Bản án của tòa án Việt Nam khó được công nhận và thi hành tại các quốc gia chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp với nước ta.Vụ một nữ MC truyền hình ở Việt Nam thắng kiện người chồng cũ ở nước ngoài, giành được quyền nuôi con đã đặt ra một vấn đề pháp lý: Làm sao để thi hành án bởi cháu bé đang sống với bà nội bên Mỹ. Theo nhiều chuyên gia, đây là chuyện rất nan giải… Luật sư Lê Thành Kính (Trưởng Văn phòng luật sư Lê Nguyễn) nhìn nhận dù bản án của tòa án Việt Nam trong vụ việc trên đã có hiệu lực pháp luật nhưng để thực thi tại Mỹ là rất khó. Khó về pháp lý Theo luật sư Kính, trước hết, giữa Việt Nam và Mỹ không có hiệp định tương trợ tư pháp. Về hình sự, trong một số trường hợp hai nước có sự tương trợ tư pháp theo nguyên tắc có đi có lại nhưng về mặt dân sự, hôn nhân và gia đình thì không và thường rơi vào bế tắc. Ở đây, nếu cháu bé có quốc tịch Việt Nam thì MC này có thể nhờ Bộ Ngoại giao tác động bằng con đường ngoại giao. Theo thông lệ quốc tế, Bộ Ngoại giao có thể yêu cầu Mỹ trao trả cháu bé, vốn là công dân Việt Nam. Nhưng nếu cháu bé mang quốc tịch Mỹ thì việc tác động bằng con đường ngoại giao có thể bị từ chối ngay. Còn trường hợp nếu MC này sang Mỹ yêu cầu tòa án Mỹ công nhận, cho thi hành bản án có hiệu lực của tòa án Việt Nam sẽ là con đường rất dài và tốn nhiều chi phí mà kết quả chưa chắc khả quan. Luật sư Kính dẫn chứng: Một doanh nghiệp lớn đề nghị thi hành một bản án của tòa án Việt Nam ở một nước có hiệp định tương trợ tư pháp với ta mà còn phải lao đao về chi phí vì mất cả năm chưa xong, huống hồ gì một công dân Việt Nam lặn lội sang tận Mỹ… Tốn kém chi phí Đồng tình, luật sư Châu Huy Quang, Hãng luật LCT Lawyers, phân tích thêm: Ngoài việc giữa Việt Nam và Mỹ chưa có hiệp định tương trợ tư pháp, hiện Việt Nam cũng chưa phải là thành viên của Công ước quốc tế Hague trong lĩnh vực dân sự về chống bắt cóc trẻ em năm 1980. Theo luật sư Quang, trong trường hợp Việt Nam là thành viên công ước (hiện có 60 thành viên, trong đó có Mỹ) thì MC này có thể nộp hồ sơ khởi kiện tại cả tòa án liên bang hoặc tiểu bang của Mỹ nơi đứa con cư ngụ để yêu cầu được quyền nhận lại con. Việc đi đòi con ở Mỹ còn có thể nhận được sự hỗ trợ từ Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ sức khỏe và nhân đạo của nước này (được thành lập để hỗ trợ thực thi Công ước Hague). Trung tâm sẽ cử chuyên gia tư vấn pháp lý và chi phí cho vụ kiện sẽ không quá cao. Vì Việt Nam chưa phải là thành viên của Công ước Hague nên việc đòi lại con theo phán quyết của tòa án Việt Nam khó khả thi. Bản án của tòa án Việt Nam sẽ khó được công nhận và thi hành tại Mỹ. Gặp trường hợp này, MC trên phải sang Mỹ khởi kiện tranh chấp lại quyền nuôi con tại tòa án tiểu bang nơi cháu bé đang sinh sống. Tòa án tiểu bang này sẽ đưa ra một phán quyết độc lập, có thể tương tự phán quyết của tòa án Việt Nam hoặc trái ngược. Bản án của tòa án Việt Nam chỉ được xem là một trong những nguồn chứng cứ bổ sung đơn khởi kiện để tòa án Mỹ xem xét. Đeo đuổi vụ kiện, ngoài việc bỏ ra chi phí khá lớn, đương sự còn khó có khả năng thắng bởi không thể đánh giá được toàn diện vụ việc. Đòi cấp dưỡng nuôi con: Vô chừng Một vấn đề tương tự cũng được đặt ra là khoản cấp dưỡng nuôi con. Nếu bên phải cấp dưỡng là người nước ngoài, ở nước ngoài thì làm sao để thi hành án? Luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết hiện có nhiều đương sự đến nhờ bà tư vấn để đòi cấp dưỡng với người chồng ở nước ngoài theo bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án Việt Nam. Thông thường, luật sư hướng dẫn đương sự cung cấp địa chỉ chính xác nơi ở của người chồng (vợ) cùng nơi làm việc tại nước ngoài. Sau đó, luật sư sẽ gửi bản án trên (đã được dịch ra tiếng Anh) lần đầu đến nơi ở của đương sự và yêu cầu thi hành án. Nếu đương sự không thực hiện, không hồi âm, luật sư sẽ tiếp tục gửi những hồ sơ đó đến nơi làm việc của đương sự, nhờ công ty động viên nhân viên tôn trọng, thi hành bản án. Nếu vẫn không chịu, luật sư sẽ gửi bản án dịch ra tiếng Anh cùng đơn yêu cầu giúp đỡ đến Lãnh sự quán Việt Nam nhờ giúp đỡ. Tuy nhiên, luật sư Hòa thừa nhận những cách làm này chỉ mang tính động viên là chính chứ không có tính bắt buộc đối với người nước ngoài. Vì vậy cơ hội để đòi được tiền cấp dưỡng cũng rất vô chừng. Còn trường hợp đương sự muốn gửi bản án của tòa án Việt Nam sang nước ngoài để được công nhận và thi hành, nhất là ở những nước chưa có hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam là chuyện trên lý thuyết. Nhiều vụ sau khi được tư vấn thấy rằng đây là một quá trình rất khó khăn cả về pháp lý lẫn chi phí, đương sự đã bỏ cuộc ngay từ đầu.
Ở nước ta, hiện việc công nhận và cho thi hành một bản án nước ngoài về hôn nhân và gia đình cũng đang gặp vướng mắc. Theo một cán bộ TAND TP.HCM, Bộ luật Dân sự có quy định về việc công nhận và cho thi hành bản án hay phán quyết của nước ngoài tại Việt Nam nhưng lại không hề có văn bản nào hướng dẫn cụ thể. Do vậy, các tòa không thụ lý và thường nói đương sự về nộp đơn khởi kiện lại để tòa trực tiếp giải quyết. Đó là chưa kể còn yếu tố xung đột pháp luật. Một thẩm phán kể cách đây không lâu, một người chồng quốc tịch Úc đến nộp đơn yêu cầu công nhận, cho thi hành bản án của tòa án Úc. Theo đó, ông này được ly hôn với người vợ Việt Nam, được quyền nuôi con (đang do người vợ nuôi). Tòa không thể giải quyết vì người vợ trình bày là bà không nhận được thông báo xét xử của tòa án Úc. Tại Úc, thủ tục tống đạt được chia làm hai dạng thông thường và đặc biệt. Trong vụ này, tòa án Úc áp dụng thủ tục thông thường, tức tòa chỉ gửi thông báo qua bưu điện, không cần biết người vợ có nhận được hay không. Mà như vậy lại trái với nguyên tắc tống đạt hợp lệ ở ta. Hiện Việt Nam chỉ mới ký hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự với khoảng 15 nước trong khi một số nước có kiều bào Việt Nam sinh sống khá đông thì chưa ký như Mỹ, Úc… Nước ta cần đẩy mạnh việc ký hiệp định tương trợ với nhiều nước nữa, chứ nguyên tắc có đi có lại trong quan hệ ngoại giao là vô chừng lắm. Một lãnh đạo Tòa Dân sự TAND TP.HCM Ngay cả khi người nước ngoài đang sinh sống ở Việt Nam thì việc buộc họ thi hành án cũng rất khó khăn nếu họ không tự nguyện. Chẳng hạn, tòa buộc người chồng nước ngoài phải cấp dưỡng nuôi con hằng tháng cho vợ nhưng khi người vợ nộp đơn yêu cầu thi hành án là gặp vướng ngay. Bởi khi đó, người vợ phải cung cấp cho cơ quan thi hành án thông tin, hoàn cảnh, điều kiện của người chồng cùng với sự xác minh của cơ quan chức năng. Việc này là quá sức đối với đương sự. Chưa kể người chồng lại có thể không cư trú ổn định một chỗ… Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU(Đoàn Luật sư TP.HCM)
Một số vụ tương tự Bị tạm giữ vì tự ý đưa con về Tháng 5-2008, trong một chuyến du lịch tới Mỹ, diễn viên Lý Hương đã bị tạm giữ, quản chế vì định đưa con về Việt Nam mà không có sự đồng ý của người chồng cũ là ông Tony Lam. Hành vi này bị phía Mỹ quy kết là bắt cóc con gái vì chống lại án lệnh của tòa án Mỹ. Trước đó, trong vụ ly hôn của diễn viên này tại Việt Nam, tòa tuyên giao cháu Princess Lam (quốc tịch Mỹ) cho Lý Hương nuôi, bác yêu cầu đòi nuôi con của ông Tony Lam. Tuy nhiên, bản án này không được phía Mỹ đồng thuận nên Tòa án gia đình tiểu bang New York đã xét xử vụ việc và ra án lệnh tạm thời giao cháu Princess Lam cho ông Tony Lam giám hộ. Bỏ cuộc vì chi phí quá cao Trước đây, chị A. ngụ Kiên Giang kết hôn với người chồng quốc tịch Mỹ và có đứa con trai ba tuổi. Sau khi người chồng bỏ về nước, chị A. nộp đơn đến tòa án tỉnh xin ly hôn, nuôi con nhỏ và đòi tiền cấp dưỡng. TAND tỉnh xử vắng mặt người chồng, chấp nhận các yêu cầu của chị và và buộc người chồng cấp dưỡng nuôi con 500 USD/tháng. Sau đó, chị nhờ một văn phòng luật sư hỗ trợ để được thi hành án. Khi bản án của tòa án Việt Nam được chuyển qua Mỹ, do giữa hai nước không có hiệp định tương trợ tư pháp nên tòa án Mỹ nơi người chồng cư trú không công nhận và cho thi hành. Vì vậy, chị A. dự định chuẩn bị lại hồ sơ khởi kiện đòi ly hôn và cấp dưỡng tại tòa án Mỹ. Tuy nhiên, chị đã bỏ cuộc sau khi được tư vấn biết chi phí kiện tụng rất cao. Cụ thể, chị phải chịu rất nhiều loại chi phí: Phí tống đạt quyết định, phí thừa phát lại, phí hồ sơ, phí phán quyết, án phí… Chưa kể, chị còn có thể phải sang tận Mỹ để trả lời những câu hỏi của tòa án nước này, cũng như phải trả công cho luật sư bên Mỹ.SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM Trích dẫn từ: http://phapluattp.vn/20100415102859907p0c1063/mot-nu-mc-gianh-quyen-nuoi-con-dang-o-nuoc-ngoai.htm
Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central Fied , Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"