TRANH CHẤP THỜI LẠM PHÁT

Giá nông sản, giá vật liệu xây dựng, giá nhà đất… cứ biến động như hiện nay thì chuyện đổ vỡ hợp đồng trong làm ăn tất yếu sẽ diễn ra, dẫn đến nhiều hệ lụy. Hiệp hội Điều Việt Nam đang bị khiếu nại do doanh nghiệp thành viên chậm giao hàng. Không ít công ty xây dựng phải vất vả thương lượng lại những hợp đồng đã lỡ ký. Nhiều cam kết mua bán nhà, đất đứng trước nguy cơ bị “bể kèo”… Đổ vỡ cam kết… Các doanh nghiệp nhập khẩu nhân điều của Mỹ và châu Âu vừa gửi thư khuyến nghị đến Hiệp hội Điều Việt Nam. Trong thư họ phàn nàn về việc một số doanh nghiệp xuất khẩu nhân điều Việt Nam vi phạm các hợp đồng đã ký kết; họ cảnh báo, nếu các doanh nghiệp Việt Nam không sớm khắc phục họ sẽ khởi kiện. Hiện tượng “xù” hợp đồng xảy ra khi giá nhân điều trên thị trường thế giới tăng cao. Từ cuối năm 2007 đến nay, theo các nhà nhập khẩu, việc vi phạm hợp đồng đã ký kết của một số doanh nghiệp xuất khẩu nhân điều Việt Nam gây thiệt hại cho họ khoảng 45 triệu đô la Mỹ. Giải thích sự việc này, Hiệp hội Điều cho rằng, đây là vấn đề “nan giải”. Khi ký hợp đồng xuất khẩu, giá điều thô chỉ 750-800 đô la Mỹ/tấn, nhưng đến cuối năm 2007, giá đã tăng lên 950-1.000 đô la Mỹ/tấn. Đồng thời, mùa vụ điều trong nước đến trễ và mất mùa; cộng với tình hình lạm phát bùng nổ, lãi vay ngân hàng tăng… gây khó khăn cho một số doanh nghiệp Việt Nam trong việc thực hiện các hợp đồng đã ký. Hơn nữa, theo Hiệp hội Điều, các doanh nghiệp thành viên còn gặp khó khăn do bị một số đối tác nước ngoài “xù” hợp đồng bán nguyên liệu điều thô.   Chuyện đổ vỡ hợp đồng không chỉ xảy ra trong ngành điều mà còn có ở các loại nông sản khác như cà phê, gạo, hồ tiêu… Do giá cả các mặt hàng này liên tục biến động trong những tháng đầu năm nên không ít doanh nghiệp phải bội tín trong các cam kết của mình. Như vụ Công ty V. ở Gia Lai đang bị dọa kiện vì vi phạm hợp đồng mua bán cà phê. Số là, cuối năm 2007, V. ký bán 500 tấn cà phê nhân cho một doanh nghiệp ở TPHCM với giá 28.000 đồng/ki lô gam. Hợp đồng chưa ráo mực thì giá cà phê tăng lên 37.000, 40.000, rồi 42.000 đồng/ki lô gam. Thế là V. không thực hiện hợp đồng đúng hẹn. Hiện tượng đổ vỡ hợp đồng không chỉ xảy ra trong các hợp đồng mua bán hàng nông sản mà còn xảy ra nhiều trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản. Theo Luật sư Lê Thành Kính, Trưởng Văn phòng luật sư Lê Nguyễn, với tình hình lạm phát đẩy giá vật liệu xây dựng tăng 30-40% như hiện nay, nhiều doanh nghiệp xây dựng đã phải tìm đến dịch vụ tư vấn pháp lý để giúp họ trong việc thương lượng lại giá các hợp đồng đã ký kết, thậm chí là các vấn đề pháp lý phát sinh nếu xảy ra tranh chấp. Chẳng hạn như trường hợp công ty A. có dự án xây dựng chung cư ở quận 8. Ngay sau khi lập dự án, công ty này đã huy động vốn từ khách hàng (bán căn hộ trên giấy). Tháng rồi, dự án này đã làm lễ động thổ nhưng do tình hình thị trường bất động sản đình đốn và giá vật liệu xây dựng tăng cao, nên công ty A. đã “tạm ngưng” dự án. Nhiều doanh nghiệp khách hàng đã “lỡ” đóng tiền đòi lại tiền nhưng không được giải quyết nên họ phải nhờ đến luật sư tư vấn. Thương lượng và tranh chấp Nhiều luật sư cho rằng tình hình lạm phát giá cả hiện nay sẽ dẫn đến bùng nổ tranh chấp thương mại, kinh tế, dân sự trong thời gian tới. Thế nhưng, để giải quyết chuyện đổ vỡ hợp đồng sao cho có lợi, theo giới luật sư, doanh nghiệp nên giải quyết với nhau bằng con đường thương lượng. Trường hợp đổ vỡ hợp đồng giữa công ty N. và M. là một ví dụ. Công ty N. (của Đức) ký bán 10.000 tấn phân DAP cho công ty M. (Việt Nam). Khi hợp đồng thực hiện được 6.000 tấn thì giá phân tăng cao, N. không thể tìm ra nguồn hàng để giao cho M. Theo hợp đồng hai bên ký kết, nếu kiện ra trọng tài quốc tế, bên N. phải bồi thường cho M. 165.000 đô la Mỹ. Theo Luật sư Kính, để dẫn nhau ra tòa thì quan hệ làm ăn giữa hai bên coi như chấm dứt; hơn nữa, chi phí cho việc ra tòa không nhỏ, cũng như thời gian theo đuổi vụ kiện không phải ngày một ngày hai. Vì thế, hai bên N. và M. đã ngồi lại với nhau và cùng gánh thiệt hại do “lạm phát”: mỗi bên chịu một nửa, nghĩa là N. đồng ý bồi thường cho M. hơn 80.000 đô la Mỹ. Trong trường hợp của các doanh nghiệp ngành điều nói trên, theo Luật sư Nguyễn Chính, các doanh nghiệp nên tôn trọng cam kết trong hợp đồng, nếu làm trái không những bị kiện mà còn làm mất uy tín của mình và cả cộng đồng doanh nghiệp trong nước. Thế nhưng, trước hết, theo Luật sư Kính, hai bên phải ngồi lại với nhau, trình bày những khó khăn để hiểu nhau và tìm kiếm sự chia sẻ. Vì rằng, lạm phát không phải là trường hợp bất khả kháng để các doanh nghiệp từ chối trách nhiệm thực hiện hợp đồng đã cam kết. Theo Luật sư Nguyễn Gia Huy Chương, Văn phòng luật sư P&P, nhiều tranh chấp giữa người mua và các công ty phát triển nhà đất sẽ xảy ra và hậu quả pháp lý của các tranh chấp trong lĩnh vực bất động sản là rất phức tạp, vì chuyện mua bán nhà đất thường lòng vòng (qua tay nhiều người), nhiều hợp đồng được ký sơ sài, không đúng luật.Luật sư Chương cho rằng có ba giải pháp để giải quyết tranh chấp: (i) Các bên thỏa thuận nâng giá nhà đất lên (vì chi phí đầu vào tăng); (ii) Bên bán trả lại tiền cọc và bồi thường; (iii) Gia hạn tiến độ giao nhà hoặc hối thúc người mua đóng tiền nhanh hơn (nếu bên bán bị thiếu vốn do chính sách thắt chặt tiền tệ). Thế nhưng theo Luật sư Chương, việc thực hiện các giải pháp này không hề đơn giản. Một lĩnh vực cũng rất dễ phát sinh tranh chấp và có tính chất phức tạp, theo Luật sư Chính, là tranh chấp phát sinh từ chính sách cắt giảm đầu tư công của Chính phủ. Nhiều công trình, dự án thực hiện từ vốn ngân sách nhà nước, theo yêu cầu, sẽ phải dừng lại. Điều này dẫn đến các hợp đồng thi công, triển khai dự án, công trình đang làm dang dở cũng sẽ phải ngưng theo và hàng loạt hệ lụy tất yếu sẽ xảy ra. Ở đây bài học mà các doanh nghiệp có thể rút ra là: khi đặt bút ký kết các hợp đồng, nhất là các hợp đồng về xây dựng và hàng nông sản, các doanh nghiệp nên tiên liệu những tình huống xấu có thể xảy ra như mất mùa, nguyên liệu tăng giá đột biến… để đưa vào hợp đồng “điều khoản khó khăn” nhằm dễ thương lượng khi có tranh chấp.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật