Tranh chấp quyền nuôi con nuôi: Giành lại quyền nuôi con

Tranh chấp quyền nuôi trẻ với bà ngoại nhưng không được các cơ quan pháp luật địa phương giải quyết. Bài “Giành nuôi cháu ngoại” (Pháp Luật TP.HCM ngày 6-5) có phản ánh vụ tranh chấp quyền nuôi trẻ bốn tuổi giữa bà Trần Thị Kim Hạnh (ngụ phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, TP.HCM) với bà K. (thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ, Gia Lai). Đến nay, vụ việc này vẫn chưa được giải quyết. Năm 2005, con gái bà K. đến nhà bà Hạnh sinh con. Ít ngày sau, do con bà K. bỏ lại trẻ nên bà Hạnh đã đứng ra làm giấy khai sinh cho trẻ với tư cách là mẹ. Cuối tháng 2-2009, bà K. đưa trẻ lên Gia Lai chơi. Lấy lý do “để công an địa phương không làm khó dễ”, bà K. đề nghị bà Hạnh đưa khai sinh của trẻ, đồng thời viết giấy chuyển quyền nuôi con. Sau đó, bà K. không chịu giao trả trẻ, viện lẽ đã đưa cho bà Hạnh 30 triệu đồng… Không ai chịu xử lý Phản đối việc bà K. đưa tiền, bà Hạnh đã nộp nhiều đơn yêu cầu các cơ quan chức năng xem xét, buộc bà K. phải giao trả trẻ cho bà. Cho rằng vụ việc chỉ đơn thuần là tranh chấp dân sự, Công an huyện Đức Cơ đã chuyển hồ sơ đến UBND thị trấn Chư Ty. Ngày 7-4, do hòa giải không thành nên UBND thị trấn đã chuyển hồ sơ đến TAND huyện. Ngày 21-4, Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai xác định đây là tranh chấp về xác định cha mẹ cho con hoặc xác định con cho cha mẹ nên thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND theo khoản 4 Điều 27 Bộ luật Tố tụng dân sự. Nhưng đến ngày 18-5, TAND huyện Đức Cơ đã ra thông báo trả lại đơn kiện của bà Hạnh vì “không thuộc thẩm quyền”. Trao đổi với phóng viên sáng 24-7, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Chánh án TAND huyện Đức Cơ, giải thích: “Do vụ việc phức tạp nên chúng tôi đã chậm gửi thông báo trả lại đơn kiện của bà Hạnh. Thực ra đây là vụ tranh chấp quyền nuôi trẻ giữa bà Hạnh là mẹ hợp pháp của trẻ với bà K. là bà ngoại của trẻ chứ không phải là tranh chấp trong lĩnh vực hôn nhân gia đình thuộc điều luật mà Sở Tư pháp đã viện dẫn. Do tranh chấp này không được Bộ Luật tố tụng dân sự quy định nên tòa án không có cơ sở để thụ lý”. Địa phương lúng túng Ông Nguyễn Hữu Thiện, Trưởng phòng Tư pháp huyện Đức Cơ, phân trần: “Lúc đầu, chúng tôi chắc mẩm vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa nhưng sau nhiều cuộc họp bàn thì chúng tôi mới biết mình đã nhầm. Cũng có ý kiến nếu không xử lý dân sự thì chuyển sang xử lý hình sự. Nhưng do bà Hạnh đã tự nguyện viết giấy chuyển giao con cho bà K. nên đâu thể xử lý hình sự bà K. Chúng tôi đã báo cáo vụ việc đến Sở Tư pháp tỉnh và Bộ Tư pháp cả tháng nay nhưng vẫn chưa nhận được chỉ đạo cụ thể. Trước mắt, chúng tôi đã động viên, thuyết phục bà K. trả lại con cho chị Hạnh nhưng bà ấy không đồng ý…”. Bà Dương Thị Tú Mỹ, Trưởng phòng Bảo vệ và chăm sóc trẻ em – Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, cho biết: “Theo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, đứa trẻ trên có quyền được chung sống với cha mẹ. Sau khi nhận được nhiều đơn khiếu nại của bà Hạnh, Sở đã nhiều lần họp với huyện và tỉnh để bàn cách đưa trẻ về với mẹ nhưng chưa có kết quả. Sở đã gửi văn bản đề nghị các cơ quan sớm giải quyết và đang chờ phản hồi”. Có dấu hiệu phạm tội hình sự Luật sư Phạm Quốc Hưng (Đoàn luật sư TP.HCM) phân tích: Về pháp lý, bà Hạnh là mẹ hợp pháp của trẻ (giấy khai sinh thể hiện rõ điều này). Theo Điều 36 Luật Hôn nhân và gia đình, bà Hạnh có quyền chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. Giấy chuyển quyền nuôi con mà bà Hạnh đã làm không có giá trị pháp lý vì quyền nuôi dưỡng không phải là một quyền có thể chuyển giao. Do đó, bà ngoại đứa trẻ không thể căn cứ vào giấy này để giữ trẻ. Lại nữa, theo Điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình thì bà ngoại chỉ có quyền trông nom, chăm sóc, giáo dục chứ không có quyền nuôi dưỡng trẻ khi mà trẻ còn cha mẹ. Rõ ràng là hành vi giữ trẻ của bà K. đã vi phạm pháp luật. Công an huyện có thể mời bà K. đến giải thích, yêu cầu chấm dứt hành vi trái pháp luật này và giao trả con cho người mẹ. Nếu bà K. vẫn cố tình không chấm dứt hành vi trái pháp luật đó, công an huyện có thể xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em theo Điều 120 Bộ luật Hình sự. Theo điều luật này, người chiếm đoạt trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào có thể bị phạt tù từ ba đến mười năm. SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM - VĂN ĐOÀN  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật