TRANH GIẢ, TRANH CHÉP VÀ VẤN ĐỀ BẢN QUYỀN MỸ THUẬT

PHAN CẨM THƯỢNG Tình hình tranh giả, tranh chép, tranh nhái theo một phong cách nào đó diễn ra rất phức tạp trong vòng hơn 25 năm qua, khiến các họa sỹ tuyệt vọng về vấn đề bản quyền không có cách gì  bảo vệ được mình. Một phần do chính các họa sỹ có lúc thấy bức tranh nào bán được thì cứ thản nhiên chép lại, hoặc thay đổi rất ít, khiến phong cách của họ trở nên nhàm chán và dễ bắt chước. Bảo tàng cần phải là nơi chuẩn mực cho việc bảo vệ bản quyền Trước đây tôi đã nhiều lần bày tỏ những nghi ngờ của mình về tính chân bản của một số tác phẩm hội họa treo ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Nghi ngờ vì trình độ vẽ của những bức tranh được gọi là của danh họa đó rất non yếu, đến mức hoặc phải khẳng định rằng đó là tranh chép lại, hoặc nếu đúng là của họa sỹ vẽ ra thì cũng chưa đáng giá. Rất nhiều người trong nghề và khán giả nước ngoài đều có cảm nhận như vậy, và ngoài việc thất vọng, không có cách gì khác. Do chiến tranh, có thời Bảo tàng Mỹ thuật đã phải đưa nhiều tác phẩm đi sơ tán và treo những phiên bản. Những phiên bản thời đó khá tốt, vì hoặc do chính tác giả sao lại, hoặc do một họa sỹ giỏi khác làm, nhưng hội họa luôn là độc bản, sự sao chép dù tốt đến đâu cũng không thay thế được chân bản. Thật giả trở nên lẫn lộn, cứ thế kéo dài cho đến bây giờ, càng ngày càng thấy tệ hơn, và dường như tới mức không thể xác định được thật giả nữa. Trong lưu trữ của gia đình ông Đức Minh vẫn còn biên bản về việc Bảo tàng Mỹ thuật xin phép sao lại 13 bức tranh thuộc quyền sở hữu của ông. Nhân đó, ông Đức Minh cũng nhờ họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm vẽ lại cho mình bức Con nghé quả thực, nhưng là một người hiểu biết, Nguyễn Tư Nghiêm đã vẽ kích thước to hơn, lộn ngược lại bố cục và vẽ theo bút pháp những năm 1970. Gần đây, khi nghiên cứu ký họa và phác thảo của các họa sỹ, tôi càng thấy sự khác biệt vô cùng giữa công việc của họa sỹ với bức tranh treo ở bảo tàng. Trình độ của ký họa và phác thảo là mười, thì bức tranh thể hiện chỉ là một, thậm chí rất ngô nghê. Trên đây là một ý kiến hoàn toàn cá nhân, cần có những nghiên cứu khác bổ sung, nhưng thiết nghĩ bảo tàng cần phải là nơi chuẩn mực cho việc bảo vệ bản quyền, nhất là trong thời đại hiện nay. Họa sỹ tuyệt vọng về vấn đề bản quyền Tình hình tranh giả, tranh chép, tranh nhái theo một phong cách nào đó diễn ra rất phức tạp, ít nhất là trong vòng 25 năm qua, khiến các họa sỹ tuyệt vọng về vấn đề bản quyền, không có cách gì bảo vệ được mình. Một phần do chính các họa sỹ có lúc thấy bức tranh nào bán được thì cứ thản nhiên chép lại, hoặc thay đổi rất ít, khiến phong cách của họ trở nên nhàm chán và dễ bắt chước.   Một phần do chưa có bộ luật nào về hoạt động thương mại và bản quyền nghệ thuật, các quy chế thì thường lạc hậu so với thực tế và càng ít hiệu quả hơn, hơn nữa quy chế lại do những người không mấy hiểu biết về quản trị kinh doanh nghệ thuật soạn thảo và cố vấn. Có thể người soạn thảo là họa sỹ, nhưng họ không hề được đào tạo về quản trị kinh doanh nghệ thuật. Phần khác, quản lý thương mại xã hội có xu hướng đánh giá thấp vấn đề kinh doanh nghệ thuật coi đó chỉ như thương mại thông thường. Phần khác, số sinh viên và thợ vẽ thất nghiệp khá đông, sẵn sàng đi làm thuê. Chúng ta không có hội đồng giám định chất lượng nghệ thuật, không có phương tiện khoa học phục vụ cho việc này, không có hệ thống nghiên cứu chuyên nghiệp. Ví dụ ở góc độ nhà nước không hề có nghiên cứu chuyên biệt nào về các danh họa Việt Nam, họ sống thế nào, vẽ bao nhiêu tranh, ai sưu tập, ai sở hữu, các đặc điểm nhận dạng phong cách, tranh của họ đang luân chuyển trên thị trường thế nào… Thậm chí các cuốn sách tạm gọi là tốt về Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên… lại do tư nhân biên soạn xuất bản. Gần đây các cuốn sách của họa sỹ Vũ Giáng Hương, Lương Xuân Nhị được sự hỗ trợ của các cơ quan văn hóa, nhưng về nội dung cũng do họa sỹ tự làm. Nền tảng của việc xác định bản quyền phụ thuộc vào hệ thống nghiên cứu, nếu nghiên cứu không tốt, nguồn tư liệu không xác định cơ bản thì coi như hiệu lực bảo vệ bản quyền càng ngày càng nan giải. Đáng lẽ từ lâu, giới mỹ thuật cần đưa các gallery vào hoạt động mỹ thuật chung, và kết nạp các chủ gallery vào hội mỹ thuật. Ngược lại các gallery được thả nổi hoàn toàn, giống như mọi cửa hàng kinh doanh thông thường, họ không được giúp đỡ tư vấn về kiến thức nghệ thuật và các quy chế nghệ thuật. Chủ gallery không có bằng cấp gì (Bằng quản trị kinh doanh nghệ thuật, Aministrator of art ), không hề vì mục đích nghệ thuật chung của xã hội, thuần vì lợi nhuận, nên họ kinh doanh không hạn chế đối tượng, nghĩa là ai bán chạy thì kinh doanh, không mời được họa sỹ thì làm tranh giả. Một thời gian dài làm ăn khó khăn, các họa sỹ không cộng tác, tất cả các gallery trong nước có xu hướng kinh doanh một số họa sỹ giống nhau. Ngược lại, các họa sỹ luôn có xu hướng tự kinh doanh lấy, làm thiệt hại đầu tư quảng cáo của gallery, và khách hàng muốn mua rẻ không chi trả phần trăm kinh doanh cũng luôn trực tiếp tìm đến họa sỹ. Những vấn đề trên cho thấy, đáng nhẽ thị trường nghệ thuật Việt Nam có thể hình thành từ những năm 1990 lập tức xuống dốc, và chuyển hướng sang thị trường xuất khẩu không chính thức và hoạt động này cũng có cơ hội phát triển. (Phan Cẩm Thượng) Vi phạm bản quyền mỹ thuật có những biểu hiện như sau: - Sao chép lại những tác phẩm hội họa và điêu khắc ở mức độ làm giả nhưng coi như bán bản thật. Tác phẩm của tất cả những danh họa Việt Nam đã chết và còn sống đều có thể bị lợi dụng. Thực hiện là các gallery, các nhà sưu tập tham gia vào kinh doanh không chính thức. Trong đó họa sỹ Bùi Xuân Phái bị làm giả nhiều nhất, đến mức độ hiện nay, hầu như không thể xác định được đâu là tranh thật và tranh giả đối với Bùi Xuân Phái. Một nhà sưu tầm nước ngoài đã nhận định một cách hài hước rằng: Khi sống Phái vẽ nhiều bao nhiêu, thì khi chết Phái vẽ nhiều bấy nhiêu. Nguy cơ của việc này là xóa sổ hoàn toàn thành tựu hội họa của Bùi Xuân Phái. - Sao chép tranh tự do ở rất nhiều cửa hàng trong các thành phố, chủ yếu là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Đối tượng là tác phẩm tất cả các danh họa trong và ngoài nước có thể và bán với giá rất rẻ, chừng vài trăm nghìn một bức. - Dùng ký họa của họa sỹ chuyển thể thành mọi chất liệu sơn dầu, sơn mài, lụa… đặc biệt là các tác phẩm của Dương Bích Liên. Thậm chí còn sáng tác ra ký họa. - Sử dụng các tác phẩm của nghệ sỹ đưa vào thiết kế design, với mục đích kinh doanh nhưng không trả nhuận bút và không xin phép tác giả. Các tác giả viết sách cũng bị sử dụng rất tùy tiện tư liệu của họ. - Thoải mái vẽ theo một phong cách đang bán chạy, với bố cục khác, và ký tên trực tiếp người vẽ. Nghĩa là bắt chước phong cách trắng trợn vào mục đích kinh doanh. Ví dụ họa sỹ A bắt chước lối vẽ tả thực y hệt của Đỗ Quang Em. - Xuất hiện họa sỹ ảo. Thậm chí cũng trưng bầy, tặng hoa… Tức là tranh do một xưởng, nhiều người vẽ từng công đoạn, và lấy một cái tên nào đó, (cũng có thể cử một người thật tên thật, nhưng lại không phải người tham gia vẽ ). Hoặc một họa sỹ chuyên vẽ thuê, nay vẽ theo phong cách biểu hiện lấy tên A, mai vẽ theo phong cách trừu tượng lấy tên B. Còn triển lãm thế nào, đặt tên tác giả là gì do chủ gallery quyết định. Cần xây dựng hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại không có, sưu tầm từ bảo tàng chính rất hạn chế, khiến rất nhiều tác phẩm không có cơ hội đến với công chúng trong nước và góp phần vào đời sống văn hóa dân tộc. Phần lớn những tác phẩm tốt của nước ta trong quá khứ và đặc biệt là đương đại, chạy ra nước ngoài. Trong cái thị trường xuất khẩu không chính thức, sự vi phạm bản quyền không kiểm soát được, sự thiệt hại về kinh tế không đáng nói bằng sự thiệt hại về văn hóa, làm tha hóa rất nhiều thanh niên tham gia vào sản xuất tranh giả, cũng như xóa sổ tương lai của họ, cũng thực chất là xóa sổ nhiều danh họa khi không còn khả năng phân biệt thật giả, và khi tranh giả được chấp nhận đưa ra đấu giá mà ý kiến hay kiện cáo từ trong nước không có cơ sở pháp lý. Trước tiên là Bùi Xuân Phái và các tác phẩm của ông, thứ đến là Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng và Nguyễn Phan Chánh thuộc nhóm nguy cơ. Có thể nói, bây giờ khó mà trông thấy một bức tranh tự tay Nguyễn Phan Chánh vẽ. Tương lai là Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tiến Chung… Ngay cả những họa sỹ đang sống và còn trẻ như Đỗ Quang Em, Bùi Hữu Hùng, Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong… tranh giả đầy rẫy mọi nơi. Nhìn bề mặt thì vi phạm bản quyền mỹ thuật có nhiều biểu hiện nghiêm trọng, nhưng bản chất của vấn đề là chúng ta chưa có một hoạt động chuyên nghiệp tương xứng với sự phát triển của nghệ thuật, chưa đánh giá được vai trò của nghệ thuật đối với văn hóa và kinh tế. Do đó xử lý các vi phạm thì dễ, nhưng không bao giờ triệt để, và không biết các vi phạm ấy sẽ phát sinh ra cái gì, xử lý vi phạm bằng hành chính hay đăng ký bản quyền tác phẩm cũng không giúp cho nghệ thuật phát triển tốt hơn và có thể đối đầu với các vụ kiện về bản quyền ở quốc tế. Cần xây dựng một hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp mới là căn bản. Việc này có những mặt sau : - Xây dựng thị trường nghệ thuật trong nước, trong đó bảo tàng và các doanh nghiệp đóng vai trò chính, mua và sưu tầm tác phẩm, coi đó là phần cốt lõi của văn hóa doanh nhân. Để doanh nghiệp tham gia mua, bảo trợ nghệ thuật, nghệ sỹ, cần có sự can thiệp của nhà nước, ngược lại doanh nghiệp được ưu tiên thị phần, miễn thuế khi đóng góp vào phát triển nghệ thuật. Các nghệ sỹ được mua và bảo trợ sẽ có trách nhiệm giáo dục nghệ thuật cho công nhân của doanh nghiệp. Xây dựng ngay bảo tàng nghệ thuật hiện đại. - Xây dựng tiểu sử nghệ thuật của các nghệ sỹ chính yếu, theo dõi sự luân chuyển của các tác phẩm và hoạt động của họ. - Đăng ký hành nghề nghệ thuật chuyên nghiệp cho các nghệ sỹ đang sống. Chỉ có những người đăng ký hành nghề mới được phép triển lãm, ngược lại họ cần công khai thương mại và đóng thuế tượng trưng (ví dụ một nghìn đồng cho một bức tranh bán ). Vì thực chất thu nhập do bán tranh không có tính chất thường xuyên, đời sống nghệ sỹ còn thấp, nếu mức thuế không phù hợp sẽ làm sụp đổ thị trường non trẻ, và làm mất sự đóng góp văn hóa của hoạt đông nghệ thuật. Đối với những nghệ sỹ trẻ chưa đủ điều kiện hành nghề chuyên nghiệp sẽ được hội đồng nghệ thuật giới thiệu để triển lãm. Chỉ có những nghệ sỹ hành nghề chuyên nghiệp mới được bảo vệ bản quyền và vào thị trường đấu giá. Dần tiến đến xếp hai bậc thang nghệ sỹ trên cơ sở giá tranh và giá trị nghệ thuật đối với văn hóa dân tộc. - Thành lập cơ quan giám định nghệ thuật được luật pháp bảo vệ, vì phán quyết của họ liên quan đến sự thất thiệt hay được lợi của nhiều người sở hữu tác phẩm giả hay thật. Công việc này không giống như hội đồng nghệ thuật mà chúng ta thường thành lập, vì nó đòi hỏi những người có chuyên môn nghệ thuật, có kinh nghiệm về giám định và thương mại nghệ thuật, có chương trình nghiên cứu, biết vận dụng các phương tiện khoa học hỗ trợ, không hề là một nghệ sỹ đơn thuần. Có thể nói chúng ta chưa có những người như vậy và cần phải đào tạo. Mặc dầu nền nghệ thuật hiện đại Việt Nam, nếu tính từ năm 1925, đã có hơn 80 năm hoạt động và nhiều thành tựu, nhưng trước xã hội kinh tế thị trường và thị trường nghệ thuật quốc tế, chúng ta mới bước đi những bước ban đầu. Mọi kinh nghiệm hoạt động nghệ thuật thời bao cấp không giúp ích gì, thậm chí chúng ta không nhận thấy những hạn chế của các tổ chức nghệ thuật theo kiểu cũ, thì vấn đề bản quyền mỹ thuật hiện tại không bao giờ lý giải được và đưa ra những biện pháp tổng thể cho bước đi lâu dài của nghệ thuật. Cần nhận thức rõ những khu vực phi lợi nhuận và phi thương mại trong nghệ thuật, cũng như không thể không thương mại hóa hoạt động nghệ thuật, trong đó tiên quyết là tách nghệ sỹ ra khỏi thương mại trực tiếp, để giữ một bầu không khí đẹp đẽ riêng cho họ. Ý thức xã hội trong nghệ thuật của họ cũng gắn với khả năng đóng góp về thuế thu nhập của họ khi bán những tác phẩm. Tác phẩm bán càng đắt, cơ bản cũng đồng nghĩa với giá trị nghệ thuật cao, và đóng góp nhiều hơn bằng thuế. Ví dụ một tác phẩm giá trị là một triệu đô la, thuế thu nhập tới 40%, nghĩa là cả nghệ sỹ lẫn nước nhà đều có thu nhập cao, hơn vì chỉ bán tác phẩm có vài trăm đô la và trốn thuế. Xây dựng một nền nghệ thuật chuyên nghiệp có chiều sâu, và hoạt động nghệ thuật như là một ngành thương mại đặc biệt, một ngành công nghiệp sạch, đương nhiên đòi hỏi cơ chế đặc biệt, chính sách thuế phát triển mềm dẻo từng bước thích ứng với sự trưởng thành  của thị trường nghệ thuật, tự nó có khả năng triệt tiêu được việc vi phạm bản quyền nghệ thuật.
Đáng lẽ từ lâu, giới mỹ thuật cần đưa các gallery vào hoạt động mỹ thuật chung, và kết nạp các chủ gallery vào hội mỹ thuật. Ngược lại các gallery được thả nổi hoàn toàn, giống như mọi cửa hàng kinh doanh thông thường, họ không được giúp đỡ tư vấn về kiến thức nghệ thuật và các quy chế nghệ thuật. Chủ gallery không có bằng cấp gì (Bằng quản trị kinh doanh nghệ thuật, Aministrator of art ), không hề vì mục đích nghệ thuật chung của xã hội, thuần vì lợi nhuận, nên họ kinh doanh không hạn chế đối tượng, nghĩa là ai bán chạy thì kinh doanh, không mời được họa sỹ thì làm tranh giả. Một thời gian dài làm ăn khó khăn, các họa sỹ không cộng tác, tất cả các gallery trong nước có xu hướng kinh doanh một số họa sỹ giống nhau. Ngược lại, các họa sỹ luôn có xu hướng tự kinh doanh lấy, làm thiệt hại đầu tư quảng cáo của gallery, và khách hàng muốn mua rẻ không chi trả phần trăm kinh doanh cũng luôn trực tiếp tìm đến họa sỹ. Những vấn đề trên cho thấy, đáng nhẽ thị trường nghệ thuật Việt Nam có thể hình thành từ những năm 1990 lập tức xuống dốc, và chuyển hướng sang thị trường xuất khẩu không chính thức và hoạt động này cũng có cơ hội phát triển. (Phan Cẩm Thượng)

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật