TRẺ EM BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI BẠO HÀNH GIA ĐÌNH: GỠ CHẤN THƯƠNG TÂM THẦN BẰNG CÁCH NÀO

QUẾ NGÂN Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vừa công bố kết quả khảo sát tình trạng bạo lực gia đình ở 8 tỉnh, thành như sau: 23% gia đình có hành vi bạo hành về thể chất; 25% gia đình có hành vi bạo hành tinh thần; 40% phụ nữ được hỏi thừa nhận phải chịu cảnh bị chồng ngược đãi, lạm dụng, cưỡng bức dưới nhiều hình thức. Nạn nhân của tình trạng bạo hành gia đình là trẻ em và quan trọng hơn là nó đã gây chấn thương tâm thần cho trẻ ở mức trầm trọng. Điều đó thật dễ hiểu và dễ lý giải, vì sao những trẻ em sinh ra, lớn lên ở những gia đình diễn ra tình trạng bạo hành thì dễ bị trầm cảm, mặc cảm, tự ti, thậm chí hoảng hốt, sợ khi thấy người đàn ông lạ xuất hiện… Tiến sỹ tâm lý học Trần Minh Thu khẳng định: bạo hành gia đình sẽ gây chấn thương tâm thần ở trẻ, chấn thương đó có thể kéo dài suốt đời, gây ra những vết hằn sâu trong tâm trí của trẻ. Thực tế, nếu bạn trực đường dây nóng tư vấn 18001567 chỉ một giờ đồng hồ thôi, chắc chắn bạn sẽ không thể cầm lòng bởi những câu hỏi, những lời kể thấm đẫm nước mặt của các bé gái, bé trai tuổi nhi đồng, thiếu niên. Em Nguyễn Thị Hoà (12 tuổi) ở Hà Nam, vừa nói chuyện vừa khóc trong điện thoại như sau: "Tuổi thơ của 4 chị em cháu là những ngày tháng liên tục phải chứng kiến cảnh cha đánh mẹ. Chẳng có lý do gì cha cũng đánh mẹ. Vui cũng đánh, buồn, khổ, tức giận… cũng đánh. Cha cháu là người vũ phu, gia trưởng và độc đoán. Anh trai cháu 16 tuổi, thấy cha đánh mẹ, vào can liền bị cha đánh cho một trận, lột quần áo và đuổi đi khỏi nhà. Vì thương mẹ, thương các em, anh không bỏ đi nhưng ngày càng lầm lỳ, khó hiểu. Đi làm thì không sao, về đến nhà là anh không nói gì hết. Vui, buồn, tức giận… anh đều không thể hiện cảm xúc. Cháu sợ lắm. Cha đã vậy, không thể nhờ vả được, giờ anh trai lớn bị làm sao nữa thì chắc chắn mẹ và 3 chị em cháu không sống nổi…". Rồi thì "cô ơi, sao bố cháu hà tiện đến thế. Cháu sợ đến phát hoảng vì cái sự hà tiện của bố. Tối mẹ phải làm thêm, chúng cháu học, cần đèn sáng. Vậy mà bố chỉ cho bật mỗi một cái bóng đèn tuýp 40 oát. Mắt mẹ mờ gần, 3 anh em cháu thì cận. Mẹ bật thêm đèn là bị bố đánh cho thừa sống thiếu chết, đến mức sáng ra không lết được chân trên sàn nhà. Chúng cháu được mẹ mua cho cái áo mới hay quần mới, bố đánh mẹ vì dám mua sắm đồ diện cho con cái đua đòi, hỏng người. ông bà nội cháu mắt kém, cứ chập tối phải bật đèn sáng ở trong nhà, ngoài hiên, ngoài nhà vệ sinh. Bố mắng ông là sống không biết tiết kiệm, đánh mẹ vì tội, thấy bật nhiều đèn điện thế, sao không đi tắt bớt nó đi cho đỡ tốn"… Tâm sự của một em trai 14 tuổi: "Những lúc bố cháu say rượu đánh đập, hành hạ mẹ con cháu thì nom ông chẳng khác gì một tên cồn đồ hung hãn. Cứ thấy bố bắt đầu nổi "cơn điên" là mẹ con cháu phải bảo nhau chạy thật nhanh, thật xa cái ngôi nhà mà người ta vẫn cho là tổ ấm ấy. Đứa em gái của cháu sợ đến mức, cứ thấy đàn ông, bất kỳ người thân, hộ hàng hay người lạ đến nhà là nó giật mình và chạy ra ngoài. Cháu sợ, nay mai, em cháu sẽ không dám lấy chồng hoặc không thể lấy được một tấm chồng tử tế, đoàng hoàng ở cái vùng quê đầy khắc nghiệt trong quan niệm này".   Tiến sỹ Trần Minh Thu cho biết: Chưa có cơ sở khoa học để chứng minh chắc chắn nhưng qua theo dõi hiện tượng, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng: Những bé trai sống trong gia đình bị bạo hành, cha hay đánh mẹ… dài ngày thì cũng bị ảnh hưởng nhiều tính cách của bố. Nhiều đứa trẻ khi lớn lên cũng cục cằn, thô lỗ, thậm chí thô bạo với phụ nữ y như bố hoặc có đứa trẻ còn bạo hành với phụ nữ hơn bố. Với trẻ em gái, khi lớn thường sống khép kín, sợ đàn ông, sợ lấy chồng, mắc bệnh tự ti, trầm cảm, hoảng loạn về thần kinh… tức là các bé gái sẽ khó hoà nhập với cộng đồng hơn các bé trai. Cả bé trai và bé gái thường xuyên chứng kiến cảnh bạo hành trong gia đình, chắc chắn chính trẻ cũng dễ có hành động bạo lực, học kém, dễ nảy sinh ý định tiêu cực, tâm lý và hoạt động đều thụ động, có thể dễ mắc bệnh đau đầu, đau dạ dày và đau dây thần kinh theo kiểu tâm thần phân liệt. Lứa tuổi dễ bị tổn thương nhất là từ 5-10 tuổi. Gỡ chấn thương tâm thần cho trẻ bằng cách nào? Trước hết, người mẹ cần phải nghĩ đến con. Nín, nhịn, chịu đựng bạo hành vì con là sự giải thích và quan niệm rất phi khoa học của những người phụ nữ. Vì bạo hành hàng ngày, diễn ra trước mắt con trẻ, ảnh hưởng đến tâm lý của con trẻ, tức là làm khổ con trẻ, vô tình gây bệnh cho con trẻ chứ không phải thương con trẻ. Người mẹ phải nghĩ được như vậy thì mới có cách hành xử đúng trước sự bạo hành của người chồng đối với mình. Cần phải có thái độ và hành động cụ thể, phù hợp để người chồng không tái diễn bạo lực, bảo vệ sức khoẻ tâm thần cho con cái.

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật