TRANH CHẤP HÔN NHÂN: LẤY CHỒNG . . . KHÔNG GIẤY

KHÁNH LY

Tổ chức đám cưới linh đình nhưng lại quên đăng ký kết hôn, thế là bị thiệt!

Chị T. (quận Tân Phú, TP.HCM) lấy chồng và làm thủ tục kết hôn ở ngoài Bắc rồi vào TP.HCM lập nghiệp. Chăm chỉ làm ăn, vợ chồng chị trở nên khấm khá, mua nhà, lập xưởng sản xuất. Nhưng lúc này, chồng chị bắt đầu phải lòng một phụ nữ khác… Mất cả chồng lẫn của Năm 2007, khuyên nhủ chồng không được, chị T. đồng ý ra tòa ly hôn. Phần tài sản chung gồm hai căn nhà khi đó không ra tòa chia mà mỗi người ở một căn. Chị T. nuôi con nhỏ và tiếp tục công việc kinh doanh. Tuy nhiên, người chồng sau một năm sống với cô vợ trẻ thì ly dị. Tình nghĩa vợ chồng vẫn còn và vì thương con nên chị T. đồng ý quay về sống chung với chồng cũ. Điều dại dột là chị không yêu cầu chồng làm giấy đăng ký kết hôn lại. Từ chuyện hợp thức hóa đến chuyện sửa sang hai căn nhà đều do chị T. lấy tiền riêng đưa chồng lo liệu. Chồng muốn làm ăn riêng, chị cũng gom góp đưa vốn cho chồng. Nhưng rồi chị phát hiện chồng lén lút chung sống với phụ nữ khác và đã có cả con riêng. Đã vậy, anh chồng còn lên tiếng đòi chiếm luôn cái xưởng sản xuất tuy đứng tên anh nhưng phần lớn là vốn liếng của chị. Đến nước này thì chị T. đành tiễn chồng và tiễn cả số tài sản đáng kể của mình theo chồng. Trường hợp của V. (sinh viên một trường ở Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng buồn không kém. Đầu năm 2009, V. lỡ có bầu. Người yêu của V. cũng chỉ ở độ tuổi 20, không học hành nên gia đình mở cho một cửa hàng nhỏ để tự kinh doanh. Đám cưới được tổ chức với đầy đủ nghi lễ nhưng vợ chồng V. chưa vội đăng ký kết hôn vì cho rằng không mấy quan trọng. Gia đình cho ít vốn làm của hồi môn, V. đưa luôn một phần cho chồng kinh doanh, mua xe máy và vật dụng sinh hoạt.   Chỉ vài tháng sau khi cưới, gia đình chồng đã tỏ ý chê bai, hành hạ V. đủ điều. Chồng V. sợ bố mẹ, không dám đứng ra nói giùm vợ mà còn quay ra nghi ngờ đứa con không phải của mình. V. giận chồng bỏ về nhà bố mẹ vài hôm thì nhà chồng lấy cớ đó đuổi luôn con dâu, cấm con trai thăm nom vợ con. Lúng túng khi đôi ngả chia ly Giận người chồng phụ bạc, chị T. muốn khởi kiện ra tòa để phân chia rạch ròi. Tuy nhiên, quan hệ của chị và chồng đã không được pháp luật công nhận vì không có giấy kết hôn khi cưới lại. Do vậy, nếu muốn phân chia (thật ra là đòi lại tài sản) thì chị phải chứng minh được công sức đóng góp của mình trong quá trình tạo lập số tài sản đó. Chị T. băn khoăn, lo lắng bởi hồi tình cảm vợ chồng còn mặn nồng, khi chi tiêu hay đưa tiền cho chồng kinh doanh chị đâu nghĩ tới cảnh có ngày chia tay để ghi lại. Bởi vậy tới giờ chị cũng đành ngậm bồ hòn vì không biết tìm chứng cứ ở đâu. Còn V. trước cảnh bị chồng và gia đình chồng hắt hủi cũng quyết định chia tay, dọn về nhà bố mẹ ở và tiếp tục việc học. V. chỉ yêu cầu chồng có trách nhiệm cấp dưỡng cho đứa con sắp chào đời. Nhưng anh này đã không đồng ý mà còn phũ phàng nói đó không phải con mình. Quá đau khổ, V. cũng không có ý định đòi lại phần tài sản của mình bởi nếu đòi lại thì cô cũng không có giấy tờ gì để chứng minh. Chỉ biết vừa tủi thân vừa thương cho đứa con không cha mỗi khi nghĩ tới tương lai. Giấy kết hôn là bùa hộ thân Theo luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên (Đoàn Luật sư TP.HCM), từ sau ngày 1-1-2001 (thời điểm Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 có hiệu lực), hai người chung sống với nhau nếu không có giấy chứng nhận kết hôn thì pháp luật sẽ không công nhận là vợ chồng. Trong trường hợp này, tòa sẽ không chia đôi tài sản mà tùy theo công sức đóng góp của mỗi người trong quá trình sống chung. Ai nói số tài sản đó là của mình thì phải tập hợp chứng cứ như giấy tờ, hóa đơn để chứng minh. Nhưng việc chứng minh này rất khó khăn vì lúc còn hạnh phúc, có mấy ai lại ghi chép cụ thể chuyện chi tiêu trong nhà. Ngoài chuyện chia tài sản, sẽ rất tội cho những đứa trẻ sinh ra khi bố mẹ chúng không đăng ký kết hôn rồi chia tay mà người cha lại không thừa nhận. Khi đó, trong giấy khai sinh, đứa con chỉ được mang họ mẹ. Nếu muốn con mang họ cha, người mẹ phải kiện yêu cầu truy nhận cha cho con. Tòa sẽ xác minh bằng nhiều cách, trong đó có xét nghiệm DNA. Việc đó không chỉ mất thời gian, phức tạp mà còn gây tâm lý nặng nề, buồn phiền cho người mẹ. Luật sư Hồng Liên chân tình đưa ra lời khuyên: “Tình cảm dù có mặn nồng đến mấy cũng nhớ đăng ký kết hôn. Đừng nghĩ đó chỉ là chuyện thủ tục mà còn là bảo chứng cho tình cảm nồng thắm, nghiêm túc”. Bà Trần Thị Hồng Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tình yêu-hôn nhân-gia đình (Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam), cho biết: “Qua thực tế tư vấn, tôi gặp không ít cặp cưới nhau nhưng không làm thủ tục đăng ký kết hôn vì nhiều nguyên nhân. Có người không làm thủ tục vì chưa hiểu biết về Luật Hôn nhân và Gia đình. Cũng có trường hợp cho rằng việc này không quan trọng, chỉ đề cao tình cảm đôi bên khi về sống với nhau. Hoặc có người biết luật nhưng chưa thật sự muốn gắn bó suốt đời với người cùng chung sống nên chần chừ chưa đăng ký. Khi họ hạnh phúc thì sẽ không sao nhưng khi xảy ra mâu thuẫn, sự thiệt thòi thường nghiêng về phía phụ nữ”.

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật