Nhờ sáng kiến này, người đi đường không phải dừng xe chờ đèn đỏ.
Thay vì để chiều đi lại ngược xuôi cắt nhau trực tiếp ở các ngã tư, gần một tháng nay, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội chặn ngang nút giao, tận dụng dải phân cách lớn làm đảo chắn, buộc phương tiện giao thông phải chạy theo vòng xuyến. Từ đó bỏ hẳn việc dừng xe chờ đèn xanh-đỏ, xóa được các điểm ùn tắc do chờ đèn tín hiệu. Thế nhưng một doanh nhân ở quận Đống Đa khiếu nại về sáng kiến này vì doanh nghiệp cho rằng đã vi phạm bản quyền.
Sở “xài chùa”?
Anh Phạm Văn Tiệp, là một doanh nhân, vừa gửi đơn khiếu nại lên Sở Giao thông Vận tải Hà Nội. Anh cho biết từ việc tập Yoga, từ lâu anh đã có ý tưởng thiết kế mô hình giao thông theo nguyên lý chuyển động liên tục của bộ môn dưỡng sinh. Đến tháng 7-2008, giải pháp “Giao diện mềm nhằm giảm ùn tắc giao thông đô thị Hà Nội trong giai đoạn hiện nay” của anh được Cục Bản quyền tác giả cấp giấy chứng nhận quyền tác giả, do Phó Cục trưởng Vũ Văn Hoan ký. Anh Tiệp đã gửi công trình ấy bằng cả văn bản và đĩa CD tới Bộ Giao thông Vận tải, UBND và Sở Giao thông Vận tải Hà Nội. Thậm chí sáng kiến này còn được Tạp chí Giao Thông Vận Tải của Bộ Giao thông Vận tải và Báo Bạn Đường thuộc Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chọn đăng tải như một giải pháp hữu ích trong việc chống ùn tắc giao thông.
Sao chép sẽ phải chịu trách nhiệm
Trao đổi với
Pháp Luật TP.HCM, anh Tiệp cho rằng giải pháp chống ùn tắc mà Sở Giao thông Vận tải đang triển khai đã “xài chùa” sáng kiến của mình mà không hề hỏi ý kiến tác giả. “Tôi không có ý đòi hỏi quyền lợi vật chất mà chỉ mong người sử dụng sự thừa nhận về danh nghĩa để khuyến khích những người có ý tưởng với sự phát triển của xã hội” – anh Tiệp nói.
Về phía cơ quan Sở, Chánh thanh tra Thạch Như Sỹ cho biết đã nhận được ý kiến khiếu nại này. Ông cũng xác nhận là đã được xem bản phôtô công trình của anh Tiếp nhưng thấy “chẳng có gì mới mà Sở cần phải học tập, tiếp thu”.
Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Vũ Ngọc Hoan, người ký giấy chứng nhận quyền tác giả cho anh Tiệp, lại cho rằng văn bằng của Cục có giá trị bảo hộ quyền tác giả kể cả 50 năm sau khi tác giả mất. “Tất cả những sao chép tác phẩm, công trình mà Cục đã cấp chứng nhận sẽ bị xem xét trách nhiệm liên đới”. Ông Hoan cho hay sẽ xem xét trường hợp anh Tiệp phản ánh.
Luật sư Trần Đình Triển, Đoàn luật sư Hà Nội:
Giao diện khó có thể coi là một phát minh
Về “giao diện mềm” của anh Tiệp khó có thể coi là một phát minh được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Do đó, việc Cục Bản quyền tác giả cấp giấy chứng nhận là chưa hợp lý, cần xem xét lại.
Luật sư Hà Đăng, Đoàn luật sư Hà Nội:
Chỉ nên coi đó là một ý tưởng
Giải pháp của anh Tiệp chỉ nên coi là một công trình nghiên cứu và nếu cơ quan nhà nước có áp dụng một phần ý tưởng ấy phục vụ mục đích công cộng thì cũng là điều chấp nhận được.
Bà Phan Thị Ngọc Lan, Giám đốc Công ty Sở hữu trí tuệ An Nguyên:
Cần đặt ra ngoại lệ để phục vụ lợi ích cộng đồng
Luật Sở hữu trí tuệ có bảo vệ quyền tác giả, song cũng đặt ra ngoại lệ cho phép nhà nước quyền cưỡng chế thực thi một giải pháp nào đó nhằm phục vụ cho lợi ích cấp thiết của cộng đồng xã hội trong trường hợp không thể thỏa thuận được với tác giả.
Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central Fied , Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"