TRANH CHẤP TÀI SẢN GIỮA VỢ CHỒNG: XỬ KHÔNG RÕ, ÁN BỊ … "CHÊ"!

QUỐC BẢO VKSND tỉnh kiến nghị VKSND tối cao kháng nghị vì án không xác định ai phải giao đất cho đương sự. Sau ba năm tranh chấp đất vườn với chồng, bà NTT (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) mới được các tòa xét xử xong. Tuy nhiên, đến giờ bà T. vẫn chưa được thi hành án. Lén vợ bán đất Bà T. và ông Th. kết hôn vào năm 1986. Năm 1992, do mâu thuẫn nên hai người xin ly hôn. Mặc dù đã có án tòa cho ly hôn nhưng ông Th. vẫn tiếp tục sống chung với bà T. Trong khoảng thời gian này, ông Th. mua 13 ha đất vườn tại xã Minh Thạnh, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Tháng 11-1993, hai người đăng ký kết hôn lại.   Sau đó, vợ chồng bà T. đã bỏ công khai phá, trồng cây cao su trên khu đất trên. Cuối năm 2001, sau khi bàn bạc, vợ chồng bà T. quyết định bán bớt hai ha đất để lấy vốn chăm sóc và khai thác 11 ha đất còn lại. Cũng vào thời điểm này, vợ chồng bà T. đã được UBND huyện Dầu Tiếng cấp “giấy đỏ” cho 11 ha đất. Năm 2003, nghe tin chồng mình có quan hệ với một người phụ nữ khác và có ý định bán vườn cao su, bà T. đã đến UBND xã Minh Thạnh gửi đơn ngăn chặn không cho ông Th. tự ý bán vườn cao su. Tưởng vậy là xong, bà T. yên tâm trở về TP.HCM sinh sống. Đến tháng sau quay lại, bà T. giật mình khi hay tin UBND xã Minh Thạnh đã xác nhận cho ông Th. bán đất cho vợ chồng ông LBC. Hồ sơ bán đất của ông Th. gồm có: “giấy đỏ”, quyết định ly hôn năm 1992. Thế là bà T. đã khởi kiện ông Th. ra tòa để đòi lại 1/2 đất. Nhiều lần xét xử Tháng 4-2004, TAND huyện Dầu Tiếng mở phiên tòa sơ thẩm để xét xử vụ án. Cho rằng số đất vườn trên là tài sản chung của vợ chồng bà T., tòa này tuyên hủy hợp đồng mua bán đất giữa ông Th. với ông C.; cho phép bà T. được quyền sử dụng hơn 50 ngàn m2 đất và sở hữu hơn 2.500 cây cao su trên đất. Không đồng ý với bản án sơ thẩm, ông Th. đã kháng cáo. Tháng 9-2004, TAND tỉnh Bình Dương mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án. Tòa này tiếp tục công nhận 11 ha đất vườn cao su là tài sản chung của vợ chồng bà T. Đồng thời, tòa này tuyên hủy hợp đồng mua bán đất giữa ông Th. với ông C. Bà T. được khởi kiện thành một vụ án khác để đòi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Vụ tranh chấp trở nên phức tạp vì trước khi xử phúc thẩm, ông C. đã bán khu vườn cho người khác. Tháng 11-2004, vợ chồng ông C. gửi đơn khiếu nại yêu cầu được công nhận hợp đồng mua bán đất giữa ông với ông Th. Tháng 3-2006, TAND tối cao đã xem xét lại vụ án theo trình tự giám đốc thẩm. Quyết định giám đốc thẩm hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm nêu trên, giao hồ sơ cho TAND huyện Dầu Tiếng xét xử lại từ đầu. Ngày 16-1-2007, tại phiên xử sơ thẩm lần hai, TAND huyện Dầu Tiếng đã công nhận 11 ha đất vườn cao su thuộc quyền sử dụng chung của vợ chồng ông C. Do bà T. được quyền sử dụng 1/2 đất nên ông Th. phải hoàn trả cho bà T. gần một tỷ hai trăm triệu đồng là trị giá 1/2 đất. Bà T. kháng cáo đòi nhận đất, không chịu nhận tiền. Ngày 16-5-2007, tại phiên xử phúc thẩm lần hai, TAND tỉnh Bình Dương đã tuyên hủy một phần hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông Th. với ông C. Bà T. được quyền sử dụng 50 ngàn m2 đất vườn cao su. Ông C. sẽ được ông Th. hoàn trả giá trị 1/2 diện tích đất cao su (gần một tỷ hai trăm triệu đồng). Bà T. đã rất nhiều lần liên hệ với cơ quan thi hành án huyện Dầu Tiếng để xin được thi hành án đối với 50 ngàn m2 đất trên nhưng đến giờ mọi thứ vẫn “án binh bất động”. Vẫn chưa rõ ràng Ông Nguyễn Văn Lắm – Trưởng Thi hành án dân sự huyện Dầu Tiếng cho biết: Do vụ án có nhiều quan điểm khác nhau, bản án phúc thẩm không được sự đồng tình của chính quyền địa phương nên chúng tôi chưa thể tổ chức thi hành án. Hiện UBND huyện Dầu Tiếng đã có công văn kiến nghị xem xét lại vụ án với lý do phần đất trên được ông Th. tạo lập trong thời gian đã ly hôn. Ngoài ra, UBND huyện cấp “giấy đỏ” cho hộ ông Th., gồm có ông Th. và cha mẹ của ông, không liên quan gì đến bà T. Tháng 8-2007, VKSND tỉnh Bình Dương cũng gửi văn bản kiến nghị VKSND tối cao giám đốc thẩm bản án với lý do tòa tuyên bà T. được quyền sử dụng 1/2 diện tích đất nhưng lại không tuyên rõ ai phải giao đất cho bà T. Vì vậy, THA huyện Dầu Tiếng phải chờ ý kiến chỉ đạo của cấp trên”. Ngày 13-11-2007, UBND tỉnh Bình Dương đã tổ chức cuộc họp với nhiều cơ quan chức năng để bàn việc thi hành án. Sau cuộc họp, các thành viên thống nhất phải chờ kết quả xử lý của VKSND tối cao. Cho đến nay, VKSND tối cao vẫn chưa có văn bản phản hồi. Được biết, các lý lẽ trên của UBND huyện Dầu Tiếng đã bị VKSND tỉnh bác bỏ vì thiếu cơ sở. Bởi lẽ huyện này đã chính thức cấp “giấy đỏ” cho ông Th. khi quan hệ hôn nhân giữa ông và bà T. đang tồn tại. Theo nguyên tắc, quyền sử dụng đất đó là tài sản chung của vợ chồng. Ngược lại, nội dung “bắt bẻ” của VKSND tỉnh hoàn toàn chính xác vì án phúc thẩm chỉ tuyên bà T. được hưởng 1/2 đất mà “quên” nói cách thức hưởng khiến cơ quan THA chẳng biết đường nào lần.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật