TRANH CHẤP HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH: PHIÊN TÒA “THAY ĐỔI NGƯỜI TRỰC TIẾP NUÔI CON SAU KHI LY HÔN” TẠI TÒA ÁN Q.7 – MỘT PHIÊN TÒA BẤT CÔNG!

THÙY DƯƠNG "Trong hai năm qua, những lúc bé ốm đau, bệnh tật thì anh ấy ở đâu? Chẳng lẽ, tôi làm công nhân vệ sinh thì không có quyền làm mẹ sao?". Bức xúc của chị Nguyễn Thị Lan (Q.7) cũng là của đa số người dự khán phiên tòa xét xử thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn tại tòa án Q.7. Một câu hỏi lớn đặt ra: liệu có điều gì khuất tất trong phiên tòa này? Sáng 21/5, TAND Q.7, TP.HCM đã mở phiên tòa xét xử vụ kiện "Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn" giữa nguyên đơn là anh Nguyễn Văn Thuận (SN 1980 ở P.10, Q. Gò Vấp) và bị đơn là chị Nguyễn Thị Lan (SN 1979 ở P. Bình Thuận, Q.7). Hội đồng xét xử (HĐXX) đã tuyên án: giao bé Nguyễn Trọng Trí, sinh năm 2003, cho anh Thuận nuôi dưỡng. Ngay sau bản án được tuyên, chị Lan đã òa khóc, cho rằng bản án không công bằng. Bức xúc của chị được những người dự khán phiên tòa đồng cảm, chia sẻ. Chị Lan và anh Thuận kết hôn năm 2003, đến giữa năm 2007 thì cả hai thuận tình ly hôn. Hai bên thỏa thuận, chị Lan được quyền nuôi con và anh Thuận trợ cấp 300.000đ/tháng. Tuy nhiên, sau đó anh Thuận không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Để có tiền nuôi con, chị Lan đã nhận trông coi nhà vệ sinh công cộng tại BV Từ Dũ từ 7g sáng đến 9g tối. Hàng ngày, 6g30 chị thức dậy đưa con đi học rồi đi làm. Đến 4g, chị đón con và đưa bé đi học chữ. Sau đó, chị rước bé về chỗ làm (có một phòng riêng sinh hoạt) để bé nghỉ ngơi, xem hoạt hình và 9g hai mẹ con cùng về nhà. Theo chị Lan, suốt hai năm chị nuôi bé Trí, anh Thuận không một lần đến thăm. Dù vậy, mỗi cuối tuần (chiều thứ sáu) chị Lan đều cho con về nhà nội chơi. Nhưng ngày 21/11/2008, khi chị đến rước con thì gia đình anh Thuận không cho. Chị Lan đã đến nhà anh Thuận nhiều lần và làm đơn gửi chính quyền địa phương, cơ quan thi hành án để xin thi hành án giao con, nhưng vẫn chưa được nhận con.   Anh Thuận cũng gửi đơn ra tòa án xin thay đổi quyền nuôi con. Anh cho rằng, chị Lan không đủ điều kiện nuôi con, do chị sống nhà thuê; hay chở bé Trí đi chơi đến 11-12g khuya, cho bé nghỉ ngơi trong khu nhà vệ sinh sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Tại phiên xử, chị Lan đã chứng minh: thu nhập của chị một tháng là 4,5 triệu đồng (chưa kể thu nhập mua bán bánh, kẹo, thuốc lá…), chị đủ điều kiện lo cuộc sống của hai mẹ con. Thậm chí, chị còn mướn người phụ việc để có nhiều thời gian dành cho con hơn. Nhưng những minh chứng của người mẹ đã bị tòa bác, còn lời khai, yêu cầu của anh Thuận lại được chấp nhận, dù có phần vô lý. Cụ thể, anh Thuận cho rằng chị Lan thường xuyên đi xem đua xe với người yêu và chở bé Trí theo. Anh đưa ra bốn nhân chứng, nói rằng thấy chị Lan đi chơi nhưng không hề có chứng cứ rõ ràng hay xác định ngày tháng. Vậy mà, đây được xem là một trong những lý do để tòa tước quyền nuôi con của chị Lan. HĐXX còn "hợp thức hóa" lời khai này bằng nhận định: điều này (việc chị Lan đưa con đi chơi khuya) phù hợp với lời khai của chị Lan ngay tại phiên tòa: khi vào cuối tuần đi rước con về, chị ghé công viên cho con chơi đến 9g30! Tòa cũng cho rằng, theo hợp đồng lao động, chị Lan phải làm việc từ 5g đến 21g, nên không đủ thời gian chăm sóc con. Dù trên thực tế, chị có thuê người phụ việc và chính chị đưa con đi học. Trong khi anh Thuận khai vừa mua bán cơm tấm, vừa làm tài xế – nhưng tòa không hề hỏi xem anh làm việc một ngày bao nhiêu giờ, có thời gian để chăm con? (Chị Lan cho rằng anh Thuận đi suốt, giao phó con cho ông bà nội. Còn bà nội cũng phải mua bán từ 4g chiều đến tối). Ngoài ra, còn một lý do tòa chấp thuận yêu cầu của anh Thuận là vì chính quyền địa phương (P.10, Q.Gò Vấp) đã xác nhận anh Thuận có nghề nghiệp ổn định, gia đình khá giả, chăm sóc con tốt và cháu bé đang đi học ở nhóm trẻ gia đình, cuộc sống ổn định. Để công bằng và thuyết phục, tại sao tòa chỉ yêu cầu xác minh phía gia đình anh Thuận, mà không yêu cầu chính quyền địa phương nơi chị Lan sinh sống, xác minh xem chị chăm sóc con tốt không, có ngược đãi, bỏ rơi con không? Trong phần xét hỏi, thẩm phán Lê Thanh Phong – chủ tọa phiên tòa hỏi chị Lan: "Anh chị đều cho rằng mình thương con, vì con. Và chị nói trước đây anh Thuận không làm tròn vai trò người cha. Vậy bây giờ chị có thể cho anh Thuận một cơ hội để làm người cha tốt?". Tại sao tòa không đặt câu hỏi đó với anh Thuận? Điều 93, Luật Hôn nhân – Gia đình 2000 quy định: "Vì lợi ích của con, theo yêu cầu của một hoặc cả hai bên, tòa án có thể quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được thực hiện trong trường hợp người trực tiếp nuôi con không bảo đảm quyền lợi về mọi mặt của con và phải tính đến nguyện vọng của con, nếu con từ đủ chín tuổi trở lên". Ở đây, anh Thuận không có chứng cứ rõ ràng chứng minh chị Lan nuôi con không tốt, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ và chị Lan chẳng những không ngăn cản, mà còn tạo điều kiện cho nhà nội thăm nuôi theo quy định của pháp luật. Trong khi đó, từ lúc gia đình anh Thuận bắt giữ bé Trí, đã không những không cho chị Lan đến thăm mà còn chửi mắng, đánh đập khi chị đến xin phép đón con về ăn tết vào ngày 15/1/2009. Tại sao tòa lại không đề cập đến những chi tiết này?). Chị Lan bức xúc: "Tòa đã xử ép tôi, toàn hỏi những điều có lợi cho anh Thuận. Nếu anh Thuận thương con, trong hai năm tôi nuôi con, những lúc bé ốm đau, bệnh tật thì anh ấy đang ở đâu? Có biết nỗi khổ của một người mẹ một mình nuôi con? Chẳng lẽ, tôi làm công nhân vệ sinh, ở nhà thuê thì không có quyền làm mẹ sao?". Bức xúc của chị Lan cũng là của đa số những người dự khán hôm đó. Một câu hỏi lớn được đặt ra ở đây: liệu có điều gì khuất tất trong phiên tòa này?

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật