TRANH CHẤP MUA BÁN CỔ PHIẾU GIỮA VIGECAM VÀ VINACAM: HỢP ĐỒNGTRÁI LUẬT, TÒA VẪN BUỘC THỰC HIỆN?

Một vụ chuyển nhượng cổ phiếu trái luật, gây thất thoát cho nhà nước nhiều tỷ đồng do ông Trần Văn Khánh (nguyên Tổng giám đốc Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp – Vigecam, người đã bị khởi tố, bắt tạm giam do liên quan đến một loạt vụ tiêu cực khác tại Vigecam) đã ký kết trước đó. Đáng lẽ vụ việc này cũng phải được khởi tố để điều tra thì lại được TAND Hà Nội "hợp thức hóa" bằng một vụ án, kinh tế và bất ngờ hơn là phán xét của Tòa lại "chấp nhận" kết quả chuyển nhượng mà nhiều cơ quan chuyên môn cho là trái luật. "Nhắm mắt" ký hợp đồng trái luật Được biết, trước đó Vigecam là cổ đông sáng lập sở hữu 43.400 mệnh giá 100.000/01 cổ phần tại Bảo Minh. Sau này Bảo Minh qui đổi thành 434.000 cổ phần mệnh giá 10.000/01 cổ phần. Ngày 24.8.2005, người đại diện của Vigecam, lúc đó là ông Trần Văn Khánh đã ký hợp đồng số 01: HĐCN/05 chuyển nhượng toàn bộ 43.400 cổ phần trên cho Cty cổ phần vật tư nông nghiệp (Vinacam) với giá 130.000/01 cổ phần (đúng bằng giá khi Vigecam góp vốn vào Bảo Minh, trong khi giá thị trường tại thời điểm này là 280.000/01 cổ phần) với số tiền là 5.642.000.000 đồng, khiến Nhà nước bị thất thoát hơn 7 tỷ đồng. Việc ký hợp đồng này, không được tổ chức đấu giá theo qui định nên đã gây thất thoát nghiêm trọng tài sản của Nhà nước. Song, do quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ của Bảo Minh cấm việc chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông sáng lập trong thời hạn 3 năm (chỉ đến tháng 09.2007 mới được chuyển nhượng) nên trong hợp đồng chuyển nhượng nêu trên có thêm nội dung: Bên A sẽ sang tên cổ phần…cho bên B ngay sau thời gian cho phép. Sau đó, Vinacam đã thanh toán hết tiền mua cổ phần cho Vigecam. Tháng 5.2007, Bảo Minh tăng vốn điều lệ và có chính sách ưu tiên cho các cổ đông cũ được mua thêm với tỷ lệ số cổ phần được mua thêm bằng 40% so với số cổ phần đang nắm giữ với giá 150.000/01 cổ phiếu. Do lúc này cổ phần vẫn mang tên Vigecam nên ông Khánh lại tiếp tục uỷ quyền cho Vigecam đứng tên Vigecam mua 173.600 cổ phần. Thời điểm này cổ phiếu Bảo Minh đã đăng ký trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh với giá khoảng 250.000/01 cổ phiếu, khiến Nhà nước bị thất thoát hơn khoảng 17 tỷ đồng. Trước tháng 10.2007, đến thời hạn phải sang tên cổ phần thì tại Vigecam xảy ra nhiều "lình xình" (các cơ quan pháp luật đã khởi tố, điều tra và bắt giam lãnh đạo Vigecam là ông Trần Văn Khánh). Vì vậy, Hội đồng quản trị mới của Vigecam đã xin ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc có chuyển nhượng – sang tên số cổ phần này cho Vinacam hay không?. Ngày 20.8.2007, Bộ này có công văn số 2314 hỏi ý kiến Bộ Tài Chính về việc này và Bộ Tài chính đã có văn bản trả lời: Theo pháp luật, số cổ phần này được xem là tài sản Nhà nước. Việc chuyển nhượng phải thông qua tổ chức đấu giá, không được chuyển nhượng như hợp đồng đã ký trước đây. Trước ý kiến của cơ quan chủ quản và cơ quan chuyên môn, Hội đồng quản trị mới của Vigecam đã đề nghị Vinacam huỷ hợp đồng số 01: HĐCN/05 đã ký và bồi thường lãi suất theo luật định. Không đồng ý với đề nghị này, Vinacam đã khởi kiện ra toà yêu cầu: Tiếp tục chuyển nhượng – sang tên số cổ phần theo hợp đồng và đòi bồi thường gần 62 tỷ đồng tiền chênh lệch giá cổ phiếu, cùng lãi suất (tháng 09.2007), giá cổ phần rất cao (92.020/01 cổ phần), đến tháng 12.2008 xuống thấp (16.000/01 cổ phiếu).   Có dấu hiệu vi phạm hình sự Với những dấu hiệu hình sự của ông Khánh trong khi việc tự ý bán số cổ phần này không xin ý kiến Bộ, đặc biệt là không tổ chức đấu giá, làm thiệt hại nghiêm trọng tài sản Nhà nước, đáng ra Toà phải chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý để bảo vệ tài sản Nhà nước. Nhưng không ngờ TAND TP. Hà Nội vẫn tích cực thụ lý, xét xử vụ án theo trình tự thủ tục tố tụng kinh tế. Ngày 12.2.2009, TAND TP. Hà Nội đưa ra phán quyết buộc Vigecam phải tiếp tục thực hiện hợp đồng số 01: HĐCN/05 trái luật nêu trên và bồi thường cho Vinacam gần 50 tỷ đồng vì "can tội" thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (không thực hiện hợp đồng mà ông Khánh đã ký). Với phán quyết này, vô hình trung những sai trái của nguyên Tổng Giám đốc Trần Văn Khánh đã được "hợp pháp hóa".! Theo Luật sư Trần Hoàng Anh (Đoàn Luật sư Hà Nội) thì việc Tòa đưa ra phán quyết Vigecam phải tiếp tục thực hiện hợp đồng trái luật nêu trên là không thể chấp nhận được vì theo khoản 2 Điều 131, Bộ luật Dân sự quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự thì giao dịch dân sự muốn có hiệu lực phải đáp ứng hoàn toàn 04 điều kiện, trong đó có điều kiện: "Mục đích và nội dung của giao dịch không trái pháp luật, đạo đức xã hội". Song, nội dung hợp đồng số 01: HĐCN/05 không đúng theo quy định của pháp luật – trái với Quy chế quản lý tài chính Công ty Nhà nước nêu trên thì đương nhiên hợp đồng này bị vô hiệu. Mặt khác, cũng theo luật sư Hoàng Anh thì ngày 28.11.2006, Bảo Minh chuyển thành công ty đại chúng và cổ phần được niêm yết, giao dịch mua bán trên Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Như vậy kể từ ngày này, mọi sự chuyển nhượng mua bán cổ phần của Bảo Minh phải tuân thủ theo các quy định tại Luật Chứng khoán. Theo quy định tại Điều 41 Luật Chứng khoán thì chứng khoán đã niêm yết tại Sở hay Trung tâm Giao dịch chứng khoán thì không được giao dịch – mua bán bên ngoài. Theo qui định tại Luật Chứng khoán, Nghị định 14 của Chính phủ ngày 19.01.2007… thì mọi giao dịch chứng khoán niêm yết được tổ chức theo nguyên tắc đấu giá với kỹ thuật khớp lệnh trên sàn Chứng khoán. Như vậy việc hợp đồng số 01: HĐCN/05 thoả thuận mua bán trực tiếp theo giá thoả thuận và trao tay là trái với các quy định này nên không thể thực hiện được. Theo luật sư Hoàng Anh việc không thể thực hiện hợp đồng không phải mong muốn chủ quan hay do lỗi của Vigecam mà do các yếu tố khách quan ngoài dự kiến. Trường hợp này pháp luật gọi là rơi vào tình trạng bất khả kháng do sự thay đổi của luật pháp, một yếu tố nằm ngoài dự liệu của cả hai bên. Theo quy định tại khoản 2 Điều 308 Bộ luật Dân sự thì: " Trong trường hợp người có nghĩa vụ dân sự không thể thực hiện được nghĩa vụ dân sự do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự…". Việc cả 2 bên ký vào hợp đồng khi biết rằng hợp đồng là trái pháp luật cho thấy cả 2 bên có lỗi. Trong trường hợp có thiệt hại mà các bên đều có lỗi thì mỗi bên tự chịu phần thiệt hại của mình. Vì vậy, việc Tòa tuyên buộc Vigecam bồi thường cho Vinacam là không có căn cứ pháp lý.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật