THỤY CHẤU
Vợ lớn kiện giành quyền sở hữu tài sản với con của vợ ba. Sau mỗi phiên xử, phần di sản mà bị đơn được hưởng lại hụt đi. Ông V. lấy cả thảy ba bà vợ vào các năm 1946, 1955, 1963 và sinh được 13 người con (một người đã mất). Bà G. là vợ lớn, chị P. là con của vợ ba. Tháng 11-2000, cho rằng căn nhà nằm trên khoảng 200 m2 đất ở quận Tân Bình là tài sản chung của mình với vợ lớn, ông V. lập di chúc cho chị P. thừa kế phần sở hữu của mình trong khối tài sản trên, tức một nửa nhà đất.
Lấn cấn tài sản chung, riêng
Một năm sau đó, ông V. mất. Bà G. liền nộp đơn kiện chị P. ra tòa để đòi sở hữu toàn bộ tài sản. Theo bà, từ khi ông V. “lập phòng nhì” thì vợ chồng bà đã cắt đứt quan hệ tình cảm. Bà không còn dính líu về tài sản với ông. Sau khi xa chồng chín năm, bà đã tự ý chiếm đất để cất nhà trên. Năm 1989, bà được đứng tên chủ quyền phần nhà nằm trên 70 m
2 đất, hơn 120 m
2 đất còn lại chưa được cấp chủ quyền. Theo bà G., khi căn nhà thuộc sở hữu riêng của bà, ông V. không thể lập di chúc cho con gái.
Sơ thẩm vụ án lần đầu vào tháng 9-2002, TAND quận Tân Bình xác định quan hệ hôn nhân giữa ông V. và vợ lớn chỉ tồn tại trên pháp lý. Thực tế, họ đã đường ai nấy đi. Ông V. lập di chúc khi không có căn cứ chứng minh căn nhà là của chung. Do vậy, chị P. không được thừa hưởng một nửa nhà đất.
Tháng 3-2003, khi xét xử phúc thẩm vụ án, TAND TP.HCM nhận thấy bà G. là vợ lớn nhưng lại đứng tên trong giấy khai sinh với tư cách là mẹ của con bà hai và con bà ba, trong đó có chị P. Vậy là ông V. và bà G. vẫn còn dính líu chứ đâu đã cắt đứt. Hàng năm, ông V. vẫn cùng ba bà vợ về căn nhà này để cúng giỗ ông bà. Quan hệ của họ vẫn tồn tại trên pháp lý. Nhà đất tranh chấp được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân và bà G. không có căn cứ chứng minh đó là tài sản riêng. Vì vậy, di sản của ông V. phải được đem chia thừa kế. Hồ sơ vụ án được trả về TAND quận Tân Bình để xử sơ thẩm lại từ đầu.
Càng chia càng ít
Vụ án được sơ thẩm lần hai vào tháng 3-2004 với kết quả y hệt lần sơ thẩm đầu tiên nên chị P. kháng cáo. Bốn tháng sau, TAND TP.HCM phúc thẩm lần hai và sửa án sơ thẩm. Cấp phúc thẩm xác định chỉ có 70 m
2 nhà đất đã được cấp chủ quyền là tài sản chung, phần còn lại thuộc công sức tạo lập của bà G. và con trai ruột. Chị P. hưởng phần di sản của cha theo di chúc là 35 m
2 nhà đất, trị giá thành tiền là hơn 56 lượng vàng SJC.
Chị P. không chấp nhận kiểu chia này. Chị cho rằng khối tài sản trên có cùng nguồn gốc nên cả phần nhà đất chưa được cấp chủ quyền cũng là tài sản chung. Không ai chịu ai, hai bên đương sự tiếp tục đeo đuổi lên cấp giám đốc thẩm. Trước khi có quyết định kháng nghị, bà G. đã qua đời. Người con trai thừa kế quyền, nghĩa vụ của bà G. và tiếp tục vụ kiện.
Tại phiên họp giám đốc thẩm đầu năm 2007, Tòa dân sự TAND tối cao nhận định bà G. có công tạo lập chủ yếu nhưng chỉ được hưởng một nửa tài sản ngang với chồng là không thỏa đáng. Hơn nữa, di chúc ông V. lập không hợp lệ vì không do người làm chứng lập giúp. Bởi khi lập di chúc, ông mắc chứng tai biến mạch máu não, liệt nửa người nên bị xem là có hạn chế về thể chất. Theo khoản 3 Điều 655 Bộ luật Dân sự năm 1995, di chúc này phải do người làm chứng lập thành văn bản có chứng thực của UBND phường.
Chứng minh cha mình không bị hạn chế về thể chất, chị P. xuất trình giấy chứng nhận sức khỏe cấp trước ngày lập di chúc chừng hai tuần ghi rằng ông V. có sức khỏe bình thường, thần kinh tỉnh táo. Một số hình ảnh ông V. chụp trong đám cưới của các con vào năm 1999, 2000 cho thấy ông vẫn có thể đứng, ngồi để chụp ảnh. Thế nhưng các chứng cứ trên vẫn không thuyết phục được cấp xét xử sơ thẩm lần ba hồi tháng 9-2008. Lần này, TAND quận Tân Bình xem xét công sức đóng góp và chia 70 m2 nhà đất theo tỷ lệ 3:7. Ông V. hưởng ba phần, trị giá thành tiền chưa đầy 540 triệu đồng. Cấp sơ thẩm nhận định di chúc của ông V. không hợp pháp nên quyết định chia di sản theo pháp luật cho 15 người thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Rốt cục, chị P. chỉ được hưởng thừa kế chưa tới 36 triệu đồng.
Chị P. phản đối cấp sơ thẩm khi xác định cha mình bị hạn chế về thể chất khi lập di chúc. Trong đơn kháng cáo, chị yêu cầu được hưởng một nửa nhà đất như định đoạt của cha trong di chúc. Sắp tới, vụ án kéo dài tám năm này sẽ được phúc thẩm lần thứ ba tại TAND TP.HCM.
Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central Fied , Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"