TRANH CHẤP SỞ HỮU TRÍ TUỆ: CHIẾC RAM MÁY VI TÍNH

PHƯƠNG THƯ Một công ty nhập, phân phối ram máy vi tính bị tước văn bằng bảo hộ vì nhà sản xuất nước ngoài đang sử dụng nhãn hiệu sản phẩm này. Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM vừa xử vụ Công ty TNHH Phát triển kỹ thuật ứng dụng VS kiện quyết định hủy bỏ văn bằng bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ. Đây là một vụ kiện khá mới xung quanh việc đăng ký nhãn hiệu bộ nhớ máy vi tính (ram). Trước cấp, sau hủy Theo hồ sơ, tháng 10-2005, Công ty VS nộp đơn đăng ký nhãn hiệu hóa cho sản phẩm ram máy vi tính nhãn hiệu K. của một công ty ở Đài Loan và hơn một năm sau thì được cấp bằng. Sau đó, phát hiện một doanh nghiệp khác nhập bán sản phẩm K. không rõ nguồn gốc, Công ty VS đã thông báo, được cơ quan quản lý thị trường xác định đó là hàng giả và đề xuất UBND TP.HCM phạt doanh nghiệp nọ 100 triệu đồng. Tức mình, doanh nghiệp nọ khiếu nại yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ hủy bỏ văn bằng đăng ký nhãn hiệu đã cấp cho Công ty VS với lý do VS chỉ là nhà phân phối, không phải đơn vị sản xuất. Nhận đơn khiếu nại, Cục Sở hữu trí tuệ đã thông báo cho VS và công ty này đã nộp bổ sung bản tuyên thệ của nhà sản xuất ở Đài Loan đồng ý cho VS nộp đơn đăng ký nhãn hiệu K. tại Việt Nam. Tuy nhiên, Cục Sở hữu trí tuệ không chấp thuận vì nộp trễ (lý giải vì sao không nộp bản tuyên thệ lúc đăng ký, Công ty VS cho biết khi đó Cục không yêu cầu). Thế là tháng 10-2007, Cục Sở hữu trí tuệ đã ra quyết định hủy bỏ văn bằng đã cấp với lý do Công ty VS không đủ điều kiện nộp đơn. Sơ thẩm: Cục sai Công ty VS khởi kiện. Tại phiên sơ thẩm của TAND TP.HCM, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng Công ty VS không có quyền nộp đơn đăng ký nhãn hiệu vì chỉ là đại lý phân phối, không phải nhà sản xuất. Trong việc này, chỉ có nhà sản xuất ở Đài Loan mới có tư cách nộp đơn. Ngược lại, Công ty VS cho rằng dựa vào điểm c khoản 2 Điều 14 Nghị định 63 (về sở hữu công nghiệp) thì một đơn vị kinh doanh cũng có quyền nộp đơn. Một vấn đề khác gây tranh cãi giữa Công ty VS và Cục Sở hữu trí tuệ là theo khoản 3 Điều 220 Luật Sở hữu trí tuệ, đối với văn bằng cấp sau khi Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực thì việc hủy bỏ các văn bằng đó áp dụng theo quy định tại thời điểm cấp văn bằng bảo hộ. Ở đây, VS đã được cấp văn bằng bảo hộ vào tháng 11-2006, sau khi Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực. Tuy nhiên, khi ra quyết định hủy bỏ văn bằng, Cục Sở hữu trí tuệ lại căn cứ vào Nghị định 63 (đã hết hiệu lực tại thời điểm VS được cấp văn bằng). Giải thích, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng Luật Sở hữu trí tuệ thay đổi nhiều lần nên không thống nhất. Tại thời điểm cấp văn bằng, Cục Sở hữu trí tuệ căn cứ vào Nghị định 63, không căn cứ vào Luật Sở hữu trí tuệ.   Cuối cùng, TAND TP đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty VS, hủy quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ về việc hủy bỏ hiệu lực giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa đã cấp cho công ty này. Phúc thẩm: Cục đúng Giải quyết vụ việc tưởng khá phức tạp này theo thủ tục phúc thẩm, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã vận dụng chính Nghị định 63 để ra phán quyết trái ngược với cấp sơ thẩm. Cụ thể là tòa phúc thẩm cho rằng quy định ở điểm c khoản 2 Điều 14 Nghị định 63 bao gồm hai phần: Thứ nhất, nhà sản suất không phản đối việc nộp đơn. Thứ hai, nhà sản suất không tiếp tục sử dụng nhãn hiệu đó. Trong trường hợp này, nhà sản xuất ở Đài Loan đồng ý cho Công ty VS nộp đơn đăng ký nhãn hiệu ram máy vi tính K. Tuy nhiên, nhà sản xuất này vẫn còn sử dụng nhãn hiệu K. để sản xuất và bán sản phẩm tại các nước nên VS chưa đủ điều kiện nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu này tại Việt Nam. Mặt khác, với tư cách cơ quan quản lý nhà nước, khi kiểm tra, phát hiện sai luật, Cục Sở hữu trí tuệ có quyền sửa đổi, hủy bỏ quyết định đã cấp… Từ những phân tích trên, tòa phúc thẩm đã sửa án sơ thẩm, tuyên giữ nguyên quyết định hủy bỏ văn bằng bảo hộ sản phẩm K. của Công ty VS.
Cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền nộp đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu hàng hóa đó cho sản phẩm tương ứng và không phản đối việc nộp đơn nói trên. (Theo điểm c khoản 2 Điều 14 Nghị định 63)

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật