nguồn gốc của rủi ro tỷ giá xuất phát từ đâu? Nguy cơ độ nhạy cảm tỷ giá bắt nguồn từ các giao dịch thương mại. Đây là loại nguy cơ độ nhạy cảm tỷ giá phổ biến nhất mà các doanh nghiệp gặp phải do hoặc phải trả tiền cho người cung cấp hoặc bán hàng và thu về một đồng tiền khác với đồng tiền nước mình, thông qua các giao dịch như:   - Mua nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh trả tiền bằng ngoại tệ, hoặc - Bán sản phẩm thu tiền bằng ngoại tệ. Nguy cơ rủi ro kiểu này là rất quan trọng bởi vì những biến động ngoại hối có thể ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Nguy cơ rủi ro này có thể định lượng được và do vậy doanh nghiệp thường hiểu rất rõ về nó. Để minh họa tác động tiềm ẩn của độ nhạy cảm giao dịch đối với các rủi ro tỷ giá, hãy xem các nhà xuất khẩu Mỹ đã bán sản phẩm của họ cho các nước châu Á trong suốt cuộc khủng hoảng 1997 – 1998, khi một vài đồng tiền các nước châu Á giảm giá khoảng 80%. Nếu các nhà xuất khẩu thu tiền bằng tiền của các nước châu Á, thì dòng tiền của họ có thể ít hơn 80% so với dự định. Nếu các nhà xuất khẩu thu tiền bằng USD họ sẽ không phải gánh chịu  nhạy cảm giao dịch đối với rủi ro tỷ giá. Trong trường hợp này, các công ty nhập khẩu ở các nước châu Á lại chịu rủi ro này. Tác động của sự thay đổi lớn trong giá trị tiền tệ có thể tàn phá các công ty kinh doanh chủ yếu dựa vào giao dịch quốc tế. Nguy cơ độ nhạy cảm tỷ giá từ các chi nhánh tại nước ngoài. Nếu một công ty có một công ty con (chi nhánh) tại nước ngoài, thì công ty đó phải đối mặt với một nguy cơ rủi ro đối với đồng tiền tại nước mà chi nhánh của nó đang hoạt động. Nguy cơ loại này được thể hiện thông qua hai dạng đặc trưng sau: Chuyển lợi nhuận – giá trị tiền tệ của công ty mẹ về một dòng lưu chuyển lợi nhuận không đổi từ công ty con sẽ thay đổi cùng với bất kỳ sự thay đổi nào về tỷ giá giữa hai nước. Do vậy nó sẽ tác động đến báo cáo kết quả kinh doanh  hợp nhất của công ty đó. Nguy cơ từ bảng cân đối kế toán – giá trị bảng cân đối kế toán của công ty con tính theo đồng tiền của công ty mẹ sẽ biến động theo tỷ giá. Biến động đó không ảnh hưởng tới báo cáo kết quả kinh doanh của công ty nhưng nó có thể làm thay đổi các tỷ số tài chính quan trọng như các tỷ số đòn bẩy tài chính (sử dụng nợ). Tương tự, nguy cơ rủi ro có thể cảm nhận được rất rõ ràng nếu công ty mẹ quyết định bán công ty con đi bởi vì giá trị của khoản tiền thu được đối với công ty mẹ sẽ thay đổi theo tỷ giá hối đoái. Loại nguy cơ rủi ro này là loại mà chính công ty con không gặp phải nhưng lại ảnh hưởng tới các tài khoản của công ty mẹ. Có thể có những dự đoán tương đối hợp lý về quy mô của những nguy cơ rủi ro kiểu này. Minh họa trong thực tiễn cuộc khủng hoảng tài chính châu Á tác động đến độ nhạy cảm chuyển đổi đối với rủi ro tỷ giá. Thu nhập hợp nhất của công ty Black & Decker, công ty Coca-Cola cũng như những công ty khác của Mỹ rất nhạy cảm đối với tỷ giá hối đoái bởi vì hơn 1/3 tài sản và doanh số của các công ty này là ở nước ngoài. Khi các đồng ngoại tệ giảm giá so với đô la thì thu nhập của các công ty mẹ  cũng giảm theo. Trong giai đoạn từ 1985 – 1988 khi đồng đô la yếu thì thu nhập của các công ty mẹ tại Mỹ gặp thuận lợi do tác động đồng đô la yếu bởi vì các khoản thu nhập từ nước ngoài chuyển về Mỹ được tính theo tỷ giá cao hơn. Trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, đồng tiền của các quốc gia này giảm giá hơn 50% so với đồng đô la làm cho ngoại tệ của các công ty con đặt tại châu Á chuyển sang đô la ít hơn phân nửa so với dự kiến trước đây. Tác động của khủng hoảng này cũng ảnh hưởng dây chuyền đến đồng yên Nhật làm cho đồng yên yếu đi. Kết quả là thu nhập của các công ty con Mỹ đang hoạt động tại Nhật khi chuyển sang đô la cũng giảm đáng kể. Theo đánh giá của tổ chức tư vấn nghiên cứu thế giới (WRA), tổng cộng thu nhập các công ty giảm khoảng 20 tỷ đô la trong quý 3/1998 chỉ với lý do đồng tiền các nước châu Á giảm giá so với đô la. Nguy cơ độ nhạy cảm tỷ giá từ các khoản vay bằng ngoại tệ: Thông thường các doanh nghiệp có nhiều khả năng tiếp cận với các nguồn vốn bằng các loại ngoại tệ khác với đồng nội tệ của nước mình với các mức lãi suất rất cạnh tranh. Sở dĩ như thế là do ngày càng có nhiều những lời chào mời cho vay cạnh tranh hơn bằng các đồng tiền khác, hay đơn giản bởi vì các mức lãi suất tuyệt đối của các đồng tiền khác là thấp hơn. Các khoản vay như vậy đã đẩy công ty tới nguy cơ rủi ro về độ nhạy cảm tỷ giá – khi phải thanh toán lãi vay, nhưng quan trọng hơn là khi hoàn trả khoản vốn vay cuối cùng. Nhiều công ty ở các nước châu Á đã thấm thía như thế nào khi chứng kiến thảm cảnh chi phí cho việc dùng đồng nội tệ để hoàn trả các khoản vay mà họ đã vay bằng đồng USD đến ngày trả nợ lại tăng lên đáng kể. >Nguy cơ rủi ro loại này thường là do công ty tự nguyện lâm vào và cũng dễ định lượng. Nguy cơ độ nhạy cảm từ các chiến lược. Loại nguy cơ này thường là rất không rõ ràng, nhưng tiếp theo những bất ổn tiền tệ mà chúng ta đã từng chứng kiến trong khoảng một thập niên nay, thì nhiều công ty sẽ vô cùng cay đắng để nhận thức ra sự thật phũ phàng này. Loại nguy cơ rủi ro này có thể tác động đáng kể đến khả năng cạnh tranh và do vậy ảnh hưởng đến khả năng sinh lợi của một công ty. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, tỷ giá hối đoái giữa các quốc gia trong khu vực đã thay đổi đột ngột và do vậy khả năng cạnh tranh tương đối của các công ty sản xuất những sản phẩm tương tự nhau ở các quốc gia khác nhau cũng đã thay đổi. Về mặt logic thì những tác động tương tự do biến động bất thường của tỷ giá cũng có thể được tìm thấy trong nền kinh tế VN. Nhưng về thực tế, kể từ trước năm 2007 những tác động do biến động tỷ giá gây ra cho các doanh nghiệp VN dường như không quá lớn như ở các nước. Trong suốt một thời gian dài, mặc dù đăng ký với IMF chế độ tỷ giá thả nổi có quản lý nhưng thực chất VN theo đuổi chính sách tỷ giá neo khá chặt vào USD với biên độ dao động hẹp.  Chính vì vậy mà hầu như các doanh nghiệp không ai quan tâm đến rủi ro tỷ giá và các công cụ phòng ngừa rủi ro mặc dù đã triển khai nhưng ít được sử dụng. Trong giai đoạn 2004 – 2006, VND giảm giá xoay quanh mức 1%/năm. Nhưng từ ngày 1/1/2007, NHNN quyết định thay đổi biên độ dao động tỷ giá USD/VND được mở rộng là cộng/trừ 0,5%, đồng VN đã đảo chiều và tăng giá, khiến tỷ giá giảm khoảng 0,3%. Trong điều kiện bình thường, việc điều chỉnh biên độ tỷ giá theo hướng tăng thường được hiểu và sẽ dẫn đến là mở rộng tốc độ giảm giá của VND so với USD. Đây là lần đầu tiên diễn biến tỷ giá đã không tăng lên, thậm chí còn tiếp tục giảm thêm sau khi NHNN công bố tăng biên độ tỷ giá. Tuy nhiên, xu hướng tăng giá nội tệ đã được chặn lại vào những tháng tiếp đó, và bắt đầu từ tháng 5/2007, đồng VN đã giảm giá trở lại, khoảng 0,6% so với USD. Tỷ giá bình quân liên NH ngày 15/8 của Sở Giao dịch NHNN là 16.213 VND và các NHTM cũng bán ra mức 1 USD = 16.213 VND. Còn trên thị trường tự do, để mua 1 USD phải cần tới 16.290 VND. So với thời điểm đầu năm, tỷ giá của các NHTM vào thời điểm 15/8/2007 đã tăng khoảng 0,98%, sát với mức 1% mà NHNN dự kiến cho cả năm. Sự đảo chiều này của tỷ giá được lý giải: trước hết là từ tác động mua vào mạnh mẽ của NHNN, kế đến là nhu cầu của các doanh nghiệp. Trong giai đoạn này, các NH đều có cùng nhận định nhu cầu vay ngoại tệ của doanh nghiệp đang tăng mạnh. Về nguyên nhân từ lạm phát, theo ước tính của một số chuyên gia, với mức tăng của giá tiêu dùng 7 tháng đầu năm 6,19%, tỷ giá có thể lên đến 17.000 VND. Tuy nhiên, do chính sách tỷ giá của NHNN được “trung hòa” theo một rổ các đồng tiền trong thanh toán xuất nhập khẩu, do chính đồng USD đã mất giá mạnh trên thị trường thế giới nên tỷ giá USD/VND được giữ ở mức hiện tại. Nhưng sau khi đạt đến đỉnh điểm vào ngày 15/8/2007, tỷ giá USD/VND đã bắt đầu quay đầu giảm giá và đà giảm giá này đã kéo dài cho đến tận thời điểm hiện nay và tình trạng các NHTM thừa USD cũng như không thể đáp ứng hết nhu cầu chuyển đổi USD sang VND cho khách hàng càng trở nên gay gắt. So với tỷ giá do NHNN công bố thì tỷ giá tại các NHTM thấp hơn khoảng 0.5%, cũng là mức tối đa trong biên độ cho phép. Mặc dù năm nay nhập siêu khá lớn, nhưng một khối lượng khá lớn USD kiều hối và vốn đầu tư chứng khoán đã chuyển vào VN đã dẫn đến tình trạng thừa USD.  Bên cạnh đó, do từ đầu năm NHNN đã mua dự trữ khoảng hơn 7 tỉ USD, hiện trong hoàn cảnh lạm phát tăng cao nên không thể tiếp tục mua nhiều. Tình trạng USD mất giá đang gây khó khăn cho các DN XNK. Thậm chí, nhiều DN sau khi thu được USD muốn chuyển sang VND để tiếp tục sản xuất kinh doanh cũng gặp khó khăn. Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến hoạt động XK trong thời gian tới. Có DN đã phải chấp nhận bán USD thấp hơn giá công bố của NH, cũng có nghĩa là thấp hơn biên độ cho phép của NHNN. Về phần các NHTM, việc mua thấp hơn giá công bố không phải nhằm mục đích kiếm lợi mà chỉ phòng ngừa thua lỗ. Tình trạng thừa USD cũng tác động đến TTCK. Hiện chưa có thống kê chính thức về các khoản USD mà các nhà đầu tư nước ngoài chuyển vào nhưng chắc chắn là khối lượng không nhỏ. Theo thông tin từ các công ty chứng khoán, các nhà đầu tư nước ngoài muốn chuyển đổi vốn từ USD sang VND để mua chứng khoán nhưng các NH không có khả năng đáp ứng nên đành phải xếp hàng chờ. Các  ngân hàng thương mại gần như từ chối mua USD tiền mặt từ khách hàng cá nhân cũng như doanh nghiệp. Nhưng mặt khác, các ngân hàng lại đang tăng lãi suất huy động loại ngoại tệ này. Vậy sự thực ngân hàng đang dư hay thiếu USD? Câu trả lời là trong tình hình hiện nay thực chất các ngân hàng thương mại đang trong tình trạng thiếu tiền USD nguồn, tức nguồn ngoại tệ huy động để phục vụ cho vay các khách hàng có nhu cầu về USD chứ không phải USD tiền mặt. Nhưng nguồn huy động hiện không có mà nếu chấp nhận bỏ chi phí ra mua USD tiền mặt thì các ngân hàng thương mại lại rước phần thiệt thòi về mình. Điều này đã dẫn đến một thực tế là trong thời gian qua đã xảy ra hiện tượng “ứ máu” ngoại tệ tại các NH, điều đó đã khiến tỷ giá USD/VND liên tục sụt giảm, có khi trên thị trường tự do, tỷ giá này là 15.650 VND đổi 1 USD. Hầu hết các NHTM đều mua bán USD dưới mức sàn của tỷ giá niêm yết chính thức. Điều đó đã khiến NHNN đã liên tục nới lỏng biên độ tỷ giá bình quân liên ngân hàng lên mức hiện nay là 1% và nhiều chuyên gia dự báo rằng mức này sẽ còn tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, tỷ giá lại lại có dấu hiệu đảo chiều kể từ đầu quý II/2008 và lên mức kỷ lục khi tỷ giá USD/VND vào ngày 27/5 đã lên đến mức 16.900 tại thị trường liên ngân hàng trong khi ở thị trường chợ đen giá này cao hơn mức 17.000. Với những diễn biến phức tạp của tỷ giá, hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thực sự rơi vào khó khăn. Các doanh nghiệp VN liên tục gặp những tác động từ độ nhạy cảm giao dịch (VND lên giá nên các doanh nghiệp xuất khẩu thua lỗ khi chuyển đổi USD sang VND, hoặc tại thời điểm này, khi VND mất giá nhiều so với các loại ngoại tệ thì các doanh nghiệp lại phải tốn chi phí quá lớn khi phải nhập khẩu từ đó ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh) mặt khác lại gánh chịu độ nhạy cảm kinh tế cao do giá cả hàng VN khi VND lên giá trở nên kém tính cạnh tranh hơn. Giờ đây tỷ giá đã trở thành một nguồn rủi ro mà các doanh nghiệp cần phải tốn nhiều công sức để xem xét phòng ngừa. Đấy là chúng ta còn chưa tính đến khả năng nhiều đồng tiền như EUR và CNY sẽ còn chiếm tỷ trọng lớn hơn trong hệ thống đồng tiền thanh toán chính của các doanh nghiệp VN, khi ấy, độ nhạy cảm của các doanh nghiệp với biến động tỷ giá giữa các đồng tiền chính với nhau cũng sẽ trở thành một vấn đề phải quan tâm (mà biến động giữa các đồng tiền mạnh như EUR so với USD thì lớn hơn rất nhiều so với cặp USD/VND). 2. Chính sách tỷ giá cần linh hoạt hơn và hành động của doanh nghiệp Đối với những bất ổn tỷ giá các doanh nghiệp hoàn toàn có thể sử dụng các sản phẩm phái sinh (hợp đồng kỳ hạn, hoán đổi, hợp đồng quyền chọn..) hiện nay đã được triển khai tại một số ngân hàng thương mại.  Nhưng trong thời gian qua các doanh nghiệp tìm đến các giao dịch này rất ít. Nguyên nhân chính là do am hiểu của doanh nghiệp về các công cụ này và nhận thức về tầm quan trọng của quản trị rủi ro còn hạn chế nhưng cũng có phần không nhỏ do cách thức điều hành chính sách tỷ giá của NHNN trong thời gian qua. Các công cụ phòng ngừa rủi ro đã có sẵn, bài viết này muốn nhấn mạnh đến vấn đề điều hành chính sách tỷ giá sao cho tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể nhận thức và phòng ngừa rủi ro cho mình. Trước hết, chúng ta cần nhìn nhận là từ khi gia nhập WTO, Trung Quốc đã ngày càng phải điều chỉnh tỷ giá linh hoạt hơn. [1] Điều này có thể xem là minh chứng cho một thực tế đó chính là hội nhập kinh tế đã tạo ra một áp lực buộc các nước này phải thay đổi chính sách tỷ giá của mình, phải chấp nhận để cho đồng tiền có tính chuyển đổi trong hoạt động thương mại lẫn đầu tư, đồng thời cũng không thể theo đuổi một chính sách tỷ giá “gần như cố định” như của Trung Quốc trước đây được. Nhìn từ góc độ VN sau khi trở thành một nước thành viên của WTO giống như Trung Quốc, chúng ta sẽ thấy VN cũng khó mà không đi theo con đường của Trung Quốc, nghĩa là phải chấp nhận một chế độ tỷ giá “linh hoạt hơn”, có nghĩa là tỷ giá có lên có xuống. Nếu gọi bằng một cái tên ít được ưa thích, thì đó sẽ là “bất ổn hơn”. Tại sao phải chấp nhận một chế độ tỷ giá bất ổn hơn? Trước hết do sức ép từ bên ngoài. Nhìn ở góc độ lạc quan nhất, VN chúng ta được đánh giá là một trong số những nền kinh tế đáng chú ý trong thời gian sắp tới trong mắt các nhà đầu tư và các đối thủ cạnh tranh về thương mại. Và như vậy, chắc chắn không ít nước sẽ xem chúng ta là “đối thủ tiềm năng” của họ trên đấu trường kinh tế, và vì vậy, sẽ làm mọi cách để hạn chế tác động bất lợi cho họ từ việc lớn mạnh của nước ta, từ thực hiện các biện pháp tích cực như đề nghị làm đối tác chiến lược để tác động phân chia thị phần theo lợi thế đến các biện pháp tiêu cực như kiện bán phá giá, áp đặt các hàng rào mậu dịch ẩn, và yêu cầu thay đổi tỷ giá. Liệu VN có thể đứng vững trước áp lực của cộng đồng quốc tế, khi mà Trung Quốc đang ở vị thế tốt hơn VN còn chưa thể làm được? Điều quan trọng hơn sức ép từ nước ngoài chính là áp lực phải thay đổi của chính nền kinh tế trong nước. Như cảnh báo từ World Bank, các nước đang phát triển hiện đang đứng trước một rủi ro rất lớn của việc các dòng vốn đầu tư gián tiếp đổ vào ào ạt. Đó chính là rủi ro tiềm ẩn của việc các dòng vốn này sẽ chảy ra nhanh gấp nhiều lần chảy vào, và gây ra khủng hoảng tài chính. Nếu giữ mãi việc bảo đảm tỷ giá sẽ “ổn định” trong một khung quá hẹp 1-2% trong 1 năm, thì sẽ làm thị trường chủ quan và dựa dẫm vào Nhà nước, “không thèm” sử dụng công cụ phòng ngừa rủi ro, đến lúc xảy ra “sự cố” sẽ trở nên hoang mang và phản ứng thái quá (điều này đã từng xảy ra ở nhiều nước đang phát triển, và cũng đã xảy ra trong năm nay ở VN). Như vậy, có vẻ như nhiều khả năng VN phải chấp nhận một chế độ tỷ giá “bất ổn” hơn, mà cụ thể là tỷ giá USD/VND phải được dao động trong biên độ rộng hơn nữa, vì sức ép từ bên ngoài lẫn bên trong của quá trình hội nhập kinh tế. Dường như đã có sự nhầm lẫn về khái niệm “linh hoạt” trong chính sách tỷ giá? Linh hoạt cần phải được hiểu là tỷ giá USD/VND có thể giảm (VND lên giá) nhưng tuyệt nhiên không thể là liên tục giảm như trong thời gian qua. Do NHNN đưa ra “tín hiệu” kiên quyết không mua vào ngoại tệ nên các ngân hàng thương mại biết chắc là tỷ giá chỉ có giảm và giảm nên họ không dại gì mua vào vì chỉ có lỗ. Biên độ tỷ giá vì vậy nếu có mở rộng đến 5-10% đi chăng nữa cũng không thể giải quyết được mâu thuẫn hiện tại: ngân hàng không dám mua vào USD trong khi nhu cầu vốn USD cho nền kinh tế thì đang có dấu hiệu ngày càng gia tăng. Muốn cho tỷ giá linh hoạt (có lên có xuống), NHNN nên ưu tiên mua vào lượng ngoại tệ của các doanh nghiệp xuất khẩu. Giải pháp này có thể giúp giải quyết phần nào tốc độ lên giá quá mức của VND. Hơn nữa để cho VND lên giá liên tục và lên giá mạnh mẽ càng khiến cho dòng vốn ngoại ngắn hạn chảy vào rất nguy hiểm cho nền kinh tế. Với cách điều hành chính sách như trong thời gian qua có thể tạo cho các doanh nghiệp cú sốc mạnh vượt quá sức chịu đựng của các doanh nghiệp trong khi các doanh nghiệp chưa sẵn sàng về tâm lý và chiến lược quản trị rủi ro. Chẳng hạn như diễn biến hiện tại, có tới 4 cú sốc liên tục dội vào các doanh nghiệp xuất khẩu (1) lạm phát làm cho chi phí đầu vào cao (2) xuất khẩu mất thị phần và (3) không bán được USD và (4) không vay được vốn ngân hàng hoặc vay với lãi suất quá cao. Vấn đề là cần phải có một sự chuẩn bị tâm lý tốt hơn cho doanh nghiệp. Như vậy họ sẽ biết cách mà điều chỉnh chính sách phòng ngừa rủi ro cho phù hợp, để xem họ cần chấp nhận rủi ro hay phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Trung Quốc trước khi thả nổi nhiều hơn đã thông báo là doanh nghiệp và người dân cần làm quen với công cụ phòng ngừa, là một cách bắn đi tín hiệu rõ ràng là: rủi ro tỷ giá sẽ lớn hơn, và các doanh nghiệp phải tự quyết định có nên phòng ngừa hay không, nhưng không được chủ quan nữa. Rủi ro tỷ giá là câu chuyện bình thường trong nền kinh tế thị trường. Để đối phó với rủi ro này một mặt các doanh nghiệp VN cần phải nâng cao nhận thức và học cách tự phòng vệ, mặt khác các cơ quan điều hành chính sách nên thực hiện chính sách tỷ giá linh hoạt hướng về thị trường và tạo ra văn hóa quản trị rủi ro cho toàn xã hội. Chú thích: [1] Đầu năm nay Trung Quốc đã cho phép đồng nhân dân tệ được giao dịch trên thị trường phi tập trung liên ngân hàng với biên độ 0,3% (và dự tính sẽ tiếp tục mở rộng hơn nữa) so với một mức tỷ giá trung tâm được tính trên cơ sở tỷ giá nhân dân tệ so với một rổ tiền tệ. Đây là một tiến bộ lớn so với hệ thống giao dịch tập trung có can thiệp sâu rộng của Nhà nước như trước tháng 1/2006.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật